(Tổ Quốc) - Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng bảo hiểm xã hội năm 2022; Tăng thời gian làm thêm giờ cho lao động thời vụ; chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng… là những chính sách mới chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2022.
Những trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ
Thông tư 21 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2022.
Theo đó, có 4 trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền này gồm:
- Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).
- Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình Thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc Thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).
- Sang Ma-lai-xi-a làm giúp việc gia đình.
- Sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.
Trong khi đó, nếu sang Nhật Bản làm lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định; sang Đài Loan làm hộ lý và y tế tại bệnh viện, trung tâm dưỡng lão; sang Hàn Quốc làm thuyền viên đánh cá gần bờ thì người lao động phải nộp tiền dịch vụ bằng 0,7 tháng tiền lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng, và tối đa 1 tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
Nếu sang Đài Loan làm người chăm sóc bệnh nhân tại gia đình, giúp việc gia đình, làm nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ thì mức phí này là 0,4 tháng lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng và tối đa 1 tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
Tăng thời gian làm thêm giờ của công việc có tính chất thời vụ
Ngày 1/2/2022 tới đây, Thông tư 18/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực.
Thông tư này sẽ thay thế cho Thông tư 54/2015 quy định thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với lao động thời vụ.
Theo đó, giới hạn về giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm đã được mở rộng hơn. Cụ thể như sau: tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần của người lao động không quá 72 giờ, trong khi trước đây là không quá 64 giờ; tổng số giờ làm thêm trong một tháng được Thông tư này quy định là không quá 40 giờ, thay cho quy định không quá 32 giờ như trước đây.
Đáng chú ý, kể từ ngày 1/2/2022, khi đi làm thêm vào các ngày lễ, tết, người lao động làm công việc thời vụ cũng sẽ không còn được nghỉ bù như quy định trước đây, mà chỉ được tính hưởng lương làm thêm giờ cho ngày làm việc đó.
Quy định mới về xuất xứ hàng hóa
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, Nghị định 111/2021/NĐ-CP ban hành ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Trong đó, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau "sản xuất tại"; "chế tạo tại"; "nước sản xuất"; "xuất xứ"; "sản xuất bởi"; "sản phẩm của" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: "lắp ráp tại"; "đóng chai tại"; "phối trộn tại"; "hoàn tất tại"; "đóng gói tại"; "dán nhãn tại" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.
Quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công.
Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.
Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Nghị định 131/2021/NĐ-CP cũng quy định giảm tiền sử dụng đất cho người có công.
Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng
Theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.
Cũng theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định cũ là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Nghị định 134/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.
Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên đảm bảo toàn diện, chính xác
Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.
Thông tư nêu rõ yêu cầu đánh giá là bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan. Đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học viên; không so sánh học viên với nhau.
Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.
Đánh giá bằng nhận xét: Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học viên trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên.
Đánh giá bằng điểm số: Được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên phù hợp với đặc thù của môn học. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.
Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong từng học kì, điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong cả năm học. Kết quả học tập của học viên trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 trong 04 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022 và thực hiện theo lộ trình sau:
- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6
- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10
- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11
- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.
Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH năm 2022
Mỗi năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều có mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội. Đây là hệ số giúp bù đắp lại sự mất giá của đồng tiền ở các thời điểm khác nhau, vì thế, còn được gọi là hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội. Theo Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 20/2/2022, hệ số trượt giá năm nay có sự tăng nhẹ. Cụ thể:
Giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995: Tăng 0,09.
Giai đoạn đóng BHXH năm 1995: Tăng 0,08.
Giai đoạn đóng BHXH từ năm 1996 - 1999: Tăng 0,07.
Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2000 - 2003: Tăng 0,06.
Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2004 - 2007: Tăng 0,05.
Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2008 - 2009: Tăng 0,04. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2010 - 2013: Tăng 0,03.
Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 - 2020: Tăng 0,02.
Hệ số trượt giá BHXH năm 2022 "nhích nhẹ" so với năm 2021 khiến mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng sẽ tăng. Nhờ đó, các khoản tiền được tính dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng tăng theo, trong đó có tiền bảo hiểm xã hội 1 lần, tiền lương hưu hằng tháng, tiền trợ cấp tuất một lần…
Hồng Vân