Hơn 100 ngàn tỉ đồng thúc đẩy đầu tư công năm 2022, động lực nào cho thị trường BĐS?

(Tổ Quốc) - Đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Việc thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công - đặc biệt là cấu phần hơn 100 nghìn tỷ đồng qua Chương trình phục hồi - sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.

Đó là nhận định của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trên báo chí mới đây.

Chương trình phục hồi của Chính phủ  bao gồm nhiều nội dung như gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng, mức hỗ trợ 2% trong 2 năm, gói giảm thuế, phí, lệ phí ước khoảng 64 nghìn tỷ, gói 6 nghìn tỷ hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022 để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Việc thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công - đặc biệt là cấu phần hơn 100 nghìn tỷ đồng qua Chương trình phục hồi - sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đối với nhóm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Chính phủ sẽ tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội; lao động - việc làm; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Hơn 100 ngàn tỉ đồng thúc đẩy đầu tư công năm 2022, động lực nào cho thị trường BĐS? - Ảnh 1.

Việc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong hai năm 2022 và 2023 tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại tiết đ, mục 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Áp dụng các cơ chế đặc thù tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư thuộc Chương trình.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet.

Theo TS Cấn Văn Lực, nếu thực hiện tốt Chương trình phục hồi, khả năng năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% và tăng trưởng năm tới cũng ở mức tương tự. Nền tảng tăng trưởng vững vàng của nền kinh tế nói chung sẽ là tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản ở nhiều phân khúc.

Cùng với Chương trình phục hồi, thị trường bất động sản năm 2022 dự kiến cũng nhận được nhiều xung lực từ một số chương trình đầu tư công khác của Chính phủ như dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trị giá gần 147 nghìn tỷ đồng dài 729 km chạy qua nhiều địa phương, các dự án xây dựng sân bay, cầu, cảng, nông thôn mới.

Về vấn đề thể chế, nhiều nút thắt pháp lý đang được tháo gỡ, nhất là sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 1 luật sửa 8 luật mới đây với nhiều điểm mới trong Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu… Năm 2022, dự kiến Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng sẽ là những đầu mối quan trọng trong dự án sửa đổi các Luật kinh doanh BĐS, Luật Đất đai…, tạo điều kiện hơn nữa cho việc tháo gỡ vướng mắc, khơi thông thị trường bất động sản.

Cũng theo TS Lực, năm 2022 sẽ là một năm tươi sáng đối với ngành bất động sản trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo mức 4,5 - 5%, dịch bệnh được kiểm soát, tỷ giá và lãi suất mức tương đối ổn định, lạm phát năm 2022 mức 3,3% đi ngang. Giá nguyên vật liệu dự báo sẽ dịu dần, cơn sốt bất động sản đã và sẽ được kiểm soát. Bên cạnh đó, giá bất động sản hầu như không giảm, thậm chí giá bất động sản nhà ở còn tăng mức 5 - 9% theo từng địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn cung trong khi cầu không giảm.

Về nguồn vốn vào thị trường bất động sản, năm 2021, nguồn vốn đối với thị trường bất động sản sẽ tăng khoảng 9%. Tổng dư nợ tín dụng với BĐS khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ của nền kinh tế. Bên cạnh đó là vốn tư nhân, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 7.650 doanh nghiệp vốn đăng ký 472.000 tỷ. Trong khi đó, vốn FDI tổng vốn đăng ký mới vào bất động sản là 2,6 tỷ USD. Phát hành trái phiếu toàn ngành bất động sản tích cực, toàn thị trường phát hành 628.000 tỷ VNĐ tăng 36%.

Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, vẫn còn đó những rủi ro, thách thức với ngành bất động sản trong thời gian tới. Cụ thể, phương thức phòng chống dịch vẫn còn thiếu nhất quán, Chính phủ và Bộ Y tế đôi khi vẫn phải "tuýt còi" một số địa phương. Bản thân lĩnh vực bất động sản cũng có phân khúc đi ngang, có phân khúc đi lên… nhìn chung sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm.

Hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước còn gặp nhiều thách thức, nợ xấu tăng. Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều thách thức khi còn thiếu khung pháp lý cho những mô hình kinh doanh mới, cùng với đó là vấn đề dữ liệu, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn hạn chế.

Theo đó, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động...Bên cạnh đó, kinh tế số là động lực tốt cho cả nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản. Kinh tế Internet được dự báo tăng trưởng mức 29% trong giai đoạn 2021-2025. Thanh toán không dùng tiền mặt toàn cầu tăng nhanh hơn.

Chia sẻ trên báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay, gói phát triển cơ sở hạ tầng nhận được nhiều sự đồng tình do có thể giải quyết nhanh những ách tắc hiện nay về đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là cho những vùng kinh tế trọng điểm như dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành hay một số cảng logistics lớn để giảm chi phí vận chuyển của Việt Nam hiện đang rất cao so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Theo số liệu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, hiện Việt Nam có mức độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc theo thông lệ quốc tế căn cứ theo các chỉ tiêu mật độ km/km2, km/dân số, khá thấp so với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, chỉ tiêu về km/km2 thấp hơn 6,3 lần so với Nhật Bản, 5 lần so với Trung Quốc, 13,5 lần so với Hàn Quốc,… Về chỉ tiêu km/dân số thấp hơn 5,5 lần so với Nhật Bản, 10 lần so với Trung Quốc, 8 lần so với Hàn Quốc.

Như vậy, theo TS Nghĩa, với trục cao tốc xương sống được hình thành sẽ nâng số km đường cao tốc trên diện tích và dân số của Việt Nam. Đây một trong những nền tảng để phát triển dài hạn.

Bên cạnh đó, kỳ họp bất thường của Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua một số dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Việc này sẽ khai thông những ách tắc về mặt pháp lý. Trên nền tảng đó có thể thúc đẩy nhanh được giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt những vấn đề có liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng.

Một điểm nhấn với chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế được các chuyên gia đánh giá cao về chính sách giảm thuế, phí, lệ phí, đặc biệt giảm thuế giá trị gia tăng sẽ như liều thuốc kích cầu tiêu dùng trong đại dịch.

Hạ Vy

Tin mới