(Tổ Quốc) - Tại ĐHĐCĐ Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát (HPG) ngày 24/5, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát đã nói “Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 đi rồi sẽ thấy. Lúc này, ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa là có kết quả kinh doanh quý 2/2022, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.
Phát biểu này của Chủ tịch Long khi ấy đã khiến nhiều cổ đông "xôn xao". Ông Long chỉ ra giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn. Giá than cốc lại liên tục tăng nóng trong thời gian qua và hiện vẫn đang neo tại vùng đỉnh lịch sử.
Than là nguyên, nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất trong quá trình sản xuất gang thép. Vì thế, việc giá than liên tục leo thang cũng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép.
Thêm nữa, căng thẳng địa chính trị giữa Nga – Ukraine cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy chi phí logistics tăng cao. Điều này gây áp lực không nhỏ lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép.
Một nguyên nhân nữa khiến ông Long thận trọng với triển vọng ngành thép là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero Covid" khiến cho nhu cầu thép giảm tại thị trường giảm này. Trung Quốc hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hòa Phát.
Thực tế, đây vốn không phải là vấn đề của riêng Hòa Phát mà là khó khăn chung đối với ngành thép. Thời điểm hiện tại, khi bức tranh tài chính quý II của các doanh nghiệp ngành thép đang dần được công bố, người ta bắt đầu nhìn thấy những gam màu xám.
Tổng hợp BCTC các doanh nghiệp
Lý giải về khó khăn trong 6 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức cho biết, giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý 2 đến nay, lượng thép tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến công ty ngưng sản xuất, giá thép tồn kho tăng cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng giá vốn.
Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp trong quý II/2022 lỗ 2,4 tỷ đồng và kéo kết quả hoạt động kinh doanh chung của công ty đi xuống.
Với việc tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng dòng tiền, kèm với việc siết chặt tín dụng, lãi suất tăng cao so với cùng kỳ góp phần làm chi phí tài chính đặc biệt là lãi vay tăng cao.
Phía công ty cổ phần Thép Mê Lin chỉ giải trình ngắn gọn về chênh lệch kết quả hoạt động kinh doanh của quý 2 năm nay " Bước sang quý 2/2022 do chịu tác động của giá thép trên thị trường thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp, nên doanh thu giảm, lợi nhuận cũng giảm".
Còn phía Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng (CBI - Upcom) kết thúc nửa đầu năm 2022, công ty mới đạt được 37% kế hoạch doanh thu (3.538 tỷ đồng), tuy nhiên so với kế hoạch lợi nhuận (sau thuế) 88,8 tỷ đồng, công ty đã đạt được gần 50% kế hoạch.
Trong báo cáo cập nhật ngành thép mới đây, các chuyên gia đến từ SSI Research đã đánh giá, sau khi tăng 15% trong quý I/2022 do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.
Mặt khác, giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, còn giá thép HRC cũng đã giảm 25% so với mức đỉnh vào tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới.
Trong khi đó, giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 4, giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm (đặc biệt từ Trung Quốc). Mặc dù giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn, song nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty trong các quý tiếp theo.
"Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý II và quý III năm 2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018 - 2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn", các chuyên gia SSI dự báo.
Trọng Nghĩa