(Tổ Quốc) - Đây là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi bàn về vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm.
Theo ông Thiên, "Làm du lịch nếu chỉ có ban ngày không thì các thành phố ven biển như Đà Nẵng cũng vui nhưng đó là cái vui ngắn. Tắm xong lại đi ăn. Ăn xong lại tắm thì chán. Rồi chỉ 1, 2 ngày là khăn gói lên đường trở về. Nếu không có hoạt động ban đêm thì Đà Nẵng buồn hơn rất nhiều".
"Thúc đẩy kinh tế ban đêm là thúc đẩy tiêu tiền. Khách chơi đêm tiêu tiền không mặc cả. Cho nên tôi nói ban đêm dễ tập trung chi tiêu, hiệu quả gấp nhiều lần. Bo ban đêm khác bo ban ngày, massage ban ngày 100-200k, nhưng ban đêm phải 500k trở lên. Vẻ đẹp của thành phố về đêm cũng khác ban ngày. Khai thác được hết tiềm năng kinh tế đêm là điều rất quan trọng.
Cho dù hoạt động ban đêm không lớn như ban ngày, nhưng nếu làm tốt và đạt được 10 - 20% của ban ngày cũng là ghê gớm lắm rồi. Đó là lý do ở Anh, Úc… người ta còn tạo ra cả hội đồng để phát triển kinh tế đêm. Những thành phố du lịch nổi tiếng thì đều phải có kinh tế ban đêm. Thành phố Đà Nẵng là đáng sống nhưng mới là đáng sống ban ngày và đáng ngủ ban đêm thôi. Phải đáng sống ban đêm nữa thì mới được đưa vào các thành phố du lịch nổi tiếng thế giới", ông Thiên khẳng định.
Du khách xem biểu diễn lân sư rồng tại công viên châu Á Đà Nẵng.
Cùng quan điểm với Giáo sư Trần Đình Thiên, ông Trần Lực – Phó GĐ chi nhánh Saigon Tourist ở Đà Nẵng cho biết: "Tôi trăn trở là tại sao khách du lịch Việt Nam khi sang Singapore, Nhật, Hàn Quốc thì nên mua cái gì. Thế thì Đà Nẵng chúng ta phải nghĩ rằng làm thế nào để khi đến Đà Nẵng shopping thì phải mua cái gì đặc trưng. Muốn điều đó xảy ra thì việc đầu tư sản phẩm rất quan trọng".
"Trước đây, khi nói kinh tế đêm ở Đà Nẵng thì vị thế của Hội An phát triển rất cao. Khách thích trải nghiệm dịch vụ về đêm ở Hội An. Ăn tối rồi đi lang thang trên phố cố tương tác với người dân địa phương. Khách du lịch lưu trú tại Đà Nẵng ít hơn Hội An.
Gần đây, khi chúng ta phát triển đầu tư nhiều chúng ta có nhiều dịch vụ nhà hàng khách sạn ở khu vực Đà Nẵng, các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm phù hợp với khách Châu Á (Trung Quốc và Hàn Quốc) thì lượng khách lưu trú tại Đà Nẵng đảo ngược lại, chiếm thị phần cao hơn Hội An. Con số đó cho chúng ta thấy một điều kinh tế đêm thu hút khách rất nhiều, đó là thực tế", ông Lực nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư Trần Đình Thiên kinh tế đêm là một biện pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam tận dụng lợi thế riêng. "Ở Việt Nam hiện nay đã thấy chỗ nào có hơi hướng kinh tế ban đêm chưa? Có Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn cũng là kinh tế ban đêm. Ở Hà Nội, khu vực chỗ phố cổ họ cũng đi chơi đêm nhiều. Đà Nẵng chắc chưa nhiều được như vậy.
Nói vậy để thấy, tính riêng ở Việt Nam thôi thì Đà Nẵng đã đi sau rồi. Nếu mà so với thế giới còn đi sau nữa. Vì vậy đây là thời điểm phải bứt lên, mà để làm được điều đó cần dựa vào những doanh nghiệp hàng đầu để thúc đẩy, chứ đừng làm kế hoạch 5 năm để thức đến 12h đêm, 10 năm sau nữa thức đến 2h đêm là không được", ông Thiên nói.
"Hiểu được lợi thế và điểm yếu của kinh tế ban đêm để tạo sự đồng thuận trong xã hội là rất quan trọng. Đà Nẵng đã đặt vấn đề kinh tế ban đêm 15 năm nay rồi mà vẫn chưa thúc đẩy được, và lúc này phải đặt vấn đề cần phải triển khai ngay ở tầm quốc gia", ông Thiên nhấn mạnh.
Kinh tế đêm là một biện pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam tận dụng lợi thế riêng.
Cùng quan điểm với ông Thiên, ở quy mô rộng hơn các chuyên gia nhìn nhận sau dịch COVID-19, Việt Nam cần thay đổi cấu trúc kinh tế bằng việc tăng phát triển kinh tế số và kinh tế đêm. Trong đó, kinh tế đêm cần được coi là phương thức cạnh tranh và phát triển của đô thị hậu công nghiệp.
Tại nhiều nước phát triển, đóng góp của kinh tế đêm cho nền kinh tế rất lớn. Các thành phố du lịch nổi tiếng đều có kinh tế ban đêm. Thống kê cho thấy cùng số ngày lưu trú thì khả năng chi tiêu của du khách đến các thành phố của Thái Lan gấp đôi so với Việt Nam mà nguyên nhân bởi chênh lệch về phát triển kinh tế đêm.
Việc phát triển kinh tế đêm sẽ mang lại các lợi ích lớn như thúc đẩy du lịch địa phương, đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại. Thúc đẩy nền kinh tế hoạt động liền mạch, xây dựng chân dung đô thị mới, thân thiện và gần gũi hơn, đặc biệt giúp thúc đẩy nền du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau những tổn thương mà Covid-19 gây ra.
Nam Anh