(Tổ Quốc) - Lựa chọn công suất không phù hợp, lắp đặt điều hòa ở góc tường hay kích thước ống đồng không đúng... là một trong những sai lầm mà ai cũng dễ dàng mắc phải khiến điều hòa hỏng nhanh chóng, hóa đơn tiền điện tăng mạnh.
Lựa chọn công suất không phù hợp
Tùy vào thể tích, không gian phòng mà bạn nên chọn điều hòa nhiệt độ có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng. Nếu phòng to mà công suất điều hòa thấp, nhiệt độ không đủ lạnh sẽ buộc máy phải làm việc liên tục, dẫn tới tốn điện, nóng máy và nhanh hỏng. Ngược lại, nếu chọn phòng to mà công suất điều hòa thấp, nhiệt độ không đủ lạnh sẽ buộc máy phải làm việc liên tục, dẫn tới tốn điện, nóng máy và nhanh hỏng.
Để có vị trí lắp đặt điều hòa phù hợp, trước tiên phải biết chính xác diện tích hoặc cụ thể hơn là thể tích phòng của gia đình. Theo đó, căn phòng có diện tích dưới 15m2 nên lựa chọn những chiếc điều hòa có công suất 9.000 BTU, diện tích từ 15m2 – 20m2 điều hòa nên có công suất 12.000 BTU, diện tích 20m2 – 30m2 điều hòa cần có công suất 18.000 BTU và diện tích 30m2 – 40m2 thì chọn mua những chiếc điều hòa có công suất 24.000 BTU.
Việc kỹ càng trong khâu lựa chọn điều hòa sẽ giúp tiết kiệm khá nhiều tiền điện hàng tháng cho gia đình bạn.
Lắp đặt điều hòa ở góc tường
Nếu định lắp điều hòa ở góc tường với suy nghĩ chúng sẽ giúp nhanh chóng giảm nhiệt và tạo không khí thoáng mát cho căn phòng thì bạn nên từ bỏ ngay. Đây là cách làm hoàn toàn sai lầm. Nhiều chuyên gia cho biết, lắp điều hòa ở góc tường nóng sẽ khiến điều hòa vận hành quá tải, chạy tốn điện hơn bình thường.
Do đó, người dùng nên lắp máy ở những nơi có vị trí mát mẻ, thoáng đãng và nằm ở trung tâm căn phòng. Có thế, nhiệt độ trong phòng mới có thể giảm nhanh, sau đó từ từ làm mát ở các khu vực tụ nhiều hơi nóng như bề mặt tường, góc nhà.
Lắp điều hòa ở phần mặt tường thường xuyên có nắng chiếu
Không ít gia đình chỉ chú trọng tới vị trí lắp đặt máy lạnh mà không để ý đến chỗ đặt cục nóng điều hòa. Tuy nhiên, lắp đặt giàn nóng điều hòa tại đúng hướng nắng là nguyên nhân hàng đầu rút ngắn tuổi thọ điều hòa và khiến hóa đơn tiền điện tăng theo cấp số nhân.
Khi hoạt động, điều hòa có xu hướng làm lạnh tại khu vực xung quanh nó trước, sau đó mới tỏa ra xung quanh phòng. Tường nóng sẽ khiến máy hoạt động nhiều hơn, gây tốn điện hơn. Hơn nữa, việc đặt dàn lạnh ở nơi nhiệt độ cao sẽ khiến độ bền thiết bị giảm đáng kể.
Vì thế, bạn nên lắp điều hòa ở vị trí thoáng, không bị vật cản, không ở góc tường, tránh xa tường có ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Đối với cục nóng, nên chọn vị trí thoáng mát, tốt nhất là nơi có nhiều gió. Cục nóng đặt cách tường ít nhất 20-30 cm để không khí được lưu thông.
Lắp điều hòa chung cho cả 2 phòng
Để tiết kiệm, nhất là phòng có không gian nhỏ, một số gia đình gắn một điều hòa thông sang cả hai phòng. Việc lắp đặt như vậy không khoa học, quá trình làm mát sẽ chậm hơn và rất tốn tiền điện.
Nguyên nhân là do các cục lạnh của điều hòa thường có dạng cánh quạt để thổi luồng không khí mát từ dàn lạnh ra bên ngoài. Khi lắp điều hòa chia đôi 2 phòng, phần gió từ cánh quạt sẽ bị cản khá nhiều bởi bức tường ngăn cách, dẫn đến lãng phí luồng gió lạnh.
Theo các kỹ thuật viên lắp điều hoà, cách lắp này chỉ phù hợp với phòng có vách ngăn, đặt dàn lạnh lên cao hơn vách ngăn để hơi mát tỏa ra đều.
Lắp cục nóng và cục lạnh quá gần nhau
Nhiều gia đình vì muốn tiết kiệm dây nối nên đã lắp đặt cụ nóng và cục lạnh quá gần nhau. Việc này là hoàn toàn sai với thiết kế, bởi vì cục nóng và cục lạnh là 2 bộ phận mang 2 chế độ hoạt động khác nhau. Theo đó, cục lạnh chứa một hệ thống ống tuần hoàn nối với cục nóng để làm bay hơi một loại chất lỏng là gas lạnh. Từ đó, cục lạnh sẽ thổi ra khí lạnh làm mát phòng. Ngược lại, cục nóng nhận hơi nóng từ trong phòng hút và đẩy ra ngoài. Vì thế theo thiết kế cục nóng cần được bố trí ngoài trời để thổi hết hơi nóng ra môi trường.
Kích thước ống đồng không phù hợp
Ống đồng cho điều hòa phải tương ứng với công suất thì mới đạt hiệu quả cao. Ví dụ, với máy 1 HP (9000 BTU) dùng ống đồng có đường kính ngoài 10 mm; máy 1.5 HP (12000 BTU) dùng ống 10 mm hoặc 12 mm; máy 2 HP (18000 BTU) dùng ống 12 mm;…Tương tự như phần kích thước, độ dài ống đồng nối giữa dàn nóng và dàn lạnh cũng phải tuân theo các yêu cầu lắp đặt do hãng sản xuất quy định.
Nếu lắp ống đồng quá ngắn, sẽ xảy ra hiện tượng dung môi/gas không kịp hồi về máy nén hết và bị tắc nghẽn, gây hư hỏng nghiêm trọng. Nếu lắp ống đồng quá dài sẽ khiến cho máy làm lạnh chậm.
Vị trí đường thoát nước
Việc thoát nước cho máy điều hòa sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất và tuổi thọ của máy. Bởi trong quá trình hoạt động lượng nước thải trung bình từ 6 -12 lít/ngày đêm, tùy thuộc từng dòng và công suất máy.
Do đó, khi lắp đặt đường ống thoát nước người dùng cần tránh đi đường ống quá dài hoặc gấp khúc; phải có độ nghiêng đảm bảo nước có thể thoát ra từ dàn lạnh nhanh, hiệu quả. Với đường ống đặt ngầm trong tường cần bọc lớp bảo ôn bởi nước lạnh có thể gây ảnh hưởng tới kết cấu tường, dễ gây mốc hoặc nứt.
Lắp điều hòa quá cũ
Nhiều gia đình muốn tiết kiệm chi phí nên đã quyết định mua điều hòa cũ. Tuy nhiên, họ lại không biết điều hòa cũ tốn điện năng hơn rất nhiều. Nguyên nhân là vì điều hòa cũ thường có hiệu suất làm lạnh không cao do động cơ đã yếu đi sau một thời gian dài sử dụng. Để tạo được độ mát như mong muốn, điều hòa cần phải làm việc nhiều hơn, kéo theo đó hóa đơn tiền điện cũng tăng cao. Ngoài ra, những thiết bị này cũng sử dụng công nghệ cũ, không tiết kiệm năng lượng như với sản phẩm mới. Việc sử dụng đồ cũ khiến người dùng đối mặt với nguy cơ hỏng hóc, tốn thêm chi phí cho sửa chữa
Minh Ngọc