(Tổ Quốc) - Đại bộ phận người dân cảm giác trái phiếu như một dạng tiết kiệm ngân hàng, nhưng lãi suất cao hơn.
Trong vài năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ với tốc độ 46%/năm về quy mô. Nếu như cổ phiếu là công cụ đầu tư đã quá quen thuộc tại Việt Nam thì trái phiếu vẫn là hình thức đầu tư khá mới mẻ.
Trái phiếu vốn là công cụ tài chính mang tính dài hạn. Tuy nhiên tâm lý của nhà đầu tư lại thường không ưa thích nắm giữ trong thời gian dài dù rằng lãi suất có hấp dẫn. Vậy nên để trái phiếu hấp dẫn hơn nữa trong mắt nhà đầu tư, các doanh nghiệp thường đưa ra các điều khoản cam kết mua lại trước thời hạn đáo hạn. Thậm chí nhà đầu tư mua trái phiếu chỉ 6 tháng bán lại vẫn có lãi vài phần trăm. Điều này tạo ra cho đại bộ phận người dân cảm giác trái phiếu như một dạng tiết kiệm ngân hàng nhưng lãi suất cao hơn. Đây là một trong những hiểu lầm cơ bản của đại đa số nhà đầu tư không chuyên.
Chia sẻ tại talkshow Bí mật đồng tiền số 15 với chủ đề Bất động sản đất được phát sóng trên VTV Digital, các chuyên gia cho biết nhà đầu tư cá nhân còn mắc phải 3 sai lầm phổ biến khác.
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ít rủi ro hơn cổ phiếu
Theo ông Phạm Lưu Hưng (Mr. X30) - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) nếu ví von thị trường cổ phiếu khắc nghiệt hơn đánh trận thì thị trường liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp còn phức tạp hơn.
Lý do bởi tính minh bạch trên thị trường cổ phiếu rất rõ ràng, thông tin được công bố rất đầy đủ, lượng báo cáo phân tích và dân quan sát rất đông. Bạn có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Nhưng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông tin cực kỳ mù mờ.
"Một người bạn của tôi cũng gọi điện hỏi về một doanh nghiệp phát hành. Nhưng không phải doanh nghiệp nào mình cũng có khả năng phân tích được vì khả năng tiếp cận được báo cáo tài chính của doanh nghiệp rất mù mờ. Mình không có khả năng lấy được. Nhà phân tích cũng rất khó phân tích do không có thông tin. Trái phiếu doanh nghiệp đối với nhà đầu tư cá nhân thực ra còn rủi ro hơn rất nhiều thị trường cổ phiếu. Do đó nếu bạn nghĩ rằng thị trường chứng khoán, cổ phiếu như đánh trận thì thị trường kia không biết gọi là gì.", ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ.
Đầu tư vì tên tuổi doanh nghiệp
SSI Research cho biết 54,2% trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Theo ông Phạm Lưu Hưng, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc của trái phiếu bằng cổ phiếu thì rất rủi ro vì khi có các sự kiện tiêu cực xảy ra với công ty thì giá trị đảm bảo bằng cổ phiếu cũng giảm mạnh. Cổ phiếu sẽ không tốt như các tài sản đảm bảo khác.
Theo chuyên gia này khi dùng tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu thì giá trị không được cao. Trong thực tế khi giá trị đảm bảo bằng cổ phiếu thì các bên tư vấn sẽ để cho số lượng của cổ phiếu thường rất nhiều để bù đắp được phần rủi ro. Nhưng điều này không có nghĩa khiến rủi ro biến mất. Ví dụ giá cổ phiếu giảm quá mạnh thì tài sản đảm bảo dù có bằng 3-4 lần đi chăng nữa thì cũng có thể giảm hơn số đó. Dẫn đến rủi ro khi mất thanh khoản.
"Nói nó hơi dã man một tý thì việc không có tài sản đảm bảo và có tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu thì cũng giống như một viên thuốc màu xanh với viên thuốc vị cam. Tác dụng nó giống nhau, chỉ khác mùi vị thôi", ông Hưng ví von.
Bổ sung cho ý kiến của ông Phạm Lưu Hưng, BTV Hoàng Nam cho biết chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng từng ví von điều này "giống như việc đi vay tiền, tôi lấy tay tôi ra là tài sản đảm bảo".
Tát nhiên khi rủi ro cao thì lãi suất để bù cho rủi ro đấy cũng phải cao theo. Thường các doanh nghiệp muốn huy động để nhà đầu tư thích thú hơn với việc mua trái phiếu thì thường để lãi suất cao mà quên đi phần tài sản đảm bảo.
"Trong việc đầu tư trái phiếu không nên đầu tư theo kiểu chỉ dựa vào tên của doanh nghiệp. Vì hiện nay có rất nhiều người đầu tư chỉ nghe cái tên ví dụ công ty nghe tên quen quen, nổi tiếng, mình đi đường thấy quảng cáo và nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ gặp rủi ro ít nhất 1 năm tới không sao đâu. Mua đi 1 năm sau mình bán lại. Điều này rất rủi ro.", chuyên gia đến từ SSI đă ra lời khuyên cho các nhà đầu tư.
Không hiểu về doanh nghiệp
Vậy nếu nhà đầu tư muốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thì cần quan tâm đến điều gì? Theo bà Nguyễn Xuân Quỳnh, giám đốc đầu tư quỹ đầu tư SSI cho biết việc đầu tư trái phiếu quan trọng nhất là phải biết doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào, dòng tiền, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp ra sao. Ngoài ra trong tương lai nhà đầu tư còn cần xem xét đến xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp, trái phiếu. Ngoài ra nhà đầu tư cũng phải cân nhắc tới tài sản đảm bảo.
"Quỹ đầu tư của chúng tôi rất quan tâm đến cam kết mua lại của tổ chức phát hành. Cam kết mua lại đấy của tổ chức phát hành trong 1-2 năm cũng là yếu tố phản ánh doanh nghiệp có ý chí trả nợ và dòng tiền của doanh nghiệp sẽ khỏe lại trong 1-2 năm để đảm bảo cho nghĩa vụ đó. Thường chúng ta nên tập trung vào các trái phiếu niêm yết, phát hành ra công chúng thay về phát hành riêng lẻ sẽ có rủi ro cao hơn", bà Quỳnh cho biết.
Mộc An