Lại có thêm một hãng điện thoại bỏ củ sạc khỏi hộp, chuyện chẳng có gì nếu như loại luôn khỏi dòng máy giá rẻ

(Tổ Quốc) - Lấy cảm hứng từ Apple và hơn thế nữa từ Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh Realme đã thông báo rằng họ sẽ không trang bị sẵn sạc cho máy giá rẻ.

Sau khi Apple tiên phong cho trào lưu loại bỏ củ sạc khỏi hộp điện thoại, nhiều nhà sản xuất Android đã bắt đầu triển khai chính sách tương tự. Gần đây nhất, Samsung đã loại bỏ củ sạc trên dòng Galaxy S22 và dòng máy tầm trung Galaxy A. Giờ đây, Realme thậm chí còn loại bỏ củ sạc ở ngay trên Narzo 50A Prime – một mẫu máy giá rẻ.

Trong một buổi phỏng vấn gần đây, Chủ tịch của Realme, Madhav Sheth cho biết: "Chúng tôi sẽ không tích hợp bộ sạc đi kèm trong hộp của Narzo 50A Prime. Hành động này nằm trong kế hoạch phát triển bền vững của Realme, đồng thời cũng nhằm mục tiêu giảm thiểu carbon ra môi trường. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện nó muộn nhất vào năm 2025". Như vậy, với lời khẳng định trên, Realme cũng sẽ dần dần loại bỏ củ sạc trên nhiều sản phẩm ra mắt trong thời gian sắp tới.

Lại có thêm một hãng điện thoại bỏ củ sạc khỏi hộp, chuyện chẳng có gì nếu như loại luôn khỏi dòng máy giá rẻ - Ảnh 1.

Realme đã cho ra mắt Narzo 50A Prime vào ngày 22/3/2022 và hiện đã được bán tại Việt Nam.

Ngoài ra, Realme cho biết rằng khi loại bỏ củ sạc khỏi hộp của Narzo 50A Prime, hãng đã có thêm chi phí để cung cấp thêm một số tính năng trên thiết bị mới này. Cụ thể, Narzo 50A Prime đã có những nâng cấp đáng giá như chipset và màn hình. Ngoài ra, nhà sản xuất Trung Quốc cho biết sản phẩm sẽ có mức giá tốt nhất trong phân khúc. 

Hiện Narzo 50A Prime đang được lên kệ tại Ấn Độ với mức giá là 1.799.000 IDR (khoảng 2.9 triệu đồng). Tại Indonesia, Narzo 50A Prime có 2 phiên bản và có giá khởi điểm là: RAM 4 GB bộ nhớ 64 GB: giá 1.799.000 IDR (khoảng 2.8 triệu đồng), RAM 4 GB bộ nhớ 128 GB: giá 1.999.000 IDR (khoảng 3.2 triệu đồng).

Ở Việt Nam, thiết bị được bán với giá 3.59 triệu đồng cho phiên bản 4 GB 64 GB.

Realme là hãng smartphone đầu tiên loại bỏ củ sạc trên một sản phẩm giá rẻ. Hành động này đã khiến cho nhiều người dùng cảm thấy không hài lòng. Tuy nhiên, các trang công nghệ uy tín như Gizmochina vẫn cho rằng đây hoàn toàn là một thiết bị xứng đáng để lựa chọn trong phân khúc giá rẻ.

Tại sao việc đi theo Apple có thể gây khó khăn đối với các nhà sản xuất điện thoại Android?

Mặc dù các công ty có thể tranh luận rằng việc bỏ qua bộ sạc có thể hữu ích cho môi trường, nhưng hầu hết người dùng lại nghĩ khác.

iPhone đã và đang sử dụng tiêu chuẩn sạc chậm và có thể sử dụng cùng một cục sạc cho tất cả các điện thoại. Tuy nhiên, điều này lại không đúng với điện thoại Android, đặc biệt là điện thoại tới từ các thương hiệu Trung Quốc.

Những điện thoại này không chỉ đi kèm với các giải pháp sạc cực nhanh đã làm cho các pin dự phòng trở nên dư thừa mà các tiêu chuẩn sạc của chúng là độc quyền. Điều này có nghĩa là mặc dù có bộ sạc OnePlus WarpCharger dự phòng ở nhà, người dùng vẫn không thể sạc nhanh điện thoại Xiaomi của mình. Và ngược lại.

Do đó, họ sẽ buộc phải mua một bộ sạc mới. Hơn nữa, mua một bộ sạc mới đồng nghĩa với việc sử dụng các vật liệu đóng gói kèm theo (ngay từ khi sản xuất đến khi giao hàng), điều này bất chấp lý do ban đầu mà các thương hiệu đưa ra.

Ngoài ra, điều này có nghĩa là chi phí bổ sung cho khách hàng ở một số quốc gia như Ấn Độ, nơi người dùng thay đổi quyết định mua hàng của họ chỉ với một vài rupee, có thể là một yếu tố cản trở rất lớn.

Tham khảo: Gizmochina, Techradar

Khánh Vy

Tin mới