(Tổ Quốc) - Tại thời điểm cuối quý 2/2022, số tiền Thép Tiến Lên rót vào thị trường chứng khoán tiếp tục tăng.
Thép Tiến Lên lỗ nặng vì đầu tư chứng khoán
Trong thời gian gần đây, ngành thép gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu sụt giảm mạnh của thị trường. Cùng với đó, đà tăng phi mã của mặt hàng này đã lao dốc liên tục. Theo thống kê, trong 10 tuần liên tiếp, thép đã được điều chỉnh giảm giá cả 10 tuần.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,69 triệu đồng/tấn và 16,39 triệu đồng/tấn. Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn xuống còn 15,55 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn còn 15,55 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn. Với thép Kyoei, giá là 15,5 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau khi giảm 310.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn theo thứ tự.
Như vậy, trong 10 tuần, giá thép giảm 10 lần với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,6 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Việc giảm giá mạnh của thép xây dựng khiến cho nhiều ông lớn trong ngành gặp khó khăn khi doanh thu sụt giảm. CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) cũng không tránh khỏi xu hướng này.
Theo báo cáo tài chính riêng quý 2/2022, Thép Tiến Lên đạt doanh thu 306,7 tỷ đồng, giảm gần 51% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 57,6 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính tăng đột biến từ 5,6 tỷ đồng lên 63,7 tỷ đồng chủ yếu do trong kỳ ghi nhận 59,5 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia so với cùng kỳ chỉ 240 triệu đồng.
Một trong những điểm đáng chú ý của báo cáo lần này là chi phí tài chính của doanh nghiệp này trong quý tăng mạnh, lên mốc 64,57 tỷ đồng, trong khi quý trước đó chỉ là 10,48 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty đã dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 54,4 tỷ đồng trong khi con số cùng kỳ chỉ 2,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 2/2022, số tiền Thép Tiến Lên rót vào thị trường chứng khoán tiếp tục tăng, 11,8 tỷ đồng so với cuối quý 1 và tăng 51,6 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 148,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị hợp lý của số cổ phiếu này chỉ là 86,8 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc công ty tạm lỗ lên đến hơn 61 tỷ đồng.
Trong danh mục Chứng khoán kinh doanh của Thép Tiến Lên, có một số mã cổ phiếu đáng chú ý như: SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, VIX của Công ty cổ phần chứng khoán VIX, LIC của Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Điều đáng nói là, trong quý 2, khi Thép Tiến Lên liên tục đổ tiền mua cổ phiếu cũng là thời điểm 3 mã cổ phiếu trên đang trên đà đi xuống và ở thời điểm hiện tại, dù có lên giá đôi chút nhưng vẫn thấp hơn so với quý 1/2022.
7 tháng, cổ phiếu "bay" hơn 50% giá
Cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu TLH của Thép Tiến Lên cũng sụt giảm giá mạnh từ đầu năm đến nay. TLH đã tăng giá mạnh từ giữa tháng 7/2021, từ vùng 14.000 đồng/cổ phiếu lên mốc hơn 24.000 đồng trong tháng 10/2022. Tuy nhiên, đà giảm giá bắt đầu từ tháng 12 và kéo dài cho đến thời điểm hiện tại.
Tại phiên giao dịch ngày 26/7/2022, cổ phiếu này ở mức 9.040 đồng. Như vậy, so với đỉnh giá 24.200 đồng được thiết lập ngày 28/10/2021 thì cổ phiếu TLH đã mất 62% giá trị. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, mã này cũng "bay" 55% thị giá.
Biến động giá cổ phiếu TLH trong 1 năm qua. Nguồn: Cafef.
Trong năm 2022, Thép Tiến Lên đặt kế hoạch tổng doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,4% và giảm 34,2% so với thực hiện trong năm 2021.
Theo TLH, dự báo giá nguyên, nhiên liệu sản xuất thép sẽ tiếp tục tăng ở mức cao trong năm 2022 nên dẫn đến giá thép có thể sẽ tiếp tục neo cao.
Khi nhu cầu trong nước khôi phục với các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ và giá nhiên liệu tăng mạnh khiến các nhà sản xuất phải điều chỉnh giá tăng cao hơn dự kiến sẽ là nhân tố khiến tình hình kinh doanh của Thép Tiến Lên thuận lợi hơn.
Pha Lê