(Tổ Quốc) - Năm 2019, những tưởng Linh Đa sẽ chính thức gia nhập tầng lớp trung lưu Mỹ với một công việc tại Boston Consulting Group và ‘thẻ xanh’ trong tầm tay. Đây không chỉ là giấc mơ của người dân vùng quê nhỏ Quảng Ngãi - quê hương Linh Đa, mà của cả rất nhiều người Việt. Tuy nhiên, nó lại không phải là giấc mơ của cô…
Cách đây 1 năm, Amanotes – startup về game âm nhạc lớn nhất Việt Nam và thuộc top thế giới đã đón chào một tài năng về đầu quân: Huỳnh Vũ Linh Đa (Linda). Cô được tin tưởng giao cho trọng trách Giám đốc Chiến lược doanh nghiệp (Chief of Strategy Officer).
Khi được hỏi, ‘có phải Linh Đa về Amanotes để giữ cho đôi chân của 2 Founder công ty này trên mặt đất’, Linh Đa trả lời “đúng một phần là như vậy, vì suy nghĩ đầu tiên của tôi khi anh Bình (Võ Tuấn Bình - đồng sáng lập Amanotes, PV) nói về bất cứ điều gì là ‘tiền ở đâu để làm, rủi ro có cao không hay nó có đúng luật hay không’”. Tuy nhiên, cô cũng tự nhận mình là một người khá ‘bay’, ở khía cạnh mục tiêu cuộc đời.
Ở tuổi thiếu niên, Linh Đa rời vùng quê nghèo Quảng Ngãi để vào Sài Gòn theo học đại học Ngoại thương, sau đó cô trúng tuyển vào làm việc ở IKEA Global (Thụy Điển) và trở thành Quản lý nguồn cung ứng trẻ nhất.
Cuộc phiêu lưu tiếp theo của Linh Đa có đích đến là nước Mỹ, khi có học bổng của trường Havard Business School; sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục trúng tuyển vào làm việc ở Boston Consulting Group – công ty tư vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, sau 9 năm ‘bay’ đi khắp thế giới, năm 2021, cô gái 9x này quyết định quay trở về đất mẹ để thực hiện giấc mơ ‘ghi dấu Việt Nam trên bản đồ thế giới’, bằng cách tạo thật nhiều ‘kỳ lân’.
Linh Đa đã gặp gỡ Amanotes như thế nào? Điều gì đã thuyết phục Linh Đa rời môi trường ở công ty toàn cầu để đầu quân cho một startup Việt Nam?
Quyết định về Việt Nam và làm việc cho Amanotes là một quyết định mang tính bước ngoặt của tôi. Lúc đó, tôi đã xin được visa để đi làm ở Mỹ và có cơ hội ở lại Mỹ làm thẻ xanh và quá trình này không hề đơn giản, cần rất nhiều may mắn.
Lúc đó cũng có rất nhiều người hỏi “em ở lại Mỹ hay về Việt Nam?” và tôi phải cân nhắc, suy nghĩ rất nhiều với ý thức rằng “đây là một quyết định sẽ đi theo mình tới cuối đời”, vì để quay trở lại Mỹ cũng rất khó.
Vì vậy, tôi đã phải nghiêm túc ngồi lại tự hỏi bản thân “mục đích cuộc đời của mình là gì?”. Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi thấy mình rất mong muốn hiện thực hóa “một giấc mơ Việt Nam”.
Đợt tôi còn đi học ở Havard Business School và tham dự các hội thảo bên Mỹ, số lượng các bạn học sinh Việt Nam rất ít, chỉ khoảng 1, 2 người. Kể cả hồi làm việc cho Boston Consulting Group, tôi cũng là người Việt duy nhất trong một căn phòng nhiều người Trung Quốc, Thái Lan, HongKong…
Từ quan sát này, tôi tự hỏi rằng: tại sao người Việt Nam mình dù rất nhiều tiềm năng: siêng năng, thông minh nhưng lại không được biết đến nhiều như vậy? Do đó, tôi rất mong muốn được về nước làm gì đó để ghi dấu ấn Việt Nam lên bản đồ thế giới và xác định luôn là muốn làm cho công ty Việt Nam.
Tôi cũng biết là làm việc cho một startup sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nên điều quan trọng là bản thân mình cần phải phù hợp cũng như tin tưởng vào người đồng nghiệp của mình. Lúc đó, tôi có cơ duyên gặp bạn Cường (Co-Founder Amanotes), qua một nhóm học bổng chung (scholarship network) của Mỹ. Sau một thời gian nói chuyện và trao đổi, bạn Cường có chia sẻ rằng là công ty cũng đang tìm người.
Quá trình tìm hiểu về Amanotes bắt đầu tận 2 năm trước khi tôi chính thức gia nhập. Lúc nghe tên, tôi không biết gì nhiều về nó, nhưng khi tìm hiểu, thì ấn tượng của tôi về Amanotes rất tốt: các bạn rất khiêm tốn, không làm thương hiệu quá mạnh, nhưng kinh doanh rất thành công so với nhiều công ty khởi nghiệp khác ở Việt Nam.
Một công ty ở Việt Nam mà đánh thành công vào thị trường thế giới, chưa bao giờ có nhu cầu đi gọi vốn ở bên ngoài, lại dồi dào nguồn lực bên trong... thì thực sự tôi chưa thấy trước đó! Tôi thậm chí cũng đã đến thăm văn phòng của Amanotes, tới các buổi học nhạc, chơi nhạc…
Càng tìm hiểu về những gì Amanotes đã làm, tôi càng cảm thấy đây là một cơ hội tuyệt vời và mong muốn hợp tác với anh Bình (Võ Tuấn Bình - CEO, PV) và Cường (Nguyễn Tuấn Cường - CPO, PV) để giúp biến Amanotes trở thành ‘kỳ lân’ tiếp theo của Việt Nam.
Rõ ràng là quyết định về Việt Nam của Linh Đa cũng không phải trong một sớm một chiều. Trước khi về Amanotes, Linh Đa có lo lắng nhiều không?
Tôi chuyển hẳn về Việt Nam sống sau gần 9 năm làm việc ở nước ngoài, hiện cũng đã ở Việt Nam ở gần 1 năm rồi. Lúc quyết định về tôi cũng có rất nhiều trăn trở. Lo lắng lớn nhất của tôi lúc đó không nằm ở đội ngũ, mà là về việc chuyển từ một môi trường làm việc rất ‘chuẩn chỉnh’ ở các công ty hàng đầu thế giới về làm cho một công ty khởi nghiệp ở Việt Nam.
Trước đó, tôi cũng đã từng làm cho một công ty khởi nghiệp, nhưng công ty đó cũng không phải đi từ con số 0 lên như ở đây, nên chắc chắn sẽ có sự khác biệt về cách làm việc và văn hóa.
Tuy nhiên khi vào làm, tôi thấy môi trường tại Amanotes rất toàn cầu. Mình cũng rất nhanh chóng hòa hợp với môi trường này – một nơi làm việc bao gồm các bạn trẻ năng động, nhân sự đa dạng, nói nhiều thứ tiếng… Các bạn cũng luôn có tinh thần học hỏi từ những môi trường hàng đầu thế giới, nên việc hợp tác làm việc cùng nhau rất nhịp nhàng.
Nên sau 1 năm đi làm, tôi cảm thấy rất vui với quyết định lúc đó: là ‘dấn thân’ vào startup, không sợ hãi quá để rồi ‘bỏ trốn’ đi làm cho một công ty toàn cầu khác.
Và đặc biệt khi làm cho công ty công nghệ lại liên quan tới âm nhạc, tôi cảm thấy rất vui vì cũng là người rất thích âm nhạc. Linda “bị” anh em bắt một tuần học hát 3 buổi, học piano 2 buổi và học nhảy ở ngoài. Những hoạt động như vậy làm tôi cảm thấy rất vui và khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái mặc dù ‘làm khởi nghiệp thì khổ’ (cười).
Chị thấy profile của Linh Đa trước đó không liên quan nhiều đến game hay âm nhạc. Vậy việc là người mới trong ngành mang lại cho Linh Đa những thuận lợi và khó khăn gì?
Trước khi về Việt Nam, tôi làm ở Boston Consulting Group – một công ty dẫn đầu thế giới trong ngành tư vấn quản trị chiến lược. Thường mình sẽ không làm trong một ngành cụ thể nào hết – các công ty lớn trong danh sách Fortune 500 sẽ thuê các công ty tương tự về để tư vấn về các vấn đề khác nhau. Linda đã làm các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục y tế, IT, buôn bán nội thất… các dự án chỉ cách nhau vài tháng.
Hồi đó, thường tôi sẽ có 2 tuần để nghiên cứu về ngành hàng/lĩnh vực mới, mặc dù trước đó chưa bao giờ làm ngành đó cả. Trong 2 tuần đó, mình phải tự tìm hiểu thông tin ở trên mạng, gọi cho những người chuyên gia để biết những thông tin sâu hơn… làm sao để sau đó, mình có thể ngồi xuống nói chuyện với một bác C-level ở một công ty hàng đầu nước Mỹ trong ngành, về những định hướng tư vấn mà mình đưa ra. Vậy nên, với những người làm tư vấn như tôi, rất dễ để học một ngành mới.
Nhờ có 2-3 năm kinh nghiệm ở Boston Consulting Group, tôi cảm thấy đi từ việc chưa bao giờ làm game đến việc làm game cũng không quá khó khăn. Linda cảm thấy điều quan trọng là mình phải chọn một ngành mà bản thân mình cảm thấy có giá trị.
Có 3 ngành mà tôi rất quan tâm: giải trí, giáo dục hoặc y tế. Linda đến từ một ngôi làng rất nhỏ ở Quảng Ngãi. Ngày xưa đi học, tôi không được học trường ‘xịn’, rồi hệ thống y tế ở quê cũng không tốt, nên khi mọi người bị bệnh không nhẹ thường phải đi Đà Nẵng để khám chữa bệnh.
Ước mơ của tôi là mang dịch vụ y tế và giáo dục tốt – điều mà Amanotes đang làm được, đến với tất cả mọi người. Vì tôi thích cả âm nhạc lẫn giáo dục nên việc học về nó cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nhưng cũng rất may mắn là trước đó tôi đã được đào tạo để nắm được những cách suy nghĩ, những framework/phương pháp luận mà mình áp dụng trong môi trường nào cũng được.
Ước mơ của Linda khi về Việt Nam, là hợp sức cùng mọi người dần dần giải quyết được những ‘bài toán nhỏ’, nhiều ‘bài toán nhỏ’ được giải quyết thì đến một ngày nào đó, các ‘bài toán lớn’ cũng không quá khó để giải quyết.
Từ trước tới giờ, Linda chưa bao giờ sợ những điều khó, thậm chí còn thích chúng. Việc quyết định vào Sài Gòn học hồi xa xưa cũng là một bước tiến lớn đối với Linda, sau đó thì được ra nước ngoài học.
Hồi được nhận offer công việc ở Thụy Điển (IKEA), mình cũng rất lo sợ, nhưng cũng may mắn là mình không ngại khó. Nhờ vậy, dần dà mình được trao cho rất nhiều cơ hội làm những việc còn khó hơn nữa. Nhưng, đồng thời mình cũng học được nhiều hơn và có được nhiều đúc kết kinh nghiệm, đưa mình tới những con đường - tuy thử thách nhưng rất xứng đáng để chinh phục.
Chức vụ của Linh Đa ở Amanotes trước đây chưa từng có. Chị nghĩ anh Bình muốn Linh Đa gia nhập Amanotes vì muốn có một ‘làn gió mới’ khác biệt so với những người đã làm ngành lâu năm. Linh Đa nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ ‘làn gió mới’ là một điều mà rất nhiều công ty mong muốn – anh Bình cũng hay nói rằng “em là một màu sắc khác”. Một công ty mới khởi nghiệp đi từ ‘0 tới 1’ sẽ cần những kỹ năng khác. Từ phía Amanotes cũng nhận thấy được: với mức độ tăng trưởng rất nhanh của công ty và để đạt được đến hoài bão vẫn còn rất xa kia, thì trong đội ngũ cũng cần những góc nhìn, hay ‘đôi mắt tươi mới’ (fresh eyes) để giúp công ty phát triển.
Kiến thức về game của Linda chắc chắn sẽ không bằng anh Bình hay anh Cường; tuy vậy, điểm mạnh của một người như tôi khi bước vào một startup như thế này là những suy nghĩ khác biệt về việc quản trị một công ty, cách đối mặt với khách hàng, cân bằng nguồn lực hiện tại của công ty với những dự án công ty cần đầu tư vào, xây dựng văn hóa doanh nghiệp…
Đối với các công ty trên đà tăng trưởng, tới một lúc nào đó thì các Nhà sáng lập cũng sẽ cần mang một ‘làn gió mới’ vào, để giúp đẩy công ty lớn mạnh nhanh hơn nữa. Việc dùng đúng người đúng thời điểm – chọn đi cùng ai, bằng cách thức nào cho thích hợp - đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của một công ty.
Sau 1 năm về đầu quân cho Amanotes, Linh Đa nhận thấy mình của 2022 khác mình của 2021 như thế nào?
Tôi nghĩ Linda của năm nay khác năm ngoái rất nhiều. Trước đây, vì hầu như tôi chỉ đi làm ở những tập đoàn rất lớn, các quy trình đã có hết cả rồi; còn về đây thì rất khác – các bạn đều là những người Việt Nam trẻ, có những cách làm việc rất khác.
Ví dụ: ở Mỹ hay châu Âu, mình cứ có deadline là phải làm cho xong, không quan trọng mình phải ăn hay ngủ, miễn là phải xong việc theo đúng cam kết. Nhưng về đây, mọi người tự do nhiều hơn trong cách làm việc. Nên cái mình học được nhiều nhất là phải thay đổi sao cho bản thân được linh hoạt hơn, cũng như tôn trọng cách làm việc khác nhau của từng bạn.
Bên cạnh đó, mình cũng dành rất nhiều thời gian để đào tạo (training) cho các bạn trẻ về phong thái làm việc chuyên nghiệp, ‘cho’ các bạn làm sai nhiều lần… Sau một năm, Linda cũng thấy các bạn có sự tiến bộ rõ rệt về tác phong cũng như năng suất làm việc.
Từ đó, tôi cũng nhận thấy mình đang góp phần ươm mầm cho thế hệ trẻ để quen với một cách làm việc chuẩn chỉnh hơn, với những tiêu chuẩn cao hơn. Có lẽ đó cũng là một đóng góp của mình cho xã hội và tôi hy vọng mình có thể tiếp tục làm được điều này ở Amanotes.
Mọi người hay có thành kiến, làm startup vui nhưng không kiếm được nhiều tiền. Linh Đa có thấy vậy?
Tôi nghĩ câu nói này cũng vừa đúng và vừa không đúng. Startup cũng có rất nhiều loại khác nhau, từ những startup nhỏ 2-3 người chung một căn hộ, tới những nơi đã có thời gian phát triển và lớn mạnh lên nhiều, đơn cử như Shoppee, Lazada hay Amanotes… Những startup ở tầm cỡ như thế này có những đãi ngộ cho tài năng phong phú không hề thua kém các tập đoàn đa quốc gia.
Các startup có tiềm năng rất lớn – họ có thể “phá vỡ” những lối đi truyền thống và nếu thành công thì giá trị đem lại sẽ vô cùng lớn và thu nhập tất nhiên sẽ tốt vô cùng.
Tại Mỹ - những startup rất thành công như Apple, Microsoft, Amazon… đều có khả năng trả lương rất cao để lấy nhân tài về. Hơn nữa, ngày càng có nhiều nhà đầu tư rót tiền vào các startup dù nhỏ và không tên tuổi nhưng lại nhiều tiềm năng, nên đôi khi lương ở đó thậm chí còn cao hơn cả Apple nữa.
Nếu bây giờ có một bạn trẻ đang trong hoàn cảnh như Linh Đa cách đây 1 năm, tức đang làm cho công ty đa quốc gia lớn nhưng nhận được lời mời từ 1 startup tiềm năng, Linh Đa sẽ nhắn gửi gì cho bạn đó?
Thực ra câu này mọi người hỏi tôi câu này nhiều lắm (cười), nhất là các bạn trẻ. Tôi luôn nói với các bạn là mỗi con người mỗi khác và ước mơ của mỗi người cũng sẽ rất khác. Có nhiều người bạn của tôi mong muốn một cuộc sống được lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng: biết chắc rằng 5, 10 năm sau cuộc đời mình sẽ như thế này… Những bạn như thế sẽ rất hạnh phúc ở một môi trường như ở châu Âu hay châu Mỹ.
Còn bản thân những bạn như tôi, muốn “bay” một chút – tính cách tiêu biểu của một Nhân Mã, thì con đường mình chọn cũng sẽ khác. Tôi khát khao muốn mang “giấc mơ Việt” ra bản đồ thế giới, để trong tương lai nước mình sẽ có một hoặc một vài công ty “kỳ lân”, để mọi người khi nghe tới tên công ty thì sẽ nhận ra ngay, “ồ tôi biết tới công ty này và nó đến từ Việt Nam”.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn giúp các bạn trẻ Việt Nam chuyên nghiệp hơn, có nhiều lựa chọn và năng động hơn, vì phải có những công ty thành công như vậy thì mình mới có môi trường để ươm mầm cho những tài năng tiếp theo.
Bên cạnh đó, tôi tin rằng: mỗi người trong chúng ta đều có những ước mơ khác nhau, tương ứng với những “thiên đường” khác nhau. Theo quan điểm của tôi, Việt Nam chính là thiên đường dành cho những người luôn muốn “bay”, muốn thử thách, muốn ngã và tự đứng dậy. Còn những bạn có lựa chọn khác cũng không có vấn đề gì cả - ở đây vốn không có đúng hay sai, quan trọng là mình biết mình là ai và mình muốn gì.
Cảm ơn Linh Đa rất nhiều!
Bài viết: Quỳnh Như | Thiết kế: Nhàn Bùi
Nhịp sống kinh tế