(Tổ Quốc) - "Kể cả trong lĩnh vực có vẻ khô khan như tài chính, sáng tạo là điều vô cùng cần thiết. Với đặc tính trên của TTCK, tôi và các cộng sự trăn trở rằng việc xây dựng một chỉ số có thể đo lường được tâm lý trên TTCK Việt Nam là đáp ứng đúng nhu cầu của nhà đầu tư tham gia TTCK và cũng chính là nhu cầu sáng tạo của bản thân chúng tôi, đặc biệt chỉ số này được cung cấp hoàn toàn miễn phí".
Nhân dịp Tết Nhâm dần, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng ông Phan Lê Thành Long, sáng lập và CEO của AFA Group, là chuyên gia tài chính có hơn 20 năm kinh nghiệm tại các quỹ đầu tư, hãng kiểm toán và tư vấn lớn trên Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam - Vietnam Wealth Advisors (VWA).
Chào anh, được biết anh và nhóm cộng sự mới đây đã cho ra mắt chỉ số tâm lý thị trường chứng khoán TOPI. Lần đầu tiên Việt Nam có chỉ số tâm lý nhà đầu tư. Anh đánh giá thế nào về tầm quan trọng của tâm lý trong đầu tư chứng khoán?
Thị trường chứng khoán (TTCK) là một thị trường có khả năng tiệm cận đến sự hoàn hảo nhờ số lượng lớn người tham gia, số lượng hàng hoá đa dạng trên thị trường, quy mô giá trị lớn so với GDP. Nhưng như thế đồng nghĩa với việc TTCK có rất nhiều yếu tố tác động, trong đó tâm lý của nhà đầu tư tham gia thị trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất và chịu nhiều tác động nhất.
Kể cả trong lĩnh vực có vẻ khô khan như tài chính, sáng tạo là điều vô cùng cần thiết. Với đặc tính trên của TTCK, tôi và các cộng sự trăn trở rằng việc xây dựng một chỉ số có thể đo lường được tâm lý trên TTCK Việt Nam là đáp ứng đúng nhu cầu của nhà đầu tư tham gia TTCK và cũng chính là nhu cầu sáng tạo của bản thân chúng tôi, đặc biệt chỉ số này được cung cấp hoàn toàn miễn phí.
Chỉ số tâm lý thị trường TOPI phục vụ nhà đầu tư miễn phí
Hiện trên thế giới có một vài cơ quan truyền thông lớn như CNN có chỉ số tâm lý thị trường, hay chỉ số tâm lý cho Bitcoin…. Chỉ số tâm lý TOPI được xây dựng dựa trên những tiêu chí nào, nhà đầu tư nên áp dụng chỉ số tâm lý này vào đầu tư chứng khoán ra sao để đạt hiệu quả tối ưu nhất?
Phương pháp xây dựng ra Chỉ số tâm lý thị trường TOPI áp dụng cho TTCK Việt Nam cũng khá đặc biệt, vì là kết hợp của hai phương pháp được áp dụng bởi chỉ số tâm lý của CNN và của Bitcoin.
Ứng dụng TOPI lấy dữ liệu theo thời gian thực (real time) bằng công nghệ, sau đó áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) với những thuật toán máy học (macchine learning) để tính điểm Tâm lý thị trường. 02 nguồn dữ liệu chính bao gồm: Dữ liệu khối lượng và giá giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm cả chứng khoán cơ sở và phái sinh. (Tương tự chỉ số của CNN); Dữ liệu tin tức kinh tế và tài chính từ các kênh truyền thông, được ứng dụng các thuật toán "đọc ngôn ngữ tự nhiên" phân biệt ra những thông tin tác động tích cực hoặc tiêu cực đến tâm lý của thị trường. Điều này tương tự chỉ số của Bitcoin.
Chỉ số tâm lý thị trường TOPI kết hợp hai yếu tố trên để dự báo biến động của Vn-Index và Vn30 trong các phiên giao dịch, chịu tác động bởi tâm lý của nhà đầu tư được phản ánh vào giá và lượng, đồng thời được phản ánh trên truyền thông. Do đó, nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam có thể theo dõi Chỉ số tâm lý thị trường TOPI hàng ngày để thấy được xu hướng thay đổi của tâm lý trên thị trường, coi đó là một yếu tố đầu vào quan trọng trong dự báo hành vi mua hoặc bán của đám đông trên TTCK để có thể thiết lập cho bản thân chiến lược đầu tư dài hạn và ứng xử trong ngắn hạn một cách phù hợp nhất nhằm tối đa lợi tức đầu tư.
Nói đến tâm lý nhà đầu tư, đôi lúc có sự "điên" lên đến đỉnh điểm. Cuối năm vừa qua thị trường tràn ngập những nhà đầu tư FOMO cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản kinh doanh bết bát nhiều năm, đẩy giá lên hàng trăm nghìn/cp, anh đánh giá sao về điều này?
Chúng ta đều thấy tâm lý trên TTCK là một yếu tố rất quan trọng. Khi đó, TTCK cần lý do và câu chuyện để dẫn dắt đám đông, tác động đến tâm lý và hành vi mua bán cổ phiếu của đám đông. Những câu nói dạng như "đất là hữu hạn không sinh ra nữa trong khi tiền thì in được" đã tồn tại nhiều năm. Bản chất những câu nói này chỉ là câu chuyện mới được kể trên TTCK với một mục tiêu nào đó ẩn đằng sau các cổ phiếu bất động sản. Với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, điều quan trọng cuối cùng phải là năng lực tạo ra tiền thật từ việc phát triển các dự án và bán được sản phẩm thu tiền về, từ đó dòng tiền sẽ phản ánh vào giá trị của cổ phiếu.
"Ở thị trường cận biên có tâm lý đám đông dễ bị dẫn dắt"
Thực tế trên thị trường tài chính nói chung cho thấy bất động sản là lĩnh vực rủi ro cao, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền và thực tế đã phải huy động vốn trái phiếu với lãi suất cao để có thể trang trải cho các dự án đầu tư trong thời gian dài cũng như chi phí hoạt động chưa mang lại hiệu quả kinh doanh thật. Việc tăng nóng của các cổ phiếu bất động sản không có giá trị nội tại kèm theo trong thời gian qua chỉ là nhất thời, phản ánh đặc tính của một thị trường cận biên có tâm lý đám đông dễ bị dẫn dắt. Tôi cho rằng việc cảnh báo, giám sát và điều chỉnh chính sách của các cơ quan quản lý là rất quan trọng nhất là trong bối cảnh nỗ lực nâng hạng của TTCK Việt Nam lên hạng mới nổi.
Phía trên anh có nói đến từ "miễn phí". Theo dõi anh đã rất lâu, anh và các cộng sự đã nhiều năm viết lách, làm youtube chia sẻ kiến thức tài chính, doanh nghiệp miễn phí cho nhà đầu tư. Các chương trình được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp không kém các bản tin truyền hình. Đây là sở thích và anh có mất nhiều thời gian cho việc làm này không?
Chia sẻ kiến thức là một phần trong cuộc sống hàng ngày của tôi gần 20 năm vừa qua. Đầu những năm 2000, khi mạng xã hội chưa phổ biến như hiện nay, tôi đã bắt đầu viết bài mỗi ngày trên một số diễn đàn chuyên môn và đến tháng 2/2005, tôi đã tự thiết lập diễn đàn đầu tiên do tôi quản lý và phát triển cả về chuyên môn lẫn công nghệ trong lĩnh vực tài chính, kiểm toán, kế toán với tên miền kiemtoan.com.vn đã có sự tham gia của hơn 50.000 thành viên.
Thói quen viết bài chia sẻ kiến thức được hình thành từ giai đoạn đó và đến nay đã trở thành thói quen không thể thiếu hàng ngày, nhất là với sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Podcast và Youtube thì càng dễ dàng. Trong 3 năm trở lại đây, tôi chủ yếu xây dựng các video để chia sẻ qua kênh Youtube Tài chính & Kinh doanh. Điều này bắt nguồn từ hoạt động cộng tác của tôi với chuyên mục "Ví tiền của bạn" trong chương trình Cafe Sáng với VTV3 từ năm 2018, tôi nhận thấy rằng các video có hiệu ứng và tương tác lớn hơn rất nhiều so với các bài viết.
Tôi là nhà sáng lập của AFA Group từ năm 2009 bao gồm 6 công ty kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ khác nhau trong các lĩnh vực đầu tư tài chính, quản lý tài chính cá nhân, quản trị doanh nghiệp, kiểm toán và kế toán, công nghệ tài chính (Fintech) và tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tôi còn đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao của các tổ chức phi lợi nhuận như Tổng Giám đốc Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), Viện Kế toán quản trị công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam. Đây là điểm khó khăn nhưng cũng là điểm thuận lợi cho tôi trong việc chia sẻ kiến thức miễn phí cho cộng đồng.
Điểm khó nhất với tôi đó là thời gian. Mặc dù đều có giám đốc phụ trách riêng từng công ty, nhưng tôi vẫn phải dành phần lớn thời gian của mình tham gia vào định hướng chiến lược và quản trị. Tôi chỉ có thể dành được khoảng thời gian ít ỏi còn lại cho việc chia sẻ kiến thức đã thành thói quen gần 20 năm qua. Nhưng chính hoạt động kinh doanh phát triển và hiệu quả là nền tảng hỗ trợ cực kỳ lớn cho tôi, giúp tôi có nguồn lực để đầu tư một cách bài bản từ đội ngũ hỗ trợ phát triển nội dung và công nghệ, đến cơ sở vật chất như thiết bị, studio chuẩn mực và hiện đại.
Tuy nhiên, công việc chia sẻ kiến thức thông qua các bài viết và video bản chất không mang lại giá trị kinh tế một cách trực tiếp, thu nhập bằng tiền từ hoạt động này là không đáng kể. Do đó, tôi thấy rằng cả nhóm cộng sự phải cảm nhận được giá trị mang lại cho cộng đồng, đam mê công việc đang làm mới có động lực to lớn để có thể sáng tạo nội dung và tận tâm trong triển khai. Tôi cảm thấy may mắn khi có những cộng sự có năng lực và cùng mục tiêu chia sẻ để thực thi cùng tôi trong nhiều năm qua.
Các chương trình chia sẻ được dàn dựng công phu, kiến thức tài chính phong phú
Một bộ phận đông đảo nhà đầu tư mới hiện nay họ thích được "phím ba chữ cái" thay vì dành thời gian để học hỏi kiến thức. Họ thích vào các nhóm chat hô hào cùng nhau mua một vài cổ phiếu nhỏ đặc thù tăng vài lần trong thời gian ngắn rồi lại giẫm lên nhau bán tháo khi cổ phiếu sụp đổ. Anh nghĩ thế nào về hiện tượng này?
Trong bối cảnh số lượng tài khoản chứng khoán mở mới và nhà đầu tư mới tham gia tăng vọt trong năm 2021, TTCK Việt Nam đã có động lực để tăng trưởng gần 36% trong năm vừa qua. Việc các nhà đầu tư có mong muốn "ăn xổi", kiếm tiền nhanh từ việc đầu tư cổ phiếu là điều bình thường, đặc biệt nhiều người đã kiếm được tiền thật. Tuy nhiên, tôi nhận thấy một điều rằng rất nhiều người kiếm được lợi nhuận cao nhờ tham gia TTCK vào giai đoạn tăng trưởng mà nhiều khi chính họ cũng không hiểu lý do tại sao họ là kiếm được tiền và có thể họ cho rằng kiếm được tiền từ chứng khoán là dễ dàng mà không cần đến kiến thức, kinh nghiệm đầu tư.
Trong đầu tư cổ phiếu, có hai loại rủi ro bao gồm rủi ro thị trường và rủi ro của một cổ phiếu cụ thể. Nhà đầu tư chỉ có thể quản trị được rủi ro của một cổ phiếu cụ thể, không ai có thể chống lại được rủi ro thị trường, mà chỉ có thể đánh giá. Chỉ cần một biến cố, toàn bộ TTCK có thể sụt giảm, hoặc toàn bộ cổ phiếu của một nhóm ngành cụ thể, hoặc một "họ" cổ phiếu cụ thể có thể giảm sâu và đi kèm với mất thanh khoản. Khi đó, thì cho dù nhà đầu tư có nắm giữ cổ phiếu nào thì cũng sẽ bị mất tiền, mà trong đầu tư người ta có một câu đặc biệt quan trọng "đừng bao giờ để mất tiền". Việc "đánh đu" theo các hội nhóm, theo sự hô hào của những người được cho là "thủ lĩnh" tiềm ẩn rủi ro mất tiền rất lớn khi bỏ tiền vào những cổ phiếu không có giá trị nội tại. Điều này đã được các cơ quan quản lý cảnh báo.
Tôi có tài khoản chứng khoán và thực hiện khoản đầu tư đầu tiên của mình vào năm 2005. 17 năm qua, tôi đã chứng kiến gần như năm nào cũng có những cổ phiếu có dấu hiệu bị "làm giá", có nghĩa rằng nếu bạn cảm thấy nuối tiếc vì đã bỏ qua cơ hội với những "hàng nóng" năm nay thì năm tới sẽ lại có "hàng nóng" khác. Phần lớn nhà đầu tư tham gia vào các cuộc chơi "hàng nóng" này đều có chung kết cục là mất tiền khi cổ phiếu bị "bơm xả", và khi đã bị "xả" thì sẽ mất thanh khoản trong nhiều phiên liên tục và các nhà đầu tư "đu đỉnh" sẽ không "thoát hàng" được. Nhà đầu tư có thể thắng được cuộc chơi này nhưng có thể sẽ là nạn nhân của cuộc chơi khác nếu như giá trị không được doanh nghiệp tạo ra thì giá trị chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác chứ không thể tất cả mọi người cùng thắng được. Như thế, bạn có thể thắng 9 cuộc chơi, nhưng đến cuộc chơi thứ 10 mà bạn thất bại thì bạn có thể mất tất cả. Dữ liệu lịch sử đã cho thấy rõ điều này.
Có vài lần thấy anh chia sẻ về việc 2 con trai cũng đầu tư chứng khoán bằng tiền lì xì từ khi còn rất nhỏ. Anh có thể chia sẻ về hiệu quả của "thương vụ" đầu tư này không. Rất nhiều tỷ phú trên thế giới nói rằng đầu tư càng sớm càng tốt. Phải chăng anh đã nghĩ như vậy?
Các con của tôi tham gia tìm hiểu và đầu tư chứng khoán bằng những khoản tiền tiết kiệm không phải cho mục đích kiếm tiền hay hiệu quả đầu tư. Mục tiêu của tôi là coi việc đầu tư chứng khoán là cơ hội để các con mở rộng sự hiểu biết về tài chính, đặc biệt tài chính cá nhân, tạo nền tảng phát triển cuộc sống tốt trong cả cuộc đời. Tôi tạo ra một danh mục khoảng 10 mã cổ phiếu của các công ty niêm yết và để các con lựa chọn 2-3 công ty để đầu tư tiền tiết kiệm của mình.
Sau mỗi giao dịch, tôi sẽ chỉ dạy cho các con hiểu biết về công ty đã đầu tư, các con có thể hiểu được rằng những thứ xung quanh cuộc sống hàng ngày như ngôi nhà đang ở, internet đang dùng, xe đang đi, trường đang học,… đều do một công ty nào đó tạo ra, và công ty đó có thể do rất nhiều người như các con góp tiền vào dưới dạng mua cổ phiếu. Như thế, các con có thể hiểu được giá trị phải do con người tạo ra thông qua lao động, đầu tư vốn, sáng tạo chứ không phải tự dưng sinh ra và các con được quyền hưởng thụ. Từ đó các con sẽ phải hình thành tư duy học tập và làm việc chăm chỉ để xứng đáng với những gì đang tiêu dùng và tạo ra giá trị sau này, khi trưởng thành sẽ sống một cách chủ động, tự lực.
Khi đầu tư chứng khoán, anh sẽ chọn doanh nghiệp để đầu tư dựa trên tiêu chí nào. Một vài kĩ năng đọc báo cáo tài chính để phát hiện ra các vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp, anh có thể chia sẻ tới nhà đầu tư?
Tiêu chí đầu tư của tôi là nắm giữ dài hạn. Do đó, tôi đưa ra 4 tiêu chí lọc cổ phiếu bao gồm (1) ngành kinh doanh có triển vọng tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo, (2) quản trị công ty hiệu quả, (3) chiến lược kinh doanh và chiến lược tài chính phù hợp, (4) khối lượng giao dịch cổ phiếu đủ lớn.
Báo cáo tài chính bản chất là công cụ truyền thông tài chính và giúp HĐQT thực thi trách nhiệm giải trình với cổ đông và nhà đầu tư. Nhiều người cho rằng không cần đọc báo cáo tài chính (BCTC) vì nó phản ánh thông tin quá khứ hoặc đơn giản lý do là BCTC quá khó để đọc, hoặc BCTC không có ý nghĩa với đầu tư cổ phiếu. Tôi cho rằng đã là một công cụ truyền thông tài chính thì thông tin trên BCTC sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với nhà đầu tư. Dữ liệu thực tế cũng cho thấy giá cổ phiếu sẽ biến động tức thì ngay sau khi BCTC quý hoặc năm được công bố.
Như vậy, điều quan trọng với nhà đầu tư là phải trang bị cho mình năng lực có thể "đọc vị" được những thông tin ẩn đằng sau những con số được trình bày trên BCTC để nắm bắt được hành vi và mong muốn của người công bố BCTC đối với TTCK. Đây là một phần quan trọng của xu hướng tài chính hành vi đang rất thịnh hành trên toàn cầu. Tôi có thể lấy một ví dụ khi một doanh nghiệp trích lập dự phòng hơn mức yêu cầu của quy định hiện hành thì có thể thấy rằng doanh nghiệp đó đã chủ động tạo ra một nguồn ghi nhận lợi nhuận trên BCTC trong quý/năm tiếp theo. Trích dự phòng lớn hơn mức yêu cầu có thể khiến kết quả kinh doanh trên BCTC hiện tại kém khả quan, khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp sụt giảm nhưng lại là một cổ phiếu có tiềm năng tăng giá tốt trong tương lai gần. Như vậy, thông tin BCTC chứa đựng nhiều giá trị, vấn đề là chúng ta có khả năng khai thác giá trị hay không.
"Tiêu chí đầu tư của tôi là nắm giữ dài hạn"
Năm qua thị trường chứng kiến làn sóng nhà đầu tư gia nhập kỷ lục 21 năm thành lập của thị trường, trong đó thế hệ trẻ chiếm đông đảo. Họ coi đó là kênh đầu tư trải nghiệm, tích luỹ và kiếm tiền. Việc kiếm được tiền thật khiến chủ đề "bỏ việc ở nhà đầu tư chứng khoán" rất nóng trong năm qua. Anh có nghĩ khi kênh đầu tư bị FOMO, một bộ phận giới trẻ vì quá say mê sẽ mất đi lý tưởng sống?
Trên kênh Tài chính & Kinh doanh tôi đã có một video nói về 4 chu kỳ của nền kinh tế Việt Nam kể từ thời điểm gia nhập WTO năm 2006 đến nay. Trong đó, cách đây 7-8 là giai đoạn của Khởi nghiệp, giới trẻ quan tâm nhất đến việc mở một Start-up, với rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Từ 2018 trở lại đây, tôi cho rằng ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ "đầu tư" là thịnh hành nhất. Thế hệ Gen Z là thế hệ của internet, của mạng xã hội và của cuộc sống trải nghiệm. Đầu tư cho phép Gen Z trải nghiệm cuộc sống với cách khác biệt, nhất là khi các công cụ đầu tư với công nghệ phát triển đã trở nên vô cùng thuận tiện, các sản phẩm đầu tư như tài sản số vô cùng thu hút thế hệ trẻ. Điều này cũng góp phần tạo ra lý tưởng sống và định hướng hành vi của Gen Z.
Tuy nhiên, mọi vấn đề luôn có hai mặt. Mặt tiêu cực khi thế hệ trẻ lao như những con thiêu thân vào các kênh đầu tư, đặc biệt những kênh có tính chất rủi ro cao, đã khiến họ chỉ coi trọng việc "mua đi, bán lại" các tài sản cho mục đích kiếm lời mà quên đi bản chất quan trọng của giá trị. Hệ lụy của nó là các hành vi lừa đảo trên thị trường đầu tư tăng mạnh, những dự án bất động sản "ma", xuất hiện khái niệm "cổ phiếu rác" không có giá trị nội tại, hay "coin rác" không có hàm lượng công nghệ lẫn kinh tế bên trong. Hệ luỵ thứ hai tôi cho rằng là nguy hiểm hơn đó là cả thế hệ mất đi hoặc không coi trọng sự "sáng tạo" và không lấy sáng tạo là nền tảng tạo ra giá trị thật cho bản thân. Khi đó giá trị ảo lên ngôi, tạo ra các bong bóng và khi xu hướng bị phá vỡ, các bong bóng này có thể nổ tung hoặc xì hơi và để lại hậu quả khôn lường.
Kênh đầu tư chứng khoán cũng như vậy, mục tiêu của bất kỳ nhà đầu tư nào, nhất là thế hệ Gen Z, là tạo dựng giá trị tài sản thực cho bản thân nhà đầu tư trong 5 năm, 10 năm thậm chí 20-30 năm. Nhà đầu tư Gen Z có thể trải nghiệm những cuộc chơi trước mắt, ngắn hạn và cảm thấy hưng phấn về điều đó, nhưng cuối cùng trong đầu tư "không để mất tiền" vẫn quan trọng nhất, điều đó có nghĩa là tài sản đầu tư của bạn luôn luôn tăng qua từng năm.
Xin cám ơn anh!
Bạch Huệ