(Tổ Quốc) - Sau khi đã hoàn tất phần thoát vốn toàn bộ tại công ty tư vấn tiếp thị truyền thông mình gây dựng cho tập đoàn Edelman, tập đoàn quan hệ công chúng hàng đầu thế giới, anh Bùi Ngọc Anh đã không dự định quay lại điều hành doanh nghiệp. Thế nhưng, niềm đam mê khởi nghiệp vẫn không bị dập tắt, thôi thúc anh quay lại thương trường và thành lập Skinetiq – chuyên về mỹ phẩm và lifestyle, năm 2020.
Dù không xuất hiện quá nhiều trên truyền thông, song hầu như trong ngành tiếp thị truyền thông Việt, ai cũng biết đến anh Bùi Ngọc Anh.
Bởi anh có thể được xem là một tấm gương khởi nghiệp thành công trong ngành này, khi bán lại AVC Communications cho Edelman vào năm 2012 và tập đoàn PR lớn nhất thế giới này đã giữ anh làm Giám đốc điều hành của họ tại Việt Nam, và sau 4 năm dẫn dắt, anh đã giúp Edelman Việt Nam tăng gấp đôi quy mô.
Sau khi rời Edelman Việt Nam năm 2016, với nhiều năm cống hiến cho ngành truyền thông Việt, anh dự định sẽ không quay lại điều hành bất cứ doanh nghiệp nào nữa.
Với niềm đam mê khởi nghiệp, anh chuyển hướng sang làm nhà đầu tư ‘thiên thần", đầu tư vào những công ty mà anh nhận thấy có nhiều bước phát triển đột phá về công nghệ trong giới khởi nghiệp và anh cũng đã thoát vốn thành công ở một trong những công ty mình đã đầu tư.
Tuy nhiên, sau vài năm xông pha ở ‘chiến trường’ đầu tư, anh nhận ra là mình không quá yêu thích công việc này, đồng thời tự cảm thấy mình đang lãng phí nguồn lực của bản thân.
"Nếu tiếp tục đầu tư khởi nghiệp tôi không nghĩ tôi mang lại giá trị nhiều cho các công ty tôi đầu tư vì tôi sẽ không trực tiếp đóng góp kiến thức và kinh nghiệm vào sự phát triển của các công ty đó. Tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi mình tham gia trực tiếp vào việc xây dựng và vận hành một công ty theo định hướng mong muốn", anh Bùi Ngọc Anh chia sẻ với chúng tôi.
Anh Bùi Ngọc Anh - Founder và CEO của Skinetiq
Lý do anh chọn thị trường mỹ phẩm – chăm sóc da cá nhân để thử sức ở lần quay lại này, vì đây là thị trường rất lớn và đầy tiềm năng. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Statista, thị trường làm đẹp và chăm sóc cá nhân tại Việt Nam đã tăng từ 2 tỷ USD năm 2018 lên 2,3 tỷ USD vào năm 2022. Ước tính, vào năm 2024, thị trường này sẽ cán mốc 2,8 tỷ USD.
Hơn nữa, bức tranh của thị trường này đã thanh đổi rất nhanh vì sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, của thương mại điện tử (TMĐT), thói quen mua sắm online ngày càng tăng, cùng sự ảnh hưởng rất lớn của các KOL đối với người tiêu dùng.
Chính những thay đổi nói trên đã tạo ra những mô hình kinh doanh mới, trong đó có mô hình bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng và đó là cơ hội cho các thương hiệu Việt có cơ hội phát triển và cạnh tranh với các thương hiệu chăm sóc sắc đẹp nước ngoài đang làm mưa làm gió tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trên thế giới, các thương hiệu cá nhân (indie-brand) trong nghành làm đẹp phát triển rất mạnh mẽ.
CÀNG CÓ KINH NGHIỆM, CÀNG PHẢI HỌC
Mặc dù có tầm nhìn rõ ràng về những gì mình muốn làm, nhưng đây là lĩnh vực mới nên anh không bắt tay xây dựng thương hiệu của riêng mình ngay mà muốn thử phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử để rút ra được những bài học tiếp thị quan trọng.
"Cho dù, tôi đã nghiên cứu nhiều về sự thay đổi của ngành làm đẹp, nhưng tôi lại chưa thật sự sống trong thị trường làm đẹp hay thị trường skincare, cho nên tôi luôn cần có đồng nghiệp thật giỏi trong lĩnh vực này. Và may mắn tôi là tôi gặp được Hannah Nguyễn - beauty blogger số 1 Việt Nam về bán hàng, rồi cả hai có cơ hội hợp tác cùng nhau.
Trước khi ra thương hiệu của mình, để không phải trả học phí quá nhiều, thì việc trở thành nhà phân phối của một thương hiệu nào đó trong ngành luôn rất quan trọng, nhất là với thị trường tăng trưởng và thay đổi nhanh như thương mại điện tử tại Việt Nam", CEO Skinetiq khẳng định.
Với kiến thức và lợi thế của công ty, anh cùng Skinetiq đã không gặp nhiều khó khăn khi phân phối và giúp thương hiệu AHC, một thương hiệu của Hàn Quốc được Unilever International mua lại, tăng trưởng rất nhanh tại thị trường trong vòng hơn 2 năm qua.
Cụ thể trong 2 năm vừa qua, dù vướng Covid-19, song nhờ lợi thế về cộng đồng lớn theo dõi Hannah Nguyễn, cùng các chiến dịch marketing bài bản và năng lực triển khai bán hàng tốt trên các sàn TMĐT, AHC trở thành một thương hiệu tầm trung được nhiều người biết đến tại Việt Nam – cùng tốc độ tăng trưởng 80% đến 100%/năm.
Nhờ cách tiếp cận bán hàng hiệu quả của Skinetiq với AHC, rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm – skincare – làm đẹp khác đã đến đề nghị hợp tác cùng Skinetiq.
Anh Bùi Ngọc Anh và Co-Founder Hannah Nguyễn
"Khi nghe nhiều lời đề nghị làm đối tác đến từ rất nhiều bên, tôi khá vui nhưng chúng tôi không vội và và chỉ nhận phân phối các thương hiệu phù hợp với tiêu chí của công ty.
Tôi không muốn trở thành một nhà phân phối mỹ phẩm hay các sản phẩm làm đẹp chuyên nghiệp, mà tôi muốn phát triển song song cả mảng phân phối lẫn tự phát triển các thương hiệu riêng của công ty, vì chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội để phục vụ khách hàng ở các phân khúc khác nhau còn bỏ ngỏ" cựu CEO Edelman Việt Nam bày tỏ.
Mục tiêu của Skinetiq là tạo ra một công ty bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, có khả năng phân phối và sở hữu nhiều thương hiệu làm đẹp khác nhau; nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng và phân khúc khác nhau của người tiêu dùng tại thị trường nội địa và có thể tiến ra khu vực.
Cũng theo anh, nếu Skinetiq đã thật sự am hiểu về marketing, TMĐT, công nghệ phân tích dữ liệu để tăng trải nghiệm khách hàng, thì việc triển khai sang các lĩnh vực khác như sức khoẻ và thời trang cũng rất dễ dàng.
ĐÁNH VÀO THỊ TRƯỜNG NGÁCH VÀ TẠO RA SẢN PHẨM VỚI NHIỀU LỢI THẾ CẠNH TRANH NỔI BẬT
Tuy nhiên, đó là bức tranh của tương lai xa, nhiệm vụ trước mắt của anh Bùi Ngọc Anh và Skinetiq là làm sao tạo được chỗ đứng cho thương hiệu tự xây đầu tiên – Candid, tại Việt Nam hay xa hơn là Đông Nam Á.
"Nguyên tắc của tôi và Skinetiq là không tạo ra những dòng sản phẩm hoặc tiến vào những phân khúc có quá nhiều sự cạnh tranh giữa các ‘ông lớn’. Làm vậy là tự giết mình!
Vậy nên, sau rất nhiều lần gặp gỡ và bàn bạc với Co-founder Hannah Nguyễn, chúng tôi quyết định chọn lựa chọn phân khúc dưỡng da sử dụng hoạt chất như retinol, cũng là một xu hướng phát triển nhanh trên thế giới và ở Việt Nam. Hiện tại, các dòng sản phẩm retinol với công nghệ vi nang bọc, mặc dù hiệu quả nhưng còn khá đắt và vì vậy, Skinetiq đã nhận thấy cơ hội này để phát triển thương hiệu Candid", anh Bùi Ngọc Anh nói tiếp.
Theo nghiên cứu của beauty blogger Hannah Nguyễn – người có hơn 10 năm xài retinol, thì retinol là một trong dưỡng chất dưỡng da thần kỳ nhất mà chị biết. Minh chứng là dù là con giữa, nhưng Hannah Nguyễn có khuôn mặt trẻ nhất trong 5 anh chị em.
Tuy nhiên, do 2 vấn đề sau mà ít khách hàng Việt có thể tiếp cận retinol: dùng không khéo thì rất dễ bị kích ứng và nếu hàng tốt thì giá quá cao so với khả năng chi trả.
Để giải quyết vấn đề này, ekip của Hannah Nguyễn đã dùng 2 năm nghiên cứu – cải tiến nhằm cho ra sản phẩm ưng ý. Theo đó, Hannah Nguyễn và Candid đã ứng dụng công nghệ retinol bọc vi nang với giá thành hợp lý hơn. Lợi ích của công nghệ vi nang bọc mà các dòng cạnh tranh cùng phân khúc của đối thủ không có: đó là giúp giải phóng hoạt chất từ từ, hoà hợp với nhịp sinh học của da, tối thiểu kích ứng với hiệu quả tối ưu.
Hơn nữa, để đảm bảo chất lượng của sản phẩm ở mức cao nhất, họ đã tìm đến với Kolmar Korea để hợp tác sản xuất. Tập đoàn Kolmar là một trong những nhà sản xuất mỹ phẩm lớn nhất nhì thế giới, gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới như Innisfree, AHC, Nature Republic, Maybeline, Lancome…
"Thương hiệu Candid ra đời lai giữa OEM và ODM, chúng tôi đã cùng Kolmar nghiên cứu và hoàn thiện danh mục sản phẩm của mình như retinol, BHA hay AHA (các sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học).
Tất nhiên, để thuyết phục Kolmar Korea hợp tác cùng Candid là không dễ. Ở tầm cỡ của họ, cứ không phải có tiền là họ sẽ đồng ý làm cùng, mà họ sẽ nhìn vào tiềm lực, quyết tâm và uy tín của đối tác rồi mới có quyết định cuối cùng", anh Bùi Ngọc Anh kể.
Ở khía cạnh khác, bản thân anh cũng thú nhận là anh không quan tâm nhiều đến việc sản phẩm của Candid bán được bao nhiêu khi ra mắt, với sự tài giỏi của Co-Founder Hannah, nhiều khả năng Candid sẽ được khách hàng Việt chào đón nồng nhiệt; anh chỉ lo lắng về việc làm thế nào để có lượng khách hàng trung thành và gia tăng quy mô của thương hiệu.
Một thương hiệu muốn tồn tại và phát triển bền vững thì phải có lượng khách hàng trung thành quay lại mua sản phẩm thường xuyên. Mà muốn khách hàng quay lại, buộc chất lượng của sản phẩm phải tốt – không nổi trội thì cũng phải bằng mức chung của thị trường; còn sự ủng hộ của fan Hannah Nguyễn là rất tuyệt - nhất là lúc thương hiệu mới ra đời, nhưng không thể gánh gồng tất cả.
Sự khác biệt giữa mô hình bán hàng truyền thống và direct to consumer.
Vậy nên, việc tìm tới những nhà sản xuất như Kolmar Korea là điều bắt buộc phải làm với Candid, dù có khó hơn nữa cũng không thể bỏ cuộc! Ngoài chất lượng, thì mẫu mã bao bì được Skinetiq thiết kế trông cũng vô cùng hợp thời và cao cấp.
Còn vấn đề thứ hai được giải quyết bằng mô hình bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng (direct to consumer), thay vì qua trung gian như trước kia.
"Lý do khiến sản phẩm của Candid có chất lượng cao cấp nhưng chúng tôi có thể bán với giá trung cấp là bởi đã triển khai được mô hình bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Với mô hình này, chúng tôi có thể tiết kiệm được nhiều chi phí phân phối và tiếp thị. Tức là chúng tôi sẽ trực tiếp quản lý các kênh bán hàng của mình qua website và các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee hay mạng xã hội Facebook, TikTok…
Đối với các sản phẩm làm đẹp, việc tư vấn sản phẩm đóng vai trò sống còn trong hoạt động bán hàng; nên việc bán hàng qua livestream, tư vấn khách hàng qua tin nhắn và sử dụng dữ liệu để phân tích khách hàng, giúp nâng cao trải nghiệm rất quan trọng.
Và đó là những năng lực mà công ty chúng tôi đang tập trung xây dựng, còn việc giao hàng sẽ do một đối tác logistics cho ngành TMĐT ở bên ngoài phụ trách. Họ sẽ được tích hợp vào hệ thống bán hàng của Skinetiq, khi có phát sinh đơn hàng, họ sẽ tự soạn hàng và đi giao hàng, còn chúng tôi sẽ quản lý họ", doanh nhân kỳ cựu này phân tích.
Anh Bùi Ngọc Anh cho rằng: mình đã tìm ra được hướng đi hiệu quả để một thương hiệu skincare Việt Nam có thể thâm nhập thị trường và có cơ hội tranh đua cùng đối thủ để khắp thế giới. Đầu tiên là có một beauty blogger am hiểu về nghành làm đẹp kết hợp với một người am hiểu về quản trị kinh doanh; thứ hai là tạo ra được sản phẩm chất lượng toàn cầu với giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, đó là lý thuyết còn thực tế thì phải đợi khi Candid thêm vài tuổi thì mới biết công thức nói trên của vị doanh nhân dày dạn kinh nghiệm này đúng hay sai.
Quỳnh Như