(Tổ Quốc) - "Tôi cho rằng đến hết quý II, khó có cơ hội nào quá tốt nữa, ngoại trừ quá trình nâng hạng có diến biến mới – việc này khó xảy ra", Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) nêu nhận định .
Thị trường tuần qua diễn biến không mấy tích cực khi giảm mạnh trong hai phiên cuối tuần. Thanh khoản trong phiên cuối tuần cũng giảm mạnh cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ. Theo góc nhìn chuyên gia, thị trường tuần tới sẽ diễn biến như thế nào?
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Trong tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng thị trường sẽ dễ dàng vượt đỉnh, nhưng khi nhìn lại bối cảnh chung tôi nhận thấy không có yếu tố nào tích cực mới ở thời điểm hiện tại.
Đầu tiên, mùa kết quả kinh doanh và Đại hội cổ đông đã bắt đầu và không ít cổ phiếu, trong đó có các cổ phiếu lớn có những phiên tăng đột biến nhờ có thông tin hỗ trợ tích cực. Sức ảnh hưởng của mùa KQKD và ĐHCĐ sẽ nhạt dần từ nửa sau tháng Tư. Mặt khác, thông tin nổi bật trong tuần qua là việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng rất mạnh, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10Y vượt hẳn 2,5% kèm theo sự đảo ngược đường cong diễn ra trước đó, diễn biến này ảnh hưởng đến toàn bộ các loại tài sản trên phạm vi toàn cầu. Về diễn biến thị trường trong nước tiếp tục xử lý sai phạm liên quan đến lĩnh vực chứng khoán khiến tâm lý ít nhiều bị ảnh hưởng.
Theo đó, mặc dù nhiều nhóm cổ phiếu lớn kéo VN-Index tiếp cận vùng đỉnh cũ, song có thể thấy cấu trúc thị trường nhìn chung không mấy tích cực, ngay cả trong những phiên tăng độ rộng thị trường đều rất tiêu cực, số mã giảm áp đảo số lượng mã tăng và đa phần các cổ phiếu trên thị trường mất đi xu hướng tăng ngắn hạn.
Một ý quan trọng cần nói thêm ở đây, diễn biến tuần qua càng khẳng định thêm dòng tiền năm nay không "khoẻ". Bởi thông thường trên thế giới hay ở Việt Nam, quãng thời gian này – mùa KQKD và ĐHCĐ, mùa "Earnings season" là mùa dễ để kiếm tiền trên thị trường, nhưng thị trường vẫn không có nhiều cải thiện trên phạm vi toàn cầu, đây là tín hiệu không mấy tích cực. Như vậy từ đầu năm đến giờ, thị trường đã bỏ qua 2 cơ hội để bứt phá tốt là sau Tết Nguyên Đán và Đầu mùa KQKD (đầu tháng Tư vừa qua). Do đó, tôi cho rằng đến hết quý II, khó có cơ hội nào quá tốt nữa, ngoại trừ quá trình nâng hạng có diễn biến mới – việc này khó xảy ra. Với dòng tiền yếu đi như vậy, cần đánh giá thường xuyên các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường để cập nhật các kịch bản, trong đó 3 yếu tố anh quan tâm nhất là (1) lạm phát trong nước (2) FED và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (3) Diễn biến xung đột tại Ukraine.
Dù vậy, diễn biến thị trường tuần tới cũng không quá bi quan, bởi thông thường trong trạng thái đi ngang của thị trường khi 80-90% cổ phiếu điều chỉnh xong, thị trường sẽ dễ tạo đáy ngắn hạn ở quanh vùng hỗ trợ - cận dưới của biên giao dịch. Do đó, dù áp lực khi bắt đầu tuần mới sẽ vẫn còn và nếu thị trường có điều chỉnh thêm thì nhà đầu tư vẫn có thể dần thăm dò mua các vị thế ngắn hạn trở lại.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Theo góc nhìn của tôi, chỉ số đang bị tác động bởi khá nhiều các tin tức tiêu cực liên quan đến các doanh nghiệp lớn trên thị trường. Điều này khiến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư không ổn định, dẫn đến việc bán tháo để rút tiền về phòng thủ. Thêm vào đó, việc chỉ số tiệm cận vùng đỉnh cũng khiến áp lực chốt lời gia tăng, trong khi lực cầu vẫn khá dè dặt. Điều đó dẫn đến việc điều chỉnh giảm của thị trường.
Hiện tại chỉ số đã điều chỉnh về quanh vùng hỗ trợ 1.480 điểm, đây được đánh giá là vùng nền cứng khi VN-Index có một thời gian dài đi ngang tích lũy tại đây. Trong trường hợp tích cực, tôi kỳ vọng dòng tiền bắt đáy sẽ được kích hoạt để giúp VN-Index phục hồi và bật tăng trở lại. Ngược lại, nếu áp lực bán lớn tiếp tục đè nặng khiến ngưỡng hỗ trợ này bị thủng, chỉ số có thể tìm về quanh mốc 1.470 điểm (tương ứng với đường trung bình động EMA200). Vì vậy, tôi dự báo tuần tới thị trường sẽ dao động trong biên độ 1.470- 1.510 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, khối phân tích CTCP Chứng khoán VnDirect: Thị trường tuần qua đã đã có diễn biến trái ngược so với những tuần trước do tâm lí nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ vụ việc trái phiếu doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh bị thu hồi do sai phạm về quy định phát hành và một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý. Tôi đánh giá cao việc Chính phủ thời gian gần đây đã có những động thái quyết liệt trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng trên thị trường chứng khoán, bất động sản.
Về dài hạn, điều này sẽ giúp thanh lọc thị trường, đưa thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam hoạt động minh bạch, hiệu quả, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô trong nước. Điều này là yếu tố tiên quyết giúp củng cố niềm tin của Nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán, giúp thị trường phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Những biến động vừa qua có thể khiến tâm lý nhà đầu tư dao động trong ngắn hạn, kích hoạt việc bán ra của một bộ phận nhà đầu tư để phòng ngừa rủi ro, qua đó khiến các chỉ số chứng khoán điều chỉnh ngắn hạn. Tuy vậy, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm tích cực đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 nhờ (1) nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh và vững chắc hơn trong các quý tới, (2) Chính phủ đẩy mạnh thực hiện gói kích thích kinh tế vừa được ban hành hồi đầu năm, (3) Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao trong năm 2022 (dự báo đạt 23% trên sàn HOSE).
Có thể thấy, tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư đến từ các tin đồn xấu trong nhiều ngày qua. Trước những thông tin tiêu cực bủa vây thị trường, nhà đầu tư nên hành động như thế nào thưa ông?
Ông Bùi Văn Huy: Như tôi đã phân tích ở trên, không phủ nhận tâm lý tiêu cực đến một phần từ các tin đồn xấu trong tuần qua, song đó không phải yếu tố chính yếu, căn bản là bối cảnh thị trường không phải quá thuận lợi và dòng tiền suy yếu. Nếu trong một bối cảnh thuận lợi hơn và dòng tiền khỏe hơn, các tin đồn xấu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vậy.
Tôi cho rằng nhà đầu tư chỉ cần tỉnh táo một chút thì chắc chắn sẽ thấy các tín hiệu cảnh báo và thị trường khó vượt đỉnh một cách dứt khoát được. Nhưng sức cám dỗ của việc kỳ vọng chỉ số vượt đỉnh, cũng như nỗi sợ bị bỏ lại phía sau là rất lớn, khiến đôi lúc số đông phớt lờ đi bối cảnh thị trường và những tín hiệu cảnh báo đó. Do đó sự khách quan và kỳ vọng hợp lý khi đánh giá thị trường là rất quan trọng.
Tại sao ở thị trường Việt Nam, các tin đồn lại luôn có sức ảnh hưởng như vậy? Đây là câu hỏi cũng nên được các cơ quan quản lý quan tâm? Liệu rằng các kênh thông tin chính thống chưa làm được hết vai trò của mình và chưa tạo được niềm tin ở nhà đầu tư? Đó là câu hỏi và là thực trạng cần được các cơ quan quản lý thị trường quan tâm.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Hiện tại có rất nhiều tin tức tiêu cực đến từ các nguồn không chính thống. Do đó, tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh và thận trọng đánh giá độ tin cậy và mức độ ảnh hưởng của các thông tin tới mã cổ phiếu trong danh mục. Hạn chế tối đa việc hoảng loạn bán tháo. Thêm vào đó, nhà đầu tư cũng cần lên kế hoạch rõ ràng với từng mã cổ phiếu trước khi thực hiện mua bán hoặc cắt lỗ. Với những mã có câu chuyện tăng trưởng mang tính dài hạn, bền vững, thích hợp để đầu tư trung và dài hạn thì nên nắm giữ chờ đợi thị trường ổn định. Ngược lại với những mã chỉ có câu chuyện đầu cơ trong ngắn hạn thì sẽ phù hợp để trading "đánh nhanh rút gọn", và cần tuân thủ tuyệt đối kỷ luật trading.
Nhiều cổ phiếu đầu cơ, nhất là cổ phiếu bất động sản trải qua thời gian "nếm mật nằm gai" khi bị bán mạnh, nằm sàn la liệt. Sau khi cơ quan chức năng mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm nhằm thanh lọc thị trường, sóng đầu cơ liệu có hạ nhiệt thưa chuyên gia?
Ông Bùi Văn Huy: Phải khẳng định rằng dòng tiền vào cổ phiếu đầu cơ và dòng tiền vào cổ phiếu bất động sản là dòng tiền cực kỳ nổi bật trong thời gian vừa qua, và không quá để nói đó là dòng tiền dẫn dắt thị trường. Khi dòng tiền trên suy yếu, thị trường có thể thấy không có sự luân chuyển nào quá tích cực như phần đông kỳ vọng sang cổ phiếu cơ bản cả
Tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường sẽ tạo đáy khi các cổ phiếu luân phiên điều chỉnh xong. Nhóm cổ phiếu bất động sản điều chỉnh trước trong nhịp này và khả năng sẽ tạo đáy trước, việc xử lý các vi phạm ảnh hưởng đến tâm lý và mang tính thanh lọc, do đó chỉ những doanh nghiệp có vị thế tốt để hưởng lợi trong tinh hình hiện nay nhờ kế hoạch phát triển tốt, tình hình tài chính lành mạnh, và khả năng đa dạng hóa nguồn vốn nên được ưu tiên.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo tôi, mỗi nhóm cổ phiếu đều có tính chất chu kỳ riêng và phù hợp với khẩu vị của từng nhà đầu tư khác nhau. Giá cổ phiếu chỉ cần giảm đủ sâu hoặc về tới vùng cung-cầu cân bằng thì sẽ hấp dẫn được dòng tiền tham gia, từ đó giúp cổ phiếu phục hồi và có thể bắt đầu một đợt sóng mới. Xét về thời điểm hiện tại, khi dòng tiền đang có xu hướng "back to basic", với điểm số của nhóm cổ phiếu cơ bản liên tục bật tăng thoát khỏi vùng tích lũy đi ngang sau một thời gian dài, thì sóng đầu cơ có khả năng cao đã hạ nhiệt. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để kết luận nhóm cổ phiếu này đã chấm dứt hoàn toàn.
Liên quan đến chuyển động dòng tiền, sau khi vực dậy thành trụ đỡ cho thị trường trong nhiều phiên Blue-chips lại gặp áp lực điều chỉnh lớn trong phiên cuối tuần. Đón sóng kết quả kinh doanh quý 1, thời của Bluechip liệu có trở lại ạ?
Ông Bùi Văn Huy: Về các cổ phiếu vốn hóa lớn và cụ thể là VN30, tôi vẫn thấy tính phân hóa cao và phụ thuộc vào thông tin từ KQKD và ĐHCĐ trong giai đoạn hiện tại. Khi mùa KQKD qua đi, các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ yếu hơn tương đối so với thị trường chung, vì tiền không đủ khỏe để cân lượng thanh khoản và nguồn cung lớn của nhóm cổ phiếu này.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Chúng ta đều biết rằng tín hiệu cho một chu kỳ mới của thị trường thường bắt đầu từ việc nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt tăng điểm kèm thanh khoản thị trường gia tăng. Việc dòng tiền hướng về nhóm cổ phiếu bluechips trong những phiên gần đây được nhận định là tín hiệu hết sức tích cực. Do đó, tôi kỳ vọng nhóm này sẽ tiếp tục tăng điểm trong thời gian sắp tới khi những tin tức khả quan về kết quả kinh doanh quý I được hé lộ. Thêm vào đó, thời gian tới cũng là thời điểm diễn ra các phiên họp Đại hội đồng cổ đông, các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch trả cổ tức sẽ dần được hé lộ. Và thường thì những sự kiện này đều hấp dẫn nhà đầu tư và thu hút được dòng tiền.
Dưới góc nhìn chuyên gia, dòng tiền sẽ hướng về nhóm cổ phiếu nào trong tuần sau?
Ông Bùi Văn Huy: Về nhóm cổ phiếu, có lẽ vẫn là các nhóm quen thuộc: Bán lẻ, hưởng lợi từ giá hàng hóa, cảng biển, dệt may, nhóm cổ phiếu phòng thủ, công nghệ, các cổ phiếu hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế… Cơ hội cũng sẽ vẫn hoàn toàn để mở với nhóm Bất động sản, đầu tư công… Nhưng có lẽ trong một thị trường như hiện tại, việc mua ở giá nào cũng sẽ rất quan trọng, việc mua vào khi định sai thời điểm thị trường đều mang đến rủi ro lớn. Luôn sẵn sàng tâm lý quản trị rủi ro khi quyết định sai.
Đối với nhóm ngành ngân hàng, quan điểm vẫn sẽ là cực kỳ phân hóa, không thể quá tích cực và sẽ yếu dần đi sau mùa KQKD. Nếu tham gia, chiến lược chung chỉ nên mua khi điều chỉnh ở các vùng hỗ trợ, việc mua đuổi trong các thời điểm công bố thông tin rất nguy hiểm và xác suất thành công không cao.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo tôi, nhóm ngân hàng có thể vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền khi nhóm này thường có nhiều câu chuyện tăng trưởng thời điểm đầu năm nhờ các thông tin liên quan tới kế hoạch kinh doanh, chính sách vĩ mô (ví dụ chính sách hỗ trợ lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng), đồng thời đây vẫn là nhóm ngành trọng điểm để các quỹ giải ngân năm nay. Ngoài ra, nhóm vật liệu xây dựng và dầu khí cũng cần được chú ý khi xuất hiện tín hiệu tham gia từ dòng tiền.
Ông Đinh Quang Hinh: Tôi cho rằng đà điều chỉnh lần này là cơ hội để nhà đầu tư mua được những cổ phiếu tốt, có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2022-2023 với mức giá hấp dẫn hơn. Tôi kỳ vọng lực cầu bắt đáy sẽ tăng mạnh khi chỉ số VN-Index về vùng 1.440-1.480 điểm. Nhà đầu tư có thể mua thăm dò tại vùng này với tỷ trọng nhỏ 10-30% danh mục. Các ngành, lĩnh vực được ưu tiên bao gồm ngân hàng, vật liệu xây dựng, xuất khẩu (dệt may, đồ gỗ, thủy sản).
Minh Minh