(Tổ Quốc) - Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng việc vận tải hàng hóa quốc tế được thực hiện trở lại bằng tuyến đường sắt là cơ hội mới mở ra cho ngành vận tải đường sắt.
Thị trường chứng khoán luôn chứa đựng những điểm bất ngờ. Thống kê vừa thực hiện của chúng tôi cho thấy có cổ phiếu của 2 công ty cung ứng dịch vụ đường sắt bất ngờ đồng loạt tăng mạnh, giúp nhà đầu tư lãi đậm ngay trong bối cảnh doanh nghiệp vừa báo lỗ cho kỳ kinh doanh 9 tháng đầu năm và ngay trong bối cảnh cổ phiếu bấy lâu nay chẳng được nhiều nhà đầu tư quan tâm do thanh khoản èo uột.
2 cái tên chúng tôi nhắc đến đó là: Cổ phiếu HRT của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và cổ phiếu SRT của Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn. Cả 2 cổ phiếu này đều giao dịch trên sàn UpCOM.
Bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HRT, SRT tăng mạnh mẽ
Theo báo cáo tài chính vừa được các doanh nghiệp công bố, Đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ gần 38 tỷ đồng nhưng mức lỗ đã giảm một nửa so với cùng kỳ, doanh thu cũng giảm hơn một nửa còn 132,4 tỷ đồng. Kết quả giảm lỗ của công ty đến từ nỗ lực cắt giảm chi phí.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu SRT vẫn giảm 33% so với cùng kỳ, còn gần 649 tỷ đồng. Nhờ chi phí vốn giảm, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nên lỗ 9 tháng còn hơn 61 tỷ đồng, giảm được gần một nửa so với số lỗ 113 tỷ đồng cùng kỳ.
Doanh thu quý 3 của Đường sắt Hà Nội (HRT) cũng giảm 38% so với cùng kỳ, còn 283 tỷ đồng. Cũng giống như SRT, nỗ lực cắt giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp để chống chọi với nhu cầu vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 giúp Đường sắt Hà Nội chỉ còn lỗ hơn 12,7 tỷ đồng, giảm lỗ 35 tỷ đồng tương ứng giảm lỗ khoảng 73% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, HRT đạt 1.081 tỷ đồng doanh thu, giảm 26,7% so với cùng kỳ. HRT tiếp tục báo lỗ nhưng mức lỗ đã giảm so với cùng kỳ 2020.
Tuy thua lỗ nhưng cổ phiếu của 2 công ty đường sắt đều bật tăng mạnh mẽ. Nếu mua từ vùng giá dưới 5.000 đồng chỉ mới 3 tháng trước, nhà đầu tư đã nhân đôi được tài khoản khi HRT, SRT đều đã vượt mệnh giá vào ngày hôm nay!
Biến động giá cổ phiếu HRT 3 tháng qua
Biến động giá cổ phiếu SRT 3 tháng qua
Đi tìm nguyên nhân giá cổ phiếu ngành đường sắt tăng mạnh
Câu chuyện giá cước vận tải biển liên tục tăng, giá xăng dầu tăng đồng thời nhiều cảng biển trên thế giới đang rơi vào cảnh "ùn tắc" khiến dòng chảy hàng hóa lưu thông không còn suôn mượt như trước đây nữa đang ngày càng trở nên nóng bỏng. Bài toán khó toàn cầu đặt ra cũng không dễ gì giải được trong thời gian ngắn.
Trong suốt mấy năm trở lại đây, hầu như ngày nào truyền thông cũng nhắc về câu chuyện logistics, chuỗi cung ứng...và đa phần các vấn đề được đặt ra đều mang tính chất đưa ra bài toán khó còn lời giải khá hiếm hoi.
Vận tải hành khách năm 2020 sơ bộ đạt 3.712 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 22,3% so với năm trước. Xét theo ngành vận tải, vận chuyển hành khách đường bộ giảm 22,4%; đường thủy giảm 16,5%; hàng không giảm 41,3%; đường sắt giảm 54%. Các doanh nghiệp vận tải cố gắng cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh với hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế trong năm 2021.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra từ cuối tháng 4/2021 với tốc độ lây lan nhanh chóng tại các tỉnh miền Nam khiến cho hoạt động vận tải hành khách lại càng thêm điêu đứng. Doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ và đường sắt cầm cự, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhu cầu hành khách đi lại giảm mạnh buộc ngành đường sắt phải tiếp tục cắt giảm nhiều tuyến tàu khách.
Tuy nhiên, có lẽ, cơ hội đang trở nên rộng mở với ngành đường sắt khi mới đây, cái khó của ngành vận tải biển lại ló cái khôn trong việc hoạch định đem ngành đường sắt về với vai trò vận chuyển hàng xuất khẩu.
Trong các cuộc họp mới đây của các bộ ban ngành đã thống kê dự báo 5 tháng cuối năm, xuất khẩu cà phê tục tập trung ở hai thị trường lớn là EU chiếm 40% sản lượng cà phê xuất khẩu và Mỹ chiếm 20% sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay giá cước vận chuyển đường biển các tuyến Châu Á sang Châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn không được khắc phục và dự kiến sẽ kéo dài tiếp. Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB, mà muốn người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm… khiến xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn. Đây không chỉ là khó khăn của riêng Việt Nam mà hầu hết các nước xuất khẩu trong khu vực Đông Nam Á đều có chung khó khăn về logictics.
Để tháo gỡ vấn đề logistics, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) vừa gợi ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển hàng hóa theo đường sắt để giảm chi phí và gánh nặng vận tải. Thời gian vận chuyển sang Mỹ, EU kéo dài tới 25 – 27 ngày song giá cả hợp lý và đặc trưng cà phê xuất khẩu dạng khô, chất lượng không bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển nên gợi ý này đang được tính đến.
Không chỉ thế, trong nhiều kiến nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thời gian qua thì rất nhiều ý kiến đã mong rằng vận tải đường sắt sẽ góp phần giải bài toán khó trong vận chuyển hàng quốc tế.
Tháng trước (tháng 10/2021), thông tin chuyến tàu chở container chạy thẳng từ Việt Nam đi Châu Âu khởi động trở lại đã khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng, bài toán khó của logistics sẽ được phần nào tháo gỡ.
Tuy nhiên, tháo gỡ được đến đâu và như thế nào vẫn còn là câu chuyện dài hơi bởi lẽ, để giải được bài toán đường sắt cũng không phải câu chuyện dễ dàng.
Phương Chi