(Tổ Quốc) - 19 mặt hàng nhựa, bao gồm cả ống hút, sắp biến mất hoàn toàn khỏi các quán ăn và cửa hàng tiện lợi tại Ấn Độ.
Ngày 1/7, chính phủ Ấn Độ quyết định ban hành lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng ở quốc gia Nam Á. 19 mặt hàng nhựa, bao gồm cả ống hút, theo đó sẽ biến mất hoàn toàn khỏi các quán ăn và cửa hàng tiện lợi.
Công ty Dabur India và Parle Agro, hai trong số những nhà sản xuất đồ uống lớn nhất cả nước hiện chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả. Họ buộc phải nỗ lực chạy đua để thay thế và chuyển đổi mô hình sản xuất sang ống hút giấy thân thiện hơn, song vẫn phải đảm bảo doanh thu. Kịch bản thiếu hụt là điều khó tránh, nếu những nhà máy không xoay sở kịp thời.
Theo Ilhan Savut, chuyên gia phân tích của Bloomberg NEP , cam kết loại bỏ nhựa sử dụng một lần vào năm 2019 của Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu tham vọng cho châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ, dù đã nhiều lần trấn an rằng ngành công nghiệp đã có thời gian dài chuẩn bị cho sự thay đổi, song việc thiếu hụt các lựa chọn thay thế vẫn tồn tại, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn.
"Ngành công nghiệp Ấn Độ buộc phải tăng cường nhập khẩu vào đúng thời điểm chi phí tăng cao, trong khi vận chuyển trên toàn cầu bị gián đoạn", Schauna Chauhan, giám đốc điều hành của Parle Agro cho biết.
Ngày 1/7, chính phủ Ấn Độ quyết định ban hành lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng ở quốc gia Nam Á
Tham vọng này chỉ là một phần trong nỗ lực xanh hóa môi trường của các quốc gia. Trong số 380 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, khoảng một nửa là đồ dùng một lần như bao bì, dao kéo và ống hút. Ít nhất 14 triệu tấn nhựa đang nằm dưới đáy đại dương và vấn đề nan giải này vẫn khiến giới chức toàn cầu đau đầu. Ước tính người tiêu dùng Mỹ đã vứt bỏ ít nhất 170 triệu ống hút nhựa mỗi ngày, ngay cả khi quan chức địa phương cấm hoặc hạn chế sử dụng chúng.
Tại Ấn Độ, có khoảng 88.000 công ty sản xuất các sản phẩm nhựa sử dụng một lần với 1 triệu nhân công, theo Kishore P. Sampat, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất nhựa toàn Ấn Độ.
Ống hút nhựa sở dĩ trở thành mục tiêu hàng đầu của các giới chức vì đối với hầu hết mọi người, chúng không cần thiết. Thay vì thay đổi thiết kế, nhiều công ty, trong đó có Dabur, đã chuyển sang ống hút giấy nhập khẩu.
Theo Praveen Aggarwal, Giám đốc điều hành của Action Alliance for Recycling Beverage Cartons, một hiệp hội các nhà sản xuất đồ uống hàng đầu, hiện tại, các công ty nhựa phân hủy sinh học của Ấn Độ chỉ có khả năng đáp ứng tối đa 8% nhu cầu, trong khi các thương hiệu đồ uống không thể nhập khẩu hơn 20% số lượng họ cần.
Một bãi rác phế liệu tại Ấn Độ
Chính vì vậy, một số công ty khởi nghiệp ống hút nhựa tại Ấn Độ đã được hưởng lợi. Evlogia Eco Care Pvt. làm ống hút từ lá cọ dừa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hoặc cung cấp số lượng lớn cho các khu nghỉ dưỡng và nhà hàng cao cấp với mức giá gấp hơn 5 lần ống hút nhựa thông thường. Kể từ khi lệnh cấm được ban hành, nhu cầu tăng vọt khiến quy mô các đơn đặt hàng tăng gấp 5, thậm chí là gấp 10 lần năng lực sản xuất.
"Đây đều là những khách hàng hiện tại của chúng tôi. Chúng tôi không hề quảng cáo hay thực hiện bất kỳ hoạt động marketing nào’’, đại diện công ty cho biết.
Thế nhưng, những lựa chọn thay thế nhựa từ thực vật như vậy vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu bán hàng.
"Mặc dù một số cơ quan quản lý nhà nước đã cho phép sử dụng ống hút nhựa và ống hút giấy có thể phân hủy sinh học, nhưng cơ sở hạ tầng để sản xuất quy mô lớn những loại ống hút này vẫn chưa tồn tại’’, đại diện Dabur nói.
Theo một báo cáo của Kotak Institutions Equities, việc chuyển đổi sang ống hút giấy nhập khẩu có thể khiến giá thành mỗi sản phẩm tăng thêm từ 0,25 rupee đến 1,25 rupee. Đây được cho là sự khác biệt lớn, nhất là đối với những loại đồ uống giá rẻ có giá khoảng 10 rupee.
Ấn Độ đang đẩy mạnh sản xuất ống hút giấy
Trong khi đó, các thương nhân và nhà bán lẻ không tuân thủ quy định mới vẫn đang đứng trước nguy cơ bị phạt nặng. Theo Praveen Khandelwal, Tổng thư ký Liên đoàn các thương nhân Ấn Độ, Bộ Môi trường thường xuyên nhắm vào các "điểm nóng" chuyên tiêu thụ nhựa sử dụng một lần và sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Các đối tượng vi phạm có thể phải đối mặt với hình phạt lên tới 100.000 rupee, thậm chí là phạt tù.
Hiện chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch gia hạn lệnh cấm sử dụng một lần đối với túi nhựa dày vào cuối năm nay, ngay cả khi còn rất nhiều ý kiến phản đối.
"Các lựa chọn bền vững như ống hút giấy sẽ đắt hơn rất nhiều so với ống hút nhựa. Nếu chúng tôi thay đổi và tăng giá, người tiêu dùng sẽ rất tức giận. Chính phủ đưa ra các quy tắc này, song lại không cho chúng tôi công cụ để thực hiện’’, Urvika Kanoi, một chủ doanh nghiệp tại Ấn Độ cho biết.
Theo: Bloomberg, Reuters
Vũ Anh