Kinh tế trưởng SSI chỉ cách giúp nhà đầu tư "đãi cát tìm vàng" trong đợt điều chỉnh của thị trường?

(Tổ Quốc) - Tình trạng chiết khấu của các cổ phiếu từ đầu năm đã kích thích ham muốn mua cổ phiếu giá rẻ của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều mặt hàng được sale rẻ, làm sao nhà đầu tư có thể "đãi cát tìm vàng"?

Ngày 11/11 hằng năm mà là dịp để hội độc thân tranh thủ có khuyến mãi "khủng" mà tự thưởng cho mình hoặc mua những món quà bất ngờ cho người thân. Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng đang bước vào mùa săn sales, khi thị trường tiếp tục giảm khá mạnh, mất mốc 1.000 điểm. Trong bối cảnh mùa săn sales lớn nhất năm đang đến gần, thị trường chứng khoán giảm điểm, nhiều nhà đầu tư kháo nhau chuẩn bị "săn sales" cổ phiếu giá rẻ.

Tại chương trình Bí mật đồng tiền số 46, Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI ví von thị trường chứng khoán bước vào mùa săn sale như dịp Winter Sale bên Châu Âu bắt đầu cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 kéo dài đến tháng 2 năm sau. Thường mùa Winter Sale diễn ra sau mùa Holiday chính khi mọi người đã tiêu hết tiền vào mùa sale trước nên dịp Winter Sale thanh khoản kém hơn. Kéo theo đó có rất nhiều sản phẩm giá hợp lý, "rẻ" hơn cả mùa Black Friday hay mùa sale giáng sinh. Song, chỉ có điều mọi người đã tiêu hết tiền nên thanh khoản không có.

Liên quan đến quan điểm thường hàng ế mới rẻ, Mr. X30 cho rằng khái niệm rẻ cần phải được xem xét lại. Khi chúng ta mua được một thứ gì đó, rẻ là một chuyện nhưng có đáng để mua hay không lại là chuyện khác. "Do đó, nhiều khi nhìn vào giá trị thực tế về số tiền, nhiều người nghĩ rằng dưới 10.000 là rẻ nhưng tôi luôn tự hỏi nó có đáng để mua hay không. Đôi khi các cổ phiếu có triển vọng hồi phục, giá giảm do tâm lý bán tháo và lý do này không liên quan tới hoạt động sản xuất chính của công ty, việc mua vào vẫn rất ổn. Giá có thể thấp nhưng không có nghĩa đó là đồ rẻ hay đồ kém chất lượng cả", ông Hưng chia sẻ.

Làm sao nhà đầu tư có thể "đãi cát tìm vàng" trong đợt điều chỉnh này của thị trường? - Ảnh 1.

Khi được hỏi về những nguyên nhân chính gây ra tình trạng giảm giá mạnh của thị trường từ cuối tháng 3 tới nay, ông Phạm Lưu Hưng đánh giá thị trường Việt Nam cũng như thế giới đều trong đà giảm nhiều tháng qua chủ yếu do môi trường lãi suất tăng. "Lãi suất tăng luôn là kẻ thù của chứng khoán."

Bên cạnh đó, đối với Việt Nam các rủi ro liên quan đến thị trường bất động sản, sau này là trái phiếu doanh nghiệp tạo ra các vẫn đề liên quan tới thanh khoản của thị trường tài chính. Đồng thời, tuy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn khá ổn, các thị trường lại có mức liên thông với nhau. Do vậy, nếu có chuyện xảy ra ở thị trường này có thể ảnh hưởng đến thị trường khác. Thị trường cổ phiếu là một điển hình khi bị ảnh hưởng rất rõ rệt bởi làn sóng giải chấp, bán tháo.

Một nguyên nhân khác được vị kinh tế trưởng nêu rõ liên quan tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đây, mùa kinh doanh 2021 và đầu năm 2022 triển vọng tăng trưởng tương đối rõ ràng.

Trong thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đưa ra kết quả kinh doanh không được tích cực quý 3 vừa qua. Diễn biến này đã phản ánh một phần vào giá trước đó khi nhà đầu tư cho rằng lợi nhuận đã đạt đỉnh. Bởi vậy, dẫn đến việc giá cổ phiếu giảm mạnh.

Mặt khác, để thị trường có thể tìm được điểm cân bằng, hay "nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm", ông Hưng cho rằng dòng tiền cần phải dồi dào hơn. Ngoài ra, việc thị trường có thể tạo đáy ngay trong tháng 11 xác suất rất thấp bởi trong dài hạn các yếu tố vĩ mô phải ổn định, nhất là tình trạng trái phiếu doanh nghiệp đang ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường tài chính.

Trong ngắn hạn, ông Hưng kỳ vọng thị trường có thể tạo đáy trong vòng 6 tháng nữa, ngay trong tháng 11 là rất khó. 

Làm sao nhà đầu tư có thể "đãi cát tìm vàng" trong đợt điều chỉnh này của thị trường? - Ảnh 2.

 

Kiều My

Tin mới