Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 50% dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân. Việc đẩy mạnh cung ứng chữ ký số cá nhân góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, giúp người dân tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ số trong đời sống hằng ngày.
Cùng với định danh điện tử, chữ ký số sẽ giúp tiến tới một xã hội không giấy tờ
Dịch vụ công trực tuyến đang được triển khai mạnh mẽ trên môi trường số, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân khi thực hiện các giao dịch hành chính. Quá trình sử dụng giao dịch điện tử sẽ không thể thiếu chữ ký số cá nhân, vì chữ ký số có tính pháp lý thay thế chữ ký tay truyền thống. Cùng với định danh điện tử, chữ ký số sẽ giúp người dân thực hiện các giao dịch mà không cần gặp mặt, thúc đẩy kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới một xã hội không giấy tờ.
Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 con số này là hơn 70%. Tuy nhiên thực tế đến tháng 6/2023, tỷ lệ người trưởng thành tại Việt Nam có chữ ký số mới đạt 3%. Con số rất khiêm tốn này dẫn đến các giao dịch cá nhân còn thực hiện theo phương thức truyền thống trên giấy, gây mất thời gian và làm chậm tiến trình chuyển đổi số. Việc phổ cập chữ ký số cho người dân là một hoạt động rất cần thiết, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công, thủ tục hành chính nhanh và thuận tiện hơn, từ đó sớm hoàn thiện các điều kiện hình thành xã hội số.
Hành trình trở thành chữ ký số toàn dân của MySign Viettel
Nhận thức được điều này, cùng với sứ mệnh tiên phong, chủ đạo kiến tạo xã hội số, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đang tăng tốc trong việc hỗ trợ các địa phương, tổ chức ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến, phổ cập chữ ký số cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, giúp người dân tiếp cận chữ ký số dễ dàng hơn.
Dịch vụ chữ ký số MySign của Viettel Telecom đã học hỏi kinh nghiệm triển khai của các nhà cung cấp dịch vụ trên thế giới để ứng dụng công nghệ eKYC cho phép định danh toàn trình 100% người dùng trên hệ thống khi đăng ký dịch vụ.
Đặc biệt, Viettel Telecom là đơn vị tiên phong tích hợp sẵn MySign vào nhiều ứng dụng công cộng để người dân có thể sử dụng đơn giản, nhanh chóng, nâng cao tính ứng dụng vào đời sống thường ngày.
Ông Cao Anh Sơn- Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, hiện tại dịch vụ đã và đang triển khai cho tập khách hàng giáo dục, y tế, cá nhân trong tổ chức và người dân trên cả nước. Đồng thời có chủ trương cấp miễn phí cho người dân sử dụng các dịch vụ công.
Việc cấp miễn phí chữ ký số mới chỉ là bước đầu, còn để người dân sử dụng nhiều hơn thì chính quyền, các tổ chức doanh nghiệp cần triển khai việc tích hợp chữ ký số MySign vào các môi trường ký để đáp ứng các nhu cầu phổ biến của người dân như tài chính tiền tệ ngân hàng,…Với những nỗ lực đó, chắc chắn chữ ký số MySign Viettel sẽ sớm phổ cập, trở thành "chữ ký số toàn dân" trong tương lai gần./.