Hơn 44% thanh niên Nhật chỉ muốn bỏ phố về quê: Thoát khỏi áp lực cạnh tranh gay gắt, nhiều cơ hội ĐỔI ĐỜI trong tầm tay

(Tổ Quốc) - Trước đại dịch, Kana Hashimoto, 25 tuổi, đang làm một nhân viên bảo hiểm ở Tokyo. Để tương lai có cuộc sống thoải mái sau khi nghỉ hưu, cô làm việc quần quật trong thành phố đầy bon chen. Tuy nhiên, khi thế giới xung quanh thay đổi, suy nghĩ của cô cũng trở nên đổi khác.

Được về quê sau khi nghỉ hưu với một khoản tài chính khá khẩm trong tay, đủ để lo cho cuộc sống về già thoải mái là ước mơ mà Kana Hashimoto từng ấp ủ. Vì mục tiêu này, cô làm việc quần quật hết ngày này sang tháng khác trong nhiều năm tuổi trẻ của mình.

Điều đó có lẽ còn tiếp diễn rất lâu nữa nếu như đại dịch Covid-19 không ập đến.

Đối mặt với vô số khó khăn và áp lực, đặc biệt là về mặt tài chính, Hashimoto đã buộc phải cân nhắc lại các ưu tiên của mình. Việc bám trụ ở thành phố bỗng trở nên không còn cần thiết nữa.

Vào tháng 4, cô quyết định chuyển đến sống ở Minami-Aso, một ngôi làng nông thôn chỉ có khoảng 11.000 người, nằm ở miền nam Nhật Bản. Thay vì bon chen và cạnh tranh trong môi trường công sở đầy khắc nghiệt, Hashimoto quyết định trở thành một người làm việc tự do.

Cô có thể làm tất cả những công việc mà mình muốn cùng một lúc, ví dụ như trồng trọt, hỗ trợ phân phối sản vật địa phương cho các nhà hàng quanh vùng, làm việc trong một quán súp miso và spa suối nước nóng.

"Cuộc đời tôi giờ hoàn toàn thay đổi. Tôi không thể hình dung được cuộc sống ở Tokyo nữa. Tôi thích cảm giác được thiên nhiên bao bọc, cũng như cảm thấy khỏe mạnh và hạnh phúc hơn", Hashimoto nói.

Hơn 44% thanh niên Nhật chỉ muốn bỏ phố về quê: Thoát khỏi áp lực cạnh tranh gay gắt, nhiều cơ hội ĐỔI ĐỜI trong tầm tay - Ảnh 1.

Thanh niên Nhật chỉ muốn bỏ phố về quê và cảm thấy cuộc sống thay đổi hoàn toàn khi rời thành phố lớn. Ảnh: WashingtonPost

Người trẻ Nhật Bản dần “bỏ phố về quê” vì áp lực công việc

Đại dịch toàn cầu đã làm thay đổi tâm lý của rất nhiều người về cuộc sống. Tại Nhật Bản, đất nước có văn hóa làm việc “điên cuồng”, cung cấp rất ít lựa chọn thay thế thì đây chính là cơ hội hiếm có để mọi người hình dung lại tương lai của họ sẽ như thế nào.

Ở Tokyo và các khu vực lân cận, những người trong độ tuổi 20 và 30 có xu hướng thay đổi nhiều nhất, theo kết quả của một cuộc khảo sát về tác động của đại dịch vào tháng 11 với hơn 10.000 người của một văn phòng chính phủ tham gia.

Những lao động trẻ có xu thế tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho công việc mệt mỏi tại các công ty hàng đầu ở Tokyo. Áp lực cạnh tranh gay gắt, những ngày dài tăng ca liên tục, đi lại trên những chuyến tàu điện ngầm chật chội, những buổi tiệc tùng xã giao dày đặc sau giờ làm việc với cấp trên và đồng nghiệp, cũng như hệ thống phân cấp công ty nghiêm ngặt… là những gánh nặng lên cả thể chất và tinh thần của họ.

Khoảng 1/3 người trong từ 20 - 40 tuổi sống ở vùng thủ đô Tokyo cho biết đang dần lên kế hoạch để chuyển tới các vùng nông thôn trong 6 tháng qua. Chỉ riêng nhóm ở độ tuổi 20, 44,9% thể hiện sự hứng thú đặc biệt với ý định “bỏ phố về quê” như vậy.

Mặc dù các con số này chỉ đại diện cho một bộ phận nhỏ, nhưng chúng đã chỉ ra một xu hướng đang âm thầm diễn ra trong xã hội. Điều này sẽ đem lại sự thay đổi đáng kể cho các vùng nông thôn của Nhật Bản, nơi dân số đang thu hẹp nhanh chóng vì số người cao tuổi ngày càng tăng và tỷ lệ sinh ngày càng giảm.

Hơn 44% thanh niên Nhật chỉ muốn bỏ phố về quê: Thoát khỏi áp lực cạnh tranh gay gắt, nhiều cơ hội ĐỔI ĐỜI trong tầm tay - Ảnh 2.

Cuộc sống ở vùng nông thôn giúp họ giảm áp lực công việc. Ảnh: WashingtonPost

Nhiều cơ hội phát triển và "đổi đời" tốt hơn

Trong những năm gần đây, chính quyền Nhật Bản đã và đang thúc đẩy các nỗ lực hồi sinh nông thôn để thu hút cư dân trẻ chuyển đến sinh sống tại các vùng ngoại ô Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa. Những ngôi nhà nông thôn không có người ở được chào bán với giá rẻ, thậm chí chỉ mất khoảng 455 USD.

Trong khi xu thế từ trước đến giờ là bỏ quê lên thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm, những người trẻ như Hashimoto đang quyết định đi con đường ngược lại. Hành động này đương nhiên sẽ đi kèm với những áp lực xã hội to lớn.

Cha mẹ của Hashimoto đã rất sốc khi cô chia sẻ về quyết định của mình. Họ từng cho cô du học ở Canada với kỳ vọng con gái mình sẽ trở thành một giám đốc bảo hiểm toàn cầu, đi theo bước chân của bố.

"Bố mẹ tôi ban đầu kịch liệt phản đối và chúng tôi đã tranh cãi rất nhiều. Cho con gái làm nông không bao giờ nằm trong kế hoạch tương lai của họ", cô nói.

Ayaka Suita, 30 tuổi, từng là nhân viên làm việc cho một công ty nhân sự ở Tokyo. Trước đại dịch, cô có quãng thời gian vô cùng bận rộn và áp lực vì nhu cầu tuyển dụng của các công ty “ùn ùn kéo đến”. Công việc không ngừng nghỉ khiến cô thậm chí chẳng có thời gian cho bản thân.

Sau đó, Ayaka Suita đã quyết định nghỉ việc tại Tokyo và chuyển đến Tsuno-cho, một thị trấn chỉ có khoảng 10.000 dân thuộc tỉnh Miyazaki, miền nam Nhật Bản. Tại đây, cô làm việc cho một công ty khởi nghiệp, chịu trách nhiệm giáo dục cho mọi người về cách sống bền vững và thúc đẩy các sáng kiến giảm lượng carbon của thị trấn.

Sự khác biệt rõ rệt nhất mà cô cảm nhận chính là khả năng thăng tiến và đảm nhận những vai trò lớn. Nếu còn ở Tokyo, để được tham gia vào các nhiệm vụ lớn, cô phải mất thêm nhiều năm nữa để phấn đấu không ngừng. Nhưng hiện tại, cô đã tham gia rất nhiều dự án mới cho phép bản thân được mở rộng các kỹ năng của bản thân.

Hơn 44% thanh niên Nhật chỉ muốn bỏ phố về quê: Thoát khỏi áp lực cạnh tranh gay gắt, nhiều cơ hội ĐỔI ĐỜI trong tầm tay - Ảnh 3.

Người trẻ được trao cơ hội để trải nghiệm nhiều hơn. Ảnh: Ảnh: WashingtonPost

Ayaka Suita chia sẻ: “Ở các công ty lớn tại Tokyo, người trẻ không mấy khi được trao cơ hội lớn trong sự nghiệp. Nhưng ở các vùng nông thôn, mọi độ tuổi đều có rất nhiều cơ hội cho riêng mình. Trước khi đến đây, tôi đã từ bỏ những thứ mà tôi từng cho là mình không thể làm được, nhưng bây giờ tôi khám phá ra rất nhiều tiềm năng của bản thân".

Đây chính là cơ hội "đổi đời" mà Ayaka Suita vô cùng trông mong. Chỉ khi phát triển được bản thân, cô mới có thể nâng cao giá trị và thay đổi cuộc sống.

Tuy nhiên, cuộc sống ban đầu ở vùng nông thôn không dễ dàng với nhiều người trẻ vì có rất ít người trong cùng độ tuổi với họ. Sáu tháng đầu tiên là một giai đoạn điều chỉnh khó khăn đối với Suita để xây dựng các mối quan hệ xã hội mới.

Eri Otsu, giám đốc HERS (Heroines for Environment and Rural Support), cho biết tổ chức phi chính phủ của mình thường xuyên tổ chức các hội thảo giúp phụ nữ hòa nhập với cuộc sống vùng nông thôn dễ dàng hơn.

Trước đây, HERS thường xuyên nhận được yêu cầu tư vấn từ những phụ nữ chán ngán cuộc sống thành thị, kiệt sức với yêu cầu vừa làm việc vừa nuôi con ở Tokyo. Nhưng các yêu cầu mà Otsu nhận được kể từ sau đại dịch có xu hướng tích cực hơn. Những phụ nữ trẻ đang tìm thấy động lực với ý tưởng theo đuổi giấc mơ mới ở vùng nông thôn.

*Theo WashingtonPost

Thuý Phương

Tin mới