(Tổ Quốc) - Những tín hiệu tích cực của thị trường BĐS cuối năm 2021, đang gây những lo ngại về cơn sốt đất cục bộ vào đầu năm 2022. Hệ luỵ của những cơn sốt đất là việc BĐS bị “thổi giá, làm giá”, khiến giá BĐS tăng ảo.
Theo các chuyên gia, sốt đất là hiện tượng được lặp đi lặp lại trên thị trường BĐS. Những nhà đầu tư kiếm tiền trong cơn sốt đất là chính đáng, nhưng việc "thổi giá, làm giá" khiến giá BĐS tăng liên tục, tăng bất thường dẫn đến những hệ luỵ lâu dài cho thị trường, cho địa phương nơi có sốt đất.
Hệ luỵ của các cơn sốt đất đã thấy rõ những nă qua. Đầu tiên việc giá đất tăng chóng mặt đã hút nguồn lực lớn của cả nước vào vòng xoáy này, làm giảm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực khác. Nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó.
Đồng thời, tình trạng "thổi" giá đất còn cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương. Bởi lẽ, giá đất tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Chi phí đầu tư, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng sẽ gây khó khăn cho địa phương, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, khi kinh tế trên địa bàn gặp khó khăn, khó phát triển thì giá đất cũng bị kéo giảm, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đã "xuống tiền" trước đó.
Theo các chuyên gia, nếu tình trạng "thổi" giá nhà, đất không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường cũng như các chính sách phát triển nhà ở của nhà nước.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, hệ lụy từ những cơn sốt đất ở các vùng nông thôn là khiến giá đất tăng ảo tại khu vực đó, người dân địa phương không thể yên tâm canh tác, sản xuất. Những người có nhu cầu đầu tư vào trang trại, nông nghiệp cũng gặp khó vì không thể mua đất khi giá đang sốt ảo... và hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bất ổn theo.
Thực tế, sốt đất ảo để lại hậu quả rất nặng nề. Người có nhu cầu thực không thể đủ tiền để mua được nhà, đất vì giá bị đẩy lên quá cao. Người đầu cơ không có nhu cầu ở cũng không bán được đất, vì nếu bán thì lỗ nặng. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều nhà, đất hoang hóa vì không được sử dụng, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực của xã hội.
Những ngày qua, nhiều người lo ngại vì thông tin BĐS liên tục tăng giá ở nhiều nơi trên cả nước. Lo ngại vì đây là thời điểm nền kinh tế đang tìm cách phục hồi sau dịch Covid-19 nên rất khó để diễn ra các giao dịch thật sự.
Những lo ngại về việc BĐS bị "làm giá, thổi giá", có thể tiếp tục gây nên những hệ luỵ khó lường. Chia sẻ về điều này, tại toạ đàm mới đây, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, về cơ bản giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã trôi qua, do đó bức tranh thị trường bất động sản 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại. Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh với hàng loạt dự án đầu tư công được thúc đẩy; pháp lý dự án đã và đang được tháo gỡ; tốc độ đô thị hóa gia tăng theo kế hoạch, từ 45% năm 2025 lê 50% năm 2030... thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là sẽ có nhiều lực đẩy để hướng đến phát triển tích cực. Tuy nhiên, theo ông Lực, "sóng" bất động sản không bao giờ yên lặng, nó sẽ nhấp nhô, nhưng nhấp nhô hình sin biên độ lớn hay nhỏ thì khác nhau. Hiện các thông tin càng ngày càng công khai minh bạch hơn, kể cả thông tin quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng... Vì thế, khả năng làm giá của chủ đầu tư, nhà đầu cơ sẽ ít hơn rất nhiều.
"Có thể sẽ vẫn còn sóng nhấp nhô nhưng không mạnh, không ghê gớm như một vài năm vừa qua đã chứng kiến", ông Lực nhận định.
Cũng chia sẻ trên báo chí, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM) cũng cho hay, năm 2022 chỉ có vấn đề liên quan đến tháo gỡ cho chủ đầu tư về pháp lý. Số dự án, tín hiệu để tạo ra cơn "sốt" ở góc độ đầu tư không rõ ràng trong năm 2022. Chiến lược giá từ góc độ chủ đầu tư, người đầu tư cá nhân sẽ ổn định, tăng trưởng thấp, ít có đợt biến động hay đợt làm giá theo khía cạnh hấp dẫn mang tính thị trường.
Vì thế, theo ông Nghĩa, năm 2022 rất khó có những cơn sốt như đã từng thấy trên thị trường kiểu như bơm giá, thổi giá, đẩy giá.
Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định kịch bản thị trường BĐS năm 2022: Vào nửa đầu năm, nguồn cung mới và sức mua được duy trì ổn định như quý 4/2021, có thể sẽ tăng nhẹ. Đến nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn với cả nguồn cung mới và sức mua. Tuy nhiên, sẽ không có "sốt đất" trong năm 2022 vì Chính phủ đang kiểm soát tốt chính sách tài chính, kiềm chế lạm phát, lãi suất và giá trị đồng nội tệ ổn định trong mấy năm qua, kênh đầu tư thay thế BĐS cũng đa dạng hơn.
Bảo Anh