(Tổ Quốc) - Các công ty và người dân Mỹ được thúc giục chuẩn bị cho kịch bản suy thoái.
Mới đây, trong một chương trình của CBS, Chủ tịch Goldman Sachs Lloyd Blankfein đã thúc giục các công ty và người dân Mỹ chuẩn bị cho kịch bản suy thoái. Ông nhận định khả năng này hiện đang "rất, rất cao" và gần như "không chỉ là đồn đoán nữa". "Nếu đang điều hành một công ty lớn, tôi sẽ chuẩn bị cho kịch bản đó. Nếu là người tiêu dùng, tôi cũng sẽ làm điều tương tự’’, ông Lloyd Blankfein khẳng định.
Nguyên nhân là bởi lạm phát Mỹ đang ở mức rất cao, một hệ lụy đằng sau gói kích thích kinh tế khổng lồ, chuỗi cung ứng gián đoạn, “Zero COVID’’ cùng tình hình căng thẳng chiến sự tại Nga-Ukraine.
Phát biểu trên của ông Blankfein được đưa ra ngay sau khi Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tới - một động thái phản ánh rõ ràng những biến động mạnh trên thị trường phố Wall mới đây. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm 2022 chỉ tăng 2,4%, thấp hơn mức dự báo 2,6% trước đó. Tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2023 cũng chỉ còn 1,6% so với con số dự báo 2,2%.
Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tới
Cũng giống ông Lloyd Blankfein, hầu hết các chuyên gia phố Wall đều đang cảnh báo về rủi ro Mỹ suy thoái. Viễn cảnh này được cho là có thể sớm xảy ra trong vài tháng tới, song hình dạng và diễn biến ra sao vẫn đang là dấu chấm hỏi. Các nhà kinh tế học đặt tên chúng dưới dạng các chữ cái và việc dự đoán chữ cái nào là phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại không phải là dễ dàng.
"Từ đại dịch COVID-19, căng thẳng xung đột Nga-Ukraine đến khủng hoảng năng lượng, các thách thức cứ liên tiếp xảy ra", Nick Tell, Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Armory Group nói.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định điều tạo ra sự khác biệt trong cuộc suy thoái này nằm ở chính "tác động tâm lý đối với lực lượng lao động cũng như một lượng lớn các khoản trợ cấp được chính phủ đẩy vào nền kinh tế’’. Trước đó, kịch bản thiếu hụt lao động dẫn đến suy thoái chỉ xảy ra trong thời chiến.
“Nếu nhìn vào sự chênh lệch giữa tổng cung việc làm và số lượng người Mỹ đang thất nghiệp, chúng ta sẽ thấy một vấn đề chưa từng có trước đây’’, David Lebovitz, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management cho biết. "Chúng gới tôi nhớ đến những cuộc suy thoái trong quá khứ".
Các chuyên gia phố Wall đều đang cảnh báo về rủi ro Mỹ suy thoái
Vậy nếu đúng là nước Mỹ đang bị ràng buộc bởi một cuộc suy thoái, nó sẽ có hình dạng ra sao?
CÁC KỊCH BẢN SUY THOÁI
"Tôi nghĩ rằng suy thoái và phục hồi sẽ đi theo hình chữ U. Đây là điều mà chúng ta không chứng kiến trong một thời gian dài", Tell nói.
Theo CNN, suy thoái hình chữ U báo hiệu một đà suy giảm mạnh. Suy thoái sẽ kéo dài trong 1 hoặc 2 năm giống giai đoạn 1973-1975, khi khủng hoảng dầu mỏ và chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED khiến nền kinh tế Mỹ gặp nhiều bất ổn.
Simon Johnson, vị cựu kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã so sánh dạng suy thoái này với việc mắc kẹt trong bồn tắm. "Bạn ở trong đó và hai bên trơn trượt. Sẽ rất khó để thoát ra trong một khoảng thời gian dài", ông nói.
Theo Nick Tell, nền kinh tế sẽ cần tăng trưởng chậm lại một thời gian trước khi lực lượng lao động và tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức bình thường. Quá trình này giúp kinh tế phục hồi ổn định, song có thể mất một vài năm.
Đối với mô hình chữ V, GDP giảm nhanh nhưng cũng bật lại nhanh. Đây được coi là kịch bản tốt nhất khi một quốc gia xảy ra suy thoái.
"Nguyên nhân đến từ sự mất cân bằng", ông David Lebovitz nói. "Ví dụ, bong bóng cổ phiếu công nghệ được tạo ra do sự mất cân đối trong cách định giá. Sự mất cân đối về nhà đất cũng tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi chưa nhận thấy có sự mất cân bằng nào đủ lớn để khiến nền kinh tế chịu tổn thương nghiêm trọng”.
Do vậy, ông Lebovitz dự đoán cuộc suy thoái sắp tới sẽ diễn ra khá nhẹ nhàng, đồng thời khuyến khích giới đầu tư “nằm yên” trong 12-18 tháng tới. “Nếu danh mục của bạn đã giảm 20%, đừng bán nữa. Hãy tận dụng cơ hội này để tái cân bằng danh mục’’, ông nói.
Nếu kịch bản diễn ra theo hình chữ W, nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, sau đó phục hồi và tiếp tục suy thoái lần 2. Quá trình này đặc biệt đau đớn đối với những nhà đầu tư vội rót tiền vào thị trường chứng khoán vì tin rằng kinh tế đã hồi phục trở lại.
Kịch bản này đã từng xảy ra vào năm 1980, khi Mỹ suy thoái 6 tháng, sau đó hồi phục rồi lại suy thoái tiếp trong 16 tháng. Các chuyên gia cho rằng nếu FED không đủ kiên quyết trong việc nâng lãi suất, khả năng mô hình W xuất hiện là rất cao.
Suy thoái chữ L là điều mà nước Mỹ muốn tránh bằng mọi giá. Nền kinh tế sẽ giảm tốc trong suốt thời gian dài, một lượng lớn lao động thất nghiệp trong khi các công xưởng buộc phải ngừng hoạt động. Cuộc Đại suy thoái thập niên 30 và khủng hoảng tài chính hồi 2008 đều đi theo mô hình này. Mỹ theo đó đã mất 6 năm mới có thể quay trở lại mốc GDP hồi năm 2007.
Nếu kịch bản đi theo hình chữ K, tốc độ hồi phục của các thành phần trong nền kinh tế là khác nhau, phụ thuộc vào ngành công nghiệp chủ chốt, vị trí địa lý và quy mô tài sản. Sự chênh lệch giữa các thành phần khi đó sẽ tỉ lệ thuận với tình trạng bất bình đẳng thu nhập.
Lạm phát Mỹ đang ở mức báo động
Nhiều người cho rằng suy thoái hồi năm 2020 đi theo hình chữ V, song số khác lại nghĩ thực chất nền kinh tế khi đó đã đi theo hình chữ K. Nguyên nhân là bởi các đối tượng làm việc văn phòng hồi phục tài sản nhanh nhờ các chính sách kích thích của chính phủ, thị trường chứng khoán tăng điểm và giá nhà tăng trở lại. Trong khi đó, nhóm không có tiền tiết kiệm, phục vụ trong lĩnh vực nhà hàng dịch vụ vẫn chịu thiệt hại đáng kể.
LẠM PHÁT Ở MỨC BÁO ĐỘNG
Nhận định về khả năng suy thoái của Goldman Sachs và cá nhân ông Blankfein đã bổ sung thêm vào những đánh giá bi quan mới đây về kinh tế Mỹ. Được biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 của Mỹ đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm một chút so với hồi tháng 3 nhưng vẫn thuộc hàng cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Để giải quyết hồi chuông lạm phát đang gióng lên ở mức báo động, FED quyết nâng lãi suất liên bang thêm 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất cho vay áp dụng cho các ngân hàng trên toàn bang theo đó sẽ được nâng từ biên độ 0,25%-0,5% hiện nay lên 0,75%-1%.
“Lạm phát quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà lạm phát gây ra. Do đó, chúng tôi phải hành động khẩn trương”, Chủ tịch FED ông Jerome Powell nói.
Dẫu vậy, vị lãnh đạo này cũng thẳng thắn thừa nhận việc đưa lạm phát về mức kiểm soát có thể khiến đà tăng trưởng kinh tế bị gián đoạn. Một cuộc “hạ cánh mềm” cũng không được ông Powell cam đoan.
Chủ tịch FED ông Jerome Powell
“Hạ cánh mềm tức là đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% nhưng vẫn duy trì được sức mạnh cho thị trường lao động. Vì một số lý do, đây là nhiệm vụ vô cùng khó’’, ông Powell nói.
Không biết cái “khó” mà ông Powell đề cập ở mức nào, song nếu FED không quyết liệt chống lại lạm phát, nền kinh tế Mỹ sẽ còn chịu nhiều tổn thất hơn nữa, và nghiêm trọng hơn, là rơi vào một cuộc suy thoái kép.
“Suy thoái kép có thể xảy ra nếu FED quá dè dặt khi đưa lạm phát về tầm kiểm soát”, Seema Shah, chiến lược gia trưởng toàn cầu của Principal Global Investors nhận định.
Dẫu vậy, nếu xét theo chiều hướng tích cực, sự giảm tốc tăng trưởng được cho là cần thiết, giúp nước Mỹ đưa lạm phát trở về mục tiêu 2% của FED. Giảm tốc kinh tế chắc chắn khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, song Goldman Sachs vẫn lạc quan rằng chúng sẽ không bị đẩy đi quá xa vời.
Theo: CNN, Bloomberg
Vũ Anh