(Tổ Quốc) - Inamori Kazuo được xem là một huyền thoại của giới kinh doanh Nhật Bản, ông cũng là một doanh nhân nổi tiếng thế giới. Trong mắt ông, khiêm tốn, biết ơn cuộc đời và không ca thán chính là cách để cuộc sống nhẹ nhàng, từ đó đạt được cảnh giới cao của cuộc đời.
Tất cả chúng ta đều ghét những người quá tự cao, và chính bản thân chúng ta cũng không thể vượt qua sự ích kỷ và hẹp hòi của mình. Đây là một khuyết điểm thâm căn cố đế của con người. Thế tại sao chúng ta lại cảm thấy những người tự cao tự đại thật đáng ghét?
Bởi vì những người như thế thường coi mình là cái rốn của vũ trụ và những người khác là những tiểu hành tinh vây quanh hắn. Mọi người xung quanh nên yêu thích hắn và giúp đỡ hắn: “Khi tôi làm đúng, họ nên khen ngợi và tán thưởng tôi; còn nếu tôi làm sai, họ không được phê bình hay chỉ trích tôi.”
Người có tính cách này thường coi sự giúp đỡ của người khác cho hắn là điều hiển nhiên, và khi gặp nghịch cảnh, hắn ta có xu hướng đổ lỗi cho người khác.
Trên thực tế, những người như thế nghĩ họ là ai? Thế giới này rất nhiều người, ai cũng là một cá nhân duy nhất, vậy họ nghĩ họ có giá trị và đóng góp độc tôn nào?
Inamori Kazuo nói rằng cuộc sống là một cuộc tu hành, và tâm trí con người là tất cả. Ai trong chúng ta đều phải biết ơn cuộc sống, dù đó là thành công hay thất bại:
Ngay cả khi chúng ta đang may mắn và mọi thứ đều như ý, chúng ta sẽ nói “cảm ơn” ư? Thực tế, chúng ta thường không làm vậy. Chúng ta thường coi đó là điều hiển nhiên, và thậm chí nhiều người sẽ bắt đầu không cảm thấy thỏa mãn. Inamori Kazuo cho rằng khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, cũng đừng coi đó là điều hiển nhiên, đừng có lòng tham vô đáy!
Bạn biết đấy, dù bây giờ có thuận buồm xuôi gió đến đâu thì hiện trạng này cũng không thể kéo dài mãi được. Vì vậy, chúng ta không được ham danh lợi hay tự cao tự đại, chúng ta phải khiêm tốn, nghiêm túc tiết chế lời nói và việc làm của mình. Một điều nữa, chúng ta không được quên tấm lòng tri ân”.
Người xưa thường nói “Kiêu căng tự mãn chuốc lấy tổn hại, khiêm nhường được nhận thêm lên”, câu nói này quả không sai
Nhiều người đã quên mất cách nói hai từ “cảm ơn” cuộc đời. Nếu họ thành công, họ sẽ tự thổi phồng mình lên, họ sẽ trở nên đắc ý và cảm thấy tuyệt vời. Nhưng đừng quên, thành công của chúng ta là nhờ vào “thiên thời địa lợi” và những ý tố khách quan khác. Người xưa thường nói “Kiêu căng tự mãn chuốc lấy tổn hại, khiêm nhường được nhận thêm lên”, câu nói này quả không sai.
Khiêm tốn khi không có gì trong tay thì dễ, khiêm tốn khi đã thành công mới khó
Trên thực tế, quá trình chuyển đổi từ khó khăn sang thuận lợi và từ thuận lợi sang khó khăn thường liên quan đến tâm thái của con người. Trong một cuốn sách, Inamori Kazuo đã chia sẻ một bí quyết sống rất đơn giản:
“Bất kể khi nào, bất kể xảy ra chuyện gì, chúng ta phải bày tỏ lòng biết ơn của mình.” Hãy khắc ghi nguyên tắc sống này trong tim. Hãy chuẩn bị sẵn tâm lý để có thể thốt ra lời “cảm ơn” bất cứ lúc nào. Vấn đề này nói thì dễ “nhưng trong công việc và cuộc sống, có rất ít người có thể giữ vững nguyên tắc này mà không thay đổi”.
Thế nào là “rồng bay quá cao sẽ có lúc hối”? Đôi khi, sự thất vọng và nghịch cảnh đến với con người là để đánh thức và mài dũa trái tim của họ.
Khi nghịch cảnh và khó khăn xảy ra, đó chính là cơ hội tuyệt vời để bày tỏ lòng biết ơn.
Bởi khi dưới môi trường và hoàn cảnh khắc nghiệt này, chúng ta mới có cơ hội rèn luyện tâm trí và gọt giũa linh hồn của mình.
Inamori Kazuo nói rằng tất cả những cuộc gặp gỡ trên đời đều là dịp để chúng ta tu dưỡng đức hạnh
Khi gặp sự khắc nghiệt khách quan và sự nghiệt ngã của hoàn cảnh cũng chính là lúc ta hiểu thế nào là “khổ trước sướng sau”. Việc tu dưỡng và tôi luyện tâm hồn không thể tách rời khỏi sự đấu tranh trước những nghịch cảnh của cuộc sống.
Nhưng Inamori Kazuo cũng cảm thấy rất khó để làm được điều đó, ông nói: “Nếu chúng ta không thể đạt đến một mức độ rèn luyện nhất định, chúng ta sẽ thường phàn nàn và ca thán: Tại sao tôi lại phải hứng chịu những chuyện này?”.
Thế nhưng, nếu một người có thể dùng trái tim để thay đổi hoàn cảnh thì người đó đã thành công việc tu dưỡng phẩm hạnh, và trải nghiệm này thật sự không dễ dàng gì mà hoàn thành được. Inamori Kazuo nói rõ rằng lòng biết ơn chân thành trong mọi nghịch cảnh chính là chìa khóa để chúng ta vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó:
“Càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, còn người ta càng dễ phàn nàn, than trách, khiếu nại mọi thứ trên đời. Tuy nhiên, những lời phàn nàn, bất mãn này sẽ đánh một vòng và quay lại với chính chúng ta, chính những lời tiêu cực đó sẽ khiến tình hình tồi tệ này tiếp tục xấu đi.”
Thật ra, khi bạn càng đối mặt với thực tế và chấp nhận nó, bạn sẽ càng sớm tìm ra cách thoát khỏi nghịch cảnh
Và đó chính là thực tế, bạn càng đổ lỗi cho người khác, mọi thứ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại, khi bạn càng đối mặt với thực tế và chấp nhận nó, bạn sẽ càng sớm tìm ra cách thoát khỏi nghịch cảnh.
Thế nên, chúng ta nên tránh nói những lời phàn nàn và không hài lòng dù đó là nói về ưu hay khuyết điểm của chính mình. Chúng ta phải thay đổi suy nghĩ của mình và coi mọi chuyện xảy ra là một bài kiểm tra. Nếu ta càng khiêm tốn, ta sẽ càng biết ơn về tất cả những gì từng đến với cuộc đời.
Nhưng cũng đừng quên, khi bước ra được khỏi nghịch cảnh và đạt được thứ mình muốn, chúng ta cũng đừng quá tự hào về tài năng và năng lực của bản thân. Theo quan điểm của Inamori Kazuo, thành công tạm thời đó chỉ là những thứ vô tình lắng đọng lại trong số vô vàn trải nghiệm của chúng ta. Chúng ta nên sử dụng thành công này để đóng góp cho người khác và xã hội.
Có lẽ, trong phân tích của Inamori Kazuo, cái gọi là thành công của cuộc sống và sự nghiệp, chính là thành công khi đạt được cảnh giới và chuẩn chỉnh cuộc đời của con người.
Như Ý