(Tổ Quốc) - Nhận thấy sự phát triển vượt bậc của ngành thương mại điện tử, Vietnam MarTech xây dựng một báo cáo toàn cảnh các công cụ, công nghệ tốt nhất trong nhằm cung cấp những thông tin đáng tin cậy nhất cho các doanh nghiệp trong ngành.
Theo Statista, giá trị thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong vòng 6 năm qua, từ 5 tỷ USD năm 2015 lên 120 tỷ USD năm 2021 và dự kiến đạt 234 tỷ USD vào năm 2025.
Thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025.
Các chuyên gia nhận định với những tăng trưởng chung cả về tổng giá trị hàng hoá lẫn lượng người dùng, thương mại điện tử Việt Nam đã có một năm vượt đại dịch thành công.
Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng gầm thập kỷ 20" được Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, các khoản đầu tư vào nền kinh tế Internet của Đông Nam Á dự kiến đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2021.
Chỉ trong nửa đầu năm, giá trị thương vụ đã lên tới 11,5 tỷ USD, trong khi cả năm 2020 đạt 11,6 tỷ USD.
Báo cáo trên cũng cho biết, các nhà đầu tư coi Đông Nam Á là một điểm đến đầu tư sinh lợi dài hạn, đặc biệt lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ tài chính, kỹ thuật số tiếp tục thu hút phần lớn các khoản đầu tư (hơn 60% giá trị thương vụ).
Hoạt động giao dịch gia tăng và định giá tăng cao dẫn đến các vòng tài trợ lớn hơn đã thúc đẩy sự ra đời của 11 kỳ lân công nghệ mới vào năm 2021, nâng tổng số kỳ lân lên 23.
Nhu cầu tìm kiếm nguồn thông tin đa dạng và đáng tin cậy trong lĩnh vực TMĐT
Sau hơn 3 tháng triển khai từ nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp và phân loại danh mục công nghệ, báo cáo toàn cảnh các công cụ, công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử (Ecommerce Technology Landscape 2022 for Vietnam Ecommerce Merchants) do Vietnam MarTech xây dựng chính thức công bố phiên bản đầu tiên.
Theo MarTech, thương mại xã hội, quảng cáo bán hàng và phương thức mua hàng thương mại điện tử sẽ phát triển bùng nổ trong năm 2022.
Báo cáo được thực hiện bởi các chuyên gia trong lĩnh công nghệ, tiếp thị, các tổ chức kết nối khởi nghiệp bao gồm:
Đơn vị khởi xướng: Vietnam MarTech (Quản lý bởi Công ty Cổ phần Asia MarTech), đơn vị hỗ trợ thực hiện: LadiPage Việt Nam (nền tảng tạo Landing Page), BambuUP (nền tảng mở về đổi mới sáng tạo), ANTSOMI (công nghệ marketing ứng dụng trí tuệ nhân tạo), được tài trợ bởi: Nobi.Pro , SMIT, Atosa.Asia và Haravan.
Đội ngũ chuyên gia của dự án đều là các chuyên gia nổi bật trong ngành MarTech, tiêu biểu như Mr. Tình Nguyễn (Đồng sáng lập LadiPage Việt Nam, Nhà sáng lập và điều hành Vietnam MarTech), Mr. Đinh Lê Đạt (Đồng sáng lập của ANTSOMI), Mr. Jack Nguyễn (Regional Managing Director SEA của Insider) cùng với đội ngũ chuyên gia đến từ các đơn vị LadiPage, ANTSOMI, BambuUP.
Các chuyên gia đã cùng nhau nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp và xây dựng báo cáo toàn cảnh các công cụ, công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử - Ecommerce Technology Landscape 2022 for Vietnam Ecommerce Merchants.
Vietnam MarTech - Đơn vị tổ chức chuỗi các hoạt động sự kiệnxoay quanh chủ đề Công nghệ Marketing (MarTech)lớn nhất Đông Nam Á.
Mục tiêu của dự án là cung cấp các dữ liệu đa dạng và phân loại khoa học với mong muốn trở thành một nguồn thông tin đáng tin cậy cho các chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Từ đó, các chủ doanh nghiệp có thể nghiên cứu, khám phá và đầu tư ứng dụng các công cụ, dịch vụ công nghệ phù hợp để tối ưu hoạt động, nâng cao năng suất, phát triển doanh nghiệp, tăng tốc và bứt phá trong thời đại kinh tế số như hiện nay.
Đồng thời, với những dữ liệu đầy đủ về các công ty trong lĩnh vực công nghệ thì đây cũng sẽ là nguồn thông tin thúc đẩy và mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước giữa các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Một sự kiện của Vietnam MarTech diễn ra năm 2019 về ứng dụng công Nghệ Marketing vào phát triển và tăng trưởng kinh doanh đã diễn ra thành công tốt đẹp với hơn 1500 người tham gia.
Phát triển tính liên kết trong ngành thương mại điện tử Việt Nam - Động lực thúc đẩy dự án ra đời
Nói về lý do và động lực ra đời của báo cáo, ông Tình Nguyễn, giám đốc điều hành Vietnam MarTech cho rằng hệ sinh thái thương mại điện tử ở thị trường toàn cầu cũng như Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng trong 5 năm trở lại đây.
Ông Tình Nguyễn, giám đốc điều hành Vietnam MarTech.
Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc trong môi trường kinh doanh của ngành, ông và nhiều chuyên gia trong ngành đều nhận ra nhận ra rằng có một sự ngắt kết nối rất lớn giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử với các đơn vị cung cấp, phân phối hay phát triển các công cụ, công nghệ họ đang sử dụng hoặc nên sử dụng.
Nói cách khác, bản thân các doanh nghiệp hay nhà bán lẻ đang rất loay hoay không biết mình cần phải đầu tư các công cụ, công nghệ nào trong hoạt động kinh doanh và nếu có thì cũng khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.
Công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạt động tiếp thị,… nhờ vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo ông, trong ngành thương mại điện tử, mỗi bên liên quan đều đang gặp phải các vấn đề của riêng mình.
Cụ thể là, đối với các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thường đưa ra lời khuyên mang tính chất chung chung, phổ quát về các công cụ mà họ muốn sử dụng, tạo ra quy trình hợp lý cho họ chứ không thực sự hướng đến các nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp trong ngành.
Ngược lại, đối với các doanh nghiệp, mặc dù luôn có nhu cầu rất lớn trong việc chuyển đổi số và sẵn sàng đầu tư lớn cho việc ứng dụng công nghệ nhưng họ lại phải chịu áp lực lớn về "cơm áo gạo tiền".
Hầu như các nhà bán lẻ luôn phải chạy theo kênh tiếp thị, theo các chỉ tiêu doanh số mà không có thời gian để nghiên cứu chính xác các công cụ, công nghệ và tài nguyên mà họ cần, chưa nói tới việc tìm chúng ở đâu.
Công nghệ vốn là lĩnh vực luôn đòi hỏi sự cập nhật liên tục, các chủ doanh nghiệp thương mại điện tử không có đủ thời gian để bắt kịp với những thay đổi ngày nhanh như vũ báo của các xu hướng mới.
Một nghịch lý khác là bản thân các công ty công nghệ nói chung và trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng thường hạn chế trong khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm so với các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.
Họ có xu hướng không giỏi trong việc quảng bá sản phẩm của chính mình và không cũng không thích nói về giá cả, sự cạnh tranh và những hạn chế của họ.
Ngoài ra kiến thức và sự hiểu biết, kinh nghiệm sâu sắc toàn diện về lĩnh vực công nghệ là rào cản chung khiến cho quá trình tiếp thị và tiếp cận doanh nghiệp thương mại điện tử của các công ty cũng gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể là các công ty truyền thông chuyên cho ngành thương mại điện tử dường như chỉ tập trung vào tiếp thị và giáo dục hơn là phân tích các công cụ và công nghệ.
Tương tự, các nền tảng đánh giá công nghệ như G2Crowd, Capterra thì tập trung quá rộng vào các công nghệ dành cho các doanh nghiệp thương mại điện tử vừa và nhỏ, và những đánh giá này cần có thêm tiếng nói có giá trị của các chuyên gia và những người hiểu biết sâu về công nghệ và về ngành này.
Vì thế, báo cáo này ra đời phần nào giải quyết phần lớn các vấn đề trên, thực hiện sứ mệnh làm cầu nối giữa các doanh nghiệp trụ cột và các thành viên liên kết trong ngành thương mại điện tử.
Mục đích chính của báo cáo là cung cấp cho người mua công nghệ cái nhìn tổng thể về bối cảnh công nghệ và những người tham gia thị trường thương mại điện tử.
Ông Tình Nguyễn cho biết: "Chúng tôi đã quan sát được nhiều sự dịch chuyển đáng chú ý trong bức tranh toàn cảnh về thị trường công nghệ tiếp thị, công nghệ bán hàng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chúng tôi hy vọng rằng, báo cáo sẽ là nguồn đáng tin cậy để các chủ doanh nghiệp thương mại điện tử nghiên cứu, khám phá và mua sắm các công nghệ, công cụ phù hợp để phát triển doanh nghiệp của mình, bắt kịp với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chuyển đổi số."
Nhận diện 8 danh mục ngành nghề với hơn 205 công ty trong lĩnh vực thương mại điện tử
Báo cáo đã xác lập hơn 205 công ty công nghệ thương mại điện tử, giải quyết 25 ưu tiên công nghệ từ các hoạt động xây dựng sự hiện diện số đến các hoạt động tiếp thị, bán hàng, vận hành, logistics và đặc biệt là quản trị dữ liệu tập trung.
Hơn 205 công ty công nghệ được phác hoạ trong một bức tranh tổng thể, được phân loại thành 8 nhóm danh mục chính (25 nhóm danh mục phụ) bao gồm:
1-Store Design (Tổ chức kho bãi), 2-Finance (Tài chính), 3- Marketing, 4-Sales & Conversion (Sale và Chuyển đổi), 5-Operation & Logistics (Vận hành và Hậu cần), 6-Customer Support (Dịch vụ khách hàng), 7-Loyalty & Retention (Duy trì lòng trung thành và Giữ chân khách hàng), 8-Data Analytics & Business Intelligence (Dữ liệu và Khai thác dữ liệu).
Ông Tình Nguyễn, đồng sáng lập LadiPage cho biết các doanh nghiệp thương mại điện tử có thể cải thiện tỷ lệ chuyển đổi của họ bằng cách xem xét và trở thành khách hàng hoặc đối tác của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ (SaaS).
SaaS (viết tắt của Software-as-a-Service), một trong những dạng điện toán đám mây phổ biến nhất được định nghĩa là mô hình phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm.
Các công ty SaaS tập trung vào giáo dục người tiêu dùng, nơi họ cung cấp cho khách hàng thông tin họ cần vào thời điểm họ cần, nếu kết hợp được với các doanh nghiệp trong ngành, họ có thể cải thiện trải nghiệm của khách hàng, từ đó mang lại kết quả tích cực cho công ty.
Theo ông Đinh Lê Đạt, đồng sáng lập của ANTSOMI cho biết: "Ecommerce Landscape là la bàn cho các doanh nghiệp có chiến lược chuyển đổi số thực sự khi giúp dữ liệu thương mại và tiếp thị của doanh nghiệp có thể kích hoạt được để thu hút khách hàng một cách thông minh, với trải nghiệm được cá nhân hóa để xây dựng giá trị lâu dài của khách hàng."
Ông Đinh Lê Đạt, đồng sáng lập ANTSOMI.
PV