(Tổ Quốc) - Trong hành trình 35 năm từ một công ty kim hoàn thuộc nhà nước để trở thành một trong ba nhà bán lẻ trang sức hàng đầu Châu Á, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trải qua quá trình “rung lắc mạnh” khi quyết tâm thiết kế lại hệ điều hành của một nhà sản xuất để hướng tới phục vụ trải nghiệm và mong đợi của khách hàng.
Tập mới nhất của talk show "The Next Power" sản xuất bởi S-World và VNE mới đây là cuộc trò chuyện truyền cảm hứng của Shark Trương Lý Hoàng Phi với hai nhà lãnh đạo: Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung và Tổng Giám đốc PNJ Lê Trí Thông về giai đoạn tái cấu trúc và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ của một công ty kim hoàn nhà nước lâu đời đã tư nhân hóa.
Năm 2018, nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung đã "táo bạo" trao quyền cho một thế hệ lãnh đạo trẻ, trong đó có việc chọn anh Lê Trí Thông làm CEO.
Những thành tố tạo nên công thức đổi mới của PNJ
Trước đây, PNJ là một công ty sản xuất, đề cao về kỷ luật và quản trị chất lượng, nhưng cách quản trị lại theo kiểu "gia đình" là đa số bảo vệ và không dám mạnh tay để cho mọi người tự quyết những vấn đề.
Nhưng chính văn hóa đó đã dẫn đến sự trì trệ của PNJ trong suốt một thời gian dài. Vì lý do đó, bà Dung cùng HĐQT đã quyết tâm "tái tạo văn hóa" tại PNJ qua những thành tố cụ thể:
Đầu tiên là quyết tâm của những người lãnh đạo. Kế tiếp là câu chuyện chính trực và tôn trọng sự thật, dám nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết vấn đề một cách triệt để.
Tiếp theo là câu chuyện khai phóng, mở ra để giải phóng những nguồn năng lượng bên trong tổ chức. Từ đó tạo ra được những tư duy mới, cách làm mới cùng những xung đột mới. Chính những xung đột đó giúp cho động cơ bên trong tổ chức có đủ độ nén để chạy.
Đó chính là sự xung đột cần thiết và có giá trị, tạo thành một lực hút nam châm mới, giúp cho PNJ thu hút thêm được những nguồn lực sáng tạo vào bên trong.
Điểm mới của PNJ khiến cho 2 người lãnh đạo tự hào đó chính là một thế hệ lãnh đạo trẻ có đủ tri thức, có đủ khả năng dẫn dắt đà phát triển của công ty cũng như theo kịp nhu cầu của thị trường xã hội.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của PNJ đạt 10.619 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 82% tổng tài sản, ghi nhận tăng 34% so với cùng kỳ.
Các tài sản ngắn hạn và dài hạn khác duy trì ổn định trong ba năm 2019 - 2021. PNJ đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 với doanh thu thuần 32,2%, tương đương hơn 25.834 tỷ đồng và lãi ròng tăng trưởng 28,2%, tương ứng hơn 1.319 tỷ đồng.
Niềm tin vào sự chính trực, tử tế
Niềm tin tại PNJ được trao và được tạo ra rất nhiều chương trình để khai phóng cho từng con người, từng nhân sự được CEO Lê Trí Thông gọi là "khai phóng nội năng".
Niềm tin của con người ở PNJ ngày càng mạnh hơn, nhưng sự trao niềm tin còn mạnh hơn nữa. Để văn hóa đổi mới sáng tạo được duy trì liên tục tại PNJ, cần phải nhắc đến 2 quá trình rất quan trọng.
Quá trình thứ nhất là khai phóng bên trong để mọi người có thể tự suy nghĩ, có khả năng dám đề xuất, dám làm những thứ mà mình nghĩ ra. Song hành với đó, PNJ bổ sung thêm năng lực, bổ sung thêm sự bài bản để các bạn sáng tạo. Bởi vì sáng tạo mà không có sự bài bản thì đôi khi sẽ trở thành hố đen.
Quá trình thứ hai là PNJ thu hút được những con người có khả năng sáng tạo, đã làm trong những môi trường sáng tạo hoặc họ muốn sáng tạo hơn cả những môi trường cho họ sáng tạo nữa.
"Khi PNJ đã có được chất liệu là con người sáng tạo rồi, thì những yếu tố tiếp theo mới quan trọng và mới có thể tiếp tục tạo ra giá trị cho doanh nghiệp", anh Thông khẳng định.
Ở PNJ, các tầng cấp quản lý được giảm đi. Trước đây, một người nhân viên có ý tưởng mới phải báo lên nhóm trưởng, nhóm trưởng báo lên trưởng phòng, trưởng phòng mới báo lên giám đốc khối… Chính tầng cấp đó làm triệt tiêu đi sự sáng tạo bởi đường sáng tạo xa và nhiều trắc trở sẽ khiến các ý tưởng khó thành hiện thực.
Ngày hôm nay, với câu chuyện workplace, Chủ tịch hay Tổng Giám đốc PNJ có thể đăng một bài và bất cứ ai có ý tưởng gì đều có quyền được bình luận ở dưới. Việc này làm cho sự sáng tạo không còn là câu chuyện độc quyền của những người báo cáo trực tiếp, mà ngay cả những người ở vị trí thấp nhất cũng có được không gian dân chủ để mọi người bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình.
Bên cạnh đó, PNJ có một vườn ươm doanh nghiệp (Innovation incubator), bất cứ ai ở PNJ có ý tưởng về kinh doanh sẽ được công ty đầu tư. Mọi nhân viên ngồi ở những vị trí khác nhau trong tổ chức chỉ cần có ý tưởng thì sẽ tới trình bày. Nếu ý tưởng đó đủ thuyết phục thì sẽ được công ty đầu tư và chia lợi nhuận.
"Vườn ươm doanh nghiệp tại PNJ có thể chưa đem lại giá trị ngay lập tức về kinh tế nhưng đã giúp cho đội ngũ của PNJ tự tin hơn, tạo nên một không khí phấn khởi, tạo được niềm tin vào từng con người trong tổ chức", bà Dung nhận định.
Với mong muốn mở rộng vườn ươm doanh nghiệp tại PNJ, CEO Lê Trí Thông chia sẻ: "Chúng tôi đang hướng dẫn cho mọi người sáng tạo có bài bản. PNJ thu hút được những người thích làm sáng tạo ở khắp mọi nơi cùng tham gia với PNJ.
Chúng tôi đã nghĩ tới câu chuyện cùng làm với các trường, các viện, các trung tâm sáng tạo, bởi vì sự sáng tạo chỉ tạo ra giá trị cộng hưởng nếu những kinh nghiệm của ngành này đem đi trộn và tạo ra sự cộng hưởng với những kinh nghiệm, kỹ năng của ngành khác".
Mong đợi của khách hàng là nơi bắt đầu những sản phẩm của PNJ
Năm 2021, PNJ nằm trong top 10 những doanh nghiệp có trải nghiệm khách hàng tốt nhất Việt Nam do KPMG nghiên cứu độc lập và công bố. Điều này cho thấy những gì mà PNJ đầu tư trong suốt thời gian qua cùng những sáng kiến, những cam kết mà PNJ theo đuổi bắt đầu tạo ra những trái ngọt.
Trong giai đoạn dịch covid-19 hoành hành, ngành trang sức cũng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề và bị co lại không chỉ ở Việt Nam mà còn ở châu Á và trên thế giới. Nhưng có một điều bất ngờ là PNJ vẫn đạt được sự tăng trưởng nhờ có thêm rất nhiều những dòng trang sức được thiết kế một cách riêng biệt, may đo cho từng nhóm khách hàng.
Nhu cầu của thị trường trang sức tại Việt Nam đang tiến hóa và sự phân tách giữa một nhóm chung ra thành từng nhóm nhỏ với những phong cách khác nhau ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu của chuyện thể hiện tính cá nhân hóa và đưa ra những tuyên ngôn về cá tính riêng thông qua trang sức vẫn còn rất nhiều.
Nhờ có những tương tác với khách hàng, doanh nghiệp này đã tạo được những niềm tin từ phía khách hàng và đó cũng là một năng lực quan trọng để doanh nghiệp có thể mở rộng thêm những ngành hàng không chỉ là trang sức.
Việc liên tục tái tạo, nhìn nhận bản thân trong một không gian cạnh tranh mới giúp doanh nghiệp sáng tạo không chỉ trong sản phẩm, sáng tạo trong cách làm việc với đối tác, cách tạo ra những mối liên kết, những hợp tác chiến lược với cộng đồng khởi nghiệp cũng như với những con người sáng tạo.
Ngoài ra, việc luôn lắng nghe khách hàng để cố gắng đáp ứng được và tạo ra những nền tảng công nghệ để khách hàng cùng tham gia vào quá trình sáng tạo còn giúp biên giới khách hàng của PNJ không còn chỉ ở trong thị trường Việt Nam mà còn ở trên khắp thế giới.
Việt Phúc