(Tổ Quốc) - "VN-Index khu vực 1.440-1.450 và với VN30 là khu vực 1.490-1.495 là vùng hỗ Trợ tương đối mạnh. Thời điểm hiện tại, ở góc độ nhà đầu tư chúng ta nên tập trung "đi săn" những cổ phiếu cụ thể dưới giá trị thật ở các vùng giá cụ thể với kỹ năng giải ngân thay vì hy vọng sẽ mua tất cả bằng 1 lệnh ở 1 mức giá tại ngay đáy như đa số hy vọng".
Dư âm từ sự việc liên quan tới lãnh đạo một số doanh nghiệp và loạt các tin đồn đã đánh gục tâm lý nhà đầu tư, khiến VN-Index có xu hướng giảm điểm mạnh. Chốt tuần giao dịch 11-15/4, chỉ số VN-Index giảm 1,6% so với cuối tuần trước về mức 1.458,6 điểm.
Một số cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường như bất động sản, bank, chứng khoán…đều sụt giảm mạnh. Thanh khoản thị trường tuần qua giảm sút khi giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm mạnh 20,8% so với tuần trước, đạt mức 25.058 tỷ đồng/phiên. Tín hiệu tích cực là khối ngoại tuần này đã đảo vị thế từ bán ròng 284 tỷ đồng sang mua ròng 795 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Thị trường tuần qua đã có sự phân hóa khá rõ ràng khi thị trường giảm điểm nhưng lại có những ngành có sự tăng giá ấn tượng như là Bán lẻ, Dệt may, Thủy sản, Phân bón, Cao su, Bảo hiểm và Cảng biển.
Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào, chúng tôi đã có trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới.
"Nhóm cổ phiếu mang lại vinh quang nhất nay lại lấy đi phần lớn tài sản của nhà đầu tư"
(Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment)
Theo quan sát của tôi thì thấy các vụ việc như FLC hay Tân Hoàng Minh chủ yếu mang tính ngắn hạn, thâm chí một số ngày sau khi những thông tin được công bố thị trường còn tăng điểm mạnh, một số ngành còn tăng rất mạnh. Tôi cho rằng diễn biến của VN-Index sụt giảm tuần qua vì những nguyên nhân lâu dài hơn đó là thị trường chứng khoán thế giới đặc biệt là Mỹ cũng đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, và đồng đô la thì tăng vọt làm áp lực lớn lên thị trường tài chính. Giá cả hàng hóa tăng cao cũng khiến các Ngân hàng Trung ương toàn cầu điều chỉnh chính sách tiền tệ trở nên thắt chặt hơn đã hạn chế dòng chảy vào thị trường.
Bên cạnh đó các kênh an toàn như tiết kiệm, bảo hiểm, trái phiếu, vàng nhận được dòng tiền trong bối cảnh thanh khoản thấp và dòng tiền yếu ở các kênh rủi ro như chứng khoán mới là nguyên nhân sâu xa hơn.
Số liệu cũng chỉ ra số lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng thương mại gia tăng những tháng vừa qua, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới tăng nhanh, thanh khoản trên thị trường chứng khoán giảm trong khi nhà đầu tư cá nhân vốn là bệ đỡ tốt nhất cho thị trường cũng đã có nhiều phiên bán ròng khi mà nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước vốn đã bán từ...năm ngoái. Do đó có thể thấy việc thị trường điều chỉnh vừa qua là một quá trình của nhiều yếu tố và tác động từ những yếu tố mang tính dài hơi như lạm phát, tiền tệ thắt chặt trên thế giới, chứng khoán toàn cầu suy yếu chung với các kênh rủi ro...mới là những nguyên nhân chính.
Về dòng tiền, trong ngắn hạn dòng tiền khó mà thay đổi được. Vẫn sẽ có những phiên hồi phục nhưng là cơ hội cho nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục hoặc lướt sóng nếu có kỹ năng tốt nhiều hơn là xu hướng gia tăng mạnh mẽ như 2 năm vừa qua. Việc lướt sóng cần phải quan sát kỹ sự dịch chuyển của dòng tiền ngắn hạn vốn rất nhanh và gần đây các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ lạm phát có ưu thế hơn.
Về điểm số, dự báo về 1.400 điểm lúc này là hơi bất ngờ và là sự thất vọng của phần lớn thị trường khi mới đầu năm rất nhiều dự báo thị trường sẽ lên 1.800-2.000 hay tệ lắm cũng được 1.600. Tuy nhiên bây giờ 1.500 nhà đầu tư cũng mừng rồi. Mặc dù vậy nhiều nhà đầu tư cũng than phiền với tôi ngay cả khi thị trường tăng điểm nhưng nhiều nhóm cổ phiếu mang lại vinh quang cho họ năm ngoái lại lấy đi phần lớn tài sản của họ năm nay bất chấp thị trường có xanh hay không. Vì thế tôi cho rằng nhà đầu tư cần đánh giá dòng tiền, cũng như các ngành nghề được hưởng lợi hiện nay và sắp tới trong bối cảnh lạm phát, dòng tiền không dồi dào như trước, tâm lý cẩn trọng bao trùm và các kênh an toàn bắt đầu được chú ý trở lại thì việc mua bán theo Index không thật sự hiệu quả. Bởi vì với những ngành như năng lượng, nguyên vật liệu, đồ gỗ, công nghệ, hàng thiết yếu...vẫn được lợi bất chấp thị trường có đi theo hướng nào.
Để níu giữ được dòng tiền ở lại thị trường cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, trong nước lẫn ngoài nước phải hỗ trợ thị trường. Bên cạnh chính sách hỗ trợ và lạm phát trong tầm kiểm soát. Ngoài ra thị trường chứng khoán thế giới cũng phải tích cực để nhà đầu tư có giữ được sự hưng phấn, FED và các Ngân hàng Trung ương lớn sẽ không thắt chặt tiền tệ quá mạnh tuy điều này rất khó, Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần quay lại mua ròng sau 2 năm bán ròng miệt mài cũng là yếu tố hỗ trợ ít nhất về mặt tâm lý. Dòng tiền cần định hướng quay lại sản xuất kinh doanh giúp nền kinh tế duy trì mức độ tăng trưởng ổn định để từ đó hút dòng tiền trở về.
Thị trường đến giai đoạn đánh du kích, nhà đầu tư phải mua kiểu "đi săn" chứ không thể hi vọng mua 1 lệnh ở mức giá đáy như tất cả đang kỳ vọng
Tập trung "đi săn", mua tích luỹ dần chứ không thể mua bằng 1 lệnh ở đáy như đa số đang hi vọng
(Ông Nguyễn Duy Anh, CEO Công ty cổ phần Đầu tư AF1)
Chứng kiến những sự kiện bão tin đồn 2 tuần qua tôi thấy rằng đây chỉ là những ảnh hưởng mang tính tâm lý hơi quá đà, trùng hợp là nó lại xảy ra vào thời điểm VN-Index ở vùng đỉnh cũ nhạy cảm quanh 1.530 nên hiệu ứng trở nên mạnh hơn
Xét về quy mô của FLC và Tân Hoàng Minh về mặt "định lượng" không đáng kể so với cả thị trường, với thanh khoản các cổ phiếu họ FLC cũng đã có thể giải chấp giảm áp dần, và nhà đầu tư có thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần giúp bình tĩnh trở lại, tôi cho rằng việc này không còn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý tuần tới nữa.
VN-Index giảm điểm mạnh tuần qua nhưng dòng tiền bắt đáy chưa mạnh là vì không ai có nhu cầu mua giá cao trong khi vẫn có thể mua được giá rẻ hơn. Theo tôi, bản chất dòng tiền không thoát khỏi thị trường mà dòng tiền đầu cơ đang luân chuyển qua các cổ phiếu cơ bản.
Tuần tới, khi tâm lý đã dịu lại dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu bluechip và midcap trong đó nhiều mã đã giảm khá sâu về vùng mua tích lũy phù hợp, giai đoạn này dòng tiền sẽ rời bỏ những cổ phiếu có yếu tố "làm giá" để tránh rủi ro.
VN-Index khu vực 1.440-1.450 và với VN30 là khu vực 1.490-1.495 là vùng hỗ Trợ tương đối mạnh. Thời điểm hiện tại, ở góc độ nhà đầu tư chúng ta nên tập trung "đi săn" những cổ phiếu cụ thể dưới giá trị thật ở các vùng giá cụ thể với kỹ năng giải ngân thay vì hy vọng sẽ mua tất cả bằng một lệnh ở một mức giá tại ngay đáy như đa số hy vọng.
Tôi luôn dành đặc biệt chú ý cho nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn với tăng trưởng chắc chắn trong năm 2022. Ngành cảng biển liên tục tăng trưởng mạnh từ 2020 với nhu cầu xuất nhập khẩu ngày càng lớn hưởng lợi kép từ tắc nghẽn chuỗi cung ứng cũng như sự phục hồi sản xuất sau đại dịch. Và các ngành liên quan xuất nhập khẩu khác như thủy sản, dệt may, nguyên liệu cơ bản.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chú ý ngay cả trong ngành tốt, công ty tăng trưởng tốt nhưng nếu thị giá vượt quá giá trị sổ sách (PB) 2 đến 2,5 lần hoặc hơn nữa thì cũng có thể là khoản đầu tư tồi. Đặc biệt với nhà đầu tư mới tham gia thị trường nên hiểu rõ giá thị giá cổ phiếu trên sàn và giá mua/bán theo M&A là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau mà thường xuyên bị cố tình gây hiểu nhầm.
Về dòng tiền, với chính sách lãi suất hiện nay ở Việt Nam, chưa có dấu hiệu siết cung tiền thì thời kỳ tiền rẻ vẫn tiếp diễn, ít nhất cho đến lúc này. Dòng tiền càng ngày càng thông minh hơn, lọc lựa hơn mà thôi. Chỉ cần có cơ hội tự nhiên dòng tiền sẽ xuất hiện. Không cần thiết phải níu giữ vì tự nó sẽ đủ thông minh để biết cần phải làm gì.
Vai trò của các cơ quan quản lý là rất quan trọng, mặt bằng càng minh bạch, thông tin chuẩn chỉnh, quản lý đủ "cứng" để không thành phần nào dám vượt qua lằn ranh đỏ. Niềm tin vào thị trường tăng lên, nhà đầu tư cũng dễ đi lâu dài với thị trường hơn.
Dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ, cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn mua tích luỹ cổ phiếu tốt
(Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT)
Đà giảm điểm của thị trường tuần qua một phần đến từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong bối cảnh rủi ro thị trường gia tăng, làm hụt lực cầu trên thị trường. Hơn nữa, dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ khi các cơ quan quản lý nhà nước đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đặc biệt đối với những giao dịch bất thường. Đà giảm giá mạnh của cổ phiếu đầu cơ đã kích hoạt làn sóng margin call tại các cổ phiếu này và để duy trì tỷ lệ an toàn tài sản đảm bảo, nhiều nhà đầu tư phải bán một số cổ phiếu khác trong danh mục. Do đó, đà bán ra không chỉ trong nhóm cổ phiếu đầu cơ, mà còn lan ra một số nhóm cổ phiếu đại chúng, được nhiều nhà đầu tư nắm giữ như ngân hàng, thép, chứng khoán.
Động thái siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ và thông tin về một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý đã có tác động tâm lý tiêu cực đến một bộ phận nhà đầu tư và kích hoạt đà bán ra, qua đó khiến các chỉ số chứng khoán điều chỉnh ngắn hạn. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng những sự kiện trên chỉ tác động tâm lý tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng việc Chính phủ có những động thái quyết liệt trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng trên thị trường chứng khoán, bất động sản là hết sức cần thiết nhằm chấn chỉnh thị trường và phòng ngừa những rủi ro lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Do đó, nhìn về dài hạn, điều này sẽ giúp thanh lọc thị trường, đưa thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam hoạt động minh bạch, hiệu quả, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô trong nước. Việc Chính phủ có những động thái quyết liệt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng là yếu tố tiên quyết giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán, giúp thị trường phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Trong tháng 3, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục lập đỉnh mới, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục được củng cố.
Chúng tôi cho rằng đây không phải là lần đầu tiên thị trường có những đợt giảm điểm mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, qua mỗi lần giảm đó thị trường đều hồi phục và thiết lập những đỉnh cao mới. Do đó, nếu nền tảng vĩ mô vẫn được cải thiện tích cực trong những quý tới, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022 thì không có lý do gì phải quá bi quan về triển vọng của thị trường trong năm nay. Nếu nhà đầu tư có tầm nhìn đầu tư dài hạn, việc điều chỉnh ngắn hạn lại là cơ hội để mua vào cổ phiếu tốt với giá hấp dẫn hơn và chờ đợi thời điểm những yếu tố cơ bản cải thiện được phản ánh vào giá cổ phiếu.
Nhìn theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index hiện tại vẫn đang trong xu hướng đi ngang từ đầu năm trong vùng 1.440-1.530 điểm. Trong ngắn hạn thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu thế đó. Nhà đầu tư có thể chủ động gia tăng tỷ trọng khi thị trường về cận dưới của kênh xu hướng và giảm tỷ trọng khi thị trường ở nửa trên của kênh xu hướng. Lời khuyên quan trọng nhất cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại là ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, hạn chế sử dụng margin (tỷ lệ đòn bẩy), nếu margin cao thì nên chủ động hạ margin xuống mức an toàn để tránh lâm vào tình trạng "buộc phải bán ra-margin call" dẫn tới thiệt hại không đáng có.
Về nhóm ngành, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên nhóm cổ phiếu được hưởng lợi trong bối cảnh hiện tại như giá hàng hóa tăng cao (xuất khẩu thủy sản, dệt may, đồ gỗ), môi trường lãi suất tăng (bảo hiểm), bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và logistic. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng đang giảm về vùng định giá hấp dẫn hơn và có thể mua tích lũy dần.
Bạch Huệ