(Tổ Quốc) - Theo ông Nguyễn Thế Minh, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân và mua mới trong tuần tới, song chỉ nên dành tỷ trọng thấp, khoảng 10-20%.
Đà phục hồi trong ngắn hạn từ vùng đáy của chỉ số vẫn đang tiếp tục được duy trì. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.194,76 điểm, tương ứng tăng 15,51 điểm (1,32%) so với tuần trước đó. Về độ rộng của thị trường, số mã tăng điểm được duy trì khá ổn trong tuần qua, điều này đồng nghĩa với việc thị trường luôn xuất hiện các cơ hội giao dịch.
Sang tuần giao dịch mới, các chuyên gia Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) và ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco đã có những chia sẻ góc nhìn về xu hướng thị trường.
Xu hướng sideway và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn tiếp diễn
Ông Nguyễn Thế Minh: Tuần qua ghi nhận diễn biến tăng điểm nhiều phiên liên tiếp, song chúng ta cần lưu ý hiện chỉ số VN-Index đang tiệm cận vùng cản 1.204 điểm. Càng tiến sát mốc cản, lực bán gia tăng khiến thị trường xảy ra rung lắc và điều chỉnh. Cơ bản, trong tuần giao dịch tới đây, khả năng cao chỉ số VN-Index vẫn trong trạng thái giằng co trước vùng kháng cự này.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Ngoài ra, một điểm cần phải lưu ý trong tuần tới là cuộc họp của FED sẽ diễn ra vào 27/7 có thể có quyết định tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 7. Nếu kịch bản như thị trường dự báo, FED tăng lãi suất thêm 0,75% thị trường sẽ không xuất hiện áp lực tiêu cực. Trường hợp FED mạnh tay điều chỉnh tăng thêm lãi suất 1%, áp lực điều chỉnh sẽ có thể xảy đến. Tuy nhiên, trường hợp xấu lãi suất tăng vượt dự kiến, không phải là yếu tố lớn ảnh hưởng tới thị trường. Điều này sẽ chỉ tác động lên phiên giao dịch ngay hôm đó và thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi.
Những tuần gầy đây, độ rộng của thị trường đang trở thành điểm sáng, số lượng mã xác lập đà tăng đã tăng lên đáng kể. Theo đó, thị trường dù không quá xấu nhưng chưa có điểm tích cực tạo ra "cú hích" cho đà bứt phá trong ngắn hạn. Tóm lại, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng, cơ bản chỉ số VN-Index sẽ giao dịch đi ngang quanh ngưỡng 1.204 trong tuần tới.
Ông Bùi Văn Huy: Sự thận trọng của dòng tiền là có cơ sở khi bối cảnh hiện tại còn nhiều thứ khiến nhà đầu tư phải bận tâm.
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)
Đối với thị trường thế giới, nhiều thị trường chứng khoán lớn đều có sự hồi phục nhất định trong tuần qua, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều căn cứ để khẳng định chứng khoán thế giới đã tạo đáy hay chỉ là hồi kỹ thuật. Tâm điểm thị trường tài chính toàn cầu vẫn xoay quanh câu chuyện tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương. Tuần tới sẽ là tuần thú vị khi FED sẽ họp vào ngày 26-27/07. Sau số liệu lạm phát kỷ lục tháng Sáu, giới đầu tư đang chờ đợi xem FED sẽ tăng lãi suất thêm bao nhiêu trong kỳ tới. Trước đó, ECB trong kỳ họp ngày 21/07 đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm và gây bất ngờ với mức tăng 0.5%, mạnh hơn dự báo.
Đối với thị trường trong nước, Ngân Hàng Nhà nước vẫn thể hiện quan điểm thận trọng trong việc kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng. Mùa kết quả kinh doanh giúp giữ lửa thị trường cũng đang dần qua đi. Thị trường sẽ bước vào giai đoạn trống thông tin sau mùa kết quả kinh doanh. Việc không có thông tin hỗ trợ nào đủ mạnh có thể khiến thị trường tiếp tục trầm lắng.
Từ đó, có thể thấy diễn biến thị trường chưa phải quá xấu nhưng khá yếu. Biên giao động đi ngang đang được xác lập trong ngắn hạn với khu vực cận dưới 1.150-1.160 và vùng cận trên 1.200-1.220. Thị trường vẫn có dòng tiền nhất định luân chuyển, do đó nếu bối cảnh thị trường thế giới không quá xấu đi, thị trường sẽ có sự phân hóa và vẫn có những cơ hội giao dịch nhất định. Tiền không quá khỏe và chủ yếu là dòng tiền cá nhân, nên sẽ tập trung vào các cổ phiếu có vốn hóa, thanh khoản vừa phải, "vừa miếng".
Ông Nguyễn Anh Khoa: Thị trường tuần qua đã có sự đảo lớp dòng tiền khá tích cực giữa các ngành trụ cột, mặc dù nhóm bất động sản hay nhóm thép vẫn ảm đạm. Theo tôi điều này khá hợp lý khi đây là giai đoạn các doanh nghiệp lần lượt công bố kết quả kinh doanh bán niên với nhiều con số ấn tượng.
Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Mặc dù mốc 1.200 điểm là ngưỡng cản tâm lý khá lớn, nhưng sang tuần tới vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp lớn sẽ công bố báo cáo tài chính, đồng thời khối ngoại đang mua ròng tích cực. Vì vậy tôi kỳ vọng đà tăng thị trường sẽ tiếp tục kéo dài giúp VN-Index vượt 1.200 điểm trong tuần tới và chốt cuối tuần quanh vùng 1.220-1.240 điểm.
Với mức thanh khoản thấp như hiện tại, ông đánh giá khả năng thị trường tạo đáy như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Minh: Về cơ bản, dấu hiệu tạo đáy thị trường đang "nhen nhóm". Thứ nhất, nhìn vào độ rộng của thị trường, bản chất là tất cả chỉ số đi lên hay xuống phụ thuộc vào đà tăng của cổ phiếu, và yếu tố này đã tốt lên. Song song, dòng tiền chưa thực sự lan tỏa vào dòng cổ phiếu vốn hóa lớn. Cụ thể là các nhóm ngân hàng, bất động sản hay chứng khoán trong tuần trước dòng tiền có dịch chuyển tới các nhóm này nhưng lại đan xen nhiều phiên chứ không kéo dài.
Thứ hai, thanh khoản cũng có phần cải thiện hơn, tuy chưa quá mạnh. Do đó, xu hướng vẫn chưa hoàn toàn được xác lập.
Thứ ba, tính rủi ro của thị trường có xu hướng giảm. Rủi ro ở đây phải kể tới việc tăng lãi suất và lạm phát, 2 yếu tố này đã giảm nhiều. Minh chứng là việc chỉ số chứng khoán thế giới đang dần xác lập đà tăng trở lại. Có nghĩa rằng rủi ro khác từ lãi suất và lạm phát đang giảm dần, song lo ngại xu hướng chưa xác lập rõ ràng do thanh khoản chưa cao và chỉ số chưa vượt vùng cản 1.204.
Ông Bùi Văn Huy: Về quá trình tạo đáy, với thanh khoản và dòng tiền không khỏe như hiện tại, việc hình thành biên đi ngang tích lũy cũng là một cách tạo đáy thường thấy. Tuy nhiên cách tạo đáy này cần thời gian để hấp thụ hết nguồn cung sau chuỗi ngày giảm mạnh và chỉ có thể bứt phá đi lên mạnh mẽ khi bối cảnh có sự cải thiện.
Bên cạnh đó, thị trường đúng là đã có khoảng 3 nhịp kiểm định vùng 1.150-1.160 điểm. Tuy nhiên để nói theo thuật ngữ phân tích kỹ thuật thì mô hình hiện tại không phải mô hình ba đáy. Mô hình kỹ thuật bao gồm hình dạng, độ cao, thời gian hình thành và thanh khoản để xác nhận, thị trường đang trong quá trình tạo đáy nhưng cách đi hiện tại không giống với mẫu hình ba đáy về mặt lý thuyết.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Khó có thể kỳ vọng thanh khoản trở lại mức cao với các phiên giao dịch "tỷ USD" như trước trong bối cảnh dòng tiền vẫn đang chịu áp lực rút ra. Nguyên nhân đến từ mặt bằng lãi suất rục rịch tăng cũng như việc doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh hoặc thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Việc thị trường giảm sâu giai đoạn trước và các yếu tố vĩ mô quốc tế nhiều biến động không khả quan (như xung đột Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát quốc tế tăng vọt, chính sách Zero-Covid tại Trung Quốc...) cũng khiến dòng tiền trở nên thận trọng, hướng tài sản về những sản phẩm tài chính có tính an toàn cao hơn.
Mặc dù điểm số của VN-Index gần đây đang tăng trở lại, nhưng là "tăng trong nghi ngờ" và phù hợp với quá trình tạo đáy dưới góc độ kỹ thuật. Nếu thị trường tiếp tục có thêm một vài phiên tích lũy theo chiều hướng đi lên sẽ xác nhận lại quan điểm trên; trạng thái tâm lý sau đó sẽ chuyển dần sang tích cực và hưng phấn giúp thanh khoản tăng trở lại.
Sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm thị trường biến động như hiện tại có ảnh hưởng như thế nào đến chỉ số?
Ông Nguyễn Thế Minh: Cá nhân tôi cho rằng áp lực bán hay mua của nhà đầu tư nước ngoại chưa tác động quá lớn diễn biến của thị trường. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng quy mô mua ròng hay bán ròng của khối ngoại chiếm khoảng 6%-7% giá trị doanh nghiệp toàn thị trường. Con số này chưa đủ sức nóng và sức ảnh hưởng tác động lên chỉ số.
Vậy nên, động thái của khối ngoại hiện chưa phải yếu tố phản ánh và dẫn dắt xu hướng. Nhưng chí ít từ đầu năm đến nay, họ vẫn đang trong trạng thái mua ròng so với cùng kỳ năm trước như 2020-2021, đa phần là bán ròng. Năm nay, khối ngoại vẫn đang trong trạng thái mua ròng, là dấu hiệu tích cực nhưng không có ảnh hưởng nhiều như những năm trước.
Ông Bùi Văn Huy: Cá nhân tôi quan sát nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua cũng mua-bán khá sát với những diễn biến của thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là sức mạnh đồng Dollar. Trong tuần qua Dollar Index hạ nhiệt và nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi nên khối ngoại trở lại mua ròng là điều khá bình thường.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Quan sát trong nhiều giai đoạn giảm điểm mạnh của VN-Index trong quá khứ, tôi nhận thấy khi chỉ số xuất hiện các tín hiệu hồi phục, dòng tiền khối ngoại cũng sẽ trở lại trạng thái mua ròng trong tuần đó. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức nước ngoài lớn cũng nhận thấy định giá của VN-Index tương đối rẻ trong giai đoạn hiện nay, do vậy việc các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng thị trường là hợp lý. Trong các tháng gần đây, dòng tiền nhà đầu tư F0 được dẫn dắt tâm lý khá tốt từ dòng tiền khối ngoại. Vì vậy tôi cho rằng sự trở lại của nhóm này sẽ hỗ trợ tích cực tới thanh khoản cũng như điểm số của VN-Index trong tuần tới.
Thị trường phân hoá, đâu là chiến lược đầu tư phù hợp?
Ông Nguyễn Thế Minh: Trong tuần tới, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân và mua mới, song chỉ nên dành tỷ trọng thấp khoảng 10-20%. Điều này giúp chúng ta thăm dò cơ hội ngắn hạn trong điều kiện độ rộng thị trường được cải thiện, cơ hội đang gia tăng. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chưa tăng mạnh và vùng cản vẫn đóng vai trò lực cản mạnh cho VN-Index. Tôi đánh giá thị trường tuần tới vẫn tiếp tục "lình xình" đi ngang.
Theo đó, dòng tiền sẽ có sự phân hoá, diễn ra giữa các nhóm cổ phiếu là chủ yếu. Đồng thời, thanh khoản thị trường còn thấp, nhà đầu tư dành tỷ trọng lớn vào cổ phiếu sẽ tiềm ẩn rủi ro cao trong trường hợp thị trường mất thanh khoản. Bên cạnh việc NĐT có thể xem xét mua mới vì cơ hội gia tăng, chúng ta chỉ nên dành tỷ trọng thấp để rào chắn trước các rủi ro về thanh khoản hay tin tức xấu. Trong kịch bản tích cực hơn, chỉ số VN-Index vượt ngưỡng cản 1.204 trong tuần tới, chúng ta mới nên đẩy mạnh giải ngân.
Ông Bùi Văn Huy: Trước tiên về tỷ trọng cổ phiếu, cá nhân tôi vẫn cho rằng nhà đầu tư chưa cần duy trì tỷ lệ cổ phiếu cao trong bối cảnh hiện tại. Cách vận động này không phải hiếm gặp và đã diễn ra nhiều lần trong quá khứ sau mỗi đợt giảm mạnh. Dòng tiền hiện tại chủ đạo là dòng tiền cá nhân, luân chuyển và thay đổi tâm lý rất nhanh. Thị trường này phù hợp cho những nhà đầu tư năng động và linh hoạt.
Tiếp theo, chiến lược mua bán hiện tại nên ưu tiên mua thấp bán cao, chủ động chốt lời ở các vùng kháng cự, kỳ vọng mức lợi nhuận vừa phải cho mỗi giao dịch và sẵn sàng cắt lỗ nhanh khi cần. Thị trường khả năng sẽ phân hóa hơn trong thời gian tới. Tiền không quá "khỏe" và chủ yếu là dòng tiền cá nhân, nên sẽ tập trung vào các cổ phiếu có vốn hóa, thanh khoản vừa phải. Đặc biệt, nhà đầu tư cần theo sát diễn biến của thị trường tài chính thế giới để phân tích sự tác động và cập nhật các kịch bản thị trường.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong tuần tới, có một số yếu tố tác động tới thị trường nhà đầu tư nên lưu ý: mùa công bố KQKD Quý 2 của các doanh nghiệp đang diễn ra, diễn biến cuộc họp của FED vào giữa tuần và cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư vào cuối tuần.
Giai đoạn này, cơ hội giải ngân vào các nhịp điều chỉnh với (1) Nhóm ngân hàng (kỳ vọng KQKD của nhóm này vẫn sẽ tiếp tục khả quan), (2) Nhóm xây dựng (trước diễn biến giá thép xây dựng tiếp tục giảm gần đây và Chính phủ đốc thúc đầu tư công nửa cuối năm), (3) Nhóm thực phẩm – đồ uống (nhu cầu tiêu thụ tăng lên trong mùa du lịch, nghỉ lễ).
Bên cạnh đó, NĐT cũng có thể bám sát dòng tiền khối ngoại để giải ngân và nắm giữ. Về cơ bản các mã được khối này lựa chọn đều là các mã cơ bản và có độ an toàn cao, trong khi mặt bằng định giá đã không còn đắt đỏ.
Bảo Anh