(Tổ Quốc) - "Dòng tiền chảy qua phái sinh chủ yếu là ngắn hạn, khi thị trường xuống, cách kiếm tiền nhanh nhất, tâm lý nhà đầu tư cá nhân cũng muốn gỡ càng nhanh càng tốt nên chuyển sang phái sinh để kiếm. Những người tham gia thị trường phái sinh đa phần độ cờ bạc, máu me cao hơn, việc tất tay cao. Họ hay nói "còn thở còn gỡ" nhưng có khi gỡ đến tắc thở luôn".
Tâm lý bi quan, chán nản bao trùm thị trường tuần giao dịch qua với nhiều cổ phiếu "quay xe" giảm sâu. Về góc nhìn giao dịch tuần tới, chúng tôi có trao đổi với ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường bước vào "Bear Market"
Ông Bùi Văn Huy: Về mặt bối cảnh, khi bắt đầu tuần giao dịch mới có lẽ cũng không có nhiều thay đổi so với tuần qua. Vẫn là những diễn biến tiêu cực từ bên ngoài (lạm phát, FED tăng lãi suất, Ukraine, Trung Quốc với zero Covid… những yếu tố ai cũng biết nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện) và "vùng trũng" thông tin trong nước. Thị trường trong nước không tìm được cho mình câu chuyện mới đủ lớn để có thể thay đổi được xu hướng hiện tại. Do đó, nhiều khả năng diễn biến tuần sau vẫn sẽ tiếp tục ảm đạm với thanh khoản thấp. Có thể xuất hiện xen kẽ những phiên hồi khi thị trường quá bán nhưng xu hướng chung trong ngắn hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Đâu là đáy? Câu hỏi này nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện tại có nhiều dấu hiệu của thị trường giá xuống trong dài hạn, chứ không phải là điều chỉnh ngắn hạn trong xu hướng tăng dài hạn. Điều này gần 2 năm qua, các nhà đầu tư mới chưa được trải nghiệm. Nếu là những đợt điều chỉnh ngắn hạn trong xu hướng tăng dài hạn, thị trường sẽ phục hồi nhanh và đáy sẽ được tạo khi quá bán trong ngắn hạn, còn khi hình thành xu hướng giảm dài hạn, không thể đoán đáy như vậy. Như đã nói, giá có thể hãm đà rơi, tạo vùng cân bằng hoặc xuất hiện nhịp hồi, tuy nhiên cũng khó nói chắc chắn thị trường đã tạo đáy hay chưa.
Đáy và đỉnh dài hạn thường rất khó dự đoán nếu chỉ quan sát thị trường cổ phiếu một cách độc lập. Khi quá hưng phấn hoặc bi quan, giá có thể tăng hoặc giảm theo quán tính một cách quá đà, do đó nếu ở trong thị trường cổ phiếu và chỉ quan sát thị trường cổ phiếu, sẽ khó đoán được đỉnh, đáy. Với đỉnh/đáy dài hạn, cần một tác nhân đủ lớn từ các thị trường khác với thị trường chứng khoán thế giới thì đó là thị trường hàng hóa, trái phiếu và tiền tệ trong và ngoài nước. Hiện chưa có sự đảo chiều nào đáng kể theo hướng hỗ trợ thị trường cổ phiếu. Đối với chứng khoán thế giới, tôi cũng quan sát chủ đạo thị trường trái phiếu, cụ thể là lợi suất trái phiếu. Thị trường trái phiếu thường dẫn dắt thị trường cổ phiếu.
Về nhóm ngành thu hút dòng tiền, tôi thấy phần lớn ngành/cổ phiếu sẽ diễn biến theo thị trường. Nếu thị trường tích cực trở lại, các nhóm ngành mới sáng cửa. Nói về các ngành hút tiền, các nhóm cổ phiếu phòng thủ, trả cổ tức tiền mặt ổn định theo lý thuyết sẽ tích cực hơn cả trong giai đoạn thị trường diễn biến xấu.
Về thanh khoản thị trường chỉ còn loanh quanh mức 14.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên, phải nhìn nhận rằng mức thanh khoản hiện tại đang yếu. Thanh khoản như vậy khó đòi hỏi thị trường sẽ tạo đáy chữ V được, nếu có tạo đáy, thanh khoản hiện tại ủng hộ kịch bản tạo đáy phẳng để hấp thụ tiếp nguồn cung trên đỉnh hơn. Tôi nghĩ rằng với dòng tiền thông minh, khi bối cảnh có sự cải thiện và thị trường có nhiều cơ hội, với số lượng đông đảo các nhà đầu tư gia nhập thị trường, thanh khoản sẽ được cải thiện.
Ông Phan Dũng Khánh: Xu hướng ngắn hạn, trung hạn của thị trường vẫn xấu. Các nhịp hồi ở đây mang tính chất về kĩ thuật là chủ đạo tức là ngắn hạn giảm nhưng vẫn xen lẫn đợt hồi ngắn, thị trường khó tạo đáy rồi tăng ngay trong bối cảnh hiện tại. Do đó, các nhà đầu tư bắt đáy đừng quá hi vọng thị trường sẽ đi lên ngay.
Nếu nhìn lại đợt giảm điểm vừa qua cũng chỉ mới kéo dài 1 tháng nhưng rất nhiều người đã nhắn với tôi là mất mấy cái sổ đỏ, tài khoản bay hết lãi và gốc. Mức giảm cổ phiếu rất cao nhưng VN-Index cũng chỉ giảm 10%. Nhiều nhà đầu tư vẫn cố gồng qua giai đoạn này, nạp tiền vào gánh margin nhưng nếu giảm về dài hạn sẽ khó hơn. Nhà đầu tư cá nhân là bệ đỡ cho thị trường 2 năm qua giờ cũng đã bán ròng. Thị trường cần thêm chiết khấu để đi vào vùng tích luỹ.
Có ý kiến cho rằng thị trường rơi vào downtrend dài hạn giống như năm 2018, tôi nghĩ không bao giờ có kịch bản y chang như vậy. Trước dịch, các tổ chức dự báo suy thoái kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhưng dịch bệnh nổ ra, Fed giảm lãi suất về 0, còn một số các nước như Nhật, Thuỵ Sĩ còn giảm lãi suất về âm. Với thị trường tài chính, chỉ cần nới lỏng chính sách tiền tệ thì thị trường hồi ngay. Nên đợt giảm của chứng khoán cũng cần theo dõi chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung Ương. Đợt điều chỉnh này chắc chắn không ngắn rồi nhưng dài tới 2-3 năm như năm 2018 cũng khó.
Nếu kinh tế thoát suy thoái, các ngân hàng Trung Ương nới lỏng tiền tệ thì thị trường mới có động lực tăng trở lại. Thị trường chứng khoán đã xoay quanh 1.500 điểm trong 6 tháng, điều này thể hiện thị trường đã tăng chậm lại rồi. Nên ở đây, 2-3 năm hay 1-2 năm thì cũng chỉ là dự báo thôi vì còn tuỳ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế, có suy thoái hay không suy thoái, chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng.
Đối với Việt Nam, chúng ta ít bị ảnh hưởng lớn như các quốc gia khác, thắt chặt tiền tệ, lạm phát ở mức không quá nghiêm trọng, chính sách vẫn hỗ trợ cho kinh tế, một số ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất còn các ngân hàng lớn chưa. Quy mô gói kích cầu 350.000 tỷ đồng, lạm phát được kiểm soát chặt. Chính sách của Việt Nam dễ thở hơn nhiều quốc gia khác. Thị trường tăng ngay thì khó, nhưng có thể kìm hãm bớt đà rơi để quay lại xu hướng tích luỹ.
Có nhà đầu tư đảo vị thế 5-10 lần một phiên, tâm lý cờ bạc gỡ lỗ bên phái sinh rất cao
Ông Bùi Văn Huy: Thị trường phái sinh sôi động hơn nhưng không thay đổi nhiều về chất. Cụ thể, khối lượng tăng mạnh nhưng số lượng hợp đồng qua đêm (OI – Open Interests) không tăng tương ứng và hiện ở mức khá thấp, chỉ khoảng dưới 30.000 hợp đồng cho tháng đáo hạn gần nhất. Điều này cho thấy tất nhiên có thêm dòng tiền chảy qua phái sinh nhưng chưa hẳn là dòng tiền đã đổ qua thị trường phái sinh nhiều như thể hiện qua thanh khoản hiện tại. Có chăng việc giao dịch trong phiên diễn ra mạnh mẽ hơn khi thị trường cơ sở diễn biến tẻ nhạt. Việc một nhà đầu tư cá nhân đảo vị thế 5-10 lần trong một phiên diễn ra rất phổ biến và tôi chứng kiến việc đó hằng ngày.
Thị trường phái sinh có đòn bẩy cao, rủi ro cao hơn chứng khoán cơ sở. Do đó việc tham gia mà không chuẩn bị kỹ kiến thức là rất nguy hiểm.
Đồ thị khối lượng – OI VN30F1M. Nguồn: Ông Bùi Văn Huy
Tâm lý gỡ lỗ là rất nguy hiểm, nó dẫn đến việc giao dịch quá mức mà bằng chứng là việc đảo vị thế liên tục trong phiên mà nhiều nhà đầu tư cá nhân đang làm. Tôi cũng có tham gia giao dịch, đào tạo và thực hiện các sản phẩm về thị trường phái sinh từ những ngày đầu, bản chất phái sinh – Hợp đồng tương lai là một sản phẩm hay, nhưng cần được tiếp cận đúng cách và không dành cho người mới bắt đầu. Đòn bẩy cao và được mua bán trong phiên là một ưu điểm của thị trường phái sinh, tuy nhiên nó cũng làm xuất hiện rủi ro và những bẫy tâm lý khó kiểm soát nếu như chưa có kinh nghiệm.
Cũng có nhiều thảo luận về mặt trái của thị trường phái sinh từ năm 2018 và gần đây lại có những ý kiến như vậy. Cá nhân tôi cũng thấy nhiều dấu hiệu gây khó chịu, nhưng sau cùng, việc kiếm được lợi nhuận trên thị trường phái sinh xuất phát từ việc dự đoán đúng xu hướng. Ở các khung thời gian quá nhỏ, biến động giá gần như là ngẫu nhiên và không có xu hướng. Với một zero sum game, thậm chí tổng trò chơi còn là số âm sau khi trừ thuế và phí giao dịch, việc giao dịch quá mức trong trạng thái ngẫu nhiên đương nhiên là không thể mang lại lợi nhuận.
Ngoài việc dự đoán đúng xu hướng, basis risk (chênh lệch giá cơ sở - phái sinh) cũng nên được cân nhắc, việc vào lệnh với basis quá rộng có thể dẫn đến rủi ro thua lỗ ngay cả đoán đúng xu hướng cơ sở. Các ngày gần ngày đáo hạn cũng thường biến động cao, như cá nhân tôi dù giao dịch không ít nhưng cũng né ngày đáo hạn và rolling dần vị thế qua tháng sau gần ngày đáo hạn.
Ông Phan Dũng Khánh: Dòng tiền chảy qua phái sinh chủ yếu là ngắn hạn, khi thị trường xuống, cách kiếm tiền nhanh nhất, tâm lý nhà đầu tư cá nhân cũng muốn gỡ càng nhanh càng tốt nên chuyển sang phái sinh để kiếm. Họ hay nói "còn thở còn gỡ" nhưng có khi gỡ đến tắc thở luôn. Ở thị trường cơ sở để mua vào thời điểm này dường như rất khó, bởi tăng 1-2 phiên sau đó đều giảm ngay. Trong khi nhà đầu tư cá nhân muốn kiếm tiền thật nhanh để gỡ nên họ chọn phái sinh. Điều này cũng dễ hiểu.
Tuy nhiên, đây là dòng tiền ngắn hạn, chứ không thể duy trì ổn định, mạnh mẽ và phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Phái sinh là kênh không dễ chơi, ngay cả trong thị trường xuống, nhà đầu tư đặt chiều Short vẫn có thể lỗ vì trong các nhịp xuống có những nhịp giật lên hồi với biên độ lớn. Phái sinh bị tính lãi qua đêm, đòn bẩy rất cao đang lời nhưng hồi trong phiên có thể thành lỗ. Thua 1-2 lần có thể mất hết vì đòn bẩy rất cao. Do đó, nhà đầu tư cần kiểm soát được rủi ro, chẳng hạn tài sản 1 tỷ qua phái sinh chỉ nên thử vận may với 50-100 triệu đồng thôi.
Bình thường nhà đầu tư thua cơ sở qua phái sinh sẽ ăn thua muốn gỡ bằng được. Những người tham gia thị trường phái sinh đa phần độ cờ bạc, máu me cao hơn, việc tất tay cao. Đánh phái sinh không xấu, tôi chỉ có lời khuyên cho các nhà đầu tư mới chuyển sang kênh đầu tư này là phải kiểm soát lòng tham, đừng tất tay, phái sinh đòn bẩy lớn, ngược xu hướng là cháy tài khoản.
Quá nhiều rủi ro đang bủa vây thị trường chứng khoán
Ông Bùi Văn Huy: Thực sự tất cả những vấn như Fed tăng lãi suất, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh ở Trung Quốc, chiến tranh Nga - Ukraine, lạm phát, giá cả hàng hoá tăng, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán gần đây... thực sự rất khó dự đoán và tôi cũng ít đoán lắm. Với góc nhìn là một trader, tôi thường theo dõi diễn biến từ nhiều thị trường tài sản khác nhau để đo lường sự ảnh hưởng đó. Đặc biệt thị trường cổ phiếu được dẫn dắt bởi các tín hiệu sớm của nhiều thị trường tài sản khác, do đó hoàn toàn có thể quan sát các tín hiệu sớm để dự đoán về sự đảo chiều của thị trường cổ phiếu.
Đối với chứng khoán Mỹ, hiện tại tôi theo dõi chặt lợi suất trái phiếu cũng như hàng hóa, đó là tín hiệu quan trọng.
Tôi rất thích câu nói của John J Murphy, một tác giả quen thuộc đối với các trader trên toàn thế giới: "Cố gắng giao dịch trên các thị trường mà không có nhận thức liên thị trường cũng giống như lái xe mà không nhìn vào bên hông, gương chiếu hậu và cửa sổ".
"Cố gắng giao dịch trên các thị trường mà không có nhận thức liên thị trường cũng giống như lái xe mà không nhìn vào bên hông, gương chiếu hậu và cửa sổ"
Đừng cố gắng T 3, nhà đầu tư lướt sóng thời điểm này coi chừng mắc cạn
Ông Đinh Quang Hinh: Vùng 1.370-1.380 điểm đang là kháng cự mạnh đối với chỉ số VN-Index. Trong bối cảnh thị trường chưa xuất hiện nhiều thông tin hỗ trợ đủ mạnh, chỉ số VN-Index vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vùng kháng cự trên. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi lực bán tại vùng giá thấp cũng không còn mạnh mẽ như giai đoạn 2 tuần trước đây, do đó rủi ro giảm điểm mạnh của thị trường hiện tại là không cao. Tôi cho rằng vùng 1.300-1.320 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index.
Đối với những nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét giải ngân khi thị trường về hỗ trợ quanh 1.300 điểm cho mục tiêu 6-12 tháng tới trên cơ sở sau: (1) Việt Nam mới trong giai đoạn đầu phục hồi kinh tế, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tăng tốc trong những quý tới, (2) các gói kích thích kinh tế của Chính phủ vẫn đang được triển khai, bao gồm cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, (3) lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo tăng trưởng khả quan trong giai đoạn 2022-2023, (4) định giá thị trường đang được chiết khấu khoảng hơn 10% so với mức trung bình những năm gần đây. Nhà đầu tư nên ưu tiên giải ngân vào những nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2022-2023 và định giá đã ở mức chiết khấu tốt sau giai đoạn điều chỉnh lớn vừa qua như ngành điện, dầu khí, ngân hàng.
Còn đối với những nhà đầu tư lướt sóng, ngắn hạn, đây vẫn chưa phải thời điểm thích hợp gia tăng vị thế trong bối cảnh xu hướng thị trường vẫn chưa được xác nhận rõ. Các nhà đầu tư này nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục hơn là tìm kiếm lợi nhuận trong "T 3", hạn chế sử dụng đòn bẩy cao tại thời điểm này.
Anh Minh