Theo KIS, ngành Dệt may tiếp tục xu hướng tích cực trong quý IV năm 2024, giúp các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai chữ số. Nếu chỉ dựa trên kết quả kinh doanh, MSH và TNG được kỳ vọng là hai cổ phiếu đáng chú ý trong qúy I năm 2025 nhờ đơn hàng ổn định và kiểm soát chi phí tốt.
Hoạt động bổ sung tồn kho diễn ra sôi động thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành
Theo Chứng khoán KIS, ngành Dệt may tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng tốt trong cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Đặc biệt, sản lượng sản xuất quần áo và vải vóc đề ghi nhận tăng trưởng hai con số, cho thấy tình hình đơn hàng xuất khẩu vẫn đang ở mức cao (Hình 1). Xét về kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và giày dép trong quý IV năm 2024, ghi nhận tăng lần lượt +17.2% n/n và +13.8% n/n. Mức tăng trưởng khả quan này được hỗ trợ nhờ vào hoạt động nhập hàng tồn kho mạnh mẽ tại thị trường Mỹ và EU nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đang có tín hiệu phục hồi. Song song đó, xuất khẩu sợi của Việt Nam cũng bắt đầu có sự chuyển biến tích cực hơn, khi ghi nhận tăng nhẹ +4.3% n/n (Hình 2).
Hình 1: Hoạt động sản xuất vải và quần áo diễn ra sôi động trong quý IV năm 2024
Hình 2: Xuất khẩu hàng may mặc và giày dép là điểm sáng trong quý IV và cả năm 2024
Xuất khẩu hàng may mặc – Duy trì đà tăng trưởng cao trong quý IV năm 2024
KIS nhận thấy, trong quý IV năm 2024 xuất khẩu hàng may mặc chứng kiến sự tăng trưởng cao toàn ngành (bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước), cụ thể, doanh nghiệp FDI ghi nhận mức tăng +15% n/n; và doanh nghiệp trong nước ghi nhận tăng +25% n/n.
Đáng nói, thị trường Mỹ và EU tiếp tục đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu dệt may trong quý IV năm ngoái, với mức tăng trưởng xuất khẩu lần lượt là +19.4% n/n và 24.5% n/n. Điều này được hỗ trợ bởi (1) Hoạt động tích cực tái nhập hàng tồn kho của các hãng thời trang lớn tại thị trường Mỹ và (2) Dấu hiệu khởi sắc của tiêu dùng tại thị trường EU sau khi lạm phát và lãi suất điều hành hạ nhiệt. Trong khi, hai thị trường châu Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cho thấy tín hiệu khởi sắc, tăng 7.4% n/n và 23.8% n/n (Hình 3).
Hình 3: Thị trường Mỹ và EU là hai động lực tăng trưởng chính cho xuất khẩu hàng may mặc
Xuất khẩu hàng xơ, sợi – Sản lượng xuất khẩu bắt đầu phục hồi
Theo cập nhật từ Chứng khoán KIS, trong quý IV năm 2024, xuất khẩu sợi đạt 1.15 tỷ đô (tăng +4.3% n/n). Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc (nhà nhập khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam) đang thu hẹp đà giảm so với những quý trước, với kim ngạch xuất khẩu đạt 0.57 tỷ USD (giảm -5.2% n/n/ nhưng tăng +9.3% q/q).
Đáng chú ý, giá sợi giao dịch khá ảm đạm do vấn đề dư cung tiếp diễn, nhưng sản lượng xuất khẩu bắt đầu tăng trưởng dương, ghi nhận tăng +8.5% n/n, báo hiệu sự phục hồi từ phía ngành công nghiệp gia công quần áo và giày dép (sợi là nguyên liệu đầu vào cho ngành gia công hàng may mặc và giày dép).
Hình 4: Xuất khẩu sang Trung Quốc (nhà nhập khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam) đang thu hẹp đà suy giảm
Hình 5: Nhờ vào sự phục hồi của sản lượng xuất khẩu trong 4Q24
Hình 6: Trong khi đó, giá xơ, sợi xuất khẩu vẫn tiếp tục sự ảm đạm
VGT, TNG, MSH và TCM – Những cái tên đáng chú ý
Được thúc đẩy bởi xu hướng đơn hàng thuận lợi sang thị trường Mỹ và EU, các doanh nghiệp dệt may niêm yết ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý IV năm ngoái. Trong đó VGT, TNG, MSH và TCM là những doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhất về cả doanh thu và lợi nhuận (Bảng 1).
Tuy nhiên, KIS nhận thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sợi (bao gồm ADS và STK) có sự ảm đạm, tốc độ phục hồi lợi nhuận vẫn còn chậm, một phần là do nhu cầu đang trong giai đoạn đầu phục hồi. Song, áp lực cạnh tranh dai dẳng chưa thể kết thúc.
Bảng 1: KQKD của các doanh nghiệp gia công hàng may mặc và sản xuất xơ sợi trong quý IV năm 2024 (Tỷ đồng, %, đpt)
Triển vọng ngắn hạn trong quý I năm 2025 – Đà tăng trưởng có thể chậm lại nhưng duy trì mức tăng trưởng dương
Trong quý I năm 2025, Chứng khoán KIS dự báo rằng xuất khẩu dệt may và các doanh nghiệp dệt may sẽ chỉ tăng trưởng một con số do khả năng thị trường Mỹ chậm lại, gây ra bởi lượng hàng tồn kho cao của các nhà bán lẻ sau khi tái nhập hàng vào cuối năm 2024. Theo Hiệp hội Dệt May (VITAS), mặc dù hầu hết các công ty đã có đơn hàng cho quý I năm nay và đang đàm phán cho quý II, nhưng họ phải đối mặt với những thách thức như giá cả thấp, đơn hàng nhỏ, thời hạn chặt chẽ và các yêu cầu khắt khe… Từ đó có thể làm hạn chế khả năng mở rộng biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Ở phân khúc xuất khẩu xơ sợi, KIS cho rằng họ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức tiếp tục trong quý I năm 2025, do cạnh tranh từ sợi Trung Quốc giá rẻ. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất sợi nội địa phải giữ giá bán ở mức thấp để duy trì sản lượng xuất khẩu, dẫn đến triển vọng tiêu cực cho các cổ phiếu trong lĩnh vực này ít nhất trong nửa đầu năm 2025.