(Tổ Quốc) - Trước đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những thị trường BĐS nghỉ dưỡng sôi động bậc nhất khu vực. Năm 2019, Việt Nam đón khoảng 15-20 triệu khách du lịch nước ngoài và 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với 10 năm về trước, đạt mức tăng trưởng cao bậc nhất trong khu vực.
Mặc dù chịu những tác động tiêu cực của dịch bệnh nhưng ngày 4/9, Việt Nam đón thành công chuyến bay thí điểm "hộ chiếu vắc-xin" đầu tiên từ Nhật Bản đã mở ra những kỳ vọng mới cho sự phục hồi trong tương lai trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đã mở cửa trở lại. Với "hộ chiếu vắc – xin", ngành du lịch được tin tưởng sẽ sống trở lại và hồi phục từ nửa cuối năm 2022.
Du lịch thăng hoa sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra sau dịch bệnh phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nào sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo dự báo của các chuyên gia, bất động sản khoáng nóng sẽ là một trong những thị trường ngách tạo được sự phát triển vượt bậc bởi ngay trong thời gian dịch bệnh thị trường này vẫn âm thầm tăng trưởng mạnh mẽ.
Bằng chứng là vài năm trở lại đây, các khu nghỉ dưỡng có suối nước nóng đang được rầm rộ triển khai, đưa vào sử dụng với lượng khách cao đột biến. Có thể kể đến như hồi tháng 5/2020 Tập đoàn Sun Group cũng đã khai trương giai đoạn I khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật đầu tiên của Việt Nam - Yoko Onsen Quang Hanh - tại thành phố Cẩm Phả. Hay dự án Minera Hot Springs Binh Chau được xây dựng trên nguồn nước khoáng nóng tự nhiên tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã được đưa vào sử dụng vào tháng 6/2020.
Ngoài những dự án vừa được đưa vào sử dụng, hàng loạt khu nghỉ dưỡng suối nước nóng khác cũng đang được cấp tập được đầu tư, chuẩn bị đưa vào sử dụng trong 1-2 năm tới. Các dự án này tập trung chủ yếu tại các nguồn khoáng Kim Bôi (Hoà Bình), Thanh Thuỷ (Phú Thọ), Bình Châu (Bà Rịa - Vùng Tàu), Đam Rông (Lâm Đồng), Yên Bái…
Mới đây nhất, tại Bình Định, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Hội Vân (tổng mức đầu tư 727 tỷ đồng) tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát của Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG) cũng vừa được giới thiệu ra thị trường. Trên quy mô 17,7ha, dự án gồm hai phân khu: Phân khu thứ nhất chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng diện tích 6,8ha và phân khu thứ hai gồm 420 căn biệt thự, liền kề trên diện tích 10,9ha ...Sau khi hoàn thành, Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Hội Vận sẽ được vận hành bởi Công ty Naniwa Issui Ryokan (Naniwa Issui) – nhà phát triển và vận hành onsen (suối nước nóng) có trên 100 năm kinh nghiệm tại Nhật Bản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sau dịch Covid-19, du lịch hướng đến trị liệu chăm sóc sức khỏe sẽ bứt phá mạnh mẽ . Khoáng nóng sẽ là thị trường có sự bứt phá mạnh mẽ bởi hiện nay tắm Onsen không còn là văn hóa đặc trưng riêng có tại đất nước Nhật Bản, mà nó đã trở thành một khái niệm rất quen thuộc và phổ biến trên toàn cầu.
Theo kết quả nghiên cứu khoa học, thành phần chứa trong nước khoáng nóng là một dung dịch hỗn hợp chứa nhiều chất ion hóa mạnh, các chất men và các nguyên tố hóa học cấu thành vỏ trái đất. Do đó, khi tắm và ngâm mình dưới nước khoáng nóng thiên nhiên thuần khiết sẽ tăng cường sức khỏe xương khớp và cơ bắp; tiêu diệt vi-rút có hại; hỗ trợ lưu thông máu khắp cơ thể; loại bỏ độc tố giúp tăng cường sự trao đổi chất, cung cấp năng lượng cho cơ thể, kích thích hệ miễn dịch, giúp thư giãn cả thể chất lẫn tinh thần.
Chính bởi những lợi ích lâu dài về sức khỏe mà ngành kinh doanh dịch vụ tắm khoáng nóng Onsen luôn "đắt khách", thu về hàng tỷ đô mỗi năm. Tại Việt Nam, trong khi các các khu nghỉ dưỡng có suối nước nóng đang được rầm rộ triển khai, đưa vào sử dụng với lượng khách cao đột biến thì cũng đang có một lượng lớn nhà đầu tư bất động sản nhắm vào phân khúc này ngay giữa dịch bệnh.
Nam Anh