(Tổ Quốc) - Với nguồn cung văn phòng cao cấp tiếp tục bị hạn chế trong khi nhu cầu thị trường luôn duy trì ở mức ổn định, hiện tượng doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm kiếm mặt bằng văn phòng A tại khu vực trung tâm Hà Nội đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.
Dữ liệu báo cáo thị trường bất động sản Quý 3/2020 của Savills Việt Nam cho thấy, tổng nguồn cung văn phòng cho thuê tại Hà Nội đạt khoảng 1,9 triệu m2, tăng 5% theo quý và 4% theo năm. Nguồn cung mới đến từ dự án Capital Place tại khu vực nội thành. Về công suất thuê, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ lấp đầy của Quý 3 tương đối bình ổn, đạt khoảng 90%, giảm 4% so với quý trước và 1% so với cùng kì năm trước.
Đáng chú ý, các tòa văn phòng hạng A tại khu vực trung tâm Hà Nội vẫn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy duy trì ở mức rất cao như BIDV Tower (100%), CornerStone Building (khoảng 99%), Hanoi Towers (khoảng 97%), Pacific Place (khoảng 96%) và Leadvisors Place (khoảng 96%). Việc tìm kiếm được không gian văn phòng hạng A tại trung tâm càng trở nên khó khăn hơn cho các doanh nghiệp lớn muốn đặt chân vào trung tâm Thủ đô.
Nhờ sự phục hồi bền vững sau đại dịch, Hà Nội vẫn được đánh giá là điểm đến tiềm năng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dòng vốn FDI đầu tư vào Hà Nội được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh một loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020.
Ông Lê Tuấn Bình, Trưởng Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định: "Tính cho tới thời điểm hiện tại, các yếu tố vĩ mô đang mở ra cơ hội vàng cho Hà Nội, thị trường tiếp tục đón làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng danh mục đầu tư vào Thủ đô. Hà Nội cũng nằm trong quy hoạch ưu tiên để hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh và hưởng mức GDP tăng trưởng dương cao nhất cả nước, tăng 3,3% theo năm trong 9 tháng đầu năm 2020 trong khi cả nước tăng 2,1% theo năm".
"Đây là các yếu tố quan trong để thúc đẩy một số lĩnh vực bất động sản tăng trưởng và phục hồi, trong đó phải kể đến thị trường văn phòng. Với lợi thế về vị trí gần với các cơ quan hành chính, gần các tuyến giao thông kết nối tới nhiều khu vực quan trọng, các tòa nhà văn phòng hạng A tại trung tâm Thủ đô, sẽ là mối quan tâm đầu tiên của các doanh nghiệp FDI", ông Bình nhấn mạnh.
"Nguồn cầu văn phòng, đặc biệt là phân khúc hạng A sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và an toàn trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm và năm 2021. Thị trường văn phòng sẽ hưởng lợi trực tiếp khi nhu cầu về thuê mặt bằng từ các doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng ổn định. Trong 9 tháng vừa qua, Savills Việt Nam ghi nhận đã có nhiều nhu cầu thuê văn phòng mở mới tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy các yêu cầu thuê này đều đến từ các công ty có nguồn vốn mạnh, có hoạt động mở rộng sản xuất và thành lập các nhà máy tại thị trường Việt Nam", ông Bình cho biết.
"Trước sự xuất hiện liên tục của các doanh nghiệp FDI lớn, thị trường văn phòng Hà Nội đang có những dự án chất lượng cao, đóng góp chủ yếu vào phản ứng tích cực của thị trường và các yêu cầu khắt khe về xây dựng, kỹ thuật từ khách thuê. Đơn cử, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có tên tuổi chọn Thaiholdings Tower là nơi đặt trụ sở cũng như văn phòng đại diện. Dù chịu tác động bởi hai làn sóng Covid-19 liên tiếp, tòa nhà hạng A này vẫn đạt được công suất gần 60% tính đến thời điểm hiện nay", ông Bình nhận định.
Cũng theo ông Bình, khả năng phục hồi của lĩnh vực văn phòng tiếp tục là điểm sáng của thị trường bất động sản Hà Nội nói chung, trong đó phân khúc hạng A vẫn duy trì được công suất hoạt động rất tốt; phân khúc hạng B sẽ chứng kiến các hoạt động điều chỉnh và nâng cấp của các chủ đầu tư như khắc phục các vấn đề về dịch vụ, sửa sang tòa nhà, cải tiến hoạt động chăm sóc khách hàng.
Do nguồn cung sẽ tập trung chủ yếu vào năm 2022 trở đi, nguồn cung mới ra mắt thị trường vào năm 2021 dự kiến sẽ không nhiều, đồng nghĩa với việc giảm tải áp lực lớn lên thị trường trong giai đoạn phục hồi.
Lan Nhi