Hot vlogger đứng sau All Day Coffee và Xofa Cafe & Bistro chỉ cách chọn cổ đông: Tin vào “phép màu”, nếu chưa tìm thấy thì nhìn lại xem mình đủ thu hút chưa

(Tổ Quốc) - Theo anh Minh Khôi, 3 nguyên tắc cơ bản để chọn cổ đông lập nhóm kinh doanh là: Giá trị cốt lõi, phần bù về năng lực và chia sẻ tầm nhìn chung. Nếu mãi vẫn chưa tìm thấy người đồng hành, bạn nên nhìn lại bản thân xem đã tỏa ra đủ năng lượng chưa, giá trị đã đủ để thu hút nhân tài hay chưa.

Ít ai có thể kinh doanh một mình mà thường đều cần đến những đối nhóm hay người đồng hành. Nhưng cũng như chuyện yêu đương, việc tìm kiếm cổ đông và nhóm kinh doanh chẳng hề dễ. Lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu thì khi sau 5-6 tháng, khi gặp phải khó khăn sẽ rất dễ xảy ra tan vỡ nếu không tìm được sự đồng thuận và tiếng nói chung.

Làm thế nào để tìm kiếm những cổ đông phù hợp, cùng xây dựng một đội nhóm kinh doanh? Dưới đây là công thức được chia sẻ bởi Đỗ Hoàng Minh Khôi - một youtuber đời đầu (He Always Smiles), đồng thời là đồng sáng lập Xofa Cafe & Bistro và nhà sáng lập All Day Coffee.

    1. Chia sẻ những giá trị cốt lõi

Theo Khôi, khi tìm kiếm bạn đồng hành, mọi người thường dành quá nhiều sự quan tâm đến năng lực mà bỏ qua giá trị cốt lõi và cái chất của con người ấy. Với niềm tin vào những phép màu, “chàng trai hay cười” đặt tên cho công ty của mình là “Miracle”, vừa có nghĩa là phép màu, vừa đại diện cho 7 nguyên tắc anh dùng để quan sát và phân tích giá trị cốt lõi của mỗi nhân viên hay cổ đông.

M (Make it happen - Tạo sự thay đổi)

“Mình nghĩ rằng thế giới này chỉ có 2 kiểu người. Một là nhóm tạo ra sự thay đổi và hai là những người còn lại”, Minh Khôi chia sẻ.

Tạo ra sự thay đổi có thể từ những điều rất nhỏ như cô lao công quét dọn đường phố sạch hơn cho đến những doanh nhân tầm cỡ tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người, giúp đất nước giàu lên. Nói cách khác, dù đóng góp của bạn là gì thì đều cần tạo ra sự thay đổi. Những người có tư duy và niềm tin như vậy mới có thể trở thành bạn đồng hành lâu dài trên con đường kinh doanh.

I (Integrity: sự chính trực)

Tính chính trực thể hiện ở sự đồng nhất giữa lời nói và hành động, sự trung thực và đấu tranh vì cái đúng. Ngay cả khi không ai giám sát, họ vẫn làm đúng vì lương tâm của chính mình. Khôi cho rằng người mang đức tính này sẽ rất trung thực với công việc mình chọn, với khách hàng và cả những bạn đồng hành, cổ đông.

“Làm việc với những người đó mình không mất công sức đấu não, đấu trí để biết được họ nghĩ gì. Đối với mình đây là một trong những việc quan trọng nhất trong việc chọn cổ đông cùng kinh doanh”.

Hot vlogger đứng sau All Day Coffee và Xofa Cafe & Bistro chỉ cách chọn cổ đông: Tin vào “phép màu”, nếu chưa tìm thấy thì nhìn lại xem mình đủ thu hút chưa - Ảnh 1.

Đỗ Hoàng Minh Khôi (He Always Smiles).

R (responsible: trách nhiệm) 

Nếu ai đó có trách nhiệm với thành công của bản thân, lo cho hạnh phúc của chính mình thì họ cũng sẽ có trách nhiệm với công việc, những người khác.

A (A Standard - tiêu chuẩn hạng A) 

Có thể hiểu đơn giản khái niệm tiêu chuẩn hạng A nghĩa là đặt chuẩn mực cao, mang tính chuyên nghiệp và tinh tế cho những sản phẩm, dịch vụ, công việc mình làm, từ những điều nhỏ nhất.

Khi nhân viên hay cổ đông, người quản lý đã đặt ra tiêu chuẩn hạng A cho công việc và quyết theo đuổi đến tận cùng một cách thật xuất sắc thì đó cũng là những người mà bạn có thể yên tâm giao phó trách nhiệm. Chưa biết họ làm được tốt đến mức nào nhưng điều là chắc chắn họ sẽ làm việc tốt hết sức có thể.

Như cách “partner” (người đồng hành - PV) của chính Khôi ở All Day Coffee thiết kế những chiếc cốc uống cà phê. Dù là chi tiết ít ai quan sát nhưng bạn ấy vẫn cho in logo với đầy đủ thông tin ở dưới đáy tất cả các ly, đó là ví dụ về một người đặt tiêu chuẩn hạng A rất cao.

C (Curious & Creative - Tò mò và sáng tạo)

Khôi chia sẻ: "Mình thường tìm những cổ đông là người thích đặt ra nhiều câu hỏi, thích sáng tạo. Họ luôn có sự phát triển và tìm hướng đi mới."

Một công ty dù lớn hay nhỏ đều khó lòng tạo ra những khoản lợi nhuận đột phá khi thiếu đi sự sáng tạo. Nếu bạn làm điều mà ai cũng làm thì kết quả thường tương tự thậm chí kém hơn. Chỉ có sáng tạo, thông minh hơn, tinh tế hơn thì mới đem lại sự khác biệt.

Hot vlogger đứng sau All Day Coffee và Xofa Cafe & Bistro chỉ cách chọn cổ đông: Tin vào “phép màu”, nếu chưa tìm thấy thì nhìn lại xem mình đủ thu hút chưa - Ảnh 2.

L (Love - tình yêu)

“Anh chàng hay cười” tin rằng, nếu có tình yêu với công việc thì sẽ cảm thấy rất thăng hoa và nhẹ nhàng. Đối với Khôi, từ trước đến nay đều không coi kinh doanh là công việc mà giống một cuộc chơi.

“Trước kia mình rất nghiện chơi điện tử, chơi đến 8 - 9 tiếng một ngày nhưng sau này lại nghiện kinh doanh hơn. Trò chơi này thực tế, nhiều biến số và vui hơn. Nó mang lại các trải nghiệm và cũng bị nhiều yếu tố xung quanh tác động vào. Kết quả luôn có thể tốt hơn hoặc thay đổi, khiến mình hưng phấn và thích thú”.

Một đội nhóm có tình yêu và biết lan tỏa điều đó thì với khách hàng, họ cũng sẽ đối xử bằng tình yêu.

E (Empower - trao quyền)

Những người có mong muốn trao quyền, giúp đỡ và truyền cảm hứng cho người khác thì sẽ thu hút được nhiều nhân tài giỏi về làm việc cùng. Đó là lí do cần có sự trao quyền trong một công ty hay nhóm kinh doanh.

7 giá trị cốt lõi trên vừa có sự khác biệt vừa tương đồng với nhau. Vậy làm thế nào để quan sát và nhận biết những giá trị này từ cổ đông tiềm năng? Bạn có thể thông qua câu chuyện họ chia sẻ trên mạng xã hội, qua cách ứng xử giao tiếp hàng ngày, qua những điều họ đã làm và thậm chí có thể đưa đề bài và quan sát xem họ giải quyết thế nào.

Đồng thời, trực giác cũng đóng vai trò rất quan trọng. Sự cảm nhận ban đầu sẽ quyết định rằng bạn có muốn tìm hiểu người đó sâu hơn nữa không.

    2. Phần bù về năng lực

Cấu trúc của một đội nhóm cơ bản thường giống như chiếc kiềng 3 chân, nên có 3 vị trí tối thiểu bao gồm người phụ trách về sản phẩm; sale, marketing; quản lý và quản trị. Nếu người phụ trách có khả năng đảm nhiệm 2 năng lực cùng lúc thì có thể chỉ cần 2 vị trí nhưng nhìn chung, công ty phải có đủ 3 năng lực này thì mới phát triển bền vững được.

Vấn đề ở chỗ, khi chúng ta tuyển những người có thể mạnh giống nhau thì khả năng cao sẽ nảy sinh xung đột. Họ sẽ đặt ra câu hỏi rằng: Tôi cũng làm được việc của anh thì tại sao tôi phải nghe anh? Anh có quan điểm thì tôi cũng có quan điểm của mình? Điều này lâu ngày có thể khiến đội nhóm tan vỡ.

Ngược lại, khi là phần bù của nhau, khi thành viên trong nhóm biết rằng dù phát triển đến đâu thì bản thân vẫn có những mặt chưa mạnh và người khác giỏi hơn, thì họ có xu hướng cần nhau và nương tựa, hỗ trợ nhau. Do đó, về mặt chuyên môn, hãy là phần bù của nhau, chúng ta mạnh ở phần này thì hãy đi tìm cổ đông giỏi hơn ở lĩnh vực khác.

“Với mình, mình thích những người có thể làm được đa vị trí để khi cổ đông này nghỉ thì cổ đông khác có thể hỗ trợ. Nhưng ai mạnh lĩnh vực nào hơn thì người đó ra quyết định.”

3. Tầm nhìn

Thành thực chia sẻ, Khôi cho biết đây là câu chuyện mà hồi trẻ, khi mới khởi sự thì bản thân anh cũng chưa hình dung một cách rõ ràng. Tuy nhiên, dù mới kinh doanh, dù mô hình lớn hay nhỏ thì các cổ đông cũng cần ngồi với nhau để cùng thảo luận xem, một hay 3 - 5 năm nữa các bạn muốn gì.

Hot vlogger đứng sau All Day Coffee và Xofa Cafe & Bistro chỉ cách chọn cổ đông: Tin vào “phép màu”, nếu chưa tìm thấy thì nhìn lại xem mình đủ thu hút chưa - Ảnh 3.

Giả sử, bạn chỉ muốn mở một cửa hàng mà người kia lại muốn có 30 cửa hàng trong 3 năm, hay một người dành hết tâm huyết mà người kia chỉ coi như nghề tay trái. Nếu không chia sẻ với nhau thì lâu dài sẽ xảy ra bất đồng.

Do vậy, cần sự thống nhất về quan điểm và tầm nhìn. Đương nhiên, tương lai khó đoán định, trong quá trình làm việc sẽ có rất nhiều tình huống bất ngờ xảy ra nhưng ngay từ đầu, nhóm cổ đông vẫn phải chốt được tầm nhìn chung. 

Các cổ đông phải có hợp đồng thỏa thuận với nhau xem mục tiêu trong 1 - 3 năm đầu là gì, nếu không đạt mục tiêu thì ra sao, nếu cần tăng vốn thì như thế nào, nếu người này không tăng vốn thì người kia có tăng vốn hay không, nếu muốn rút lui giữa chừng thì điều kiện thế nào. Quan trọng là thống nhất với nhau về tầm nhìn và về việc nếu thay đổi tầm nhìn thì giải quyết ra sao.

Đó là những vấn đề mà ai muốn kinh doanh bài bản đều phải tìm hiểu. Nếu mãi vẫn chưa tìm thấy cổ đông hay người đồng hành phù hợp thì hãy nhìn lại xem những năng lượng bạn tỏa ra đã đủ mạnh mẽ chưa, giá trị cốt lõi của bạn đã đủ để thu hút nhân tài về với mình. Hãy hoàn thiện để nâng cao giá trị của chính mình.

T.D

Tin mới