(Tổ Quốc) - Indonesia sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ từ tuần tới, sau khi tình hình nguồn cung dầu ăn trong nước được cải thiện
Trong một tuyên bố trên truyền hình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng Indonesia cần khoảng 194.000 tấn dầu ăn mỗi tháng.
Vào tháng 3, trước khi có lệnh cấm xuất khẩu, nguồn cung toàn quốc chỉ là 64.500 tấn, ông nói. Tuy nhiên, sau khi lệnh cấm xuất khẩu được đưa ra vào tháng 4, nguồn cung toàn quốc đạt 211.000 tấn.
Tổng thống cho biết giá dầu ăn vào khoảng 19.800 rupiah (1,35 USD)/lít trước khi có lệnh cấm xuất khẩu. Ông cho biết giá hiện đang giảm xuống từ 17.200 Rupiah đến 17.600 Rupi/lít.
"Do đó, dựa trên nguồn cung và giá dầu ăn hiện tại và xem xét rằng có 17 triệu công nhân trong ngành công nghiệp dầu cọ… tôi đã quyết định rằng xuất khẩu dầu ăn sẽ được phép trở lại vào thứ Hai, ngày 23/5/2022".
Vào ngày 28/4, chính phủ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với các sản phẩm dầu cọ thô và tinh chế. Đây là một trong những hành động bảo hộ mùa màng lớn nhất kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Indonesia sản xuất khoảng 60% lượng dầu cọ trên toàn thế giới, trong đó hơn 30% sản lượng là tiêu thụ ở thị trường trong nước. Ấn Độ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Pakistan là những khách hàng chính của Indonesia.
Quyết định này đã cản trở xuất khẩu dầu hướng dương và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu. Dầu cọ được sử dụng trong mọi thứ, từ thực phẩm, xà phòng đến nhiên liệu, và động thái của Indonesia đe dọa sẽ đẩy chi phí lên nhiều hơn trên nhiều chuỗi cung ứng vào thời điểm lạm phát tràn lan.
Nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu dầu cọ của Indonesia năm 2021.
Gnanasekar Thiagarajan, trưởng bộ phận kinh doanh và chiến lược phòng ngừa rủi ro tại Kaleesuwari Intercontinental cho biết: "Người tiêu dùng hoàn toàn có thể thở phào nhẹ nhõm ngay bây giờ."
Chính phủ đã phải vật lộn để kiểm soát giá cả và đảm bảo nguồn cung cấp trong nước kể từ tháng 12, với một loạt các biện pháp từ giới hạn giá, đến hạn chế xuất khẩu, phát tiền mặt cho các hộ gia đình và người bán hàng rong. Nhưng tất cả những điều đó đã không thể kéo giá giảm xuống mức mục tiêu mà chính phủ mong muốn là 14.000 rupiah (97 xu Mỹ)/lít, sau khi tăng 70% lên 26.000 rupiah/lít (1,8 USD/lít) trong thời gian gần đây. Chi phí tăng cao đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong ba năm vào tháng Tư.
Lệnh cấm của Indonesia được dự đoán là sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Gro Intelligence, một công ty phân tích nông nghiệp, cho rằng chính phủ có thể buộc phải nới lỏng động thái này vào tuần thứ 4 của tháng 5 để giữ cho các bể dự trữ không bị quá tải. Một nhóm ngành khác liên quan cũng dự báo rằng chính sách này sẽ kết thúc trong tháng này.
Mặc dù Indonesia là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, song người dân trong nước lại gặp khó khăn khi mua dầu ăn.
Trên thực tế, lượng nguyên liệu dầu ăn mà Indonesia sản xuất và xuất khẩu lớn hơn nhiều so với nhu cầu trong nước.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm được đưa ra sau khi hàng trăm nông dân biểu tình để phản đối quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ. Họ cho biết thu nhập của họ bị ảnh hưởng lớn do giá trái cây tươi liên tục lao dốc. Một cuộc khảo sát trong tháng này cho thấy xếp hạng phê duyệt đối với Jokowi, với tư cách là tổng thống được nhiều người biết đến, xuống thấp nhất trong hơn sáu năm do sự bất bình ngày càng tăng của người Indonesia về giá cả leo thang.
Dầu đậu nành, một sản phẩm thay thế cho dầu cọ, giảm tới 1,6% sau thông báo của Indonesia. Giá dầu cọ kỳ hạn trước đó đóng cửa giảm 1% tại Kuala Lumpur.
Jokowi cho biết ông tin tưởng rằng giá dầu ăn trong nước sẽ hợp với túi tiền của người dân trong vài tuần tới. Chính phủ sẽ cải thiện các quy định và thủ tục đối với quỹ xuất khẩu dầu cọ của mình để có thể thích ứng hơn với nguồn cung và giá cả trong nước.
Tham khảo: Bloomberg
Khánh Vy