Không chỉ bán vỏ bao bì cho Comfort, Sunlight, Lifebouy, Biore, Enchanteur, một doanh nghiệp Việt còn mua hẳn nhà máy để cung ứng cho thị trường Mỹ

(Tổ Quốc) - Năm 2011 nhận thấy thị trường Mỹ tiềm năng, công ty này đã mua lại một nhà máy để cung ứng bao bì cho các thương hiệu tại thị trường này.

Được thành lập vào năm 1987, vợ chồng ông Trần Duy Hy thành lập tổ hợp sản xuất Nhựa Duy Tân. Năm 1997, tổ hợp này đổi tên thành công ty TNHH Duy Tân và chuyển đổi sang mô hình CTCP vào năm 2008. Nhà sáng lập Trần Duy Hy vốn quê ở Vĩnh Long và lên Tp. Hồ Chí Minh lập nghiệp sau khi học ngành cơ khí, đại học Bách Khoa. Hiện ông Hy là tổng giám đốc của Duy Tân.

Bên cạnh đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc Duy Tân, ông Trần Duy Hy còn là thành viên của Hiệp hội nhựa Việt Nam. Tuy nhiên doanh nhân này chưa từng xuất hiện trên truyền thông. Một lãnh đạo tại Duy Tân cũng từng chia sẻ trên tạp chí Forbes rằng ông là người khiêm nhường, nhân văn và đam mê.

Năm 2011 nhận thấy thị trường Mỹ tiềm năng, công ty này đã mua lại một nhà máy để cung ứng bao bì cho các thương hiệu tại thị trường này. 

Số liệu từ Forbes cho biết doanh thu của Duy Tân năm 2019 vào khoảng 5.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với đối thủ đứng thứ 2 thị trường. Công ty này cũng là đại diện duy nhất của ngành nhựa lọt vào danh sách 50 thương hiệu giá trị nhất năm 2020 do Forbes bình chọn. Một lãnh đạo của Duy Tân cũng từng tiết lộ công ty này mỗi năm đều giữ mức tăng trưởng 2 con số so với mức tăng trưởng chung của ngành là 7%.

Lại nói thêm về ngành nhựa hiện chia làm 4 mảng chính gồm: Bao bì, Xây dựng, Gia dụng, Kỹ thuật và khác. Trong mảng nhựa gia dụng, Đại Đồng Tiến được xem là có thế mạnh. Nhựa Ngọc Nghĩa tập trung vào chai pet, bao bì. Nhựa Tiền Phong và nhựa Bình Minh hoạt động trong mảng xây dựng. Duy Tân và một số công ty khác tham gia 3 mảng bao bì, kỹ thuật, gia dụng.

Báo cáo phân tích của FPTS năm 2019 đánh giá khá tích cực về ngành nhựa khi Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế ổn định kéo theo tăng trưởng thu nhập và chi tiêu hộ gia đình sẽ giúp tạo động lực phát triển cho mảng nhựa bao bì và nhựa dân dụng. Xu hướng chuyển dịch sản xuất của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tạo động lực cho tăng trưởng xây dựng dân dụng và cả hạ tầng. Ngoài ra xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam cũng là cơ hội để phát triển mảng nhựa kỹ thuật, phục vụ cho các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp.

Không chỉ bán vỏ bao bì cho Comfort, Sunlight, Lifebouy, Biore, Enchanteur, một doanh nghiệp Việt còn mua hẳn nhà máy để cung ứng cho thị trường Mỹ - Ảnh 1.

Ông Hy giới thiệu Hệ thống sản phẩm của Duy Tân. Ảnh: Hội Doanh nghiệp Cơ Khí - Điện TPHCM (HAMEE)

Hiện Duy Tân là đơn vị cung cấp bao bì, chai nhựa, nắp chai cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Comfort, Sunlight, Lifebouy, Biore, Enchanteur, Romano, Sunplay. Việc trở thành đối tác của những tập đoàn lớn bắt đầu từ những năm 2000, Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài thứ 2. Thời điểm này Duy Tân vốn có thế mạnh làm bao bì nhựa chất tẩy rửa, vệ sinh cá nhân vốn triển khai từ ban đầu thành lập. Đơn vị này sớm trở thành nhà cung ứng cho Unilever, Nestlé, Motul.

Dù tham gia cả 3 mảng trong ngành nhựa nhưng số liệu Forbes cho biết mảng gia dụng hiện chiếm khoảng 50% doanh thu của Duy Tân. Trong mảng này đóng góp 20% doanh thu đến từ các sản phẩm tủ nhựa.

Không chỉ hỗ trợ nhân viên đi học nước ngoài, định cư Mỹ, Duy Tân còn lập cả công ty nông nghiệp, trồng rau sạch, nuôi cá, chế biến suất ăn cho hàng nghìn công nhân của mình. Công ty này được bình chọn vào Top 100 nơi làm việc tốt nhất, Top 50 thương hiệu Việt nhà tuyển dụng hấp dẫn.

PV

Tổng hợp

Tin mới