Loạt cổ phiếu "món quà của thượng đế" rủ nhau bật tăng trần trở lại: "Không có bữa trưa nào miễn phí, tin đồn, phím hàng ba chữ cái..."

(Tổ Quốc) - Loạt cổ phiếu "món quà thượng đế" sàn hàng chục phiên trước đó đã "tỉnh dậy" và bật tăng trần giữa thị trường đỏ lửa. Các cổ phiếu này dường như có cách đánh khá giống nhau, cùng sàn la liệt cùng bật trần trở lại. Ông Tuấn nhấn mạnh nhà đầu tư chứng khoán cần phải tránh việc tin vào các bữa trưa miễn phí, nhóm chat, tin đồn, phím hàng ba chữ cái...

Các "món quà thượng đế" bật tăng trần trở lại sau hàng chục phiên giảm sàn la liệt

Ghi nhận phiên 14/12, nhóm cổ phiếu đầu cơ như IDI, SJF, LIC đã có phiên trần thứ 2 sau chuỗi ngày giảm sàn.

Cụ thể cổ phiếu IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 17.200 đồng/cổ phiếu, sau đà giảm sàn 8 phiên liên tiếp - rới giá hơn 42% so với đỉnh. IDI đã tăng giá trở lại sau khi Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Hải đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu từ ngày 14/12 tức hôm nay. Việc mua vào hay không của ông Nguyễn Thanh Hải sẽ được báo cáo sau khi hết thời hạn giao dịch. Tuy nhiên thanh khoản phiên 14/12 của IDI lên tới 7,3 triệu cổ phiếu. 

Một cổ phiếu khác là SJF của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương cũng đã có phiên tăng trần thứ 2 lên mức 13.500 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản SJF phiên nay chỉ 948.000 đơn vị, lượng dư mua trần lên tới 13.500 đồng/cổ phiếu. Trước đó, SJF đã có 10 phiên giảm sàn gần 50% so với đỉnh của cổ phiếu.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam (mã: TNI) cổ phiếu cũng tăng trần lên 8.830 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 4,1 triệu cổ, dư mua trần 507.000 đơn vị. Trước đó TNI cũng có đà giảm sàn la liệt từ đỉnh 13.700 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu LIC của Tổng công ty Licogi vẽ mô hình cây thông đúng lúc nhà đầu tư hưng phấn nhất hô hào "món quà của thượng đế" khi cổ phiếu tăng tới hơn 14 lần chỉ trong thời gian ngắn. Phiên 14/12, LIC đã bật tăng trần lên 73.400 đồng/cổ phiếu, dư mua trần 25.800 cổ phiếu.

Cổ phiếu SDA của Công ty cổ phần Simco Sông Đà cũng bật tăng trần lên 37.700 đồng/cổ phiếu, dư mua trần tới 196.000 cổ phiếu.

Loạt cổ phiếu món quà của thượng đế rủ nhau bật tăng trần trở lại: Không có bữa trưa nào miễn phí, tin đồn, phím hàng ba chữ cái... - Ảnh 1.

"Những món quà của thượng đế" tăng trần trở lại sau chuỗi ngày giảm sàn la liệt

Cẩn trọng với thông tin đưa ra 

Thời gian qua những cổ phiếu này có khá nhiều "tai tiếng" khi tăng cũng nóng và giảm cũng như "thang máy" với hàng chục phiên giảm sàn khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng.  Đặc biệt, có một cô giáo vùng cao sắp về hưu được học trò rủ đầu tư chứng khoán để tránh lạm phát đã đem quỹ hưu trí mua IDI, SJF lúc giá đỉnh và sau cắt lỗ mua SDA…cổ phiếu sàn la liệt khiến nhiều đêm cô không thể ngủ được vì lo lắng. Những nhóm chat hàng nghìn nhà đầu tư cũng được người lập xoá cùng đà giảm sàn la liệt của cổ phiếu.

Khi cổ phiếu lên cao rất nhiều thông tin được đưa ra về tiềm năng của doanh nghiệp để nhà đầu tư kỳ vọng mua vào và nắm giữ, song cổ phiếu giảm giá nhanh như "thang máy" khiến cho chính những cổ đông cũng nghi ngờ. Chẳng hạn, SDA có công bố hợp tác chiến lược với Smarttech giữa tháng 11/2021 và tuyên bố phân phối sản phẩm cho Smarttech. Họ công bố năm 2022 các sản phẩm máy thở thông minh, bồn rửa đa năng, hệ thống quản trị trường học thông minh Mobella…với doanh số dự kiến lên tới 4.900 tỷ đồng. Tuy nhiên đây chỉ là con số công bố từ một phía, không có bất kỳ một giấy tờ hợp đồng mua bán, đối tượng khách mua nào được công bố kèm theo đảm bảo rằng doanh số sẽ đạt được mức này. Cổ đông chỉ có thể chứng thực được độ "uy tín" trong lời nói của doanh nghiệp được khi năm 2022 qua đi. 

Bản thân SDA vẫn có kết quả kinh doanh vô cùng bết bát. Theo thông báo mới nhất của SDA, đến cuối năm 2024 Simco Sông Đà mới giải quyết xong nguồn tiền để trả cổ tức năm 2011 và 2013 cho cổ đông. Kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 của Simco Sông Đà đạt 23 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đi ngang, đạt 6 tỷ đồng.

Hay như cổ phiếu SJF giảm sàn 10 phiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Trí Thiện cũng có "tâm thư" gửi cho cổ đông công ty. Trong "tâm thư" có đoạn nói về lý do của sự biến động mạnh của cổ phiếu có thể là do dòng tiền của các nhà đầu tư đã vừa đầu tư và đầu cơ theo tin tức về việc SJF có thể sẽ cung cấp sản phẩm sàn container bằng tre cho Tập đoàn Hoà Phát.

Lúc đó nhiều diễn đàn, mạng xã hội hô hào SJF như "Tesla của Việt Nam" khiến cho cổ phiếu này tăng nóng trần hàng chục phiên nhưng công ty không lên tiếng. Mãi sau này khi cổ phiếu vượt 2X chạm đỉnh công ty lên tiếng về việc cung cấp sản phẩm cho Hoà Phát thất bại thì cổ phiếu quay đầu giảm sàn la liệt 10 phiên. Khi giảm sàn 9 phiên, thì Chủ tịch HĐQT lại tiếp tục "bơm tin" cho cổ đông. 

Về thông tin này, lãnh đạo SJF thông tin, công ty đã làm việc với HPG từ 1 năm trước để phát triển sản phẩm sàn container bằng tre. SJF đã cung cấp sản phẩm mẫu lần 1 cho Hòa Phát, tuy nhiên mẫu này chưa đạt. Lý do chưa đạt vì SJF đã sử dụng công nghệ ép khối, là công nghệ công ty đang làm để tận dụng các máy móc thiết bị có sẵn. Tuy nhiên lần 2, SJF đã mua máy làm nguyên liệu mới để làm mẫu dạng composite đúng theo phướng pháp của Trung Quốc đang làm. Mẫu 2 đã được Tập đoàn Hòa Phát gửi đi test theo tiêu chuẩn quốc tế và dự kiến sẽ có kết quả khoảng giữa tháng 12 này.

"Chúng tôi tin tưởng lần test này sẽ đạt vì phương pháp sản xuất đã giống 90% so với phương pháp đang được thực hiện ở Trung Quốc. Nếu chưa thành công SJF sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm mẫu và cung cấp mẫu lần 3", Chủ tịch Sao Thái Dương cho biết.

Loạt cổ phiếu món quà của thượng đế rủ nhau bật tăng trần trở lại: Không có bữa trưa nào miễn phí, tin đồn, phím hàng ba chữ cái... - Ảnh 2.

Tâm thư Chủ tịch SJF sau khi cổ phiếu sàn chục phiên liên tiếp, cổ đông "vỡ mộng" vì tin đồn

Câu nói của Chủ tịch Sao Thái Dương về việc nếu không thành công sẽ hoàn thiện sản phẩm mẫu lần 3 cho Hoà Phát. Hoà Phát mới đầu tư vào sản xuất container, tiến độ dự án rất gắt gao, việc SJF có thể hoàn thành theo tiến độ của Hoà Phát hay không sẽ được trả lời theo thời gian. Song với Hoà Phát, không chỉ có mỗi SJF là lựa chọn duy nhất.

"Không có bữa trưa nào miễn phí"

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset nói rằng, những ngày qua dân mạng lan truyền câu chuyện cô giáo "bay sạch" tiền hưu trí vì lỡ tham gia phải nhóm chat của các "Tư lệnh". Ông Tuấn nói việc này tuy không lạ nhưng sự việc vẫn gây ra nhiều sự xót xa và cho thấy thực trạng dân Việt vẫn cần nâng cao hiểu biết về tài chính một cách rất rõ ràng!

"Đối với bộ môn đầu tư chứng khoán, tôi có 1 thông điệp không chỉ dành cho nhà đầu tư F0 mà còn cho các nhà đầu tư khác. Đầu tiên bắt đầu chính là Ngộ ra, hay có thể nói cách khác là hiểu được bản chất của đầu tư và hiểu thị trường chứng khoán. Muốn tồn tại được trên thị trường, nhà đầu tư phải ngộ ra nhiều điều", ông Tuấn phân tích.

Thứ nhất, đầu tư chứng khoán là một kênh đầu tư rủi ro (thua lỗ có thể xảy ra bất cứ lúc nào). Vì vậy việc quản trị rủi ro mang tính thiết yếu khi đầu tư chứng khoán!

Thứ hai, đầu tư chứng khoán chỉ hiệu quả khi có một chiến lược hợp lý với bản thân và cơ địa của thị trường Việt Nam. Nói cách khác, chúng ta không thể đọc sách về Warren Buffett hay George Soros mà áp dụng thành công tại thị trường Việt Nam.

Thứ ba, chính bản thân bạn là trở ngại lớn nhất cho thành công của bạn. Điều này là do tâm lý và kì vọng của các nhà đầu tư thường bị thiên lệnh và ngộ nhận như: Có thể làm giàu nhanh, đây là tâm lý sai lầm then chốt nhất của một nhà đầu tư vì những hành động kéo theo như đòn bẩy quá mức, sợ cắt lỗ,… sẽ chôn vùi nhà đầu tư trong thua lỗ; Nghĩ rằng chứng khoán là trò chơi may rủi, cờ bạc và mang trong mình tâm lý phó mặc.

Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh nhà đầu tư chứng khoán cần phải tránh việc ngộ nhận về các bữa trưa miễn phí, nhóm chat, tin đồn, phím hàng ba chữ cái...

Bạch Huệ

Tin Cùng Chuyên Mục
Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024, đặc biệt ở mảng môi giới chứng khoán với tốc độ bứt phá mạnh mẽ. Thành tựu này khẳng định chiến lược phát triển vững chắc và đánh dấu bước tiến quan trọng của Kafi trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tin mới