Khí đốt bỗng ‘quý như vàng’: Ông lớn châu Âu, châu Á đua nhau gom từng mét khối – nhà giao dịch sẵn sàng phá hợp đồng dài hạn chọn khách mua trả giá cao

(Tổ Quốc) - Nhật Bản, Hàn Quốc đang đua nhau gom khí đốt - cạnh tranh các nhà nhập khẩu từ châu Âu. Trung Quốc vẫn "án binh bất động" nhưng nếu họ "đến vào phút chót" để mua LNG, thị trường sẽ rất khó lường.

"Cuộc chiến" giữa châu Á và châu Âu để "chốt" các hợp đồng khí đốt đang ngày càng nóng, làm gia tăng rủi ro giá cả loại hàng hoá đặc biệt này tiếp tục tăng, đẩy người dùng thêm khó khăn trước cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt.

Nhật Bản và Hàn Quốc – 2 nhà nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn thứ 2 và 3 thế giới đang tìm cách đảm bảo nguồn cung cho những tháng mùa đông và xa hơn do lo ngại bị đội giá vào cuối năm, khi nhu cầu của châu Âu tăng lên.

Trong khi đó, châu Âu cũng "hoảng loạn" gom hàng nhằm tìm cách thay thế khí đốt tự nhiên được cung cấp thông qua các đường ống từ Nga. Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng gần 5 lần so với một năm trước. Điều này giáng mạnh vào túi tiền của người tiêu dùng cũng như các công ty dịch vụ.

"Những gì chúng tôi đang thấy là cuộc tranh giành chưa từng có để đảm bảo vận chuyển LNG đến cuối năm nay và sang năm 2023", CEO của một công ty khí đốt có trụ sở tại châu Á cho biết. "Cuộc tranh giành này chưa ảnh hưởng quá nhiều đến giá cả nhưng đó là điều sớm muộn sẽ xảy ra vì những người mua muộn sẽ là người chịu gánh nặng về giá cả".

Đã có những hoạt động gom hàng khá mạnh tay từ Nhật Bản và Hàn Quốc cho các hợp đồng vào tháng 11, 12 và tháng 1/2023, Toby Copson - Trưởng bộ phận kinh doanh và tư vấn toàn cầu của Trident LNG cho biết.

Nhật Bản và Hàn Quốc "có vấn đề" về an ninh năng lượng. Họ thực sự lo ngại về những gì sẽ xảy ra trong ngắn, trung và dài hạn, Copson nói. "Tôi nghĩ rằng năm nay và quý đầu tiên của năm tới, bạn sẽ thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa châu Âu và châu Á trên thị trường".

Châu Á hiện vẫn là điểm đến của các hợp đồng LNG cao cấp với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, TTF, giá khí đốt chuẩn của châu Âu, hiện đang cao hơn đáng kể so với châu Á do nhu cầu ngày càng tăng của khu vực này. Kể từ cuối tháng 7, dòng khí đốt của Nga từ đường ống Nored Stream 1 đã giảm công suất xuống còn 20%. Quan chức thuộc khu vực này lo ngại nguồn cung sẽ còn thấp hơn nữa.

Giá LNG tại châu Âu cao hơn đồng nghĩa các nhà giao dịch có nhiều động lực bán hàng ở đây hơn nhằm kiếm lời. Chênh lệch giá lớn đến mức trong một số trường hợp, các nhà giao dịch theo hợp đồng dài hạn ở châu Á sẵn sàng cắt đứt hợp đồng hiện tại, chấp nhận chịu phạt nhưng vẫn kiếm nhiều lợi nhuận hơn khi bán ở châu Âu.

Khí đốt bỗng ‘quý như vàng’: Ông lớn châu Âu, châu Á đua nhau gom từng mét khối – nhà giao dịch sẵn sàng phá hợp đồng dài hạn chọn khách mua trả giá cao - Ảnh 1.

Giá LNG tại châu Âu hiện cao hơn nhiều so với châu Á.

Nguồn cung mà châu Âu, châu Á đang "tranh giành" chính là LNG từ Mỹ. Quốc gia này đã xuất khẩu 74% LNG sang châu Âu trong 4 tháng đầu năm nay, so với mức trung bình 34% của năm ngoái, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng. Châu Á là điểm đến chính của LNG Mỹ trong các năm 2020 và 2021.

Sự cạnh tranh hiện tại đồng nghĩa "sẽ có lúc châu Á sẽ phải trả giá cao hơn" để thu hút LNG, một thương nhân cho biết.

Trung Quốc – nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới – vẫn "án binh bất động" trên thị trường nhưng các thương nhân cho biết, điều này giống như một "trò đùa".

Nhu cầu khí đốt tại Trung Quốc nhìn chung là thấp do các đợt phong toả và nước này cũng đã "làm rất tốt trong việc giảm sự phụ thuộc vào hợp đồng LNG giao ngay", theo Alex Siow – nhà phân tích khí đốt hàng đầu châu Á tại công ty tư vấn ICIS cho biết. Trung Quốc thậm chí còn đang bán bớt LNG không dùng đến, làm giảm bớt phần nào sự căng thẳng trên thị trường.

Tuy nhiên, nhà giao dịch cho biết thị trường vẫn nhận thức rõ rủi ro khi các công ty Trung Quốc "đến vào phút chót" để mua LNG. "Khi mùa đông đến gần, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc cần phải xây dựng lại kho chứa", Samatha Dart  - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khí đốt tại Goldman Sachs cho biết.

"Khi hoạt động kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phục hồi rõ ràng hơn, bạn sẽ thấy sự thay đổi đáng kể trong cán cân LNG", bà nói.

Nguồn: FT

Đức Nam

Tin mới