(Tổ Quốc) - Bên cạnh những cập rập trong việc đặt hàng, các hệ thống bán lẻ cũng lần đầu đưa ra một số quy định mới cho người dùng mua iPhone 13 chính hãng.
Thị trường smartphone nửa cuối năm 2021 tại Việt Nam được dự đoán sẽ trở nên sôi động với những sản phẩm mới và tâm điểm là iPhone 13 Series của Apple. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng cùng những diễn biến bất ngờ của thị trường đang mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam một "mùa iPhone" hỗn loạn chưa từng có.
Cập rập trong việc đặt hàng
Tại thời điểm đầu tháng 9, khi Apple giới thiệu iPhone thế hệ 2021, một số nhà bán lẻ ở Việt Nam, như thường lệ, nhanh tay chạy các chương trình đặt hàng iPhone 13 rầm rộ.
Tuy nhiên, lần đầu tiên trên thị trường có hiện tượng “quay xe” từ các đại lý. Nhiều hệ thống buộc phải dừng đặt trước iPhone 13 và chuyển sang hình thức chỉ cho phép người dùng nhận thông tin sản phẩm. Đối với những khách hàng đã đặt cọc trước đó, cửa hàng vẫn sẽ được giữ thông tin và giao máy khi hàng về.
iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max được nhiều người dùng Việt lựa chọn.
Đại diện các hệ thống bán lẻ cho biết năm nay Apple làm "gắt" hơn so với trước. Vì thế, các hệ thống buộc phải tạm ngưng nhận cọc iPhone mới, đáp ứng theo đúng yêu cầu của hãng. “Apple chưa muốn cho người dùng đặt cọc vì sợ hàng không đủ đáp ứng. Nếu các nhà bán lẻ nhận tiền xong không có hàng thì sẽ ảnh hưởng thương hiệu của hãng. Trong trường hợp các hệ thống vi phạm những yêu cầu của Apple thì có khả năng sẽ bị cắt 50% số lượng hàng iPhone 13 và nguy cơ bị rút giấy phép ủy quyền”, đại diện một hệ thống bán lẻ lớn tiết lộ.
Thời gian mở bán iPhone 13 chính hãng là từ 22/10, sớm hơn iPhone 12 khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, theo quy định mới từ Apple, các nhà bán lẻ chỉ được nhận cọc của khách hàng trước khi sản phẩm lên kệ ở Việt Nam khoảng 7 ngày. Đồng thời, các hệ thống được truyền thông về chương trình khuyến mãi trước đó khoảng 14 ngày.
Đối với những mẫu smartphone Android cao cấp khác, thời gian đặt cọc trong 1 tuần là khá ngắn để có thể thu hút nhiều khách hàng. Còn với iPhone 13 năm nay lại không cần quá lâu như thế. Bằng chứng là chỉ chưa đầy một ngày, Thế Giới Di Động, CellphoneS hay Hoàng Hà Mobile đều thông báo ngưng nhận hàng iPhone 13 mini, iPhone 13, iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max 128 GB. Các bản bộ nhớ trong cao hơn với một số màu mới như xanh nhạt, vàng hay hồng cũng cháy hàng.
Hiện tại, nhiều hệ thống đã ngừng nhận đặt trước nhiều phiên bản iPhone 13.
“Hệ thống mở chương trình đặt trước đợt 1 cho iPhone 13 vào ngày 15 thì đến buổi chiều máy đã cháy hàng. Đến ngày 17, hệ thống tiếp tục mở đặt trước đợt 2 nhưng chỉ trong vòng buổi sáng, nhiều phiên bản iPhone 13 đã hết hàng. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin về đợt đặt hàng lần thứ 3”, nhân viên bán hàng hệ thống Thế Giới Di Động nói.
Trong khi đó, trang web của CellphoneS thông báo tạm ngưng nhận đặt hàng nhiều phiên bản màu sắc và bộ nhớ trong của cả 4 mẫu iPhone mới. Khách hàng có thể đăng ký nhận tin về hàng đợt tiếp theo vào ngày 5/11.
Để hạn chế tình trạng như trên, Di Động Việt và Minh Tuấn Mobile đều xác nhận không mở chương trình đặt cọc iPhone 13. “Chúng tôi quyết định không mở đặt cọc để đảm bảo tất cả khách hàng muốn sở hữu sớm iPhone 13 series đều có hàng ngay từ ngày 22/10 mà không phải chờ đợi. Đặc biệt, người dùng không cảm thấy mất niềm tin vì đã dành thời gian tham gia đặt cọc nhưng lại không có hàng ngay như mong muốn”, đại diện hệ thống Di Động Việt chia sẻ.
Mỗi nơi 1 giá
Những năm trước đây, các hệ thống buộc phải tuân thủ quy định của Apple, không được tự ý điều chỉnh giá bán của những sản phẩm. Những chương trình khuyến mãi cho người dùng mua iPhone rất ít. Thậm chí, nếu không đảm bảo quy định, hệ thống bán lẻ có thể bị từ chối hợp tác. Tuy nhiên, thời gian gần đây Apple dần nới lỏng việc kinh doanh của các đại lý.
Theo ghi nhận, giá bán của iPhone 13 chính hãng có sự chênh lệch từ 2-4 triệu đồng giữa các hệ thống bán lẻ khác nhau. Ngoài ra, mỗi hệ thống đều có những chương trình quà tặng, khuyến mãi đi kèm riêng. Chưa kể, một số hệ thống bán lẻ nhỏ hơn còn chọn cách trừ tiền trực tiếp vào giá bán sản phẩm thay vì tặng quà cho khách hàng.
Giá bán của iPhone 13 có sự chênh lệch khá nhiều giữa các hệ thống.
Một vị CEO của hệ thống bán lẻ tại TP.HCM cho biết giá mua vào iPhone 13 của các đại lý thì hầu hết là bằng nhau hoặc có thể chênh lệch không đáng kể. Apple và hệ thống nhà phân phối ở Việt Nam không quy định về giá bán ra cho khách hàng. Vì thế, giá bán lẻ của từng đại lý chênh lệch khá nhiều tuỳ vào chiến lược và định vị của từng thương hiệu.
“Apple không có yêu cầu và quy định về giá bán của các đại lý. Hãng sẽ chỉ đưa ra cảnh báo nếu đại lý bán giá quá cao, còn bán thấp thì không vấn đề gì”, bà Hoàng Minh Tâm, đại diện hệ thống Hoàng Hà Mobile nói.
Việc chênh lệch giá bán ở mức vài triệu đồng của một sản phẩm tại những hệ thống khác nhau không phải là câu chuyện quá mới mẻ. Thậm chí, một hệ thống bán lẻ đã giảm đến 10 triệu đồng cho người dùng đặc trước Galaxy Z Fold3 và Z Flip3 vào tháng 8. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm từ Apple, đây được xem là điều hiếm khi xảy ra trước đây bởi có thể ảnh hưởng đến chính sách định giá sản phẩm của hãng. Vì thế, khách hàng nên thận trọng, tìm hiểu thật kỹ và so sánh những chính sách hậu mãi giữa các đại lý trước khi mua máy.
Yêu cầu khách mở hộp tại cửa hàng và hiện tượng gom máy kiếm lời
Đây cũng là năm đầu tiên nhiều hệ thống bán lẻ đưa ra quy định buộc người dùng mua iPhone 13 phải khui hộp và kích hoạt máy ngay tại cửa hàng. Lý do của chính sách này là hạn chế việc mua đi bán lại kiếm lời. Đồng thời, các đại lý cho rằng cách làm này nhằm để đảm bảo khách hàng được đổi máy mới ngay lập tức nếu sản phẩm bị lỗi. Do thời gian đầu số lượng hàng có hạn nên nếu lúc khác khách quay lại không có sẵn máy đổi ngay.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS cho biết iPhone 13 hàng chính hãng về nước trong giai đoạn đầu sẽ bị giới hạn nên dễ xảy ra tình trạng mua bán lại. Việc yêu cầu người mua kích hoạt máy ngay sẽ phần nào giúp khách hàng mua được iPhone 13 chính hãng đúng giá.
Để hạn chế việc đầu cơ, các hệ thống yêu cầu khách hàng phải mở hộp khi mua.
Tuy nhiên, hiện tại các hệ thống như Thế Giới Di Động, CellphoneS, Hoàng Hà Mobile đưa ra thông báo sẽ áp dụng quy định trên. Những hệ thống nhỏ hơn như Di Động Việt hay HnamMobile đều cho biết không áp dụng quy định này đối với khách hàng mua iPhone 13 hay bất kỳ sản phẩm nào khác của Apple.
Điều lo lắng của các hệ thống bán lẻ cũng không hẳn là vô lý. Apple đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những vấn đề về nguồn cung linh, phụ kiện và nhân công lắp ráp. Một số thị trường ở Đông Nam Á như Singapore hay Malaysia thì nguồn cung iPhone 13 Series chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của khách hàng. Các đại lý cho biết trong giai đoạn đầu, số lượng hàng iPhone 13 Series chỉ đáp ứng được khoảng 9-10% nhu cầu tại thị trường Việt Nam. Hàng xách tay gần như không về được và đắt hơn chính hãng. Lượng xách tay năm nay về chỉ bằng khoảng 10% so với mọi năm. Sự khan hiếm này đã tạo thời cơ cho những cửa hàng nhỏ thu gom iPhone 13 chính hãng để kiếm lời.
“Năm nay, các cửa hàng nhỏ lẻ tiến hành đặt trước số lượng lớn iPhone 13 tại những hệ thống để bán lại kiếm lời. Tôi biết có 1 số người đã đặt được hơn 100 máy. Họ chấp nhận khui hộp và kích hoạt khi nhận máy. Điều này chắc chắn làm giảm giá trị của sản phẩm nhưng không quá nhiều và quan trọng là vẫn rẻ hơn hàng xách tay. Với mỗi sản phẩm chính hãng, họ có thể bán lại và lời trên 2 triệu đồng mỗi máy là điều bình thường vì hàng đang khan hiếm”, chủ cửa hàng di động ở quận 10, TP.HCM chia sẻ.
Lê Trọng