(Tổ Quốc) - Góc nhìn của chuyên gia cho rằng xu hướng mạnh trong việc thắt chặt chính sắt tiền tệ sẽ nguội dần sau kỳ họp tháng 7 của Fed. Sau kỳ họp đó, những đợt tăng lần sau sẽ tương đối nhẹ nhàng đi kèm đó là mức độ giảm dần của lạm phát.
Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa trải qua một tuần giao dịch đầy biến động khi sụt giảm mạnh trước những biến số tiêu cực về lạm phát và lãi suất. Theo đó, việc Mỹ bất ngờ công bố lạm phát tháng 5 tăng tốc lên mức kỷ lục đã khiến Fed buộc phải "diều hâu" hơn trong chính sách điều hành của mình. Mức tăng thêm 0,75 điểm cơ bản trong đợt này cao hơn nhiều so với 0,5 điểm dự báo trước đó và cũng là mức cao nhất trong vòng gần 30 năm qua.
Phản ứng mạnh mẽ với những thông tin này, thị trường chứng khoán toàn cầu đều ghi nhận nhịp giảm khá mạnh, ngoại trừ thị trường Trung Quốc vẫn duy trì được đà tăng. Đặc biệt, chỉ số Dow Jones vẫn trong đà downtrend khi tiếp tục dò đáy. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đồng pha với chứng khoán thế giới khi ghi nhận nhiều phiên giảm sâu trong tuần.
Đánh giá về ảnh hưởng của lạm phát đến thị trường chứng khoán, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS cho rằng thị trường chứng khoán đang đứng trước một bước ngoặc khá lớn. Bởi theo quy luật, đỉnh của lạm phát bao giờ cũng là đáy của thị trường chứng khoán.
Thực tế cho thấy yếu tố lạm phát và lãi suất tăng cao đang ảnh hưởng đến thị trường, song câu hỏi nhà đầu tư cần đặt ra là lạm phát liệu đã tạo đỉnh hay chưa? Phân tích sâu hơn về lạm phát, ông Tuấn cho biết mức lạm phát tại Mỹ, Anh Quốc, Eurozone cao hơn hẳn so với Trung Quốc và Nhật bản. Điều này được lý giải là do trước đó các quốc gia trên đã duy trì chính sách siêu nới lỏng và bơm lượng lớn tiền vào nền kinh tế nên hiện phải đối diện áp lực tăng cao.
Tình hình lạm phát trên toàn cầu. Nguồn MBS
Mục đích Fed mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất và giảm quy mô trên bảng cân đối kế toán nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khi nhìn rộng ra sẽ hiểu được quá trình tăng mạnh lãi suất này sẽ tạo ra kết quả là áp lực lạm phát có xu hướng hạ nhiệt dần trong thời gian tới.
Phân tích trên biểu đồ về xu hướng lạm phát ở một số quốc gia, ông Tuấn cho rằng chỉ số lạm phát tại Trung Quốc và Nhật Bản đang có xu hướng đi ngang và tạo đỉnh. Còn đối với khu vực Eurozone và Anh Quốc có xu hướng đi lên nhẹ. Do đó, chuyên gia MBS dự báo đỉnh của lạm phát sẽ đến trong một vài tháng tới. Dự báo này được củng cố thêm khi giá cả nhiều hàng hoá cơ bản như phân bón, cao su thiên nhiên, quặng sát đã có xu hướng đi xuống.
"Nhiều người cho rằng giá dầu có thể lên đến 150-170 USD/thùng, song tôi cho rằng khi nền kinh tế có dấu hiệu hạ nhiệt thì tiêu thụ dầu mỏ và việc mất cân đối cung cầu sẽ giảm trong thời gian tới. Do đó, tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ dần giảm và chính sách của ngân hàng trung ương sẽ trở nên mềm mại hơn", ông Hoàng Công Tuấn nhận định.
Theo chuyên gia, mức tăng của lãi suất hiện đã cao hơn so với kỳ vọng trong cuộc họp trước đó. Tuy nhiên, quan sát trên biểu đồ có thể thấy kỳ vọng lãi suất năm 2023 chỉ ở mức trung vị khoảng 3,5% và sẽ đi xuống vào năm 2024.
Lãi suất năm 2023 kỳ vọng chỉ ở mức trung vị khoảng 3,5% và sẽ đi xuống vào năm 2024. Nguồn MBS
Nếu thời điểm này Fed tăng lãi suất một cách mạnh mẽ thì mức tăng có thể giảm bớt trong những đợt sau. Góc nhìn của chuyên gia cho rằng xu hướng mạnh trong việc thắt chặt chính sắt tiền tệ sẽ nguội dần sau kỳ họp tháng 7 của Fed. Sau kỳ họp đó, những đợt tăng lần sau sẽ tương đối nhẹ nhàng đi kèm đó là mức độ giảm dần của lạm phát. Đưa ra dẫn chứng từ một tổ chức lớn, ông Tuấn cho rằng lạm phát Mỹ cuối năm sẽ duy trì ở mức 5%, thấp hơn rất nhiều so với mức 8,6% như hiện tại.
"Lạm phát và lãi suất cao có thể sẽ là "thuốc độc" cho thị trường, song yếu tố này đã được phản ánh phần nào qua những đợt giảm mạnh của thị trường. VN-Index có thể có nhịp hồi để dao động từ 1.200 – 1.280 điểm trong thời gian tới", Kinh tế trưởng MBS nhận định.
Gợi ý cơ hội đầu tư khi lãi suất tăng, chuyên gia cho rằng rất khó tìm ra ngành hưởng lợi, bởi dù ít hay nhiều thì lãi suất tăng luôn ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Duy nhất nhóm ngành bảo hiểm được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn nhất, bởi trong quá trình hoạt động thu hút được nhiều dòng tiền mặt và có thể tái đầu tư với những khoản tiền mặt đó. Khi lãi suất tăng cao, hoạt động đầu tư vào trái phiếu chính phủ và lợi suất doanh nghiệp sẽ đem lại khoản lợi nhuận khá lớn cho các doanh nghiệp trong ngành này.
Thanh Thanh