Khó khăn từ những tác động bên ngoài trong suốt hơn 3 năm qua đã khiến "văn hóa" sói của Huawei trở nên rõ ràng hơn với những hành động quyết liệt và cụ thể hơn bao giờ hết.
Để vượt qua các chướng ngại vật để đi trên con đường tự chủ, Huawei đã làm gì để đạt mục tiêu, không còn phụ thuộc vào phương Tây là điều cả thế giới đang rất trông đợi.
R&D là sức mạnh cốt lõi trong chuỗi giá trị của Huawei
Trong 3 thập kỷ phát triển, Huawei đã tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đồng thời cung cấp kết nối mạng đến hơn 3 tỷ người tại 170 quốc gia trên toàn thế giới. Độ phủ sóng của Huawei còn ở cả các khu vực hiểm trở và khắc nghiệt nhất như sa mạc Sahara, rừng mưa Nam Mỹ, Bắc Cực, đỉnh Everest hay các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa. Vượt qua mọi khó khăn với tinh thần phục vụ vì lợi ích của khách hàng, đội ngũ Huawei đã góp phần làm nên một thế giới được kết nối thông suốt.
Để đạt được những thành quả ấn tượng trong suốt 35 năm phát triển, ngay từ những ngày đầu, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã xác định đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) là "sức mạnh cốt lõi trong chuỗi giá trị của Huawei". Như một cuộc thi marathon đòi hỏi độ bền và ý chí quyết tâm cao độ, Huawei tiến vào địa hạt R&D với tầm nhìn dài hạn và luôn hướng về mục tiêu phía trước.
Hàng năm, tập đoàn luôn đặt ra kế hoạch đầu tư hơn 10% doanh thu, khoảng 15-20 tỷ USD vào mảng R&D. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, để vượt qua các khó khăn và rào cản từ bên ngoài, Huawei đã chi khoản ngân sách cực lớn cho hoạt động R&D. Chỉ riêng năm 2022, Huawei đã nâng mức đầu tư R&D lên tới 23,23 tỷ USD chiếm đến 25,1% tổng doanh thu cả năm. Tại sự kiện báo cáo thường niên năm 2022, bà Mạnh Vãn Chu, Chủ tịch luân phiên của Huawei cho biết đây cũng là mức đầu tư lớn nhất cho R&D trong lịch sử Huawei.
Nhiều năm qua, Huawei luôn là top 5 công ty trên thế giới chi mạnh cho R&D, theo bảng xếp hạng của EU. Huawei đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại nhiều quốc gia gồm 14 trung tâm R&D, 36 trung tâm đổi mới sáng tạo chung và 45 trung tâm đào tạo. Cuộc trường chinh của Huawei sẽ kéo dài mãi vì những tiến bộ cho ngành ICT thế giới và cả vì sự "tự chủ" không phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ.
Và, Huawei đang làm gì để có thể bước những bước đi vững chãi khi mà những rủi ro vì địa chính trị và vì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung luôn rình rập.
Những nước đi quyết định để tiến tới tự chủ
Trong bài phát biểu ở Đại học Giao thông Thượng Hải hồi cuối tháng 2, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi tiết lộ hãng đã thay thế hơn 13.000 linh kiện bị Mỹ cấm vận bằng các giải pháp của nội địa Trung Quốc và thiết kế lại 4.000 mạch in trên thiết bị trong vòng ba năm qua.
Ông Nhậm nhấn mạnh dây chuyền sản xuất mạch in của Huawei hiện đã "ổn định", toàn bộ linh kiện bị cấm đã được thay bằng sản phẩm nội địa.
Chia sẻ với báo giới về thông tin trên, ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết, thực tế việc thay thế các linh kiện đã nằm trong kế hoạch của hãng từ lâu. "Điều này đã thực sự đạt được trong 10 năm qua. Chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ này từ năm 2012, và bây giờ nó gần như đã hoàn thành".
Ông cũng nhấn mạnh: "Các hạn chế của Mỹ hiện đã là trạng thái bình thường mới của chúng tôi và chúng tôi đã trở lại kinh doanh như bình thường. Điều này có nghĩa là chúng tôi có thể tập trung tất cả các nỗ lực R&D của chúng tôi vào việc cải thiện hơn nữa khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của chúng tôi, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, và tạo ra giá trị cho họ".
Báo chí Trung Quốc gần đây đưa tin rằng Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác đã phát triển các công cụ thiết kế chip điện tử có thể sản xuất chip sử dụng nút quy trình 14nm trở lên. Chia sẻ với báo giới về thông tin trên, ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei xác nhận và cho rằng: "Tôi tin rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ không ngồi yên mà sẽ nỗ lực. Đối với Huawei, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình cho tất cả những nỗ lực của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc".
Ông Xu cũng nhấn mạnh, thay vì giết chết ngành công nghiệp chip nội địa của Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt sẽ thúc đẩy ngành này. Ông nói: "Tôi tin rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ hồi sinh dưới các lệnh trừng phạt như vậy và trở thành một ngành rất mạnh và tự chủ".
Tuyên bố này hoàn toàn có căn cứ khi mà trong bối cảnh bị Mỹ tìm cách "chặn đứng" đà phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, các nhà cung cấp thiết bị và vật liệu sản xuất chip của Trung Quốc đã có kế hoạch chi 7,26 tỷ USD để củng cố chuỗi cung ứng trong nước.
Khi việc nhập khẩu máy sản xuất chip do nước ngoài sản xuất bị chậm lại do các hạn chế của Mỹ, các công ty Trung Quốc chuyên sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip đã được chú ý nhờ các gói trợ cấp và đầu tư dưới sự bảo trợ của Chính phủ theo sáng kiến Made in China 2025.
Theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc, khoảng 35% nhà máy bán dẫn Trung Quốc sử dụng thiết bị nội địa vào năm 2022, tăng từ mức tương ứng 21% của năm 2021.
Sự tự chủ đang là mục tiêu tối thượng của Huawei để thoát khỏi sự phụ thuộc vào các công nghệ phương Tây. Lá bài chiến lược của Huawei vừa được công bố khi Huawei thay thế thành công hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP cũ bằng MetaERP do họ tự phát triển, nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ Mỹ.
Năm 2019, Huawei bắt đầu đối mặt với những thách thức kinh doanh và áp lực từ các đối tác nước ngoài. Do đó, công ty quyết định phát triển hệ thống MetaERP hoàn toàn tự kiểm soát để thay thế hệ thống ERP cũ. Đây là dự án chuyển đổi quy mô và phức tạp nhất mà Huawei từng thực hiện.
Trong 3 năm qua, Huawei đầu tư đáng kể nguồn lực và nhân lực vài nghìn người cho dự án này, đồng thời làm việc với các đối tác trong ngành và hệ sinh thái chung để giải quyết những thách thức liên quan. Hệ thống MetaERP mới - định hướng tương lai, quy mô cực đại và dựa trên đám mây - đã đi vào vận hành mượt mà để thay thế hệ thống ERP cũ.
MetaERP hiện xử lý 100% các kịch bản kinh doanh và 80% khối lượng kinh doanh của Huawei. Hệ thống đã vượt qua các bài kiểm tra về thanh toán hàng tháng, hàng quý và hàng năm. Đồng thời hệ thống này cũng đảm bảo không có lỗi, không chậm trễ và không cần sự điều chỉnh từ kế toán.
Ông Tao Jingwen, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch ban quản lý IT cho biết: "Chúng tôi đã ngắt khỏi hệ thống ERP tiền nhiệm cũng như các hệ thống quản lý và vận hành cốt lõi khác từ hơn 3 năm trước. Kể từ thời điểm đó, Huawei không chỉ xây dựng MetaERP cho riêng mình, mà còn chuyển đổi cách thức quản lý và chứng minh khả năng của MetaERP. Hôm nay, chúng tôi tự hào thông báo đã vượt qua được vòng vây. Chúng tôi đã thành công!".
Bà Mạnh Vãn Chu, Phó chủ tịch kiêm Chủ tịch luân phiên, Giám đốc tài chính của Huawei cũng nhấn mạnh: "Những bước nhảy vọt trong công nghệ đòi hỏi tinh thần làm việc cầu toàn và cẩn trọng như các nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm. Quan trọng hơn cả là cần có thái độ cởi mở để thúc đẩy những bước nhảy vọt theo cách chúng tôi định hình.
Huawei sẽ không thể xây dựng MetaERP mà không có sự hỗ trợ của các đối tác. Đổi mới sáng tạo chỉ có thể thực hiện được với tinh thần cởi mở và thịnh vượng, và chỉ có thể phát triển khi chúng ta làm việc cùng nhau".