(Tổ Quốc) - Uống nước sau khi thức dậy, thường xuyên vận động, ăn uống lành mạnh là những biện pháp có tác dụng phòng tránh bệnh huyết khối, dự phòng hiệu quả căn bệnh đột quỵ nguy hiểm.
Huyết khối hay cục máu đông được định nghĩa là một quá trình bệnh lý do sự phát động và lan rộng bất hợp lý của các phản ứng đông cầm máu trong cơ thể dẫn đến hình thành cục máu đông trong lòng mạch máu. Tuỳ theo kích thước của huyết khối, đường kính mạch máu mà huyết khối có thể gây tắc mạch hoàn toàn hay bán tắc hoặc nghẽn mạch...
Trong điều kiện bình thường, huyết khối hình thành thường nhỏ và thời gian tồn tại ngắn. Tuy nhiên, khi huyết khối hình thành trong lòng mạch mà không phải do đứt rách thì nó được gọi là huyết khối bệnh lý và gây hại cho cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ, tử vong bất cứ lúc nào. Sự hình thành huyết khối bệnh lý là hậu quả tác động qua lại của 3 yếu tố: sự thay đổi huyết động, tính toàn vẹn của nội mạch và sự tăng tiểu cầu cùng các protein đông máu.
Huyết khối gây tổn hại rất lớn cho cơ thể người bệnh. Trong đó triệu chứng rõ rệt nhất đó chính là hai chân dễ phù nề, run, nghiêm trọng hơn còn khiến cho việc đi lại gặp khó khăn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh huyết khối, trong đó lối sống không lành mạnh là nguyên do quan trọng nhất. Vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh huyết khối?
1. Uống nước kịp thời ngay sau khi thức dậy
Một nguyên tố quan trọng nhất dẫn tới bệnh huyết khối là độ kết dính của máu quá cao. Vấn đề độ kết dính của máu vượt quá mức cho phép là vấn đề thường xảy ra trong cuộc sống. Thế nhưng nhiều người lại không hề nhận thức, am hiểu về điều này.
Ví dụ như sau khi ngủ qua một đêm, cơ thể con người có thể sẽ tràn đầy sức lực, nhưng có một số người sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng thường sẽ không tỉnh táo được, đau đầu, chóng mặt. Nguyên nhân là do độ kết dính của máu vào buổi sáng quá cao.
Vậy nên sau khi tỉnh dậy, nhất định bạn phải uống một cốc nước ấm. Bởi đây là thời điểm thích hợp để bổ sung nước cho cơ thể để thúc đẩy tuần hoàn máu. Ngoài ra, uống nước ấm khi vừa thức dậy còn có tác dụng thúc đẩy dạ dày và ruột vận động, làm sạch đường tiêu hóa.
2. Điều chỉnh thực đơn ăn uống
Việc ăn uống ảnh hưởng nhiều tới huyết quản. Nếu như bình thường bạn hay ăn những món nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo, nhiều đường, nhiều muối, cũng đồng nghĩa với việc nâng cao tỉ lệ mắc bệnh huyết khối.
Vậy nên để giúp huyết quản được khỏe mạnh, muốn phòng ngừa được bệnh huyết khối, bạn cần ăn uống lành mạnh, không nên sử dụng quá nhiều dầu mỡ, chất béo. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, như vậy sẽ có tác dụng làm sạch huyết quản, giảm áp lực cho mạch máu.
3. Thường xuyên vận động
Mặc dù mọi người vẫn biết vận động nhiều có lợi cho sức khỏe, nhưng trong thực tế, đa số vẫn không có thói quen thường xuyên vận động. Nhất là với những người có công việc bận rộn, thường xuyên phải ngồi trong văn phòng.
Họ không chỉ ít tập thể dục, mà còn thường xuyên ngồi, giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài. Thói quen này cực kì có hại cho sức khỏe, duy trì trong thời gian dài sẽ làm cho sự lưu thông máu bị suy giảm, dễ xuất hiện tình trạng huyết khối.
Vậy nên nếu như muốn phòng tránh bệnh huyết khối, việc thường xuyên tập thể dục là chuyện nhất định phải làm. Vận động có thể thúc đẩy sự lưu thông máu, cải thiện tình trạng huyết quản bị tắc nghẽn, có tác dụng phòng tránh các bệnh về tim mạch.
Đồng thời, thường xuyên tập thể dục có thể nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch, nâng cao sức khẻo, thúc đẩy hệ tiêu hóa, tránh các vấn đề về dạ dày. Thế nhưng trong quá trình vận động, mọi người nhất định phải luyện tập với cường độ vừa phải, không nên vận động quá sức, như vậy dễ dẫn tới tình trạng mệt mỏi, kiệt sức. Đặc biệt, cần có phương pháp luyện tập chính xác, nếu không sẽ gây chấn thương tới các bộ phận trong cơ thể.
Ngoài những biện pháp kể trên, bạn cũng cần phải nghỉ ngơi điều độ, tránh thức khuya để giảm những ảnh hưởng tiêu cực cho huyết quản.
Phương Thu