“Kích cầu” trước nguy cơ lạm phát, doanh nghiệp địa ốc đang tính toán điều gì?

(Tổ Quốc) - Khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng do những bất ổn về chiến tranh, kinh tế - chính trị thế giới, theo chuyên gia, nguồn tài chính đầu tư vào BĐS được xem là một phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro.

Mặc dù vậy, chuyên gia cho rằng, những đợt lạm phát lớn cũng có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm giảm giảm nhu cầu về thuê hay mua bất động sản. Đứng trước áp lực lạm phát và bối cảnh giá BĐS tiếp tục leo thang, thanh khoản của thị trường BĐS đang phụ thuộc nhiều vào chính sách bán hàng và hỗ trợ tài chính từ các chủ đầu tư.

Ghi nhận cho thấy, ngay thời điểm đầu năm, nhiều chủ đầu tư bung dự án mới và đưa chính sách hấp dẫn "chưa từng có". Động thái này cho thấy, CĐT tính toán đến bài toán lạm phát có thể kìm hãm sức mua vào của thị trường BĐS. Theo đó, hỗ trợ người mua thời điểm này chính là bước đi "khôn khéo" để vực lại sức mua, trong bối cảnh thị trường bị tác động "kép" của dịch Covid-19 và lạm phát. Chưa kể, với các dự án chào bán giai đoạn tiếp theo, hỗ trợ về thanh toán là cách mà chủ đầu tư có thể dồn lực để tung hết nguồn hàng (bao gồm cả hàng thứ cấp của NĐT), chạy dự án mới.

Chẳng hạn như, mới đây, Chủ đầu tư An Gia áp dụng chính sách đặc biệt cho dự án Westgate (Bình Chánh). Theo đó, người mua chỉ cần thanh toán tối đa 699 triệu đồng và ngưng đến khi nhận nhà vào quý 4/2023 mới thanh toán tiếp. Còn lại, chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc cho đến khi nhận nhà, đồng thời, cam kết lợi nhuận lên đến 18%.

Như vậy, với khoản thanh toán ban đầu chỉ 699 triệu đồng, khách hàng có thể dễ dàng sở hữu căn hộ có nhiều phòng ngủ hơn hoặc mua cùng lúc nhiều căn hộ cho mục đích đầu tư. Tính đến lúc nhận nhà, mức sinh lời có thể đạt được từ 70-200% khi biên độ tăng giá căn hộ trung bình 10-30% sau 1-2 năm.

Theo đại diện đơn vị này, rủi ro lạm phát và nguồn cung khan hiếm khiến giá nhà đất Tp.HCM tăng phi mã. Hiện giá căn hộ trung cấp tại TP đã chạm mốc gần 60 triệu/m2, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Vì thế, trong bối cảnh này, thiết kế một chính sách linh hoạt sẽ phù hợp với các gia đình trẻ, sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà. Về góc độ đầu tư, chính sách này cũng mang lại nhiều lợi thế cho người mua nhà, đặc biệt là những nhà đầu tư có nguồn vốn thấp.

“Kích cầu” trước nguy cơ lạm phát, doanh nghiệp địa ốc đang tính toán điều gì? - Ảnh 1.

Nhiều chính sách "mạnh tay" từ phía chủ đầu tư kích thích nhu cầu thị trường trong bối cảnh lạm phát

Tại Q.7, dự án The Peak Garden đang mở bán đầu năm 2022 cũng ra chính sách "mạnh tay" để kích cầu sức mua. CĐT đưa chính sách trả góp 1% tổng giá trị căn hộ mỗi tháng, chỉ từ 18 triệu đồng/tháng với giải pháp hỗ trợ tài chính tối đa 50% giá trị nhà từ ngân hàng kèm ưu đãi tặng kèm khách hàng gói hoàn thiện nội thất lên đến một triệu đồng cho mỗi m2 căn hộ.

Dự án Happy One đang được giới thiệu ra thị trường Bình Dương cũng có nhiều ưu đãi hấp dẫn như tiến độ thanh toán linh hoạt 1%/tháng; chiết khấu cao cho khách hàng cá nhân và khách sỉ; ngân hàng hỗ trợ cho vay lãi suất 0% trong 36 tháng, ân hạn gốc trong 24 tháng. Đồng thời, chủ đầu tư cũng áp dụng chính sách gói thuê căn hộ với khách hàng không sử dụng gói hỗ trợ từ ngân hàng.

Để hỗ trợ người trẻ - đối tượng có tích luỹ ban đầu khiêm tốn mua được nhà trong bối cảnh lạm phát, Phú Đông Group là một trong số ít chủ đầu tư đưa ra chính sách "trợ vốn" tối ưu cho người mua tại dự án Phú Đông Sky Garden. Khi khách hàng chỉ cần thanh toán 20%, ngân hàng cho vay 50% trong suốt 2 năm xây dựng với lãi suất 0%, ân hạn nợ gốc. Đồng nghĩa, một căn hộ 70m2 có giá 2,8 tỷ, người trẻ chỉ cần có vốn tích lũy khiêm tốn khoảng 560 triệu đồng – đây là khoản tài chính mà đại đa số gia đình trẻ đều đang sở hữu. Hai năm còn lại, người mua sẽ có thời gian để cân đối dòng tiền khi nhận bàn giao nhà, giảm tối đa áp lực tài chính.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE, giá nhà dự kiến tiếp tục tăng do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang. Nhiều sản phẩm mới ra đời thuộc phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung còn hạn chế. Xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục diễn ra đối với thị trường căn hộ Tp.HCM. Giá căn hộ sẽ tăng khoảng 3-7% tùy phân khúc trong năm 2022. Riêng phân khúc cao cấp và hạng sang, mức giá có thể tăng 5-7%. Còn phân khúc bình dân và trung cấp, mức giá có thể tăng 3-5%. Cùng với đó, tình trạng lệch pha cung cầu trong hai năm tới vẫn sẽ tiếp diễn.

Trước tình trạng chi phí triển khai dự án leo thang, nhiều chủ đầu tư cho biết phải tăng giá bán sơ cấp. Trong một năm trở lại đây, nhiều dự án mở bán sơ cấp đều thiết lập đỉnh giá mới cho khu vực. Trước bối cảnh giá bán BĐS liên tục tăng, khiến việc sở hữu nhà của người mua thu hẹp. Việc các chủ đầu tư "trợ giá" bằng chính sách thanh toán linh hoạt trong thời điểm này được xem là hợp lý, tạo tính thanh khoản cho dự án.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Coliers Việt Nam cho rằng, các chính sách ưu đãi hấp dẫn của một số chủ đầu tư đang được áp dụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, thị trường abđs chỉ vừa ra khỏi những đợt bùng phát nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và mới ở giai đoạn đầu của quá trình hồi phục. Nhiều người đã phải hứng chịu thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do đại dịch gây nên, khiến cho việc tìm kiếm chốn an cư thêm phần khó khăn. Vậy nên các chính sách ưu đãi lúc này từ phía nhiều chủ đầu tư có thể xem là động thái chia sẻ khó khăn, chấp nhận lãi ít hơn và góp phần giúp thị trường sôi động hơn.

“Kích cầu” trước nguy cơ lạm phát, doanh nghiệp địa ốc đang tính toán điều gì? - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát, BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn

Đáng chú ý là các chương trình ưu đãi thường hướng đến các gia đình trẻ có nhu cầu ở thực, mong muốn sở hữu căn hộ đầu tiên để làm chốn an cư. Thực tế là không ít gia đình trẻ phải dùng đòn bẩy tài chính để mua nhà và việc có được mức giá hợp lý, phần trả trước phù hợp, thanh toán linh hoạt…trong giai đoạn này là những ưu đãi khó tìm thấy hơn trong giai đoạn "bình thường". Điều này khiến cho các chính sách hỗ trợ trở nên ý nghĩa hơn, thiết thực hơn.

"Với các nhà đầu tư, được hưởng nhiều ưu đãi trong giai đoạn này sẽ giúp họ có được cơ hội thu về mức lợi nhuận tốt hơn trong tương lai. Thêm vào đó, họ cũng có thêm điều kiện để phân bổ nguồn vốn vào các kênh đầu tư khác nếu muốn. Có những nhà đầu tư tin rằng một chu kỳ tăng trưởng mới đang bắt đầu, cần phải "tranh thủ" lúc này. Đây là niềm tin có cơ sở khi mà nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà hồi phục, mang đến nhiều tín hiệu lạc quan", chuyên gia Colliers Việt Nam nhấn mạnh.

Còn theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, trước những biến động như chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, có 3 kênh trú ẩn tài sản lớn là dầu mỏ, kim loại quý và bất động sản. Khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng do những bất ổn về chiến tranh, kinh tế - chính trị thế giới, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được xem là một phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro. Điều này giúp họ bảo toàn giá trị tài sản, đồng thời tránh sự bất ổn định ở những kênh đầu tư khác.

"Trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát tăng nhanh và nguồn cung khan hiếm, thị trường bất động sản bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát", TS Khương nhấn mạnh.

Hạ Vy

Tin mới