Mang kết nối mạng đến những nơi hiểm trở bậc nhất thế giới, đưa đội ngũ đi hỗ trợ những khu vực nguy hiểm bị ảnh hưởng bởi thiên tai, v.v., hình ảnh Huawei trong mắt thế giới là một tập thể kiên cường không thể đánh bại.
Nhưng ít ai biết về xuất phát điểm rất khiêm tốn của siêu cường công nghệ Trung Quốc: một công ty chỉ có ba nhân viên và phải vận chuyển hàng hóa bằng xe buýt.
Hành trình khởi đầu đầy thách thức
Ngày Huawei có giấy phép kinh doanh cũng là thời điểm tài khoản công ty là con số 0 tròn trĩnh. "Chúng tôi đã không còn một xu", ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei kể lại. Các thành viên công ty khi đó còn từng nghĩ rằng vận xui đến từ chính cái tên "Huawei" - do đây là một âm khép kín miệng, nhưng cũng chẳng thể thay đổi vì không còn tiền. Thật may mắn, bởi sau này Huawei với ý nghĩa "dân tộc Trung Hoa" hay "lộng lẫy" đã trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất trên bản đồ công nghệ thế giới.
Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm sau này. Quay lại thời điểm cuối những năm 1980, Huawei có rất ít nhân sự. Là một công ty khởi nghiệp với 3 nhân viên và nguồn tài chính hạn hẹp, họ phải cạnh tranh với các công ty từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cũng như của nhà nước Trung Quốc - vốn được hậu thuẫn cả về mặt tài chính và chính trị.
Không có phương tiện riêng, những người nhân viên Huawei khi ấy sử dụng xe buýt để vận chuyển hàng hóa. Chính ông Nhậm và những thành viên đầu tiên của Huawei phải tự vác các thùng hàng, "cứ vác được khoảng 20 mét thì chất đống vào một chỗ, sau đó lại vác tiếp 20 mét nữa…" Họ cứ dịch chuyển từng đoạn, từng đoạn ngắn như vậy để chất đống lại ở một nơi dễ thấy, đơn giản vì không đủ người để quản lý hết tất cả hàng hoá. Ông Nhậm nhớ lại: "Vào thời điểm đó, những người bán vé của xe buýt rất tốt, cho phép tôi đưa hàng lên xe buýt. Nếu là xe buýt ngày nay, không được phép chở hàng thì việc kinh doanh của chúng tôi có thể không thành công."
Trong những năm đầu khởi nghiệp không có công nghệ, không có nền tảng, cũng chẳng có tiền, Huawei chỉ có thể làm việc trung thực, giúp đỡ người khác bán máy móc để kiếm được hoa hồng trung gian và nhờ vậy mà phát triển lên. Với sự nhanh nhạy cũng như chịu khó của đội ngũ nhân viên nền tảng của Huawei khi ấy, công ty đã ngày càng tiến bộ và lớn mạnh hơn, khiến các đối tác bắt đầu phải kiêng dè về tiềm năng phát triển của "công ty công nghệ nghèo nhất thế giới" này. Những đối tác ấy đã lo ngại Huawei sẽ phát triển vượt trội và chiếm lĩnh thị trường và quyết định ngừng cung cấp sản phẩm cho Huawei. Điều này buộc đội ngũ nhân viên Huawei phải tự nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm mới cho công ty và kể từ đó, các khoản đầu tư của Huawei dành phần lớn vào nghiên cứu khoa học. 10 năm sau, ông chủ của Huawei vẫn chưa có ngôi nhà cho riêng mình, vì toàn bộ tiền đã dồn cho việc phát triển sản phẩm mới.
Khó khăn bao trùm khó khăn, lĩnh vực mà Huawei kinh doanh - viễn thông - là ngành có tỷ lệ công ty biến mất cao hơn tỷ lệ phát triển. Bằng chứng là một danh sách dài các công ty công nghệ thông tin khổng lồ thất bại, ngay cả khi đang đứng trên đỉnh vinh quang như Lucent, Motorola, IBM, v.v.
Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, giờ đây Huawei đã vươn lên trở thành một siêu cường công nghệ với hơn 194.000 nhân viên và đang phục vụ 1/3 dân số thế giới. Điều này cho thấy ý chí phấn đấu kiên cường cũng như "tinh thần sói" bất diệt cùng sự nhạy bén với thị trường của đội ngũ nhân viên Huawei trong suốt hơn 30 năm qua.
Bí quyết thành công của Huawei
Một trong những bí quyết thành công của Huawei chính là văn hoá doanh nghiệp sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn. Ở Huawei có một câu nói, "Chú chim nào không bị thiêu cháy sẽ trở thành phượng hoàng". Đây chính là khắc hoạ cho văn hoá khắc kỷ mà đội ngũ lãnh đạo Huawei đã truyền bá cho nhân viên của mình, cũng giống như phượng hoàng là biểu tượng của sự bất khả chiến bại: lửa có thể thiêu cháy mọi thứ nhưng không thể thiêu cháy phượng hoàng.
Bên cạnh sự đặc biệt trong văn hóa công ty, thành công vượt bậc của Huawei cũng đến từ những chiến lược đầu tư dài hạn với ngân sách hàng năm dành cho hoạt động R&D lên tới 10-20% doanh thu. Riêng năm 2021, công ty này đã chi tới 22,4%, tương đương 22,4 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển.
Chính sự đầu tư mạnh mẽ cho tương lai như vậy nên sau nhiều năm gặp khó khăn tứ phía, Huawei vẫn là cái tên khiến nhiều người nể phục khi mà đã nhanh chóng "xoay trục" trong hoạt động kinh doanh, và đặc biệt đã tìm kiếm cho mình nhiều nguồn thu khác nhau, trong đó có nguồn thu chính từ những phát minh của mình. Cụ thể, trong năm thứ 2 liên tiếp, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei đã tạo ra doanh thu lớn từ các phát minh của mình, nhiều hơn số tiền họ chi trả để sử dụng các sáng chế công nghệ của đối tác. Theo thống kê, tổng doanh thu từ việc cấp phép bằng sáng chế của Huawei đạt khoảng 1,3 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, tức hàng trăm triệu USD/năm.
Nhiều nguồn tin cho hay, Huawei đã ký hoặc gia hạn 20 thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế trong năm nay, trong đó có các đối tác Samsung, Oppo, và Huawei cũng đạt thỏa thuận gia hạn cấp phép bằng sáng chế với hãng viễn thông Phần Lan Nokia.
Trong số những đối tác mới được Huawei cấp phép có một số nhà sản xuất ôtô, bao gồm Mercedes-Benz, Audi, Porsche và BMW - những đơn vị đang tìm cách bổ sung thêm nhiều công nghệ truyền thông cho các phương tiện của họ.
Trong năm 2021, Huawei đã nộp 6.952 đơn xin cấp bằng sáng chế, tăng 27% so với năm trước. Đến cuối năm 2021, công ty này đã sở hữu hơn 110.000 bằng sáng chế. Con số kỉ lục này giúp Huawei trở thành công ty nộp hồ sơ xin bằng sáng chế lớn nhất thế giới trong 5 năm liên tiếp.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Huawei vẫn luôn giữ vẹn nguyên giá trị cốt lõi của công ty: vì nhân loại phục vụ, luôn hết mình vì khách hàng. Đó cũng chính là lý do vì sao Huawei đã gây dựng được sự tin tưởng của hàng tỷ người chỉ trong ba thập kỷ. Ông Nhậm Chính Phi đã từng nói: "Mỗi khi chúng tôi phải đối diện với việc làm tổn hại tới lợi ích của khách hàng, chúng tôi thà đóng cửa công ty, chứ tuyệt đối không bị mờ mắt bởi lợi ích mà làm ra những việc không nên làm."