(Tổ Quốc) - Theo Bloomberg, Midland sẽ phải cần đến nhiều tháng, chứ không muốn nói là nhiều năm để “gỡ rối’’ “mớ bòng bong” lạm phát.
Midland, bang Texas, Mỹ, nằm dọc theo Xa lộ Liên tiểu bang 20, cách trung tâm thành phố lớn hơn 4 giờ lái xe. Vị trí xa xôi khiến mọi thứ ở thị trấn này trở nên đắt đỏ và khó kiếm. Điều kiện giao thông nghèo nàn, cộng thêm sự phụ thuộc vào dầu thô khiến Midland không tránh khỏi lạm phát.
Theo Bloomberg, lạm phát tại Midland dao động trong khoảng 10% suốt 6 tháng qua, tức cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc. Được biết, chỉ số giá tiêu dùng CPI Mỹ sắp công bố dự kiến sẽ tăng 8,1% trong tháng 4, hạ nhiệt một chút so với tháng trước đó.
Dẫu vậy, tại thị trấn nằm vùng hẻo lánh như Midland, nỗi đau kinh tế dường như mới chỉ ập đến. Ngân hàng trung ương dù đã tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm hồi tuần trước, mức cao nhất kể từ năm 2000, song cũng chẳng thấm là bao so với đà tăng giá chóng mặt tại Midland này.
Theo Bloomberg, thị trấn nhỏ sẽ phải cần đến nhiều tháng, chứ không muốn nói là nhiều năm để “gỡ rối’’ “mớ bòng bong” lạm phát. Vấn đề này nằm xa tầm với của giới chức địa phương, bởi chúng liên quan đến căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine, khủng hoảng chuỗi cung ứng và chính sách phong tỏa cứng của Trung Quốc đại lục.
LẠM PHÁT LEN LỎI VÀO TỪNG NGÓC NGÁCH
Về cơ bản, ảnh hưởng của lạm phát đang len lỏi vào từng doanh nghiệp nhỏ, trong đó có ông Bo Garrison, chủ sở hữu của Permian Dirt Works LLC. Mỗi ngày, ông và 20 công nhân khác sẽ lái khoảng 2 chục chiếc xe tải, máy xúc, máy ủi để đào, san phẳng và vận chuyển đất đá phụ giúp các công ty năng lượng.
Ông Bo Garrison, chủ sở hữu của Permian Dirt Works LLC
Bắt đầu từ tuần trước, công việc này đã bị gián đoạn. Một nhân viên tại Caterpillar nói với ông Garrison rằng hiện không còn chiếc máy ủi nào nữa. Đại lý ô tô nơi ông Garrison thường xuyên lui tới cũng thông báo một tin động trời: Sẽ không có chiếc Ford F-250 mới nào ở Midland cho đến ít nhất năm 2023.
Điều này đồng nghĩa với việc công ty của ông Garrison sẽ phải chi trả nhiều hơn cho việc sửa chữa và thuê máy ủi. Các hóa đơn lẻ mẻ khác cũng đang chồng chất; cả khoản lương mà ông “cắn răng’’ tăng 20% để giữ chân nhân công.
“Bây giờ tôi đang cầu nguyện các thiết bị sẽ không bị hỏng hóc gì, nếu không thì sửa ốm’’, ông Garrison nói.
Sự gia tăng năng suất tại các mỏ dầu có lợi cho kinh tế địa phương, song điều này vô hình chung đẩy áp lực về phía người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ người cao tuổi sửa nhà cũng không ngoại lệ. Họ cho biết giá bình nước nóng, gỗ và các vách ngăn đã tăng gấp đôi và buộc phải dùng đến nguồn tiền dự trữ lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm.
“Khi giá tăng vọt như thế này, chúng sẽ không quay đầu giảm đâu. Trong khi đó, nhu cầu càng ngày càng tăng. Rất nhiều người cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Họ không có tiền để sửa nhà’’, ông Nathan Knowles, Giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận nói.
Người dân chờ lấy đồ ăn tại Ngân hàng thực phẩm
Người dân nghiễm nhiên là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ lạm phát. Chi phí hàng hóa gia tăng khiến họ chỉ biết nương nhờ vào Ngân hàng Thực phẩm ở Odessa, thành phố cách Midland khoảng 20 phút đi xe.
Kể từ tháng Giêng, dòng xe nối đuôi nhau đỗ chờ bên ngoài Ngân hàng thực phẩm này đã dài hơn trước rất nhiều. Họ tới để xin dưa hấu, bánh mì và rau đóng hộp.
"Thứ duy nhất tôi có thể mua ở cửa hàng tạp hóa là trứng và đậu", ông Jesus, 74 tuổi nói. Được biết lương hưu và tiền trợ cấp của cặp vợ chồng già này rơi vào khoảng 2.000 USD/tháng (hơn 40 triệu đồng), song chỉ vài tháng trở lại đây, chi phí đắt đỏ khiến số tiền kia không giúp ích được nhiều.
“Điều duy nhất tôi biết là giá tăng rồi sẽ giảm. Song giờ, tôi nghi ngờ điều đó rồi. Phía tây Texas đang trải qua đợt lạm phát kép. Ban đầu là dầu, xăng, đến sữa và mọi thứ khác’’, anh Tippin, một người dân tại thị trấn Midland nói.
“Với chi phí sinh hoạt ở đây và lạm phát, mọi người sẽ không thể theo kịp”, bà Libby Campbell, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thực phẩm Tây Texas cho biết sau khi nhấn mạnh rằng lạm phát đã ăn sâu vào tiền lương của người lao động. Bà cũng lo ngại rằng đà tăng của giá phân bón - hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Bà Melinda Hernandez, 52 tuổi
Theo Bloomberg, tỷ lệ thất nghiệp ở Midland rơi vào khoảng 3,5%, thấp hơn mức trung bình hàng năm, song các công việc liên quan đến lĩnh vực dịch vụ chưa hề có dấu hiệu khởi sắc.
Melinda Hernandez, 52 tuổi, chia sẻ với tờ Bloomberg rằng bà đã mất công việc trợ lý hành chính tại một công ty dịch vụ năng lượng hồi tháng Ba. Hiện tại, bà làm nhân viên giao hàng part-time cho một tiệm bánh pizza với giá 10 USD/giờ. Người phụ nữ trung niên này còn nhận việc tại nhà tang lễ địa phương để trang trải thu nhập, dù chúng cộng dồn lại cũng chỉ bằng một nửa so với trước.
Hernandez, bà mẹ đơn thân đang sống tại Midland cũng cùng chung cảnh ngộ. Chi phí đắt đỏ khiến chị sợ mình sẽ không có đủ tiền để tổ chức tiệc tốt nghiệp trung học cho con trai.
“Tôi không muốn con trai buồn và đó là nỗi sợ của tôi,” Hernandez nói.
Tại nhà hàng bít tết Legendary Barn Door ở Odessa, ông Roy Gillean cũng phải tăng giá toàn bộ menu, trong đó món đặc biệt nhất của quán là bít tết Tomahawk có giá gần 65 USD. Ông nói ông đã tăng giá món nhiều lần và có thể sẽ đẩy chúng lên 70 USD để bù đắp cho chi phí đầu vào đắt đỏ.
QUYẾT ĐỊNH CỦA FED CÓ THỰC SỰ GIÚP ÍCH?
Được biết, dựa trên số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) đã tăng 8,5% trong tháng 3, mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981. Tình trạng tăng giá xảy ra ở tất cả các mặt hàng, trong đó giá xăng tăng 48% so mới 1 năm trước. Giá hàng tạp hóa tăng 10% và giá các mặt hàng lương thực cũng tăng 8,8%.
FED hồi tuần trước quyết nâng lãi suất liên bang thêm 0,5 điểm phần trăm
Số liệu trên được xem là bản báo cáo đầu tiên cho thấy sự tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cùng với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, việc chỉ số lạm phát luôn được duy trì ở mức cao được cho là sẽ tiếp diễn đến hết năm nay, thậm chí sang năm 2023.
Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, tỷ lệ người dân đối mặt với căng thẳng liên quan đến vấn đề tài chính đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2015. 65% cho rằng vấn đề tài chính chính là nguyên nhân khiến họ luôn cảm thấy lo âu, trong đó xu hướng tăng giá của các mặt hàng thiết yếu do lạm phát là vấn đề khiến người Mỹ cảm thấy áp lực hơn cả.
"Chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Lạm phát vẫn đang tăng nhanh, chạm mức cao nhất trong vòng 40 năm và sẽ còn tăng hơn trong vài tháng tới", ông Greg Mcbride, Giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate.com cho biết.
Để giải quyết hồi chuông lạm phát đang gióng lên ở mức báo động, FED hồi tuần trước đã quyết nâng lãi suất liên bang thêm 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất cho vay áp dụng cho các ngân hàng trên toàn bang theo đó sẽ được nâng từ biên độ 0,25%-0,5% hiện nay lên 0,75%-1%.
“Lạm phát quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà lạm phát gây ra. Do đó, chúng tôi phải hành động khẩn trương”, Chủ tịch FED ông Jerome Powell nói.
Đồng USD đang tăng giá nhanh thời gian gần đây
Dẫu vậy, việc FED tăng lãi suất, theo một số chuyên gia, cũng có những hệ lụy riêng. Chẳng hạn như người đi vay phải trả nhiều tiền hơn để thanh toán khoản tín dụng, trong khi phía ngân hàng khắt khe hơn khi cung cấp các khoản vay. Điều này chắc chắn sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là đối với các thị trường mới nổi có mức nợ công cao.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh