(Tổ Quốc) - Café organic có lẽ là cụm từ lạ lẫm với đại đa số người Việt, tuy nhiên, lại có một lão nông đang âm thầm hiện thực giấc mơ đó như cách mà người Nhật đã trồng ra loại táo Kimura. May mắn, giấc mơ đó đã tìm được sự đồng hành của một doanh nghiệp cùng chia sẻ tầm nhìn về “cuộc cách mạng” cho café Việt.
Những cái Tết thấp thỏm trong "nợ"
Năm 1990, tay trắng, chú Nhiên đưa vợ con vào Lâm Hà, Lâm Đồng để lập nghiệp. Giống hàng trăm, hàng nghìn gia đình đi kinh tế mới khác, vợ chồng chú lại chọn cách trồng cà phê để mưu sinh cùng giấc mơ thoát nghèo.
Tuy nhiên, khác với hầu hết mọi người, chú Nhiên nói không với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Cà phê sạch như có sức hút kỳ lạ, thôi thúc chú theo đuổi tới mức có thời điểm gia đình như tán gia bại sản, phải chui vào trong rừng sống qua ngày. Những cái tết ngập đầu trong nợ chẳng phải điều gì lạ lẫm với gia đình người nông dân gốc Bắc ấy.
Như một lẽ tất nhiên, những cây cà phê không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học trở nên còi cọc, sâu bệnh và vô cùng ít trái. Những vụ mùa thất bát liên miên không chỉ làm gia đình chú ngập đầu trong nợ mà còn khiến hai vợ chồng cãi nhau gắt gỏng. Sức chịu đựng của con người có giới hạn, không ít lần, chú Nhiên nghĩ tới việc buông xuôi.
Tuy nhiên, duyên nợ với cà phê sạch đã giữ chú Nhiên trụ vững trước những lời dị nghị. Việc không vay được tiền, lời ra tiếng vào vì cách làm chẳng giống ai hay cả những lười chê bai cho rằng vợ chồng chú "lười, không chịu dọn vườn để cỏ mọc tới đầu" cũng không khiến chú xiêu lòng. Thậm chí, nó còn khiến người đàn ông này trở nên kiên định hơn.
Cuối cùng, bước ngoặt trong hành trình theo đuổi cà phê sạch của chú Nhiên cũng đã tới. Khoảng năm 1998, chú tình cờ đi ngang qua vườn café bỏ hoang nhưng điều kỳ lạ là chúng rất tươi tốt, sai quả và không có sâu bệnh. Chú nghĩ rằng gen của những cây này rất khoẻ mạnh nên nhanh chóng lấy mầm chồi của những cây này về để ghép vào thân cây café trong vườn nhà. Để bón phân cho cây, chú sử dụng phân heo hay phân bò trộn với vỏ trấu và dùng trấu café bị bỏ lại ở các vườn khác.
Ảnh:phát minh ghép nhiều cây cà phê vào 1 thân làm tăng sức sống kì lạ cho vườn cây 30 năm không dùng thuốc
Sự kiên trì suốt 6 năm của người nông dân cuối cùng cũng đã được đền đáp, khi cây café của chú Nhiên khoẻ mạnh, ra nhiều quả và năng suất cả vườn cao hơn. Một số gốc câu vẫn bị sâu bệnh nên khiến cây không thể tồn tại được lâu. Do đó, chú trồng cây con bên cạnh cây lớn và cạo vỏ, buộc thân 2 cây với nhau để chúng "liền da" giúp cây non hút chất dinh dưỡng cho cây lớn. Nhờ thế, giun và côn trùng tập trung nhiều vào phần gốc để ăn sâu bệnh, giúp cây hấp thụ chất tốt hơn. Cứ như vậy, 28 năm liền vườn của chú Nhiên không khác gì vườn cây bonsai và rất khoẻ mạnh mà không cần đến chất hoá học.
Ảnh: những con giun giúp sức cho Chú Nhiên làm tơi xốp cho đất tự nhiên 30 năm qua
Sự tương đồng kỳ lạ giữa Café organic Việt với táo sạch Kimura của Nhật
Cũng như người "khai sinh" ra những trái táo diệu kỳ mang tên Kimura ở Nhật Bản, tạo ra sự khác biệt là một hành trình gian truân. Ở thời gian đầu của quá trình nghiên cứu và trồng một vườn táo sạch hoàn toàn, vườn cây của ông Kimura Akinori liên tục bị sâu hại tấn công. Gia đình ông gồm 4 người dành cả ngày chỉ để bắt sâu nhưng vườn cây vẫn tiêu điều khi không dùng chất hoá học. Lão nông Nhật khi đó phải bán xe tải, xe riêng, ăn cỏ dại vì rơi vào cảnh bần cùng.
Tuyệt vọng, ông Kimura định tìm đến cái chết trên núi Iwaki. Nhưng tình cờ thay, ông lại tìm thấy một cây táo mọc rất tươi tốt ở ngay sườn núi, xung quanh gốc cây có nhiều côn trùng, sâu bệnh và nấm. Ông Kimura nhanh chóng phát hiện ra yếu tố quyết định ở đây là sự phát triển nguyên bản của tự nhiên. Từ đó, ông không bắt sâu bệnh, cỏ dại trong vườn nữa và trồng thêm cây đậu, để cây táo mọc hoàn toàn tự nhiên. Thành quả tuyệt vời đến vào năm thứ 11, trái táo của ông không bị biến dạng và thậm chí vẫn giữ nguyên vị ngọt khi để trong 2 năm. Nhờ đó, táo nhà Kimura được gọi là "trái táo phép màu".
Còn với chú Nhiên, điều mà người nông dân này ấp ủ không chỉ là thu hoạch được những hạt café "ngọt". Chú mong muốn phát triển mô hình trồng café sạch của mình cho cả các nông dân khác và đưa sản phẩm này tiếp cận với thị trường bên ngoài, đến tay những người dùng yêu thích hàng "organic".
Suốt 10 năm kể từ 2005, chú đã gửi hàng chục bức thư tay đến Bộ trưởng Nông nghiệp khi đó là ông Cao Đức Phát để chia sẻ tâm huyết của mình về nông nghiệp sạch, triết lý sử dụng đất tự nhiên, trình bày về cách nông dân làm thế nào để giảm chi phí đồng thời tăng năng suất.
Chú muốn cống hiến thành quả của mình cho xã hội, mong một ngày nào đó có thể giúp nông nghiệp Việt Nam cũng phát triển không kém các quốc gia như Nhật Bản và Israel. Dẫu vậy, những bức thư chú gửi đến Bộ Nông nghiệp trong 10 năm ấy đều không có hồi âm. Không nản lòng, đến năm 2016, vợ chồng chú đến tham quan Lễ hội café Buôn Mê Thuột và "liều" mua một giàn máy sản xuất café sơ chế với giá gần 200 triệu đồng. Khi đã thu hoạch được hạt café, vợ chồng chú Nhiên mang sản phẩm của mình đến các lễ hội hoa ở Đà Lạt hay lễ hội café Đắc Lắk để giới thiệu đến người tiêu dùng, nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Café ngọt sau nhiều năm ròng nếm trái đắng
Giấc mơ tưởng chừng đi vào ngõ cụt vì không thể tìm được đầu ra, nhưng điều kỳ diệu đã tìm đến chú Nhiên. Anh Hoàng Việt - chủ một hệ thống kinh doanh café ở Lâm Hà là Laha Café, đã tìm gặp chú ngay sau khi nghe câu chuyện của người nông dân này. Sau 2 năm trao đổi về quy trình sản xuất, anh Việt nhận thấy chất lượng những hạt café của chú Nhiên là cực kỳ tốt, còn có hương vị đậm chất tự nhiên, hạt chắc, thơm và không bị xốp.
Tìm được người cùng chia sẻ tầm nhìn, cà phê của chú Nhiên được anh Việt đầu tư, làm giấy chứng nhận sản phẩm organic. Chưa dừng lại ở đó, Laha Café quyết định mua toàn bộ sản lượng của chú Nhiên với giá có loại cao hơn 200% so với thị trường. Thương hiệu cà phê của chú Nhiên sau đó đã ra đời, có mặt ở các cửa hàng của anh và sắp tới sẽ được bày bán ở các siêu thị, trang thương mại điện tử trong nước….
Chú nhiên say mê trình bày về hệ sinh thái tự nhiên trong đất 30 năm trồng tự nhiên
Thậm chí, thương hiệu cà phê của chú cũng đang được mở đường ra với thế giới khi được anh Việt đầu tư, phát triển bán hàng trên trang thương mại điện tử Amazon. Nó mở ra cơ hội giúp cà phê sạch của người Việt tiếp cận khách hàng toàn cầu và khẳng định với thế giới rằng người Việt cũng có những sản phẩm đẳng cấp toàn cầu, chẳng khác gì táo Kimura của người Nhật.
Nhằm giúp nhiều người Việt hơn có cơ hội trải nghiệm cà phê sạch, anh Việt cũng sẽ đưa sản phẩm mới vào chuỗi cửa hàng của mình. Trong bối cảnh thị trường sản phẩm organic đang ngày càng được người Việt ưa chuộng, thương hiệu cà phê này cũng đang có cơ hội bùng nổ hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, Laha Café đã cùng chú Nhiên lên kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất loại café đặc biệt sạch, không thuốc trừ sâu, không phân bón hoá học và thuốc diệt cỏ, giúp người nông dân nào cũng có thể làm được. Mục tiêu của anh là giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận với những sản phẩm chất lượng cao, giá thành chỉ tương đương các loại café khác. Cùng với đó là ấp ủ kế hoạch xuất khẩu café organic "made in Việt Nam" ra thế giới.
Chú Nhiên hạnh phúc hơn khi có người đồng hành tâm huyết.
Mong ước suốt 30 năm của chú Nhiên giờ đây đã thành hiện thực, người nông dân này vẫn chưa tin được rằng một ngày nào đó những hạt café mà mình gieo trồng, thu hoạch sẽ có mặt ở mọi nơi trên thế giới. Quá trình "vấp ngã, làm lại từ đầu" của nông dân trồng táo Kimura ở Nhật Bản hay chú Nhiên là câu chuyện có thể truyền cảm hứng cho những người nông dân đang rơi vào vòng xoáy "được mùa - mất giá, được giá - mất mùa và bị ép giá khi chất lượng sản phẩm kém".
Ánh Dương