Khắc khoải mong chờ du khách trở lại, thiên đường du lịch Thái Lan vắng lặng như 'nghĩa địa', thu nhập gần bằng 0 trong khi gánh nặng thuê nhà đè ép

(Tổ Quốc) - "Nơi này giờ giống như nghĩa địa", các chủ kinh doanh xót xa khi doanh thu gần như bằng 0, nhưng vẫn phải chi trả khoản phí thuê nhà đắt đỏ vì cửa hàng nằm ở vị trí đắc địa.

Từ vị thế đóng góp phần lớn GDP Thái Lan, các dịch vụ du lịch của Thái Lan giờ đang tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt nỗi niềm “đau đầu” vì ảnh hưởng từ Covid-19. Ai cũng không biết nên gắng gượng để cố vượt qua giai đoạn này hay từ bỏ để thoát cảnh nợ nần.

Tuy quốc gia này đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế kiểm dịch với du khách nhưng tình hình chung vẫn không mấy khả quan với cả ngành du lịch.

Thiên đường du lịch Thái Lan: Khắc khoải mong chờ du khách trở lại

Từ ngày 1/11, Thái Lan đã bắt đầu mở cửa đối với các du khách đã tiêm phòng. Quốc gia này đồng ý nới lỏng các hạn chế kiểm dịch đối với những du khách lưu trú tối thiểu 21 ngày tại một trong 63 quốc gia và vùng lãnh thổ “rủi ro thấp”; bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Australia, Ấn Độ và Canada.

Các du khách đã tiêm phòng đầy đủ, đáp ứng yêu cầu sẽ chỉ cần ở lại 1 đêm trong khách sạn để chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 bổ sung. 

Khắc khoải mong chờ du khách trở lại, thiên đường du lịch Thái Lan vắng lặng như nghĩa địa, thu nhập gần bằng 0 trong khi gánh nặng thuê nhà đè ép - Ảnh 1.

Đây được xem là thời điểm tốt để thu hút một số khách du lịch dịp cuối năm và Tết Dương lịch. Ảnh: worldnomads

Quyết định được đưa ra vào trước mùa cao điểm du lịch của Thái Lan thể hiện mong muốn nhanh chóng phục hồi ngành công nghiệp không khói. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, du lịch đóng góp khoảng 15% GDP của Thái Lan trước đại dịch.

Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo rằng, các chương trình nhập cảnh khác nhau sẽ mang lại ít nhất 700.000 du khách đến Thái Lan trong năm nay. Trong năm 2022, dự kiến ​​ngành du lịch sẽ tạo ra 1,58 nghìn tỷ baht (45,7 tỷ USD), bao gồm 818 tỷ baht đến từ khách du lịch quốc tế.

Vắng lặng như “nghĩa địa”, doanh thu gần như bằng 0

Tình trạng vắng lặng, thưa thớt du khách vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp thiên đường du lịch Thái Lan. Tại Khaosan, nơi được mệnh danh là “con phố không ngủ” của quốc gia này, hàng loạt hàng quán đã mở cửa trở lại nhưng không có bất cứ khách hàng nào bên trong.

Khắc khoải mong chờ du khách trở lại, thiên đường du lịch Thái Lan vắng lặng như nghĩa địa, thu nhập gần bằng 0 trong khi gánh nặng thuê nhà đè ép - Ảnh 2.

Hầu như không có một bóng du khách, con đường Khaosan nổi tiếng ở Bangkok ngày nay chìm trong vắng lặng, yên tĩnh. (Ảnh: Pichayada Promchertchoo)

Đoạn đường dài 400m từng thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới, có cuộc sống về đêm sôi động, nổi tiếng với các quầy thức ăn đường phố giá rẻ, tràn ngập các cửa hàng và khách sạn. Nơi đây vốn là điểm đến mà đông đảo mọi người không thể bỏ qua, nay chỉ còn những tấm biển "Mở cửa 24h" lẳng lặng treo trước cửa và khuôn mặt thất thần của các chủ cửa hàng.

Rất nhiều cửa hàng đã đóng cửa vô thời hạn vì ảnh hưởng từ đại dịch. Không ít cửa hàng khác mở cửa trở lại nhưng cũng chẳng khá khẩm hơn là bao.

Một chủ sở hữu quầy hàng món Thái nói, "Nơi này giờ giống như nghĩa địa". Mặc dù sở hữu vị trí đắc địa ở hướng Đông Bắc, cửa hàng của bà vẫn chẳng có bóng khách hàng nào ghé qua. 

Khắc khoải mong chờ du khách trở lại, thiên đường du lịch Thái Lan vắng lặng như nghĩa địa, thu nhập gần bằng 0 trong khi gánh nặng thuê nhà đè ép - Ảnh 3.

Quầy hàng thực phẩm vắng bóng khách hàng, gần như không hoạt động khiến chủ sở hữu phải "đau đầu", không biết nên nghỉ hay tiếp tục kinh doanh. (Ảnh: Pichayada Promchertchoo)

Phudit Jiradamangmun, một chủ quán bia, thì chia sẻ rằng, họ đã phải chuyển sang bán cả trà sữa và cà phê suốt một tháng nay để trang trải cho chi phí thuê nhà.

Theo CNA, người này nói: "Tôi không làm được gì ngoài trả tiền thuê nhà. Không sở hữu mặt bằng nên chúng tôi phải tiếp tục trả tiền thuê. Cảm giác giống như chúng tôi đang mua tương lai của mình với hy vọng nó sẽ dần trở nên tốt đẹp hơn".

Mặc dù vậy, Phudit Jiradamangmun vẫn khó lòng có thể kiếm đủ tiền để trang trải mọi chi phí. Từ tiền thuê nhà đắt đỏ cho tới tiền điện nước, chi phí tiền lương cho nhân viên… đây là con số mà khoản thu nhập ít ỏi hàng tháng không thể bù đắp nổi. 

Phudit Jiradamangmun hiện đang phải vay tiền để có thể tiếp tục “nuôi sống” cửa hàng của mình. Toàn bộ tài khoản tiết kiệm của anh đã cạn sạch kể từ năm ngoái. Khoản hỗ trợ từ chính phủ là tiền quỹ an sinh xã hội 10.000 baht cũng không thấm vào đâu.

Khắc khoải mong chờ du khách trở lại, thiên đường du lịch Thái Lan vắng lặng như nghĩa địa, thu nhập gần bằng 0 trong khi gánh nặng thuê nhà đè ép - Ảnh 4.

Đối với các chủ cửa hàng đang kinh doanh trên đường Khaosan, 18 tháng qua là một cuộc đấu tranh tuyệt vọng với rất ít, hoặc thậm chí không có khách hàng, thu nhập gần bằng 0. (Ảnh: Pichayada Promchertchoo)

Trước đây, Khaosan nổi tiếng là khu vực kinh doanh giải trí về đêm, có lượng khách quốc tế đông đúc. Tuy nhiên, việc hạn chế bán và tiêu thụ rượu đã khiến các cơ sở dịch vụ tại đây khó có thể “hồi sinh” như ban đầu.

Prasit Chiaranaisakul, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đường Khaosan Road, cho biết: "Doanh thu suốt một năm nay là bằng 0. Khi chỉ có vài cơ sở kinh doanh trở lại, người ta không tới đây vì nó không được nhộn nhịp nữa."

*Theo CNA


Thuý Phương

Tin Cùng Chuyên Mục
Hướng đến trải nghiệm: Toshiba Lifestyle kiến tạo sự “hoàn hảo thầm lặng”

Hướng đến trải nghiệm: Toshiba Lifestyle kiến tạo sự “hoàn hảo thầm lặng”

Chính thức giới thiệu đến người dùng lối sống JAPANDi và bộ sưu tập sản phẩm điện lạnh, điện gia dụng cùng tên, Toshiba Lifestyle lần đầu chia sẻ về chiến lược sáng tạo hướng đến trải nghiệm của người dùng nhằm mục đích duy trì những giá trị bền vững, tích cực, thiết lập vẻ đẹp “hoàn hảo” nhưng “thầm lặng”.
Tin mới