(Tổ Quốc) - Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, kết quả kinh doanh quý 3, quý 4 sẽ có thể đột biến hơn, bởi thời điểm năm trước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid.
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 2/2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 năm 2022 ước tính tăng 7,72% - mức cao nhất trong số các quý 2 của giai đoạn 2011-2021. Cùng đà hồi phục tích cực của nền kinh tế chung, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp đã được hé lộ với nhiều gam màu sáng.
Một ngành đầu tiên được liệt tên với việc hưởng lợi trong 6 tháng đầu năm 2022 phải kể tới nhóm dầu khí khi bối cảnh toàn cầu đẩy giá dầu thế giới liên tục đạt ngưỡng kỷ lục mới. Với độ nhạy cảm lớn, nhiều doanh nghiệp dầu khí đã báo lãi lớn trong nửa đầu năm nay. Tiêu biểu là "ông lớn" Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã chứng khoán: GAS)
Cụ thể, Tổng kết 6 tháng, PV Gas đã sản xuất và cung cấp 1,01 tỷ tấn LPG (xuất khẩu và kinh doanh quốc tế 260.900 tấn), vượt 23% kế hoạch 6 tháng và bằng 99% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 70% thị phần bán buôn cả nước.
Tổng doanh thu đạt 54.560,6 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch 6 tháng và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.919,5 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch 6 tháng và tăng 59%. Tổng giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng 6 tháng đầu năm của công ty mẹ là 1.381 tỷ đồng; toàn tổng công ty 1.427,2 tỷ đồng nhờ nhiều thuận lợi là giá dầu leo thang hay giá CP của LPG tăng cao.
Nhìn sang nửa cuối năm 2022, trong bối cảnh các nước xuất khẩu dầu mỏ có vẻ sẽ không tăng sản lượng mặc dù gặp nhiều áp lực do thiếu hụt nguồn cung từ Nga, giá dầu FO và LPG tiếp tục giữ ở mức cao trong năm 2022, cùng việc các nhà máy điện khí được huy động cao, Agriseco Research cho rằng GAS có thể duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong các tháng cuối năm 2022, cộng thêm việc được hưởng lợi khi dự án Lô B - Ô Môn được đưa vào khai thác nhờ vai trò là đơn vị trung chuyển nguồn khí và cung cấp kho chứa.
Số liệu quý 2/2022 là ước tính
Tương tự, sự chênh lệch giữa giá dầu thô và xăng tăng cao sẽ giúp những doanh nghiệp hạ nguồn như Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã chứng khoán: BSR) hưởng lợi. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của BSR đạt 87.052 tỷ đồng; tăng khoảng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu năm, công ty nộp ngân sách Nhà nước 10.344 tỷ đồng.
BSR chưa công công bố lợi nhuận 2 quý đầu năm nay, nhưng cho biết con số đã vượt rất xa kế hoạch đề ra. Tại những báo cáo đánh giá, Agriseco Research chon rằng BSR sẽ tăng trưởng đột biến trong quý 2, doanh thu có thể đạt 5.500 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận nửa đầu năm 2022 tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ lên mức 7.800 tỷ đồng. Tương tự, FPTS dự phóng mức lợi nhuận nửa đầu năm của BSR có thể vượt mốc 11.300 tỷ đồng, tăng 214% so với cùng kỳ.
Ở nhóm ngành xây dựng, sự đẩy mạnh của giải ngân đầu tư cộng được đánh giá sẽ là đầu kéo quan trọng cho các doanh nghiệp. Điểm sáng đầu tiên đến từ Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HVV). Trong sáu tháng đầu năm 2022, HHV ước đạt doanh thu hơn 900 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 139 tỉ đồng, tương ứng tăng 17% so với cùng kỳ.
Số liệu quý 2/2022 là ước tính
Cùng nhóm, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã chứng khoán: CII) gần đây đã cho biết, lãi ròng 6 tháng đầu năm ước hơn 700 tỷ đồng, tăng tương đương 93% kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. EPS 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 2.800 đồng/CP. Nguyên nhân là nhờ hoạt động thu phí giao thông của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2022 tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 710 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc giảm tỷ lệ tại các công ty con cũng như thu hồi vốn đầu tư được thực hiện đúng kế hoạch đề ra và các dự án bất động sản đang trong giai đoạn hoàn thiện để có thể được ghi nhận trong 6 tháng cuối năm 2022.
Mặt khác, CII cũng tích cực trả nợ trái phiếu. Trong 6 tháng đầu năm, khi các dự án trọng điểm như BOT Xa Lộ Hà Nội và Cao ốc 152 Điện Biên Phủ đã bắt đầu đi vào khai thác và đem lại dòng tiền lớn cho công ty, sức khoẻ tài chính và khả năng trả nợ của CII được cải thiện đáng kể, công ty mẹ đã thanh toán khoảng 350 tỷ đồng tiền lãi trái tức và 870 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu.
Trong nửa cuối năm 2022, nghĩa vụ nợ gốc trái phiếu đến hạn đối với công ty mẹ chỉ còn khoảng 200 tỷ đồng. Tiếp theo, công ty CII mẹ có kế hoạch tiếp tục thanh toán khoảng 2.800 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu dù các trái phiếu này chưa đến hạn thanh toán, đưa số dư trái phiếu tại cuối quý 1/2023 chỉ còn gần 3.700 tỷ đồng.
Trong quý 1, CII lãi ròng 647 tỷ đồng nhờ khoản doanh thu từ hoạt động tài chính 916 tỷ đồng
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trồi sụt mạnh trong những tháng đầu năm 2022, nhóm các công ty chứng khoán cũng được chú ý. Gần đây, Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) đã đưa ra con số ước tính lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt khoảng 1.620 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành xấp xỉ 45% kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Theo ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng giám đốc VNDirect, trong bối cảnh thị trường chung có nhiều diễn biến không thuận lợi, công ty vẫn không thay đổi mục tiêu đặt ra. Một trong những tiền đề thúc đẩy kết quả kinh doanh là VNDirect đã hoàn thành tăng vốn trong tháng 4 vừa qua, đưa vốn chủ sở hữu lên trên 14.000 tỷ đồng và là một trong những công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất thị trường.
Bên cạnh đó, VNDirect tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn huy động thông qua việc tiếp tục thực hiện thêm các khoản vay hợp vốn nước ngoài với quy mô lên tới 300 triệu USD, dự kiến sẽ được thực hiện trong quý 3 và quý 4 năm 2022. Trong dài hạn, ông Long cho rằng, nếu xét trong bức tranh chung trên toàn thị trường thì Việt Nam vẫn là một điểm sáng với nền tảng vĩ mô ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong chu kỳ tới.
Số liệu quý 2/2022 là LNTT ước tính
Tại một số nhóm ngành khác, được hưởng lợi từ việc giá cước vận tải biển neo ở mức cao, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH) ước tính doanh thu quý 2 đạt khoảng 963 tỷ đồng và LNST 174 tỷ đồng, lần lượt tăng 114% và 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận tổng doanh thu ước đạt 1.615 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 437,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 99,8% và 138,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, công ty đã hoàn thành 67,6% kế hoạch doanh thu và 79,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Về kế hoạch mở rộng đội tàu, công ty cũng thông qua việc đầu tư mua tàu A Roku, số IMO 9444974, đóng năm 2008 tại Imabari, Ehime, Nhật Bản. Về kế hoạch đầu tư nâng cấp mặt bãi cảng Hải An, trong giai đoạn 1 (năm 2022), công ty tập trung cải tạo nâng cấp bãi container, hệ thống thoát nước và các hạng mục phụ trợ khác với tổng vốn đầu tư 99 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (năm 2023), Hải An sẽ đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ với tổng vốn đầu tư 66 tỷ đồng.
Số liệu quý 2/2022 là ước tính
Ở nhóm ngành thủy sản, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) ước tính doanh thu 6 tháng khoảng 2.728 tỷ đồng, tăng 136% so với cùng kỳ. Trong khi đó, "vua tôm" CTCP Minh Phú (mã chứng khoán: MPC) cũng tiết lộ kết quả kinh doanh quý 2 ghi nhận mức tốt và dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, kế hoạch sản lượng và giá trị có thể không đạt do dự kiến nửa cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn.
Đưa ra chiến lược đầu tư trong nửa cuối năm 2022, Agriseco Research đánh giá cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận tốt khi đây là thời điểm kết quả kinh doanh quý 2 dần được hé lộ. Đội ngũ phân tích khuyến nghị những cổ phiếu được ưu tiên lựa chọn cần có kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2022 tăng trưởng tốt, thuộc các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và giá cổ phiếu đã được chiết khấu đủ lớn trong thời gian vừa qua đưa mặt bằng định giá trở nên hấp dẫn hơn.
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dự kiến kết quả kinh doanh quý 2 vẫn sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ, mặc dù sẽ có thể hạ nhiệt so với quý 1 năm nay. Câu chuyện thị trường sẽ nhìn vào tương lai, KQKD quý 3, quý 4 sẽ có thể đột biến hơn, bởi thời điểm năm trước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid.
Vị chuyên gia này đánh giá dòng tiền có thể tập trung ở những nhóm có tính phòng thủ cao như cổ phiếu bán lẻ, điện nước và sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, khả năng cao dòng ngân hàng là nhóm ngân hàng có thể quay trở lại thành trụ đỡ cho thị trường dựa vào một số yếu tố sau (1) kỳ vọng nới room tín dụng là câu chuyện lớn dòng ngân hàng. Khả năng cao dự báo NHNN sẽ mở room tín dụng cho một số NHTM có chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ casa cao. (2) mức định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đang rất thấp sau đợt giảm sâu (3) bức tranh nợ xấu nhiều ngân hàng đỡ áp lực hơn khi yếu tố này đã phản ánh hết vào định giá nhóm ngân hàng.
Phương Linh