Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động khó lường và dòng vốn ngoại liên tục rút khỏi thị trường, nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh, tạm hoãn hoặc thậm chí huỷ kế hoạch phát hành cổ phiếu để huy động vốn nhằm đảm bảo cổ đông được giao dịch trong vùng giá tốt.
Khối ngoại không ngừng bán ròng, áp lực chốt lời tăng cao
Kết phiên 21/03/2024, VN-Index tăng 16,34 điểm (+1,3%) lên mức 1.276,42 điểm, tăng 13% so với đầu năm 2024. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index hiện vẫn biến động mạnh và diễn biến giằng co liên tục xuất hiện trước áp lực chốt lời trong các phiên gần đây. Mới chỉ vào sáng đầu tuần này (18/03/2024), hiện tượng bán tháo nổ ra khiến hàng loạt cổ phiếu nóng giảm sàn, gần 27.000 tỷ đồng đã được giao dịch trên thị trường và chỉ số VN-Index mất đến 36 điểm chỉ trong phiên sáng.
Bên cạnh đó, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng không mấy khả quan khi vẫn đang miệt mài bán ròng trên toàn thị trường. Luỹ kế từ đầu năm 2024 tới hiện tại, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 4.755 tỷ. Đáng chú ý, nếu chỉ xét giao dịch khớp lệnh, con số này đã vượt ngưỡng 9.000 tỷ đồng. Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp khối ngoại "xả hàng" khớp lệnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), quan sát quá khứ, đây là vùng bán ròng ưa thích của khối ngoại trong ngắn hạn, khi thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu vắng những câu chuyện lớn. Do vậy, không loại trừ áp lực bán ròng này sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh hiện tại, nhằm ổn định giá cổ phiếu và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, không ít doanh nghiệp đã phải tạm hoãn, thậm chí huỷ kế hoạch phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Định hướng phát triển công ty trên cơ sở đảm bảo quyền lợi Cổ đông
Gần nhất vào ngày 22/03/2024, Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC AgriS, HOSE: SBT) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc tạm hoãn phương án phát hành thêm 148 triệu cổ phiếu (tương đương 20% vốn điều lệ) cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán dự kiến là 12.000 đồng/cổ phiếu.
Theo kế hoạch tăng vốn ban đầu, thời gian chào bán dự kiến được tiến hành trước ngày 31/12/2024 và sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, với tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1. Nếu chào bán thành công, TTC AgriS đã có thể thu về hơn 1.777 tỷ đồng, toàn bộ số tiền thu được dự kiến được sử dụng để bổ sung nguồn vốn phục vụ cho các chiến lược trọng tâm giai đoạn 2021 – 2025 của TTC AgriS.
Theo Nghị quyết HĐQT công bố, lý do tạm hoãn phát hành thêm cổ phiếu của TTC AgriS là vì Công ty muốn đảm bảo lợi ích cho cổ đông trước bối cảnh thị trường chung còn nhiều biến động. Được biết, Hội đồng quản trị TTC AgriS sẽ xem xét, quyết định và triển khai lại đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng vào thời điểm khác phù hợp hơn với kế hoạch kinh doanh của công ty và định hướng phát triển của công ty phải dựa trên tinh thần đảm bảo quyền và lợi ích của cổ đông.
Bên cạnh TTC AgriS, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) cũng vừa công bố trong Báo cáo thường niên năm 2023 về việc dừng kế hoạch gọi vốn mới để tăng vốn điều lệ lên 2.380 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, công ty này lên kế hoạch chào bán 38 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu, nếu phát hành thành công, dự kiến huy động 380 tỷ đồng trong năm 2023. Việc nộp hồ sơ mới để tiếp tục triển khai đợt chào bán sẽ được thực hiện lại sau khi Hội đồng quản trị công ty quyết định phù hợp với nhu cầu vốn và tình hình hoạt động.
Trước đó, Công ty Cổ phần Thép POMINA (HOSE: POM) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc tạm dừng triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Theo kế hoạch ban đầu, POM sẽ phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu (hơn 20% vốn điều lệ) cho hãng thép Nhật Bản với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền huy động 700 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HOSE: LDG) bất ngờ thông qua việc huỷ bỏ phương án phát hành 12,8 triệu cổ phiếu theo chương trình cho người lao động năm 2023 (ESOP 2023) theo kế hoạch đã thông qua ngày 16/11/2023 với lý do giá cổ phiếu xuống thấp và bị ảnh hưởng từ một số nguyên nhân khách quan nên việc phát hành cổ phiếu ESOP 2023 chưa phù hợp với tình hình hiện tại.
Bức tranh triển vọng năm 2024 vẫn tươi sáng, doanh nghiệp chờ đợi cơ hội tăng vốn mở rộng quy mô hoạt động
Khi nhìn về trung và dài hạn, VDSC cho rằng trạng thái giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ đảo chiều tích cực trở lại và chấp nhận trả một mức P/E cao hơn một khi các NHTW lớn bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất và Việt Nam cải thiện các tiêu chí để được nâng hạng thị trường.
Nhiều CTCK và chuyên gia trong ngành cũng cho rằng bức tranh triển vọng năm 2024 đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khá tươi sáng, bất chấp các nhịp điều chỉnh và rủi ro ngắn hạn.
Bên cạnh đó, sự quyết liệt của Chính phủ trong mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, thu hút nguồn vốn ngoại dồi dào trở lại thị trường cũng là động lực giúp nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh/hoặc tái khởi động phương án tăng vốn nhằm đón đầu cơ hội trong thời gian tới.