(Tổ Quốc) - Hiện tại vấn đề kích cầu du lịch nội địa nhiều chuyên gia cho rằng phải cùng đoàn kết, cùng làm cùng với nhau. Và điều này không chỉ có các doanh nghiệp với nhau mà còn doanh nghiệp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp với cả người sử dụng dịch vụ.
Theo thống kê trong vòng 3 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng trung bình trên 20%. Cụ thể năm 2019, Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục là hơn 18 triệu lượt khách và đang đặt ra mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách. Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đang là cú sốc với ngành du lịch Việt Nam. Tổng cục du lịch ước tính thiệt hại do Covid-19 gây ra riêng trong các tháng đầu năm vào khoảng 6-7 tỷ USD. Trong đó doanh thu lữ hành giảm rất mạnh, doanh thu ngành hàng ăn uống và lưu trú lần lượt giảm 96% và 27,8% so với năm ngoái.
Tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh gần 90% doanh nghiệp lữ hành nhỏ và vừa đã tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng kéo theo đó là hàng triệu lao động bị ảnh hưởng.
Trước khó khăn của ngành du lịch đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, Bộ văn hóa thể thao và du lịch (VH-TT&DL) đã đề xuất Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ngoài các giải pháp khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, chậm nộp thuế thu nhập Bộ VH-TT&DL đề xuất gói tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour.
Hợp tác giữa các doanh nghiệp
Hợp tác mua chung, bán chung là giải pháp kích cầu du lịch trong bối cảnh hiện nay. Đó là quan điểm thống nhất của các doanh nghiệp trong ngành du lịch khi nói về cách thức vượt qua giai đoạn khó khăn. Các công ty hàng không có thể hợp tác với nhau để đưa ra mức giá không quá cao. Các khách sạn, công ty du lịch cũng cân nhắc tương tự để không làm nhiễu loạn thị trường tránh gây tâm lý e dè, chờ đợi thời cơ của khách vì thực tế thời gian kích cầu không phải quá dài. Mặt khác cũng để đảm bảo chất lượng, tình hình kinh tế của doanh nghiệp.
"Dịch Covid-19 này giúp chúng ta học được điều gì? Có hai điều có thể rút ra: Thứ nhất là sự lên ngôi, sự tôn trọng của khoa học thực sự, thứ 2 nữa là sự đoàn kết. Khi đoàn kết, làm cùng với nhau chúng ta mới làm được. Hiện tại vấn đề kích cầu du lịch nội địa cũng phải cùng đoàn kết, cùng làm cùng với nhau. Đây không chỉ có các doanh nghiệp với nhau mà còn doanh nghiệp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp với cả người sử dụng dịch vụ.", ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch chia sẻ bên lề một hội nghị gần đây với VTV.
Để đảm bảo sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành du lịch, để thúc đẩy du lịch nội địa hiệu quả vai trò của những doanh nghiệp lớn đầu tàu là rất quan trọng. Các doanh nghiệp lớn đều có những nguồn lực nếu tận dụng được nguồn lực đó để đóng góp vào chương trình quảng bá du lịch Việt Nam, xây dựng chuỗi liên kết. Sự bắt tay của các doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả vào việc kích cầu.
"Có sự liên kết của các doanh nghiệp với nhau sẽ tạo nên sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn cho du khách trong nước, không những thế mà còn hấp dãn du khách nước ngoài tới đây", ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC cũng đồng tình với quan điểm trên.
Từ giờ tới hết năm, việc thị trường du lịch Việt Nam đón khách du lịch quốc tế là rất khó vì vậy các doanh nghiệp của ngành nên tập trung vào khách nội địa. Đây là khó khăn và thách thức nhưng cũng là cơ hội thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt Nam, cơ hội thay đổi cách nhìn nhận của người Việt Nam với thị trường du lịch nội địa. Sự kiện Thủ tướng Chính phủ cho phép khởi động du lịch nội địa là tín hiệu cho toàn ngành nhằm đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp nhằm tận dụng những lợi thế từ chương trình Việt Nam điểm đến an toàn hiện tại.
Hợp tác giữa các địa phương
"Với tư cách chủ trì của 3 địa phương liên kết với nhau Huế- Quảng Nam- Đà Nẵng, chúng tôi sẽ có chương trình hành động chung của 3 địa phương và trong đó quan trọng nhất chúng tôi sẽ gửi ra một thông điệp đến với bạn bè trong nước và quốc tế rằng 3 địa phương này là một điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện. Với sự cam kết của lãnh đạo cao cấp nhất của 3 địa phương. Quan trọng nhất là chúng tôi sẽ đưa ra những gói kích cầu chung giữa 3 địa phương để tung ra trong mùa hè này.", Lê Hữu Minh, quyền giám đốc Sở du lịch Thừa Thiên Huế trả lời phỏng vấn VTV về hướng đi của địa phương này.
Tương tự như 3 địa phương Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, chiều ngày 8/6 tại TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh tổ chức chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2020. Ngay tại buổi lễ, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh và TP. Đà Nẵng đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 2 địa phương.
Bà Nguyễn Thị Trực, Phó Ban Thường trực Liên minh kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết chương trình xúc tiến tại Đà Nẵng lần này sẽ giới thiệu những điểm du lịch mới cũng như chương trình kích cầu của Quảng Ninh dành cho du khách tại Đà Nẵng.
Quảng Ninh giới thiệu những sản phẩm của Liên minh kích cầu du lịch của tỉnh với sự tham gia của 100 đơn vị (lữ hành, lưu trú, khách sạn, nhà hàng, tàu du lịch, các điểm tham quan...) cũng như những chương trình du lịch tốt nhất cho du khách đến với Quảng Ninh.
Trước đó cùng ngày, lãnh đạo hai địa phương Quảng Ninh và Đà Nẵng đã có buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về hợp tác phát triển du lịch.
Đà Nẵng và Quảng Ninh đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Quảng Ninh có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, Yên Tử, đảo Cô Tô, đảo Mắt Rồng, TP. Móng Cái, trong khi đó, Đà Nẵng lại có lợi thế là một trong những điểm đến trung tâm với du khách trong nước và nước ngoài.
Lãnh đạo 2 địa phương đều thống nhất cho rằng cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá để đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường thì việc gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sẽ tạo ra những cú hích mới để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.
Thảo Nguyên