Loại bất động sản từng “ế ẩm” sẽ trở thành hàng “hot” trong thời gian tới

(Tổ Quốc) - Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021, lượng tồn kho bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi. Tuy nhiên, đến nay khi du lịch chuẩn bị được mở cửa hoàn toàn trở lại, chuyên gia cho rằng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ trở thành hàng “hot” trong năm 2022.

Tồn kho chủ yếu là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2021, đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, cả nước có 252 dự án với 99.958 căn hộ được cấp phép, bằng 34% so với năm 2020. Trong đó, thị trường ghi nhận 1.046 dự án với 299.075 căn hộ đang được triển khai xây dựng, bằng khoảng 88,5% so với năm 2020. Đồng thời, thị trường có 172 dự án với 24.027 căn hộ đã hoàn thành xây dựng, bằng khoảng 59,7% so với năm 2020.

Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.763 căn hộ; có 16 dự án với 3.046 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 09 dự án với 2.127 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.

Loại bất động sản từng “ế ẩm” sẽ trở thành hàng “hot” trong thời gian tới - Ảnh 1.

ảnh minh họa.

Đối với dự án nhà ở công nhân, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.144 căn hộ, với tổng diện tích 2.710.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 107 dự án với quy mô xây dựng khoảng 145.000 căn hộ, tổng diện tích 7,3 triệu m2.

Về lượng tồn kho bất động sản năm 2021 có giảm so với năm 2020. Tổng hợp đến cuối năm 2021, số lượng nhà ở đưa ra giao dịch trên thị trường nhưng còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2021 ước tính vào khoảng 2.286 căn hộ. Lượng tồn kho bất động sản năm 2021 ít hơn nhiều so với năm 2020 (năm 2020 khoảng 9.000 căn).

Lý giải về vấn đề này, Bộ Xây dựng đánh giá, nguyên nhân một phần do nguồn cung hầu hết các phân khúc bất động sản mới của thị trường đều hạn chế.

Nhìn chung, các phân khúc như căn hộ bình dân, căn hộ trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đặc biệt là đất nền đều được hấp thụ tốt và tính thanh khoản cao, hầu như không phát sinh tồn kho. Lượng tồn kho bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi.

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trở thành hàng “hot”

Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group dự báo, kênh đầu tư tốt trong năm 2022 là bất động sản nghỉ dưỡng ven đô, nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài hay các bất động sản nghỉ dưỡng sở hữu có thời hạn nhưng đã được các chủ đầu tư điều chỉnh, đưa ra xuất đầu tư hợp lý và thay đổi cách thức quản lý vận hành sẽ hút mạnh khách đầu tư trong năm 2022.

"Bất động sản các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về mức giá bởi sự khan hiếm về nguồn cung. Cùng với đó, Đà Nẵng cũng sẽ là ngôi sao sáng sau hai năm dịch bệnh khi hàng loạt các chủ đầu tư lớn như Sun Group bắt đầu quay lại Đà Nẵng và Quảng Nam. Cùng với đó, Phú Quốc cũng sẽ là địa phương hút dòng tiền đầu tư rất lớn trong năm 2022 khi tất cả các "đại bàng" đều đã ở đó", ông Tuyển nhấn mạnh.

Cũng  theo chủ tịch BHS Group, các tỉnh Tây Nguyên, Miền Tây Nam Bộ cũng là những thị trường bất động sản rất phát triển nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ về hệ thống cơ sở hạ tầng và mức giá bất động sản ở đây còn quá thấp. Một số tỉnh, thành phố khác có hạ tầng giao thông phát triển, đường cao tốc, sân bay, mật độ dân số đông, kinh tế phát triển, người dân có tích lũy thu nhập cao như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa cũng là các thị trường có thanh khoản cao. 

"Cùng với đó, các bất động sản du lịch tại khu vực Nam Trung Bộ, các địa phương như Quy Nhơn, Bình Định, Bình Thuận nhà đầu tư mua bất động sản nghỉ dưỡng ở thời điểm này là rất hợp lý nhằm đón đầu tự phục hồi hoàn toàn của du lịch quốc tế trong 2 năm nữa, khi dự án được bàn giao nhà và đưa vào kinh doanh", ông Tuyển khẳng định.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, du lịch là một trong những ngành nghề được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và các chương trình ưu đãi, kích cầu hấp dẫn cho du khách. Nhiều địa phương trong nước đã và đang thực hiện các “điểm đến an toàn”, thu hút khách du lịch quay trở lại. Cùng với đó, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng “nóng” dần lên. Có thể nói, sau khoảng thời gian khá dài đóng cửa chống dịch Covid-19, đến nay nhiều hoạt động du lịch đã dần được khôi phục.

Loại bất động sản từng “ế ẩm” sẽ trở thành hàng “hot” trong thời gian tới - Ảnh 2.

Cũng theo vị chuyên gia, nền kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2022 với mức tăng trưởng GDP từ 6 - 7%. Đây sẽ nền tảng tốt cho du lịch bứt phá, bất động sản du lịch phát triển. 

Ngoài ra, với nhiều lợi thế về du lịch cùng nhu cầu lớn về giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau những tháng đóng cửa của người dân, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hứa hẹn sẽ có nhiều động lực để nhanh chóng hồi phục.

Còn ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội dự đoán, bức tranh thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong năm nay có thể sẽ được cải thiện nhờ việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 đang được hoàn thiện; trong đó có những vấn đề pháp lý của bất động sản du lịch.

Ông Điệp nhấn mạnh, thời gian qua rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã rút khỏi thị trường bất động sản du lịch kiểu mới, nếu muốn thu hút được đầu tư vào phân khúc này, thời gian tới cần phải có khung pháp luật tạo ra được sự hấp dẫn về lợi ích. Có thể cân nhắc sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng cho phép người cần đất được lựa chọn giữa 2 hình thức: Mua lâu dài quyền tài sản đất đai hoặc thuê đất với mọi loại đất. Việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý chính là chìa khóa tạo ra động lực cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, theo ông Điệp, hiện nay Chính phủ đã có các lộ trình mở cửa đường bay quốc tế cùng với các địa phương đang triển khai kế hoạch thích ứng an toàn trong tình hình mới theo Nghị quyết 128 sẽ kích thích du lịch trong nước cũng như quốc tế trong thời gian tới, tạo điều kiện để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phục hồi nhanh.

Tuấn Minh

Tin mới