(Tổ Quốc) - Ngủ ngáy có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ. Không chỉ gây khó chịu cho người xung quanh mà ngủ ngáy còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh.
Tiểu Vương và Tiểu Lưu là đồng nghiệp trong một nhà máy. Ngày thường họ ngủ trong kí túc xá có giường tầng. Cứ đến nửa sau đêm, Tiểu Vương lại bị tiếng ngáy của Tiểu Lưu quấy rầy đến mức không thể ngủ được, anh thử dùng nhiều cách để giảm bớt tiếng ồn nhưng tiếng ngáy của đồng nghiệp thực sự rất lớn.
Quan trọng hơn, mỗi khi Tiểu Lưu ngủ ngáy, cậu đều không hề hay biết. Khi Tiểu Vương phàn nàn thì anh đều bỏ ngoài tai rồi nói: "Ngủ ngáy chứng tỏ chất lượng giấc ngủ của tôi rất tốt còn gì nữa".
Vậy, những gì Tiểu Lưu nói liệu có thực sự đúng?
Ngủ ngáy có thực sự là biểu hiện của một giấc ngủ ngon?
Khi một người đang ngủ, quá trình thở vẫn diễn ra, nhưng do các cơ lúc này ở trạng thái thả lỏng nên đường hô hấp trên (có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng) bị hẹp lại. Khi người ngủ hít thở, một lượng khí vào, nhưng do đi qua một vùng hẹp hơn làm các niêm mạc mô xung quanh rung lên tạo từ đó tạo ra tiếng ngáy.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trước tiên, cần khẳng định là ngáy không phải là vấn đề quá lớn và âm thanh này chứng tỏ rằng người đó ít nhất vẫn còn thở khi đang ngủ.
Bởi khi đang ngáy ngủ mà tiếng ngáy đột ngột dừng lại, rất có thể là do không khí bị tắc nghẽn khiến oxi không thể vào phổi. Lâm sàng gọi trường hợp này là hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSAHS).
Hầu như tất cả những ai ngủ ngáy nhiều đều có khả năng từng gặp phải tình huống trên. Và nếu hiện tượng này diễn ra thường xuyên sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, biểu hiện cụ thể là bạn sẽ luôn buồn ngủ vào ban ngày, ngủ không đủ giấc, hay kê cao gối khi ngủ.
Trong trường hợp nghiêm trọng, việc ngưng thở trong vô thức này còn có thể dẫn đến tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tiểu đường tuýp 2, rối loạn nhịp tim thậm chí là đột tử.
Vì vậy, ngủ ngáy thực sự không phải là biểu hiện của một giấc ngủ ngon. Nếu bạn phát hiện mình mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Tại sao nhiều người thường ngủ ngáy?
Trên thực tế, nguyên nhân gây ngủ ngáy có thể được chia thành hai loại: Bẩm sinh và tác động của các yếu tố bên ngoài.
Yếu tố bẩm sinh rất đơn giản, có người từ khi sinh đã có cổ họng hẹp, lưỡi to, cằm nhỏ, nếu mắc phải trường hợp này thì khi ngủ sẽ rất dễ mắc chứng ngủ ngáy.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mặt khác, khi con người ta ngủ say thì gốc lưỡi sẽ rụt lại, các cơ thả lỏng, không khí đi qua sẽ mũi sẽ ít nhiều tạo ra âm thanh. Cả hai hiện tượng này hoàn toàn là vấn đề sinh lý thường gặp.
Thế nhưng, hiện tượng ngủ ngáy kéo dài cũng có khả năng là do tác động của các yếu tố bên ngoài, bao gồm cả các thói quen sinh hoạt và yếu tố bệnh tật.
1. Thói quen sống
Thói quen sinh hoạt dẫn đến ngủ ngáy chủ yếu là hút thuốc và uống rượu. Thuốc lá và rượu bia không chỉ gây ức chế hô hấp của con người mà còn gây ra nhiều bệnh trong đó có viêm đường hô hấp trên.
Dưới sự kích thích lâu dài của khói thuốc và bia rượu, tình trạng viêm nhiễm sẽ dẫn đến phù nề ở cổ, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp. Do đó, bỏ thuốc lá và uống rượu có thể làm giảm tần suất ngủ ngáy một cách hiệu quả.
Và đặc biệt, nếu bạn dùng một số loại thuốc an thần thường xuyên, cũng sẽ gây ra chứng ngủ ngáy.
2. Yếu tố bệnh tật
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Một số bệnh về mũi có thể làm tăng nguy cơ ngưng thở đột ngột khi ngủ, nếu luôn cảm thấy mũi bị nghẹt thì bạn nên đi khám kịp thời để loại trừ những nguy hiểm tiềm ẩn.
Ngoài ra, béo phì cũng là một nguyên nhân khiến người ta ngáy khi ngủ. Người bị thừa cân quá mức sẽ xảy ra hiện tượng mỡ sẽ tích tụ quanh cổ. Dưới sự chèn ép liên tục của mỡ, đường thở của người đó bị bóp hẹp lại. Tình trạng này nghiêm trọng hơn khi cơ thể ở trạng thái ngủ, không khí bị ép trong đường thở có thể tạo ra nhiều loại âm thanh rung động.
Làm thế nào để giảm và điều trị ngủ ngáy?
Thực ra, tác hại của chứng ngủ ngáy là đôi khi không khí không thể vào được phổi, chỉ cần giải quyết được tình trạng tắc nghẽn đường thở là có thể giảm bớt tình trạng này.
- Nếu bạn chỉ ngáy nhẹ có thể hạ thấp gối đầu xuống, không nên kê gối cao, vì đầu và cổ không cân đối, dễ gây tắc đường thở khi ngủ. Nên kê gối cao phù hợp sao cho cho đầu, cổ cũng như đường thở nằm ngang để quá trình hít thở diễn ra thông suốt. Đồng thời, cần tránh thở bằng miệng khi ngủ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
- Nếu bạn là người nghiện thuốc lá và uống rượu lâu năm, việc bỏ thuốc lá và rượu bia để tránh bị kích ứng đường hô hấp cũng có thể làm giảm hiện tượng ngủ ngáy một cách hiệu quả. Về phần những bệnh nhân béo phì có thể giảm cân, giảm lượng mỡ trong cơ thể để giảm áp lực lên đường thở.
- Đối với những bệnh nhân mắc chứng ngủ ngáy nghiêm trọng, tiến hành phẫu thuật để thay đổi đường thở và loại bỏ các mô mềm dư thừa cũng là một giải pháp làm giảm các triệu chứng của bệnh ngủ ngáy.
Tóm lại, nếu đường thở không bị hẹp bẩm sinh và duy trì một số thói quen sinh hoạt tốt, bạn có thể tránh ngáy và cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách hiệu quả.
(Theo Toutiao)
Ánh Lê