(Tổ Quốc) - Lỗ Vĩ Đỉnh, con trai của người sáng lập Tập đoàn Wangxiang Lỗ Quan Cầu, đã trở thành nhà hảo tâm hàng đầu Trung Quốc năm 2019. Sau khi hưởng thừa kế từ cha mình, thế hệ F2 đã "mạnh tay" quyên tặng hàng nghìn tỷ đồng để lập quỹ từ thiện mang tên cha.
Những người khác nhau có cách làm từ thiện khác nhau. Ví dụ như Trần Quang Tiêu, doanh nhân tái chế và nhà từ thiện người Trung Quốc, luôn công khai “làm lớn” mỗi khi đóng góp từ thiện. Tuy thường bị dư luận chú ý nhưng ông quyên tặng vàng thật bạc trắng, rất hữu ích cho mọi người.
“Ông vua thủy tinh” Cao Dewang, người là ông chủ của Fuyao Glass - công ty sản xuất đồ thủy tinh hàng đầu Trung Quốc, thì luôn hoạt động thiện nguyện âm thầm. Những người như họ có quan điểm rằng, từ thiện không phải việc làm cho mọi người xem, miễn không hổ thẹn với lòng mình là được.
Tỷ phú Lỗ Vĩ Đỉnh (theo bính âm Hán Ngữ là Lu Weiding) thì lại khiến dư luận phải ngỡ ngàng khi quyên góp khối tài sản hàng tỷ Nhân dân tệ (tương đương với hàng nghìn tỷ đồng).
Ông là người điều hành Giám đốc điều hành của Tập đoàn Wanxiang - một trong những doanh nghiệp phi chính phủ đa ngành lớn nhất Trung Quốc. Vị tỷ phú họ Lỗ kế thừa Tập đoàn từ cha mình là ông Lỗ Quan Cầu (Lu Guanqiu), người thành lập tiền thân của Tập đoàn Wanxiang vào năm 1969.
Sau khi Lỗ Quan Cầu (ảnh bên phải) mất vào năm 2017, Lỗ Vĩ Đỉnh (ảnh bên trái) thừa kế vị trí của cha mình và trở thành người điều hành Tập đoàn. Ảnh: Sina
Năm 2019, trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tập đoàn, Lỗ Vĩ Đỉnh đã công bố quyên góp toàn bộ tài sản của Wanxiang cho đến năm 2018 để thành lập Quỹ từ thiện Lu Guanqiu Wanxiang. Quỹ này được đặt theo tên của ông Lỗ Quan Cầu, ghép với tên tập đoàn.
Quyết định được Hội đồng quản trị của Wanxiang nhất trí thông qua. Như vậy, khối tài sản này sẽ được dùng cho việc phát triển công nghệ mới, đào tạo chất lượng nguồn nhân lực cấp cao, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ thành lập các cơ sở nghiên cứu ứng dụng trong khoa học và công nghệ.
Khối tài sản được Lỗ Vĩ Đỉnh quyên góp “khổng lồ” đến mức nào?
Theo báo cáo quý đầu tiên của công ty niêm yết năm 2019, Tập đoàn Wanxiang là đơn vị nắm giữ trực tiếp và gián tiếp cổ phiếu của các công ty niêm yết hạng A tại Trung Quốc. Ở thời điểm đó, giá trị thị trường của các công ty này vượt quá 40 tỷ Nhân dân tệ. Như vậy, số cổ phiếu trong tay Wanxiang sẽ tương ứng với hơn 10 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 35,2 nghìn tỷ đồng).
Sau khi tiếp quản Tập đoàn Wanxiang, đây không phải là lần đầu tiên Lỗ Vĩ Đỉnh thành lập quỹ từ thiện dưới danh nghĩa cha mình. Vào tháng 6 năm 2018, ông đã thành lập Quỹ từ thiện Lu Guanqiu Sannong Fuzhi và trao toàn bộ vốn chủ sở hữu trong số tiền đầu tư 600 triệu Nhân dân tệ của Tập đoàn Wanxiang Sannong.
Mục đích của quỹ này là khuyến khích phát triển nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp, làm giàu cho nông dân và tác động đến đầu tư. Tài sản và thu nhập của quỹ sẽ được sử dụng cho các hoạt động từ thiện như xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người cao tuổi, giúp đỡ người tàn tật, chăm sóc đặc biệt và cứu trợ thiên tai... Vốn hóa thị trường tương ứng của Quỹ Luguanqiu Sannong Fuzhi đã lên tới hơn 4 tỷ Nhân dân tệ.
Theo “Luật từ thiện” tại Trung Quốc, một khi tài sản được giao cho một tổ chức tín thác, chúng sẽ tách biệt với tài sản riêng của gia đình. Tài sản không còn thuộc về gia đình, mà là của xã hội.
Sau khi quyên tặng những khối tài sản trị giá nhiều tỷ Nhân dân tệ, doanh nhân Lỗ Vĩ Đỉnh nói rằng: “Đó chính là bài học mà cha đã dạy tôi. Phải luôn ghi nhớ, chỉ mỗi giàu có thôi là chưa đủ. Một doanh nghiệp bao giờ cũng phải tìm kiếm và gìn giữ được linh hồn và giá trị của riêng mình.”
Ông Lỗ Vĩ Đỉnh năm nay đã 50 tuổi. Ảnh: Sina
Huyền thoại của cha - Con trai tiếp nối
Lỗ Quan Cầu là người gốc Chiết Giang. Từ việc bắt đầu thu mua sắt vụn và biến thành nông cụ trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, ông trở thành thế hệ doanh nhân tư nhân đầu tiên.
Theo Sohu, ông thành lập Nhà máy Nông cụ Xiaoshan Ningwei vào năm 1969 và sau đó phát triển thành Tập đoàn Wanxiang. Lĩnh vực kinh doanh bao gồm bất động sản, kinh doanh nông nghiệp và tài chính, nhưng cốt lõi của nó là phụ tùng ô tô. Trong lĩnh vực phụ tùng ô tô, tập đoàn này vẫn là nhà cung cấp lớn nhất Trung Quốc.
Vào tháng 10 năm 2018, Lỗ Quan Cầu đã được đề cử là một trong 100 doanh nhân tư nhân xuất sắc trong 40 năm cải cách và mở cửa. Ông chính là hình mẫu của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tại đất nước này.
Lỗ Quan Cầu đã qua đời vào tháng 10 năm 2017. Thời điểm đó, ông sở hữu khối tài sản lên tới 5,7 tỷ USD, là tỷ phú đứng thứ 261 trên bảng danh sách Tỷ phú 2017 của Forbes. Ông cũng là người giàu thứ 21 trong Danh sách người giàu Trung Quốc 2016.
Lúc đó, Jack Ma còn là Chủ tịch HĐQT của Alibaba và là một trong những doanh nhân có mối quan hệ thân thiết với gia đình họ Lỗ. Theo NetEasy, vị tỷ phú này đã vội vã rời khỏi một cuộc họp để tới gặp mặt ông Lỗ Quan Cầu lần cuối.
Jack Ma cũng chia sẻ: "Tưởng niệm tốt nhất dành cho ông chủ Lỗ chính là kế thừa và phát huy tinh thần kinh doanh của ông qua thật nhiều thế hệ."
Theo Sina, ông chủ Alibaba lúc đó từng chia sẻ: Năm 1969, khi mà đại đa số mọi người còn chưa biết kinh tế thị trường là như thế nào, Lỗ Quan Cầu đã bắt đầu xây dựng nhà xưởng.
Năm 1984, khi mà đại đa số mọi người còn chưa biết nước ngoài trông như thế nào thì ông ấy đã xuất khẩu sản phẩm tới thị trường Mỹ rộng lớn.
Cuối thế kỷ trước, khi mọi người mới bắt đầu hội nhập, sự nghiệp của nhà họ Lỗ đã có vị thế vững vàng trên thế giới, trở thành đơn vị tiên phong trong công cuộc toàn cầu hóa.
Jack Ma nói: "Hầu hết chúng ta chỉ tin những gì mình thấy, chỉ có một số người thấy những gì mình tin. Lời này quả thật rất thích hợp để hình dung sự đặc biệt của ông Lỗ Quan Cầu."
Lỗ Vĩ Đỉnh, người con trai tiếp quản sản nghiệp của ông Lỗ Quan Cầu, cũng kế thừa tinh thần kinh doanh của cha mình. Từ khi còn trẻ, Lỗ Vĩ Đỉnh đã bước chân vào tập đoàn của cha với xuất phát điểm là một nhân viên rất bình thường.
Bắt đầu từ cấp cơ sở sau đó mới dần dần đi lên giúp Lỗ Vĩ Đỉnh xây dựng nền tảng vững chắc, hiểu sâu về quy trình hoạt động, văn hóa nội bộ và phương hướng kinh doanh của tập đoàn.
Sau khi tiếp quản công việc kinh doanh của cha, Lỗ Vĩ Đỉnh nhanh chóng chứng tỏ bản lĩnh khi chuyển đổi Wanxiang từ “loại hình nhà máy tổng hợp” sang “tập đoàn hóa”. Ông chủ mới cũng ra sức nâng cấp sản phẩm, gia tăng chất lượng.
Những nỗ lực này đã thúc đẩy Wanxiang phát triển hơn cả, vươn mình từ công ty sản xuất trong nước để trở thành tập đoàn quốc tế.
Bên cạnh đó, Lỗ Vĩ Đỉnh cũng là thừa hưởng hoàn toàn tinh thần thiện nguyện của cha mình. Thông qua nhiều lần quyên góp phần lớn tài sản, ông trở thành nhà hảo tâm hàng đầu Trung Quốc trong "Danh sách từ thiện Hurun 2019".
Theo Viện nghiên cứu Hurun công bố, người kế nhiệm của Tập đoàn Wanxiang đã quyên góp khối tài sản lên tới 4,96 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 17,4 nghìn tỷ đồng).
*Tổng hợp
Phương Thuý