KIS: Hiệu ứng tháng Giêng ở Việt Nam - một hiện tượng hai lý do

“January effect” trên thị trường Mỹ là khi giá cổ phiếu tăng mạnh hơn so với các tháng khác. Hiện tượng này lần đầu được Sidney Wachtel quan sát vào năm 1942, được cho là có liên quan tới hành vi của nhà đầu tư và thuế. Mặc dù hiện tượng này cũng được thấy trên thị trường Việt Nam, song bản chất có thể khác nhau.

Một trong những nguyên nhân phổ biến được sử dụng để giải thích cho hiệu ứng tháng Giêng trên thị trường Mỹ là việc nhà đầu tư sẽ bán các cổ phiếu đang giảm giá để ghi nhận lỗ vào tháng 12. Khoản lỗ này sẽ được trừ vào phần lợi nhuận trong năm và do đó sẽ giảm bớt phần thu nhập lãi mà nhà đầu tư dựa vào đó để đóng thuế. Áp lực bán từ lí do này nếu đủ lớn sẽ khiến giá cổ phiếu có xu hướng giảm trong cuối tháng 12. Đến tháng Giêng, nhà đầu tư mua lại các cổ phiếu tương tự, đẩy giá cổ phiếu tăng trở lại. Các cổ phiếu có quy mô nhỏ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi hoạt động này vì có hệ số Beta cao và được nắm giữ phần lớn bởi nhà đầu tư các nhân, những người thường thực hiện chiến lược thuế này. Ngoài ra, việc các quỹ đầu tư thực hiện "trang trí cửa sổ" (window dressing) bằng cách mua các cổ phiếu có hiệu suất tốt ("outperformed") và bán các cổ phiếu có hiệu suất kém ("underperformed") để làm đẹp hiệu quả hoạt động của họ vào thời điểm cuối năm cũng được xem là nguyên nhân cho hiệu ứng này.

Theo Chứng khoán KIS, hiệu ứng tháng Giêng trên thị trường chứng khoán Mỹ đang suy giảm đi trong những năm gần đây. Tháng Giêng không còn mang một mức tỷ suất sinh lợi vượt trội so với các tháng còn lại trong năm nữa. Thống kê trong giai đoạn 1964-1993 cho thấy bình quân tháng Giêng sẽ mang lại cho nhà đầu tư một tỷ suất sinh lời ở mức 1.85%. Mức này là vượt trội so với các tháng còn lại trong năm. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lợi chỉ còn 0.28% khi thống kê cho giai đoạn 1994-2023 và mức này cũng thấp hơn phần lớn các tháng khác trong năm. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiệu ứng tháng Giêng trên thị trường Mỹ đã trở nên yếu đi khi nó đã được biết đến rộng rãi bởi cộng đồng đầu tư và tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư cá nhân đã giảm xuống trong vài thập kỷ gần đây.

KIS: Hiệu ứng tháng Giêng ở Việt Nam - một hiện tượng hai lý do - Ảnh 1.

Tỷ suất sinh lợi bình quân theo tháng của chỉ số S&P 500. Nguồn: usfund.com

Chứng khoán KIS nhận thấy hiệu ứng tháng Giêng trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ít tin cậy hơn do sự khác biệt về quy định thuế. Đối với thị trường Việt Nam, thuế từ việc bán một cổ phiếu cụ thể sẽ được xác định dựa trên giá trị giao dịch thay vì dựa vào lãi/lỗ của cổ phiếu đó như thị trường Mỹ. Do đó, không có nhiều động lực để các nhà đầu tư thực hiện việc bán cổ phiếu vào cuối năm để giảm bớt phần thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, vì động cơ để các quỹ đầu tư thực hiện "window dressing" vẫn tồn tại, nên hiệu ứng tháng Giêng vẫn sẽ được quan sát thấy trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Một minh chứng cho việc "window dressing" là nguyên nhân chính của hiệu ứng tháng Giêng ở Việt Nam đó là sự bùng nổ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân từ giai đoạn Covid. Với sự tham gia mạnh mẽ đó, hiệu ứng tháng Giêng đã yếu đi đáng kể so với giai đoạn trước đó.

KIS: Hiệu ứng tháng Giêng ở Việt Nam - một hiện tượng hai lý do - Ảnh 2.

Bình quân tỷ suất sinh lợi VNINDEX theo tháng giai đoạn 2000-2024. Nguồn: KIS

KIS: Hiệu ứng tháng Giêng ở Việt Nam - một hiện tượng hai lý do - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu xung quanh phiên giao dịch đầu tiên của một năm dương lịch

Tháng Giêng 2025: Một năm đầy thận trọng

KIS: Hiệu ứng tháng Giêng ở Việt Nam - một hiện tượng hai lý do - Ảnh 4.

Chính quyền Trump 2.0 với sứ mệnh "Nước Mỹ trên hết" sẽ có nhiều chính sách mới đáng quan tâm.

Ngày 20/1/2025 tới đây, Trump sẽ quay trở lại nhà trắng trong nhiệm kỳ thứ 2 với sứ mệnh "nước Mỹ trên hết" ("American first"). Các chính sách hỗ trợ nhằm mang việc làm và sản xuất trở lại xứ cờ hoa được kỳ vọng sẽ sớm được thực thi. Các chính sách cắt giảm thuế và tinh giảm các quy định được kỳ vọng sẽ giúp lợi nhuận các doanh nghiệp nội địa tiếp tục tăng trưởng tốt. Vì lẽ đó, cổ phiếu Mỹ sẽ là thỏi "nam châm" thu hút dòng vốn quốc tế trong giai đoạn đầu năm 2025. Việc Trump công khai ủng hộ tiền mã hóa, bao gồm Bitcoin, thu hút một lượng lớn dòng tiền không chỉ từ nhà đầu tư cá nhân và còn cả từ các định chế tài chính. Chứng khoán KIS nhận định đây cũng sẽ là một kênh cạnh tranh "đáng gờm" khiến dòng tiền đầu tư vào khu vực thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm cả Việt Nam, có thể yếu đi trong giai đoạn đầu năm. Bên cạnh đó, con đường cắt giảm lãi suất của Fed đang trở nên "gập gềnh" hơn trong vòng một tháng gần đây khi xu hướng trở về mốc mục tiêu 2% của lạm phát Mỹ đang chững lại. Việc tăng thuế quan, nếu có, sẽ truyền dẫn vào giá bán lẻ và làm cho quan điểm chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ trở nên diều hâu hơn. Chi phí vốn, bao gồm đối với dòng tiền đổ các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, có thể vẫn sẽ đắt đỏ trong năm tới.

KIS: Hiệu ứng tháng Giêng ở Việt Nam - một hiện tượng hai lý do - Ảnh 5.

Diễn biến chứng khoán Mỹ kể từ khi Trump thắng cử tổng thống Nguồn: investing.com

KIS: Hiệu ứng tháng Giêng ở Việt Nam - một hiện tượng hai lý do - Ảnh 6.

Dòng vốn đổ vào các quỹ Bitcoin ETF

Tin Cùng Chuyên Mục
Đón sóng đầu tư 2025 với ưu đãi margin 6,88% và miễn phí giao dịch từ Rồng Việt

Đón sóng đầu tư 2025 với ưu đãi margin 6,88% và miễn phí giao dịch từ Rồng Việt

Đón sóng đầu tư 2025 với nhiều triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán, CTCP Chứng khoán Rồng Việt vừa ra mắt combo ưu đãi “khủng” dành cho nhà đầu tư mở mới tài khoản với lãi suất margin chỉ 6,88%/ năm và miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở.
Tin mới