Hành trình thành tỷ phú của nhà sáng lập Hyundai: Dùng 0,5 USD vay được 50 triệu USD, đợi khi có nhà mới chi tiêu thoải mái

(Tổ Quốc) - Tặng ngân hàng tờ bạc trị giá 0,5 USD, người đàn ông được cho vay 50 triệu USD nhờ một chi tiết in trên tờ tiền.

Hyundai là công ty ô tô không còn xa lạ với phần lớn chúng ta. Thời điểm hiện tại, hãng xe toàn cầu này có vốn hóa thị trường trị giá hơn 37 tỷ USD. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng Chung Ju Yung - nhà sáng lập Hyundai từng trải qua rất nhiều khó khăn để khởi nghiệp và biến công ty thành gã khổng lồ xe hơi.

Dưới đây là câu chuyện của nhà sáng lập Hyundai:

Nỗ lực thoát nghèo

Chung sinh năm 1915, tại Tongchon (ngày nay là Bắc Triều Tiên). Thời điểm đó, nơi này bị sáp nhập vào Nhật Bản. Là con cả trong gia đình có 8 người con, ông buộc phải bỏ học trước khi lên cấp ba để đi làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Dù vậy, công việc chân tay vất vả khiến ông nảy sinh mong muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Năm 16 tuổi, ông cuốc bộ gần 20 km sang một thị trấn khác và xin được việc tại một công trường xây dựng. Tại đây, dù làm việc nhiều giờ liên tục mỗi ngày nhưng thù lao mà ông nhận được không cao. Thế nhưng, nhờ việc này, ông đã khám phá ra niềm đam mê với kỹ thuật dân dụng.

Hành trình thành tỷ phú của nhà sáng lập Hyundai: Dùng 0,5 USD vay được 50 triệu USD, đợi khi có nhà mới chi tiêu thoải mái - Ảnh 1.

Chung Ju Yung thời trẻ (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên, nó đã bị gác lại khi Chung bị cha tìm thấy và đưa về nhà. Năm 18 tuổi, ông một lần nữa "tẩu thoát" lên Seoul (cách Tongchon 169 km) bằng đôi chân của mình. Xui xẻo thay, ông bị một người hứa sẽ tìm việc cho nhưng lại lừa lấy hết tiền của ông. Không còn tiền, ông buộc phải trở về nhà.

Bất chấp khó khăn, ông vẫn không từ bỏ ý định thoát ly. Lần thứ 3, ông quyết định đi tàu hỏa để đỡ tốn sức và nhanh hơn. Để có tiền mua vé, ông đã liều lĩnh lấy trộm bò của cha mang đi bán. Lên đến Seoul, ông xin một công việc liên quan đến kế toán. Mục đích của ông là tìm hiểu thêm về tài chính doanh nghiệp. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông lại bị cha bắt quay lại Tongchon.

Với mong muốn thoát nghèo mãnh liệt, Chung lại một lần nữa trốn lên Seoul và làm việc cho một cửa hàng gạo. Khi người chủ bệnh nặng, không thể tiếp tục kinh doanh, ông quyết định dồn hết tiền tiết kiệm để mua lại cửa hàng rồi trở thành ông chủ ở tuổi 22.

Để có vốn khởi nghiệp, ngoài làm việc chăm chỉ, Chung còn sống rất tiết kiệm. Khi làm thuê cho cửa hàng gạo, ông dậy sớm đi bộ đến đó thay vì tốn 5 won đi tàu điện. Vì đi bộ nhiều, đôi giày của ông bị mòn đế. Tuy vậy, ông không bỏ đi mà đóng thêm đế và tiếp tục sử dụng. Ông cũng không mua quần áo mà chỉ có vài bộ mặc đi mặc lại theo ngày tháng.

Nhờ lối sống đó, khi người chủ lâm bệnh, ông mới có vốn để mua lại cửa hàng gạo. Trải qua biết bao khó khăn, hành trình lập nghiệp của ông mới chính thức bắt đầu.

Xây dựng đế chế Hyundai

Thách thức đầu tiên của Chung xảy đến sau 2 năm, khi chính quyền Nhật Bản thực hiện việc phân chia khẩu phần gạo năm 1939. Cuối cùng, ông phải dừng kinh doanh. Sau đó, ông mở một gara sửa ô tô. Chỉ trong 4 năm, tiệm sửa chữa đã có 70 nhân viên.

Thế nhưng thách thức chưa dừng lại ở đó. Chính phủ Nhật buộc gara của ông phải hợp nhất với một nhà máy thép. Trong Thế chiến II, ông tạm chuyển về quê, bắt đầu lên kế hoạch sử dụng số tiền kiếm được.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, Chung đã kết hợp đam mê về kỹ thuật dân dụng và kiến thức về ô tô để thành lập Hyundai Motor Industrial năm 1946 và Hyundai Civil Industries năm 1947.

Hành trình thành tỷ phú của nhà sáng lập Hyundai: Dùng 0,5 USD vay được 50 triệu USD, đợi khi có nhà mới chi tiêu thoải mái - Ảnh 2.

Một nhà máy Hyundai ở thời điểm hiện tại (Ảnh: Internet).

Thời điểm đó, Hàn Quốc đang nỗ lực tái thiết và công nghiệp hóa thời hậu chiến. Nhờ tư duy kinh doanh nhạy bén, Chung đã khéo léo đặt các dự án kinh doanh của mình vào trung tâm của nỗ lực này. Thậm chí, ngay cả việc đặt tên cho công ty cũng được ông tính toán cho phù hợp với thời thế. Hyundai có nghĩa là hiện đại.

Sau một thời gian hoạt động, Hyundai giành được một số hợp đồng béo bở của chính phủ. Trong 20 năm sau Thế chiến II, công ty chịu trách nhiệm phát triển phần lớn cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở Hàn Quốc.

Chung là người đã đưa Hyundai lên bản đồ thế giới bằng những hợp đồng quốc tế. Năm 1965, công ty được trao hợp đồng xây dựng đường cao tốc Thái Lan. Sau đó, họ hoàn thành cảng công nghiệp Jubail ở Ả Rập Xê Út. Thời điểm này, đây là dự án xây dựng lớn nhất thế kỷ 20. Đến những năm 1980, Hyundai là tập đoàn lớn nhất và thành công nhất ở Hàn Quốc.

Năm 1976, công ty ra mắt Hyundai Pony – chiếc ô tô chỉ sử dụng công nghệ của Hàn Quốc. Đạt thành công tại Nam Mỹ, dòng xe này tiếp tục thâm nhập thị trường Mỹ năm 1986. Tại đây, nó được đổi tên thành Excel và lập kỷ lục là dòng xe được bán nhiều nhất trong năm đầu tiên với 126.000 chiếc.

Hành trình thành tỷ phú của nhà sáng lập Hyundai: Dùng 0,5 USD vay được 50 triệu USD, đợi khi có nhà mới chi tiêu thoải mái - Ảnh 3.

Xe Hyundai Pony (Ảnh: Internet).

Tuy đạt được thành công lớn trong lĩnh vực xây dựng và ô tô, Chung quyết định từ chức Chủ tịch Hyundai năm 1987. Dù vậy, ông vẫn nỗ lực thúc đẩy các dự án du lịch để giới thiệu Hàn Quốc với bạn bè quốc tế. Năm 1992, ông tranh cử Tổng thống Hàn Quốc nhưng không thành công.

Trước thời điểm xảy ra vụ đại khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, doanh số hàng năm Hyundai đã vượt hơn 90 tỷ USD. Chung từng có lúc sở hữu 6 tỷ USD và là người giàu nhất Hàn Quốc.

Trả món nợ năm xưa

Năm 1998, Chung (khi đó 84 tuổi) đã trở về quê nhà Tongchon, mang theo 1.001 con bò. Ông nói: "Con bò năm xưa tôi ăn cắp giờ đã trở thành 1.000 con. Món nợ của tôi cuối cùng cũng được trả".

Nhà sáng lập Hyundai qua đời năm 2001. Thời điểm đó, ông sở hữu 4 tỷ USD. Đối với nhiều người, sự thành công của Chung không nằm ở khối tài sản này mà ở những đóng góp quan trọng của ông với Hàn Quốc.

Với những thành tích đó, Chung được trao tặng huy chương từ Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Năm 1982, ông trở thành doanh nhân không phải người Mỹ đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ danh sự về kinh doanh của Đại học Đại học George Washington.

Tại Hàn Quốc, ông nhiều năm liên tiếp giữ ghế chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc và là một trong những người tham gia đàm phán giúp Seoul giành quyền đăng cai Thế vận hội 1988.

Triết lý thành công

Chung từng chia sẻ rằng một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của ông là tình thần "không gì là không thể". Có một câu chuyện nổi tiếng về Chung là khi gia nhập lĩnh vực đóng tàu, ông gặp khó khăn về tài chính. Vì thế, ông đến ngân hàng Barclays và tặng họ một tờ tiền 500 won (tương đương chỉ 0,5 USD).

Tờ tiền này tuy giá trị không cao nhưng lại in hình một chiếc tàu được sản xuất vào thế kỷ 16 với hàm ý người Hàn Quốc cũng có thể đóng tàu. Kết quả là Barclays đã cho Hyundai vay 50 triệu USD. Nhờ đó, Chung giải quyết được trở ngại tài chính và biến công ty thành nhà sản xuất tàu lớn nhất thế giới ở thời điểm đó.

Hành trình thành tỷ phú của nhà sáng lập Hyundai: Dùng 0,5 USD vay được 50 triệu USD, đợi khi có nhà mới chi tiêu thoải mái - Ảnh 4.

Chung Ju Yung (Ảnh: Internet).

Ngay cả khi đã thành người giàu, ông vẫn duy trì thói quen cần kiệm, không mua sắm những thứ xa xỉ không cần thiết. Vị doanh nhân còn thường xuyên khuyên nhân viên hãy sống tiết kiệm, ít nhất là khi mua được nhà thì hãy chi tiêu thoáng hơn. Theo ông, họ nên tập tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất như không hút thuốc, rượu chè, không mua sắm quá đà…

Gặp phải không ít khó khăn trong hành trình lập nghiệp nhưng Chung vẫn tìm cách vượt qua. Chính chữ tín đã giúp ông đứng vững trên thương trường. Một lần, khi tiến hành dự án xây dựng cầu Koriong, Hyundai rơi vào cảnh thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản.

Để giữ chữ tín, Chung quyết định bán nhà cửa, thanh lý tài sản cá nhân để hoàn thành dự án. Việc này khiến Chung và công ty mất nhiều năm mới trả hết nợ nhưng nhờ đó mà sau này, Hyundai được chính phủ Hàn Quốc và đối tác tin tưởng, giao cho nhiều dự án lớn nhỏ.

"Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách" là châm ngôn bất hủ cũng như lời đúc kết cho những gì ông đã trải qua trong cuộc đời của mình. Đối với ông, "Vận may, vận rủi đều đến với con người như nhau. Quan trọng nhất là phải nỗ lực không ngừng và biết chớp thời cơ".

Nguồn: Inc, Medium

Mộc Tiên

Tin Cùng Chuyên Mục
“Tết nay phải khác” với Top 5 trải nghiệm không thể bỏ lỡ tại Sơn Tiên

“Tết nay phải khác” với Top 5 trải nghiệm không thể bỏ lỡ tại Sơn Tiên

Sơn Tiên – biểu tượng mới của ngành du lịch giải trí Việt Nam, đã và đang tạo nên sự khác biệt nhờ sự kết hợp giữa văn hóa, giải trí, và tâm linh. Với sự phát triển từ thương hiệu Suối Tiên, nơi đây đã trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi du khách, sẽ mang đến những trải nghiệm thật khác trong mùa tết năm nay.
Tin mới